Từ hơn 10 năm nay, Children’s Festival là nơi mình được thỏa lòng mong ước làm thiện nguyện. Mình rảnh quá chăng? Không phải, mình vẫn đi làm 40 giờ hoặc hơn mỗi tuần, nhưng thiện nguyện vẫn là một niềm vui và nhu cầu, nơi mình có thêm cơ hội được làm việc cộng đồng, được gặp gỡ, ăn sáng, ăn trưa cùng với những con người có tấm lòng vàng, mong muốn đóng góp cho việc chung.
Children’s Festival được tổ chức Xuân Thu nhị kỳ, mỗi năm hai lần, ngoài ra là có sự kiện khác như Tết nguyên đán hay Triển lãm cộng đồng. Với bề dày thời gian 25 năm, Children’s Festival đã và đang có sức lan tỏa rộng lớn, là hoạt động quy tụ được đông đảo thiếu niên nhi đồng tất cả các sắc tộc khác màu da chơi cùng nhau và sống cùng nhau một cách hòa đồng.
Children’s Festival được sự ủng hộ đóng góp công sức của hàng trăm thiện nguyện viên, các tổ chức hội đoàn chính phủ, các nhân vật “tai to mặt lớn” như các Bộ trưởng, Nghị sĩ cấp liên bang, tiểu bang và quan chức địa phương thường xuyên đến tham dự.
Chủ nhật vừa qua, Children’s Festival được tổ chức tại một địa điểm mới rộng rãi hơn trong công viên Gazzard, Yagoona trong một ngày nắng nóng bất thường, và đó có thể là một lý do các cháu thiếu nhi đến không đông như mọi khi. Tuy nhiên buổi diễu hành vẫn đầy đủ như thường lệ với đại diện các sắc dân Á, Âu, Hải đảo, Nam Mỹ, Trung Đông mà lần này thì mọi người chú ý nhiều đến đoàn từ đất nước Ukraine đang có chiến tranh.
Điều làm mình phải suy nghĩ, trong công việc của thiện nguyện viên, các bác lớn tuổi trên dưới 80, trên dưới 70, trên dưới 60 có vẻ làm việc nhiệt tình và trách nhiệm hơn tụi trẻ 18 đôi mươi? Rất có thể các cháu chưa hiểu được ý nghĩa của Children’s Festival.
Mình đã tham dự nhiều các buổi thuyết trình của Children’s Festival nhưng chưa bao giờ thấy Chủ tịch Thuất Nguyễn hay các thành viên quản trị “kể công” hay thuyết giảng những giáo huấn theo kiểu mục đích tầm quan trọng của Children’s Festival. Khi người ta chưa hiểu thì có bổ đầu ra nhét chữ thì cũng không xong.
Nếu các bạn trẻ tuổi nghĩ rằng Children’s Festival không đủ tốt thì có thể đến với vô số các hoạt động từ thiện khác. Ở các nước văn minh như Úc, đi làm từ thiện là việc hết sức thông thường và phổ biến, hầu như ai cũng đã từng tham gia, ít hoặc nhiều, đó cũng là một lối sống và cách hội nhập vào xã hội đa văn hóa.
Khi sang châu Phi, mình từng gặp những người da trắng từ những nơi xa xôi đi làm thiện nguyện ở đó. Họ mất thời gian (tất nhiên rồi), mất tiền (ít nhất là tiền mua vé máy bay) và chưa chắc đã được biết ơn vì nhiều người dân địa phương còn cho rằng chắc mấy ông bà này có mục đích động cơ gì chứ không tin vào lòng tốt của con người.
Nhiều người sang Úc nhưng vẫn chưa hiểu rằng Úc là nơi sự trung thực, lương tâm và tình thương là những điều có thật. Muốn tránh điều ác, chúng ta hãy cùng nhau làm những điều thiện. Làm riết, cái đầu của mỗi người sẽ nghĩ khác, chúng ta sẽ dần dần thay đổi, giác ngộ để trở thành những con người tốt hơn.
Vì sao nước Úc phồn vinh thịnh vượng và đẹp đẽ, từ bề ngoài lẫn cái đẹp tiềm ẩn bên trong? Đó là nhờ những con người tử tế với cách sống đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét