P1: Đổi mới tập 1
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam được coi là sẽ sang trang Đổi mới tập 2 sau chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam, theo đó quan hệ Việt – Mỹ sẽ được nâng cấp từ Đối tác toàn diện lên thẳng Đối tác Chiến lược toàn diện, bỏ qua giai đoạn Đối tác Chiến lược.
Những người làm công tác lý luận nhận ra rằng, trước đây các văn kiện chỉ nói Đổi mới kinh tế, còn cụm Đổi mới toàn diện mới dùng mấy năm gần đây. Trước đây dùng chữ Hội nhập kinh tế quốc tế, còn bây giờ cắt chữ “kinh tế” đi, còn lại Hội nhập quốc tế.
Vậy là sao, đổi mới của chúng ta bao gồm cả đổi mới kinh tế lẫn chính trị hay chỉ có một nửa thôi? Nên nhớ “cải cách” ở Trung Quốc đi trước “cải tổ” của Liên Xô vài năm và tất nhiên trước “đổi mới” của Việt Nam và ở thuở ban đầu tất cả đều mập mờ về phạm vi của thay đổi.
Đăng Tiểu Bình từng chủ trương nới lỏng kiểm soát về ý thức hệ, điều này đã dẫn đến phong trào đấu tranh dân chủ của sinh viên. Gorbachev còn muốn mọi việc diễn ra nhanh và mạnh hơn với khái niệm “công khai”.
Hậu quả thì như mọi người đã thấy, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, còn Trung Quốc chấm dứt cải cách về chính trị qua sự kiện đàn áp người biểu tình ở Thiên An Môn. Ở Việt Nam, ông Trần Xuân Bách, người được cho là thủ lĩnh phái cấp tiến bị cách toàn bộ chức vụ.
Loạt bài này khá dài, cho phép đủ dung lượng để mình kể chút chuyện riêng tư.
Mình tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm vào giai đoạn cả nước tưng bừng với làn sóng đổi mới. Bố mình quen chú tên Phương, là con rể ông Đỗ Mười, người được coi là thủ lãnh phái bảo thủ đã mở công ty tư nhân lấy tên là “Đổi Mới”, trụ sở tại phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Lúc đó ai cũng thích thú với các bài viết “Những việc cần làm ngay” của đồng chí Nờ Vờ Lờ. Nói mọi người đừng cười, mỗi khi có Nghị quyết của TW, mình đọc đi đọc lại đến mức thuộc lòng.
Sau khi đi làm khoảng 2 năm và mình bắt đầu hoạt động trong Đoàn thanh niên. Có lẽ sự nhiệt tình của mình làm cho các đoàn viên dồn phiếu nên mình được phiếu cao nhất trong đại hội đoàn của cơ quan, trở thành Bí thư rồi đi dự Đại hội đoàn Bộ Ngoại thương.
Trời xui đất khiến thế nào, trong đại hội đoàn bộ, mình ra phát biểu ủng hộ đồng chí Trần Xuấn Bách, UV BCT, Bí thư TW Đảng về các ý kiến chỉ đạo đổi mới đồng bộ, bao gồm đổi mới kinh tế cùng lúc với đổi mới chính trị, giống như Đông Âu và Mông Cổ đang làm. Vậy mà vẫn được bầu vào BCH và Thường vụ và là ủy viên trẻ nhất, mới 23 ruổi.
Mấy tháng sau, nghe tin ông Bách bị cách chức, mình nghĩ thôi toi rồi nhưng rồi chỉ bị phê bình nhẹ theo kiểu rút kinh nghiệm. Lúc đó vào đảng rất khó nhưng ở vị trí của mình thì dễ, vậy mà mình không cần đảng nữa. Mình bắt đầu phá bĩnh, đi làm 8 giờ vàng ngọc thì 7 giờ ra ngồi quán nước, tạm coi là không thiết gì cả.
Như một đứa trẻ bị tước đi thứ đồ chơi yêu thích, mình bắt đầu tính đến chuyện nghỉ việc và đi nước ngoài. Việc ra đi bị trì hoãn vì bố mẹ không ủng hộ nên mình cần có thời gian để gom tiền cho nên đến tận năm 1994 mới đi Úc được.
Sau hơn 30 năm nhìn lại, có lẽ ông Bách đã không sai. Đổi mới kinh tế mà không đụng đến đổi mới chính trị chính là nguyên nhân của tình trạng bất cập tham nhũng không thể kiểm soát, nền kinh tế phát triển lệch lạc, điều kiện môi trường và các mối quan hệ xã hội bị phá vỡ.
Khi khuyến khích làm giàu mà luật pháp không theo kịp để bảo vệ tài sản và nhân quyền cho người dân sẽ dẫn đến tình trạng đang diễn ra tại Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, đó là nhiều người tìm cách đào thoát khỏi đất nước. Dưới góc độ lợi ích quốc gia, câu chuyện những những có tài và có tiền rời bỏ đất nước thì chính là thảm họa, sẽ làm khánh kiệt đất nước.
Nhưng chuyển từ đổi mới tập 1 sang tập 2 lại do nguyên nhân chủ yếu khác, xem hồi sau sẽ rõ.
Đổi mới hay là chết
P2. Quy luật kiểu Mỹ
Cách đây mấy tháng, mấy ông bạn của mình không tin chuyện nâng cấp quan hệ với Mỹ. Bây giờ sau khi đọc bài phần 1, vẫn có bạn cho rằng không thể có chuyện đổi mới tập 2.
Việt Nam là đất nước trên trăm triệu dân, bốn ngàn năm văn hiến nhưng vẫn chưa thể tự đứng trên hai chân của mình, về cả phương diện quân sự lẫn kinh tế. Hàn Quốc vốn nhược tiểu như Việt Nam thì nay đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu ở châu Á.
Nếu không có khoản tiền tươi $100 tỉ ông Tơn của kim ngạch xuất khẩu hằng năm sang Mỹ thì lấy gì mà ăn chơi nhảy múa. Đã thế lại còn chuyện lấy thằng miền xuôi nuôi thằng miền ngược, xuất siêu khủng sang Mỹ thì lại nhập siêu khủng từ Tàu, mà sao chú Sam vẫn coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Chắc mình phải thế nào thì người ta mới thế.
Nhưng nói đi lại phải nói lại, có nước nào hoàn toàn tự lập tự cường chưa? Không có sự nâng đỡ của Mỹ như mở cửa thị trường, chuyển giao công nghệ thì liệu Hàn Quốc có vươn lên mạnh mẽ như hiện nay. Tương tự là với Đài Loan, Singapore, Thái Lan...và cả Trung Quốc, Đặng Tiẻu Bình bốn hiện đại bằng cách nào nếu không nhờ vào kỹ thuật Mỹ.
Ờ, có phải Mẽo đang thao túng đồng đô la để bóc lột và làm giàu trên lưng các nước khác?
Trước đây, hành tinh của chúng ta bị cô lập chia cắt, mọi sinh hoạt trong nội bộ từng mảnh đất khác nhau và không hề liên thông, liên kết với nhau. Còn thế giới phẳng ngày nay, đến đá banh cũng phải có FIFA cai quản theo một quy trình chung, chứ đâu phải mỗi nước đá một kiểu.
Lĩnh vực nào dù là kinh tế, văn hóa, giao thông, viễn thông... cũng có một tổ chức quốc tế và rõ ràng các tổ chức này làm sói mòn chủ quyền của các quốc gia. Thế giới chung một mái nhà ngụ ý một trật tự ngăn nắp hay chung một khu rừng để ám chỉ những bất công và lộn xộn vẫn còn tồn tại.
Cần nhận thức rằng có những quy luật đang chi phối cuộc chơi dù không hoàn toàn theo ý tứ của chủ nhà hay chúa sơn lâm.
Mao Trạch Đông là một người mang nặng chủ nghĩa dân tộc hơn là một người cộng sản. Để ý rằng ở Trung Quốc không treo ảnh các nhà lý luận cộng sản như Marx, Angel hay Lenin. Người Trung Quốc phải học thuộc lòng Mao tuyển chứ không phải trước tác của các ông tổ ngoại bang kia.
Nhưng rồi Trung Quốc vẫn phải đi theo con đường mà Mao “chọn lựa”, đó là chủ nghĩa cộng sản bởi vì Mao cần có vũ khí và trợ giúp của Liên Xô để đánh Tưởng Giới Thạch chiếm thiên hạ.
Tương tự là trường hợp của Cuba, khi Phidel Castro giành được chính quyền vào năm 1959, ông đã lập tức sang thăm Mỹ. Nhưng lúc đó Mỹ có những mối quan tâm khác nên tổng thống Eisenhow không tiếp mà cho ông phó Nixon ra gặp. Bất mãn, Phidel ngả sang phe Liên Xô nhưng cũng phải mất hơn 10 năm mới hoàn toàn ra nhập khối XHCN.
Hai ví dụ trên cho thấy, đối với đường lối chiến lược của các quốc gia thì lý do khách quan đóng vai trò quan trọng hơn ý chí chủ quan. Nhìn rộng ra, tất cả những biến cố ở Mỹ Latin, Đông Âu, Mùa xuân Ả Rập, các chuyển biến ở Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia...là do yếu tố bên ngoài là chính, yếu tố bên trong chỉ là phụ.
Mỹ là nước có sự vượt trội về kinh tế, quân sự, công nghệ, có hàng loạt đồng minh hùng mạnh, có tiếng nói nặng ký trong các tổ chức quốc tế. Dù yêu hay ghét chúa sơn lâm thì cũng phải thừa nhận trong gần 80 năm qua cho thấy (từ 1945) nước nào được Mỹ ưu ái thì được vào dòng chảy lớn phồn vinh, thịnh vượng, còn ngược lại thì như con thuyền lạc lối, chưa biết đi đâu về đâu và hiện tượng này có thể còn kéo dài thêm ít nhất vài chục năm nữa.
Liệu chúng ta có quan ngại không nếu thế giới bị khống chế bởi bộ ba độc tài sắt máu đang thủ đắc vũ khí hạt nhân là Tàu Cộng, Nga và Triều Cộng?
Hun Sen gặp rắc rối với Mỹ khi mạnh tay đàn áp phe đối lập. Để giải quyết, ông về hưu "non" ở tuổi 70, nhường chức thủ tướng cho Hun Manet, một người được "đúc" từ nền giáo dục Mỹ.
Hồ Chí Minh rất muốn kết nối với Mỹ, từng 3 lần viết thư cho tổng thống Mỹ nhưng không được hồi âm. Mới đây, Lê Kiên Thành, con trai Lê Duẩn đã viết trên fb cá nhân rằng cha ông cũng rất mong muốn quan hệ với Mỹ mà không được.
Nói như thế để thấy Nguyễn Phú Trọng may mắn như thế nào. Có thể đồ đoán ông Trọng không thích phương Tây, nhưng ông không thể bỏ lỡ cơ hội đi vào lịch sử như một lãnh tụ Việt Nam đã thành công khi bắt tay được với Mỹ, một việc làm phù hợp quy luật khách quan.
Có ý kiến cho rằng, nếu theo Mỹ thì sẽ bị Tàu đánh cho giống như trước đây chọn bên Liên Xô. Đó là một rủi ro với xác suất thấp, nhưng kể cả điều đó thì cũng chỉ là một cuộc xung đột biên giới kéo dài hơn một tháng như hồi 1979, chứ không thể có chuyện Trung Quốc “giải phóng” cả nước Việt Nam.
Nâng cấp quan hệ với Mỹ và tiếp tục đổi mới sâu rộng hơn còn có hệ lụy nào nữa không, xin xem tiếp phần 3.
Đổi mới hay là chết
P3. Con tim đã vui trở lại
Tổng thống Biden vừa kết thúc chuyến thăm lịch sử tại Việt Nam với việc thiết lập mối Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện cùng một bản thông cáo chung dài dằng dặc, cụ thể và chi tiết.
Bất động sản Việt Nam đã và đang bị Trung Quốc lũng đoạn, nay Bất động sản Trung Quốc sụp đổ thì Việt Nam sẽ bị ăn theo, có dính dáng gì đến Mỹ đâu.
Việc mất các đơn hàng May mặc, Giày dép và đồ gỗ cũng không nên tiếc vì đây là những ngành nghề “công nghệ thấp”, dễ dẫn tới cái bẫy thu nhập trung bình. Điều mà chúng ta nên hướng tới là những hoài bão cao hơn về kinh tế số, kinh tế xanh như đã được đề cập bấy lâu nay.
Các lĩnh vực kinh tế sẽ được triển khai sau chuyến đi có thể kể đến:
1. Khai thác đất hiếm ở vùng Tây bắc
2. Chuyển các Nhà máy công nghệ cao về IT từ Trung Quốc sang Việt Nam
3. Việt Nam mua và nhận viện trợ vũ khí tăng cường phòng thủ từ Mỹ
4. Hỗ trợ ngành sản xuất ô tô và cơ khí như đã bắt đầu với Vinfast.
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc). Việc khai thác nguồn nguyên liệu mới này là một trong những cách phá thế độc quyền của Trung Quốc, đồng thời mang lại nguồn thu to lớn cho Việt Nam.
Việc “lót ổ đón đại bàng” đã được nói đến từ lâu thì nay sẽ trở thành điều có thật. Đây cũng là việc thực hiện chiến lược mới của Mỹ là Frienshoring (chuyển sản xuất sang nước bạn), ít nhất không để tình trạng quá phụ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay.
Mọi người đều đã biết, Đại sứ quán Mỹ đã được khởi công xây dựng sẽ là Đại sứ quán lớn nhất của Mỹ trong vùng Đông Nam Á. Các cử chỉ thân mật giữa các nhà lãnh đạo cho thấy thiện chí của đôi bên, họ đã chuẩn bị chu đáo cho sự kiện Đối tác Chiến lược toàn diện vỡ òa này và có thể tin rằng nước bạn Huê Kỳ muốn giúp Việt Nam hóa rồng hóa hổ.
Mình xa quê hương đã lâu, từng rất buồn với những ý nghĩ tuyệt vọng về đất nước. Điều mà mình vẫn băn khoăn là người Việt vẫn còn hận thù quá nhiều, hậu quả của một cuộc chiến tranh tàn khốc, kéo dài với quá nhiều mất mát tang thương.
Các cụ có câu “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”, làm giàu rất khó nhưng làm sao để đồng thuận còn khó hơn. Theo thông cáo, việc nâng cấp quan hệ Việt Mỹ nhằm “hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”. Mình lưu ý chữ “phát triển bền vững”, và để làm điều này thì bắt buộc phải có hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hy vọng người Mỹ không chỉ giúp người Việt nâng cấp về kinh tế mà còn chiếu cố luôn chuyện này thì đây mới là đổi mới thật sự.
- Đất nước đổi mới rồi, anh có về không?
- Không
Còn gì nữa đâu mà về, một trái tim khô đã rỉ máu quá nhiều, trái tim vẫn muốn yêu nhưng không còn khả năng.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam thiếu nhân lực để phát triển kinh tế tri thức với công nghệ cao. Thật ra điều này không khó, Ấn Độ là nguồn kỹ sư IT rất dồi dào. Không nên phụ thuộc một nước nào, chúng ta có thể nhận các nguồn nhân công có tay nghề khác nhau từ Trung Quốc, Philippines, Indonesia hay Thái Lan, miễn là có cơ chế phù hợp.
Tất nhiên, điều không thiếu được là lực lượng đồng bào khúc ruột ngàn dặm đã trở nên hết sức đông đảo. Những người có tuổi trẻ, tri thức, kỹ năng, am hiểu cách vận hành của thế giới văn minh và có đầy đủ những phẩm chất đưa đất nước Việt Nam trở thành một cường quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét