Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2025

The Oaks


 

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

 

Lâu nay mình hay chém gió về thế sự xa xôi mà ít viết về Việt Nam. Nhiều người cho rằng khi đi xa lâu ngày thì “không biết gì” nữa, nhưng cứ thử xem.
Thú thật mỗi khi nghĩ đến quê hương chỉ thấy một nỗi buồn mênh mang bởi sự tụt hậu quá xa so với thế giới và khu vực. Nhưng con tim đã vui trở lại bởi những diễn biến gần đây khi mà đất nước đang tiến hành chấn chỉnh lại bộ máy một cách sâu rộng.
Sau khi giảm đầu mối Bộ ngành thì nay lại tiếp tục với việc giảm đầu mối tỉnh, một bước thực sự đột phá là bỏ hẳn cấp huyện, để đưa chuyển chính quyền 4 cấp sang chính quyền 3 cấp như hầu hết các nước.
Những diễn biến kinh khủng ắt hẳn phải có lý do khủng khiếp? Mình không tin đây chỉ là chuyện đấu đá nội bộ mà phải là phản ánh của quy luật khách quan nào đó.
Nhân tiện kể chuyện vui về một hài kịch của Nguyễn Ngọc Ngạn với chủ đề ăn mày và ăn cướp. Dù sao ăn cướp cũng có dũng khí “có gan ăn cắp có gan chịu đòn”, còn ăn mày thì chẳng chịu mất gì. Một kẻ lừa tình còn xấu xa hơn kẻ hiếp dâm vì hiếp dâm sẽ có nguy cơ bị pháp luật trừng trị còn trộm tình thì không.
Trên bình diện toàn cầu, chiến tranh lạnh, khi mà hai siêu cường đầu sỏ phải tìm cách tung tiền lôi kéo đồng minh, đã qua từ lâu nhưng tư duy hai phe bốn mâu thuẫn vẫn còn. Hậu quả là Mỹ vẫn phải cáng đáng 70% ngân sách NATO và nuôi hàng loạt các tổ chức quốc tế. Donald Trump đã lớn tiếng phê phán quan hệ thương mại ngu ngốc, theo đó quốc gia của ông phải chịu đựng phần thâm thủng mậu dịch khổng lồ.
Ở đây, không phải lỗi chỉ thuộc về “kẻ ăn xin” mà “bên cho” cũng có tội bởi vì làm gì có chuyện tình cho không biếu không, mục đích không phải là trói buộc thì cũng là thao túng, đè nén và làm mất tự do. Suy ngẫm ra, cơ chế xin cho là rất tồi tệ, nó hủy hoại khát vọng và tiềm năng của con người. Ví dụ các nước Châu Phi đã không thể tiến bộ vì thường xuyên nhận viện trợ từ bên ngoài.
Donald Trump sẽ đi vào lịch sử nếu gỡ bỏ được thói bao cấp trên phạm vi toàn cầu. Chưa rõ liệu có thành công hay không, song những bước đi đầu tiên đã được thực hiện, trước hết là những đòn thuế nhằm lấy lại cân bằng thương mại.
Thế giới đã thay đổi và Việt Nam cũng không thể như trước. Phải chăng kỷ nguyên mới chính là việc “đứng trên đôi chân của chính mình”. Sau thời kỳ “Các Chú Cứ Phá” (CCCP) làm ông anh Liên Xô phải sập tiệm thì đến thời kỳ thặng dư kim ngạch mỗi năm trên một trăm tỉ USD tiền tươi với Mỹ cùng nguồn vốn FDI, ODA rào rạt.
Theo như một số phương án “dự thảo” đang lan truyền trên mạng thì thấy có những tỉnh rất ít dân, chỉ hơn nửa triệu, ngược lại, có tỉnh thành đến hơn 10 triệu người, tương tự các xã cũng chênh lệnh rất nhiều. Có vô lý không?
Xin thưa không. Như bên Úc có “cao xồ” trên một triệu dân, nhưng nhiều council chỉ có vài ngàn. Mục đích ở đây là làm sao thuận tiện cho thủ tục hành chính và sự đi lại của người dân. Vì thế căn cứ diện tích địa lý và giao thông mới là quan trọng nhất chứ không phải số dân.
Mọi người cũng bàn tán tại sao lại sáp nhập chỗ nọ với chỗ kia chứ không phải tê với ni? Mình thì nghĩ đợt này làm một cách cơ bản thôi, nếu cần sẽ điều chỉnh thêm sau.
Giảm đầu mối tất yếu sẽ phải giảm biên chế mà đây mới là điều cấp bách. Khi mà đầu mối tỉnh giảm 50%, xã giảm 60—70%, bỏ hẳn cấp huyện thì số người giảm ít nhất cũng phải 30%. Theo ý kiến cá nhân, nên giảm 90%. Kể cả 90% thì biên chế Việt Nam vẫn nặng hơn Úc nhiều.
Như anh Tô Lâm đã nói, với 70% ngân sách để trả lương và chi thường xuyên cho bộ máy quan liêu khổng lồ thì làm sao có phát triển. Chúng ta cần trưởng thành, cần lớn lên chứ không thể chờ đợi mãi được.
Thực sự mình không tự hào nếu nước mình hùng mạnh, lo chuyện bao đồng thiên hạ, giống như Trump đã chán ngấy việc Mỹ phải chi viện quốc tế và chịu đựng bất bình đẳng thương mại quá nhiều và quá lâu dài.
Mình thích làm công dân một nước nhỏ, ít dân nơi chính quyền có thể dễ dàng gần gũi chăm sóc cho các nguyện vọng của người dân. Thử tưởng tượng khi ngân sách phúc lợi được phân bổ từ trên xuống, đi qua bao tầng tham nhũng TW, tỉnh, huyện, xã, thôn thì đến người dân có còn gì không?
Tốt hơn là một cơ chế tự trị, tự quản về tài chính mà không cần can thiệp của “bên trên”. Làm được hay không lại là yếu tố con người, cụ thể là một đội ngũ lãnh đạo có đủ tài năng. Việc đưa hàng loạt các tỉ phú, những người xuất sắc về quản trị tư sang lĩnh vực quản trị công như bên Mỹ hiện nay là một thử nghiệm thú vị.
Điều nên đặt ra là sau đợt chấn chỉnh tinh gọn sẽ bước tiếp ra sao và cái đích cuối cùng là gì? Mọi người thử đoán coi, có thể dăm mười năm nữa mới vỡ òa. Một thể chế pháp quyền minh bạch là cách tốt nhất để bảo vệ an toàn và sở hữu tài sản cá nhân cho những người “có điều kiện” và gia đình họ.
Mình tin công cuộc tinh gọn bộ máy không phải vì lý do đấu đá nội bộ hay củng cố quyền lực mà chắc chắn vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước. Ánh sáng hy vọng đã được thắp lên!

Thuyết âm mưu: Đằng sau việc thu hồi Kênh đào Panama

 

Trước đây, con đường huyết mạch nối giữa phương đông và phương tây do người Hoa lập ra là “con đường tơ lụa” trên bộ xuyên lục địa Á Âu.
Đến khi có nghề đi biển, con người nhận ra rằng giao lưu bằng đường biển nhanh chóng và hiệu quả hơn. Cùng với kênh đào Suez, kênh đào Panama là hai kênh đào quan trọng nhất, giúp cho việc giao thương hàng hải trên thế giới trở nên dễ dàng.
Nếu như người Anh xây dựng kênh Suez thì người Mỹ xây dựng kênh Panama vào đầu thế kỷ 20 và đây là lý do chính để Panama trở thành một quốc gia độc lập, tách khỏi Colombia vào năm 1903. Lúc đó Panama chỉ là một xứ “vùng sâu vùng xa” về phía tây bắc Colombia với dân số khoảng 40 ngàn người, so với hiện nay là khoảng 4 triệu.
Trong lịch sử, mảnh đất Panama là nơi sinh sống của người da đỏ, nay thì người lai đỏ và trắng chiếm đại đa số. Điều thú vị, người dân xưa kia ở đây đã từng giao lưu với người Nam đảo của Châu Đại dương với bằng chứng về những trái dừa đã được du nhập khẩu từ vùng đất rất xa.
Mới đây, trong một tuyên bố gây sốc, tổng thống Trump đòi “lấy lại” kênh đào Panama vốn dã được trả lại cho Panama theo một Hiệp định song phương vào năm 1977, dưới trào tổng thống Carter. Với việc làm này, chính quyền mới của Mỹ ngụ ý trao trả kênh đào cho Panama là một sai lầm và thiếu tầm nhìn xa.
Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn lại thập niên 1970s, khi mà nước Mỹ bị suy thoái kinh tế, phong trào chống Mỹ nổi lên khắp nơi. Tại Việt Nam, đồng minh VNCH sụp đổ, cùng với diễn biến tương tự tại Lào và Campuchia. Bên Trung Đông, Saudi tỏ ra cứng đầu khi đẩy giá dầu lửa lên cao, trong khi cách mạng Hồi giáo bùng nổ ở Iran. Ngay tại “sân sau” Mỹ latin, Cuba chính thức trở thành nước cộng sản, cùng với phong trào cánh tả trở nên rất mạnh tại Nicaragoa và Venezuela.
Với “hoàn cảnh” như vậy, Carter đã buộc phải làm gì đó nhân nhượng khi trao lại kênh đào Panama cho nước sở tại. “Hành động đẹp” không hẳn không được gì, Panama đã và đang là một đồng minh gần gũi tin cậy với Mỹ.
Cho dù có một sự cố vào cuối năm 1989-đầu 1990, khi quân đội Mỹ đã tấn công nước này để bắt giữ tổng thống Noriega và đưa về Mỹ xét xử tội buôn lậu ma túy. Sau đó trật tự được vãn hồi, Mỹ vẫn trả lại hoàn toàn kênh đào cho Panama vào năm 1999 theo đúng lộ trình.
Để ý rằng, Panama đã từng là một trong số ít các nước duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, tức Trung Quốc Cộng hòa (Republic of China) trong một thời gian dài.
Trung Cộng đã phải nỗ lực rất nhiều, nói đúng ra là tốn tiền rất nhiều để mua chuộc Panama cắt quan hệ với Đài Loan vào năm 2017.
Đến nay, khi bị ông Trump đích thân nhắc nhở, Panama tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận “Một vành đai, một con đường” với Trung Quốc. Thực ra dự án Đai và Đường này đã chết trên thực tế, lý do đơn giản là Trung Quốc hết tiền khi mà nền kinh tế đã chững lại một cách rõ ràng.
Thực sự, mọi người vẫn chưa hiểu việc ông Trump nói muốn thu hồi kênh Panama là thiệt hay giỡn, hay nhằm mục đích gì. Nếu nói là lý do an ninh quốc phòng thì cũng chưa hẳn đúng vì dường như Trung Quốc chưa hề tỏ tham vọng gì về quân sự ở bên kia bán cầu.
Không chỉ vẫn đề Panama, các động thái manh mẽ liên quan đến thuế đánh vào Trung Quốc, Canada, Mexico; ngừng tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ (USAID), tái thiết Gaza...nghe có vẻ rất vô lý nhưng đều phản ánh một điều: thời cuộc đã thay đổi.
Sự độc tôn của Mỹ ngày càng được khẳng định khi Trung Quốc thiếu động lực phát triển; Nga sa lầy ở Ukrain, bị cô lập và bế tắc. Kinh tế Nhật Bản tiếp tục “mất mát” còn liên minh thị trường châu Âu chưa thoát khỏi suy thoái.
Dường như các bộ não ở Wasington DC cho rằng nay là lúc cần vẽ lại bản đồ lợi ích để Mẽo có thể chốt lời càng nhiều càng tốt. Với cách nhìn nhận như vậy, vấn đề kênh đào Panama sẽ có những diễn biến bất ngờ.
Ảnh: nữ cổ động viên Panama tại World cup bóng đá 2018 Russia khi tiểu quốc kênh đào vinh dự dành vé đi dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2025

Bất ngờ: Keys lên ngôi vô địch Úc mở rộng

 

Madison Keys đã bất ngờ hạ gục cậy vợt số 1 Sabalenca trong trận chung kết Úc mở rộng tốt qua với tỉ số sát sao 6-3,2-6,7-5. Ở bán kết, cô còn hạ cây vợt số hai Świątek với tỉ số nghẹt thở hơn 5-7,6-1,7-6(10-8).
Trong 7 trận đã có đến 5 trận Keys phải đấu 3 set. Ngược lại, Sabalenka chỉ mất 1 set để dễ dàng tiến đến trận chung kết.
Chính vì thế đây là bất ngờ lớn đối với giới cá độ, kể cả khi trận chung kết đang diễn ra và Keys luôn dẫn điển thì cá độ vẫn cho rằng cây vợt đương kim vô địch sẽ lật ngược tình thế! Còn Keys thì trả lời phỏng vấn sau trận rằng cô tự nhủ phải "dũng cảm".
Thực ra cậy vợt Mỹ lai 29 tuổi đã từng được coi là thần đồng, niềm hy vọng thay thế chị em Williams. Cô đã là cây vợt hạng 7 thế giới khi còn rất trẻ, cách đây 9 năm. Nhưng chẳng hiểu sao tài năng chẳng chịu lớn, thứ hạng cứ tụt đi... cho đến tối hôm qua mới lần đầu tiên đoạt Grand Slam.
Keys có thể hình lý tưởng 1.78m, có lối đánh tấn công baseline, sở trường là cú thuận tay rất mạnh.
Lần gần nhất cây vợt Mỹ lên ngôi Úc mở rộng là vào năm 2017, cũng là lúc Trump mới vào Nhà trắng (tập 1), cuộc đấu của chị em Williams, trong đó em Serena đã thắng chị Venus trong trận chung kết.
Với thành tích này cộng với điểm thưởng khi thắng tới 4 cây vợt có thứ hạng cao hơn, Keys đã trở lại vị trí số 7 thế giới.

Thời đại Donald Trump có gì lạ?

 

Sau khi trúng cử tổng thống Mỹ, Donald Trump đã gây sửng sốt khi tuyên bố muốn sáp nhập Canada thành một tiểu bang, muốn mua đảo khổng lồ Greenland và thu hồi lại kênh đào Panama. Ổng điên hay đây là một tầm nhìn mới?
Hãy thử bình tâm và xem xét thì những điều này không đi chệch cách tiếp cận “make America great again” mà Trump đã theo đuổi từ nhiệm kỳ 1. Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại vẫn là chủ đề chính của tập 2, thậm chí có thể quyết liệt hơn.
Một bài toán bao giờ cũng có nhiều cách giải khác nhau mà vẫn đưa đến đáp số, dù đúng hay sai. Ưu điểm của thể chế dân chủ là có hai phe và luôn có ít nhất hai giải pháp cho cùng một vấn đề. Không thử thì không thể biết và thử nghiệm nào tốt sẽ được giữ lại.
Còn quá sớm để nói về chủ nghĩa Trump, nhưng rõ ràng ông có một tư duy mới khác rất nhiều so với các chính khách đương thời. Thời đại Trump không phải bắt đầu từ ngày 20/1 tới mà đã có từ 8 năm trước.
Nhiều chính sách khác thường của Trump vẫn được giữ, ví dụ như hủy lệnh cấm khoan dầu. Thực tế các giấy phép khoan dầu của chính quyền Biden nhiều đến mức các doanh nghiệp làm không kịp. Rồi việc đánh thuế phụ trội vào hàng Trung Quốc vẫn tiếp tục được duy trì, mặc dù được điều chỉnh ít nhiều.
Chỉ có chính sách di dân có thể coi là bất khả kháng. Vì đại dịch Covid, hầu hết lao động ngoại quốc về nước dẫn đến việc thiếu nhân công nên Bideen đành chấp nhận nhập cư ồ ạt, kể cả bất hợp pháp, và đây là cách duy nhất để cứu nền kinh tế không bị rơi vào khủng hoảng hậu Covid.
Vấn đề gì cũng có hai mặt. Khi Biden đề cao các giá trị tự do dân chủ thì sẽ giúp đoàn kết hữu nghị với các đồng minh ở Châu Âu, nhưng lại tốn tiền cho NATO và chiến tranh Ukrain, vô hình chung làm hai con gấu xích lại gần nhau, gồm gấu trắng Nga và gấu đen Trung Quốc.
Việc Trump nương nhẹ với Nga không phải vì yêu Putin và đây là vấn đề chiến lược nhằm ly gián Nga và Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình và không còn room để phát triển nhưng vẫn là đối thù tiềm năng của Mỹ.
Mới có tin biểu tình bạo loạn ở Trung Quốc nhưng Mỹ không nên đụng vào chuyện này. Đối với Mỹ, Trung Quốc giữ cộng sản mãi mãi là lý tưởng nhất. Khi còn khoác chiếc áo màu máu, Trung cộng dù không bị cô lập thì ít nhất cũng không thể lôi kéo đồng minh ở Châu Âu, Nhật hay Hàn. Cách tốt nhất là triệt hạ về kinh tế và đây là chủ trương của Trump.
Góc nhìn về địa chính trị toàn cầu của Trump rất khác. Hãy để ý các khái niệm “Friendshoring”, AUKUS, Five eyes allians...Liên minh tình báo ngũ nhãn gồm các nước nói tiếng Anh gồm Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand đã có từ trước năm 1945 đã tái xuất vào cuối trào Trump. Thỏa thuận tay ba AUKUS với điểm cốt lõi là xây dựng tàu ngầm hạt nhân ở Úc được ký kết vào năm đầu của nhiệm kỳ Biden theo ý tưởng từ năm trước.
Thuật ngữ Friendshoring được dùng lần đầu thời Trump nhiệm 1 là cách phân chia bạn thù, theo nghĩa nước nào là bạn hữu thì sẽ được ưu tiên bán hàng vào Mỹ, ít thân thiết hơn thì ít ưu ái hơn, còn những nước đối nghịch thì sẽ ngăn cản.
Chính quyền Trump sẽ dựng lên hàng rào thuế (kể cả rào cản phi thương mại) để trừng phạt những nước không tuân theo cây gậy chỉ huy của Mẽo.
Việt Nam tôi đâu?
Dạo này báo chí ít viết về “cây tre”, hay là nó đã bị đốn gốc? Thật ra chủ trương “đứng giữa” đã có từ thời Hồ Chí Minh khi ông kết thân với Neru của Ấn Độ và Sukarno của Indonesia, hai nhân vật sáng lập ra Phong trào không liên kết đung đưa giữa hai phe của chiến tranh lạnh. Nhưng đến thời Lê Duẩn thì cần vũ khí cho chiến tranh mà Việt Nam phải ngả hẳn về phe Liên Xô. Đến khi Liên Xô sập tiệm thì lại trở về với cây tre.
Cuộc khủng hoảng lưu thông hiện nay cho thấy vấn đề tắc đường không phải chỉ là chuyện vi phạm luật giao thông mà có nguyên nhân sâu xa từ mật độ dân cư và quy hoạch xây dựng. Vì sao một khu vực như Minh Khai trước đây toàn nhà 1 tầng thì bây giờ lại mọc lên như nấm những thòa tháp 30 tầng? Chắc là do “lỗi hệ thống” và vì thế không thể giải quyết chỉ bằng một NĐ 168.
Tân TBT Tô Lâm từng nói Việt Nam phải nằm trong dòng chảy phát triển chung của thế giới văn minh tiến bộ. Nếu phải thay đổi gì đó thì chiến dịch tinh giản bộ máy với việc giảm 30% đầu mối và tối thiểu 20% biên chế chẳng phải long trời lở đất đó sao?
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu sang Mỹ và không thể đứng vững nếu chính quyền mới của Trump không tiếp tục ưu đãi. Một làn sóng mới chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc đã bắt đầu sau khi ông Trump được dự đoán trúng cử và nước ta đã được hưởng lợi từ quý 4/2024.
Ngay cả khi cánh buồm của con thuyền đã dong đúng hướng thì cũng cần có thời gian để chuyển động. Chúng ta nên kiên nhẫn chờ đợi.

Luận Tam quốc: Hậu chủ Lưu Thiện là người khôn hay người khờ?

 

Tam quốc diễn nghĩa trở nên sống động bởi tác giả La Quán Trung rất giỏi trong việc “đánh lừa” độc giả. Truyện mô tả Tào Tháo như một người gian ác nhưng nếu luận kỹ, cái ác của Tháo trong nhiều trường hợp như một điều bắt buộc. Như vụ giết cả nhà Lã Bá Sa, đó là phương án tốt nhất để Ngụy vương tương lai thoát khỏi nguy hiểm và mưu đồ việc lớn sau này, vì vậy Tháo không hề đáng ghét.
Về Lưu Thiện luôn bị coi là ngu si đần độn, ngay các nhà làm phim Tam Quốc cũng chọn một thằng béo phì đóng vai hậu chủ. Nhưng nếu đọc kỹ Tam Quốc thì không hẳn như vậy, những việc làm của Lưu Thiện đều có lý của nó, theo kiểu “thời thế thế thời phải thế”.
Lưu Bị hiếm hoi, 47 tuổi mới sinh được Lưu Thiện, hồi nhỏ gọi là A Đẩu. Trước đó, do sợ không có người thừa kế, Lưu Bị đã nhận Lưu Phong làm con nuôi và như thế, dù là con ruột Thiện không được coi là ngưới sẽ làm vua cho đến khi Phong bị bức tử chết chỉ vài năm trước khi Lưu Bị qua đời.
Trong Tam Quốc, nhưng ghi chép về Lưu Thiện không nhiều như các nhân vật chính. Tích đầu tiên là việc Triệu Vân đại náo trong trăm vạn quân Tào để cứu A Đẩu. Khi được Triệu Tử Long trao lại ấu chúa, Lưu Bị ném phịch xuống đất và nói: vì mày mà tao suýt nữa mất một hổ tướng!
Về sau Lưu Bị lấy em gái Tôn Quyền nhằm thắt chặt giao hảo giữa hai nhà Thục và Ngô. Nhưng hai nước vẫn tranh chấp mảnh đất Kinh Châu. Tôn Quyền muốn khởi binh nhưng lại vướng em gái nên cho người đến nói dối với Tôn phu nhân là mẹ ốm, phải về gấp. Lúc này Tôn thị mới về nhà chồng được khoảng 2 năm, được giao chăm sóc A Đẩu 5 tuổi vì mẹ ruột của cậu là Cam phu nhân đã mất.
Đang đêm, phu nhân cho người dong thuyền về đất Ngô, mang cả theo A Đẩu. Một lần nữa, Triệu Vân lại được lệnh đuổi theo để giành lại A Đẩu. Khi hai nước hòa hiếu trở lại, Tôn phu nhân quay về và sinh cho Lưu Bị hai người con.
Lưu Thiện lên ngôi khi mới 17 tuổi, Khổng Minh tiếp tục làm thừa tướng. Một điển tích thú vị ghi lại chuyện Khổng Minh mắng Hậu chủ vì ham chơi, bỏ bê việc nước. Điều kỳ lạ vua không bật lại mà nhận lỗi.
Trước đó, Khổng Minh là người phản đối việc Lưu Phong nối ngôi, chắc hẳn ông đã tính được trước là làm việc với Lưu Thiện dễ dàng hơn. Bị Thừa tướng mắng, Thiện đã biết lẽ phải để phục thiện, điều không phải ai ở tuổi teen cũng làm được.
Khổng Minh sáu lần ra Kỳ Sơn, hao binh tổn tướng rất nhiều và bản thân ông cũng suy sụp sức khỏe rồi qua đời. Hậu chủ từng cho rằng Bắc phạt sẽ không nên công trạng gì nhưng không ngăn cản. Có lẽ vì ông không muốn đi ngược ý nguyện của cha là muốn diệt Ngụy để khôi phục nhà Hán.
Sau khi Khổng Minh chết, Hậu chủ bãi bỏ danh hiệu Thừa tướng mà chia công việc thành hai chức Đại Tư mã và Đại tướng quân. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với Khổng Minh đồng thời tránh việc bị thao túng khi quyền hành Thừa tướng quá lớn, bao trùm cả chính trị lẫn quân sự.
Mọi người chê Lưu Thiện ưu ái hoạn quan nhưng thật ra đây là một góc nhìn thành kiến. Tất cả các nhân vật hoạn quan trong sử tàu đều bị coi là phản diện. Trong khi việc Hậu chủ dùng Hoàng Hạo không phải là lý do làm mất nước Thục mà do sai lầm tai hại về quân sự của Khương Duy.
Thời Tào mạt vận, quyền bính tập trung trong tay Tư Mã Chiêu. Chiêu có hai tướng tài là Chung Hội và Đặng Ngải. Lợi dụng việc Khương Duy đang mải đánh nhau với Chung Hội, Đặng Ngải đi tắt theo con đường núi Âm Bình, tiến thẳng về Thành Đô.
Lúc này Hậu Chủ Lưu Thiện đã không chọn chiến đấu đến cùng mà nhanh chóng đầu hàng. Mọi người có quyền phán xét, nhưng với hoàn cảnh Thành Đô quân ít, không có tướng giỏi đủ sức đương đầu với Đặng Ngải thì đây là giải pháp hợp lý, giữ có kinh thành không bị tàn phá, hoàng gia và các quan đều được bảo toàn.
Lưu Thiện và các quan bị giải sang đất Ngụy. Tư Mã Chiêu cho mở tiệc chiêu đãi, đến tuồng theo điệu múa hát của người Thục thì các quan tướng đều cảm thấy cảm động rưng rưng. Bất thình lình, Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiện: ông có nhớ nước Thục không? Thiện đáp: ở đây vui lắm, tôi không nhớ nước Thục nữa! Câu nói “giả ngu” từng bị nhiều người chê trách nhưng thực tế đã là cách Hậu chủ giữ được tính mạng.
Trong khi đó, Khương Duy đã lợi dụng sự hiềm khích giữa Chung Hội và Đặng Ngải, giả bộ đứng về phe Chung Hội để xúi Hội làm phản với mưu đồ khôi phục nước Thục. Lưu Thiện có vẻ không quan tâm và không muốn dính vô, chỉ tội Thái tử Lưu Tuyền “ngựa non háu đá” nên đã chết theo Khương Duy khi vụ việc vỡ lở và thất bại.
Cần phải thấy rằng Tư Mã Chiêu gian hùng không kém gì Tào Tháo, sẽ không bao giờ tin Chung Hội và Đặng Ngải. Chắc chắn Chiêu có nhiều chiêu để hóa giải hai đại tướng tài cao và nhiều tham vọng này.
Khương Duy không hiểu rằng việc chống Tư Mã Chiêu lúc này là bất khả thi, trong khi Lưu Thiện chủ trương nhẫn nhục để chờ thời. Tiếc rằng Trời không chiều lòng người, Hậu chủ đành chịu chết già trên đất Ngụy.
“Con của hổ thì không đến nỗi chó”. So sánh ba nhà lập tam quốc thì thấy con Tào Tháo là Tào Phi tàn bạo, làm mất lòng người, hậu quả nhãn tiền là triều Tào bị họ Tư Mã thâu tóm quyền bính rồi mất ngôi. Các con của Tôn Quyền tranh giành ngôi báu làm nhà Ngô suy yếu rồi cũng bị nhà Tấn, sau khi cướp ngôi Ngụy thôn tính.
Lưu Thiện, con Lưu Bị làm vua 41 năm một cách bền vững, không có lỗi khi để mất nước, rõ ràng không phải là một người tầm thường.

Ngẩn ngơ ngày cuối năm

 

Vào ngày này cuối năm ngoái, mình và vợ con đang ở trên đất Hoa Kỳ, trong một chuyến đi vắt qua hai niên 2023 và 2024 quá ấn tượng. Đi đâu không biết, đi Mỹ bạn sẽ học được một sàng khôn, sẽ được biết thêm về nhận thức con người và thế giới, để rồi sau một năm nghĩ lại, chỉ còn biết...ngẩn ngơ.
Có người nhà của mình hỏi tại sao dạo này mình ít viết trên fb? Lý do đơn giản thôi, chẳng phải vì giận dỗi gì ai mà dạo này làm việc nhiều hơn. Tham công tiếc việc, có việc không làm cũng tiếc, đành phải nhận thì không còn thời gian để viết linh tinh.
Bạn viết nhiều, nói nhiều có phải là tốt? Cái đó cũng tùy, nếu có thể nói hay thì nên nói, bằng không im lặng cũng là giải pháp không tồi. Người ta thường xui bạn cứ nghĩ gì nói nấy, nhưng bạn làm theo như vậy sẽ bị mọi người ghét. Chỉ khi bạn nói trúng được điều người khác nghĩ, bạn mới được phong làm anh hùng chứ đa số không quan tâm bạn nghĩ gì.
Đàn ông và đàn bà được ví như sao Kim và sao Hỏa cũng khác nhau rất nhiều. Hãy nói thật đi, bạn thấy phụ nữ hấp dẫn nhất ở đâu? Chắc bạn sẽ để ý từ cổ trở xuống, nơi có nhiều “phong cảnh” hữu tình hơn là cái đầu; còn đàn ông thì ngược lại, từ cổ trở lên mang lại nhiều điều hữu dụng hơn cái thân. Kể cả trường hợp bạn yếu sinh lý mà nếu có cái đầu giỏi thì bạn vẫn có các cách để làm cho người phụ nữ của bạn hạnh phúc!
Ngần này tuổi, mình mới nghiệm ra rằng, để hạnh phúc thì đừng có toan tính nhiều, cái gì đến thì nó sẽ đến, mưu mô lắm cũng chẳng hơn gì vì mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên. Cuồn cuộn đi tìm tình, tiền, làm những điều bất nhân thì mọi người đều biết, không có ai ngu, rồi chỉ làm trò cười mà thôi.
Hôm qua mình được nói chuyện với một cháu tuổi teen, mới sang Úc chưa lâu mà đã thấy nó suy nghĩ mới lạ quá, thực sự đáng mừng. Cháu nó nhận xét về Việt Nam, về cách đối nhân xử thế giữa người với người thật sắc bén.
Đúng là sang Úc rồi thì nên thay đổi, gọi là nhập gia tùy tục. Nếu bạn biết ăn đồ Tây, nghe nhạc Tây thì cuộc sống của bạn sẽ vui và yêu đời hơn rất nhiều. Và khi hòa nhập được với xã hội thì đó là cách thiết lập được các mối quan hệ, và ở đâu cũng vậy, có quan hệ thì mới có thành công và hạnh phúc.
Năm rồi Mẽo và Dziệt Nôm đều điên loạn trong chính trường, báo hiệu những đảo lộn mang tính bước ngoặt trong năm tới. Đầu năm 2025 Úc sẽ bầu cử, cũng dễ khùng lắm!
“Chưa trăm tuổi thì chưa gọi là già”. Mới đơn vị hàng chục thì ăn thua gì, vẫn là tuổi để học hỏi và vẫn có thể tự chuyển biến. Nghĩ đến chuyện phải thay đổi, dù chỉ là thay đổi cái trong đầu mà thấy...lo, nhưng không còn lựa chọn nào khác.

PL: Cục diện điên rồ trước ngày Quà tặng

 

Trong khi các giải vô địch quốc gia Châu Âu tạm nghỉ Giáng sinh và năm mới thì riêng Premier League vẫn tiếp tục, hơn nữa còn là giải đoạn thi đấu nhộn nhịp nhất.
Chưa hết lượt đi, bóng đá Anh đã trải qua 17 lượt đấu điên khùng với những kết quả không biết đường nào mà lần.
Trước hết phải kể đến đương kim vô địch Man city, ứng cử viên năng ký nhất. Đội vào giải với phong độ ổn định, luôn dẫn đầu hoặc trong top đầu thì đột nhiên chỉ có thua và thua và rớt xuống hạng 7. Nếu đổ thừa cho chấn thương thì không đúng vì Arsenal còn chấn thương nặng hơn cũng không đến nỗi nào, hơn nữa năm ngoái các chủ lực của Man city như de Bruyne, Haaland, TM chính Ederson đã ngồi ngoài khá dài mà đội vẫn vô địch đó sao?
Vấn đề ở đây có lẽ là cái đầu chứ không phải đôi chân? Những điều uẩn khúc về gian lận tài chính đã làm thối chí các cầu thủ, thua là một chuyện nhưng cách thua với tinh thần bạc nhược đã nói lên điều này. Theo thông lệ, tin xấu kỷ luật sẽ hoãn công bố cho đến sau kỳ nghỉ lễ, mà theo đồn đoán, nếu không bị giáng hạng hay tước danh hiệu thì tối thiểu cũng bị trừ điểm.
Năm ngoái, Eveton bị trừ 8 điểm, Nottingham Forest mất 4 điểm, may mà Man city chưa kết thúc điều tra chứ nếu bị trừ như thế thì không có cửa vô địch vì Man city chỉ hơn Arsenal có 2 điểm!
Đội bóng hai lần về nhì vừa qua Arsenal đang gặp bão chấn thương một cách tai ác. Đội từng có lúc mất cả ba hậu vệ trái, 2/3 hậu vệ phải, chỉ còn lại Timber lúc chạy sang trái, lúc qua phải. Quan trọng hơn là vị trí đội trưởng kiêm nhạc trưởng Odegaard nghỉ mất gần chục trận. Nay đa số đã quay lại thì lại mất Saka, cầu thủ được coi là xuất sắc nhất.
Saka nằm xuống là tin xấu cho Pháo thủ nhưng là tin tốt cho cá nhân cậu ấy. Từ năm ngoài đến nay, Saka phải cày ải liên tục, thêm giải EURO vào đến tận trận chung kết. Bây giờ là lúc cậu da đen sinh trưởng tại Anh được nghỉ ngơi, dự kiến khoảng 6 tuần cũng là giai đoạn khá lý tưởng vì Arsenal không gặp các đối thủ mạnh, ngoại trừ Man city, nay không còn đáng sợ như trước.
Bênh cạnh đó, hy vọng các nhà tuyển trạch hậu Edu sẽ tìm được một chân chạy cánh chất lượng để chia lửa với Saka; trong bối cảnh Jesus đã hồi phục chấn thương và lấy lại phong độ nên không cần mua thêm “số 9” nữa.
Có xuống thì có lên, Liverpool và Chelsea đã tận dụng cơ hội để leo lên hai vị trí cao nhất. Thật lòng mà nói mình thấy Liverpool chơi không có gì đặc sắc. Trận đụng Arsenal thì chỉ có may mắn mới giúp cho đội này có một kết quả hòa 2-2. Điều kinh ngạc đến với cầu thủ Ai Cập Salah, dù đã sang tuổi 32 vẫn nổ súng đều đặn và đang hướng đến kỳ lục ghi bàn nhiều nhất cho đội bóng Lữ hành đỏ trong lịch sử.
Trong khi Chelsea là một đội hình trẻ đang bốc đồng, nổi bật là Palmer, 22 tuổi, người cũ của Man city. Palmer, một trong những tài năng lớn của đội tuyển Anh, không được trọng dụng trong đội hình quá nhiều ngôi sao ở Man city thì nay đã có cơ hội tỏa sáng trong màu áo xanh khác, sẫm hơn, của Chelsea.
Hai đội bóng từng cạnh tranh sòng phẳng với big six mấy mùa qua thì nay có dấu hiệu chững lại là Anston Villa và Newscatle, thay vào đó là hai tiểu yêu mới nổi Nortingham và Bournemouth, tạm giữ các vị trí tư và năm.
Sau khi lên hạng, Nortingham tiến hành thay máu toàn bộ đội hình và nay là lúc gặt hái thành quả, mặc dù đội cũng không hề có ngôi sao lớn. Tương tự, Bournemouth là đội bóng nhỏ mà đã quật ngã một loạt ông lớn gồm Arsenal, Man city, Tottenham và mới nhất là Man utd.
Tottenham dưới tay của HLV người Úc Postecoglou thể hiện hai bộ mặt trái ngược hẳn nhau, thắng nhiều hoặc thua đậm. Có lẽ đây là đội bóng”ngây thơ” nhất thì luôn tấn công bằng mọi giá để cống hiến ghi bàn, coi chuyện thắng thua nhẹ như lông hồng.
Còn Man Utd một lần nữa thay tướng những xem ra chưa đổi vận. Đội đã thua 4 trạn số 6 trận gần nhất. Cứ tưởng HLV giảu thành tích Amorim thì sẽ có phép lạ nhưng xem ra “thầy” vẫn chưa chịu xuất thần thông.
Giới chủ nhân không muốn lặp lại quá khứ buồn với Solskjaer mà không trao ghế nóng cho một cựu cầu thủ khác là van Nistelrooy sau 4 trận “thử việc” rất thành công. Thật ra hai ông khác nhau rất nhiều, cho dù ở giai đoạn cầm quân thì cũng xêm xêm nhưng khi cùng chơi cho Quỷ đỏ thì cựu tiền đạo có “gương mặt trẻ thơ” Sol có nghề chính là mài đũng quần trên ghế dự bị không thể bì với thánh Van là ngôi sao số 1, là vua phá lưới, thậm chí còn xuất sắc hơn những Beckham, Scholes, Giggs...Còn nhớ khi Ronaldo và Rooney ra nhập Man utd thì vị trí trung phong của Van vẫn bất khả xâm phạm, hai cậu nhỏ phải chơi dạt sang hai cánh.
Ngoại hạng Anh thường chơi vào Thứ bẩy Chủ nhật cho cuối tuần và Thứ ba, thứ tư cho giữa tuần. Riêng Boxing day thì ngoại lệ, các đội sẵn sàng chơi luôn thứ năm. Nhưng thứ năm này chỉ có 8 cặp đấu và hai cặp đấu muộn vào thứ sáu.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Thử tìm tín hiệu từ câu chuyện tinh gọn bộ máy

 


Chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước đang gây sôi nổi ồn ào, đụng chạm đến quyền lợi của đông đảo tầng lớp cán bộ. Tinh gọn đúng là phải là việc làm thường xuyên, nhưng thời gian dài vừa qua nó chỉ là khẩu hiệu chứ chưa đi vào thực tế.
Quy mô và mức độ sâu sắc của đợt tinh gọn lần này không thấp hơn đợt giảm biên chế vào thời gian đổi mới 1987-1989. Về riêng tư, mình đã chứng kiến chuyện này ngay trong gia đình. Hồi đó bố mình được “cắt cu”, từ Quyền cục trưởng thành cục trưởng nhưng phải chuyển sang đơn vị công tác khác, đúng vào thời gian có chỉ thị về giảm biên chế. Tâm lý sếp mới luôn thích thú với việc gạt bỏ những người cũ nên mình thấy bố có vẻ nhiệt tình với yêu cầu của trên.
Hồi đó các cô chú trong cục đến nhà mình nhiều và câu chuyện đi hay ở dường như quyết định ngay tại nhà riêng của thủ trưởng. Mẹ mình bận cơm nước không quan tâm, hai em của mình còn bé, chỉ có mình chẳng lo học hành bài vở mà chỉ rình mò hóng hớt chuyện của bố.
Cục của bố giải thể (từ thời thượng là “kết thúc hoạt động”) ngay hai viện nghiên cứu vô thưởng vô phạt, cho ra ngoài đường được cỡ 200 người. Mình đoán mọi người tìm ra được 300-400 người nữa thì đủ chỉ tiêu 30% tinh giảm của cả cục.
Sau 35 năm, biên chế nhà nước ngày càng phình to như bác Hợp (trong ảnh) đã nói, 10 người nuôi 1 cán bộ trong khi bên Mỹ là 400 người, Nhật 700 người...Mình không có điều kiện kiểm chứng các số liệu này nhưng do đã sống ở nước ngoài nhiều năm thì dám khẳng định người ăn lương ngân sách của Việt Nam là khủng khiếp so với mặt bằng chung của thế giới.
Nhưng đây là thực tế phũ phàng đã trở nên thường tình từ hàng chục năm, tại sao lại “kiếm chuyện” vào lúc này, hay có tín hiệu gì lạ hay không?
Nhà văn Dương Thu Hương từng nói, chủ nghĩa duy nhất ở Việt Nam là chủ nghĩa đồng tiền. Nói ngang nói dọc, nói đông nói tây, rồng bay phương múa...rồi cũng chỉ vì tiền. Không nói thì là “ngậm miệng ăn tiền” cũng không chạy khỏi cái mục đích đó.
Nếu cuộc đời toàn chuyện xấu xa thì sao cây táo lại nở hoa? Vấn đề tinh giảm chắc chắn phải là quyết định của người cao nhất, anh “To Lắm”, tức tân TBT. Nếu TBT mới không làm cũng không sao, anh vẫn sẽ trở thành “trường hợp đặc biệt” ngồi quá 2 nhiệm đến khi chết như người tiền nhiệm. Chọn con đường khó khăn, gian khổ, thành thật mà nói, mình thấy cái tâm của anh mà lịch sử sẽ đánh giá và ghi nhận.
Mình là fan của Hiếu Người buôn gió. Cậu ấy là người nghĩa khí, thông minh, mà nay dường như đã thay đổi thái độ (mình không nghĩ vì lý do thăm mẹ riêng tư). Trước đây Hiếu gió thường viết về “chú Trọng” và các nhân vật khác với giọng chế giễu, mỉa mai thì nay đối với nhà lãnh đạo Tô Lâm thì đã thể hiện sự tôn trọng rõ rệt.
Theo “phương án” được công bố thì đợt tinh giảm lần này thực sự mạnh mẽ và toàn diện. Không chỉ giảm biên chế mà còn là giảm đầu mối và giảm “khâu trung gian” như các tổng cục, tức là giảm rất nhiều các ghế chức vụ. Đa phần những người tìm cách chui vào làm nhà nước ngoài việc có mục đích “bú sữa” còn là ủ mưu chiếm ghế nào đó để tham ô, nếu ghế ít thì động lực chạy chọt sẽ bớt.
Một điều đáng chú ý, 6 tập đoàn và 13 Tcty quốc doanh sẽ trở về với các bộ chủ quản, thể hiện tình cảnh chó tha đi mèo tha lại của các “quả đấm sắt”. Trước đây chúng trực thuộc Chính phủ, trên thực tế là do Văn phòng chính phủ cai quản, thấy không ổn vì VP Chính phủ tuy là nơi nắm nhân sự bổ nhiệm, bãi nhiệm nhưng không có chuyên môn để chỉ đạo công việc; đẻ ra ủy ban quản lý vốn, nhưng rồi cũng không xong. Bây giờ quá sớm để nói đến chuyện giải tư đám này nhưng đây là hệ quả khó tránh khỏi sau khi tinh giảm.
Để phục vụ tinh giảm thì phải đình chỉ việc tuyển dụng mới. Trong tương lai, để hạn chế quan liêu, cửa quyền, mình nghĩ nên đặt điều kiện tuyển dụng công chức mới là phải có kinh nghiệm làm việc ngoài quốc doanh chứ không nên lấy người mới ra trường chưa có hiểu biết gì về cuộc sống thực tế.
Tinh gọn bộ máy là vấn để lớn, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khôn lường nhưng nếu chúng ta có tấm lòng hướng về những điều tốt đẹp cho đất nước thì đây là điều phải làm và làm càng sớm càng tốt.

Kỷ nguyên mới của Syria và Trung Đông

 

Vào những ngày cuối năm 2024, một biến cố đã bùng nổ tại Syria kết thức 54 năm cầm quyền của cha con Al-Assad, đồng thời có thể coi là xóa bỏ tàn dư cuối cùng của nước Nga trong vùng Trung Đông.
Trung Đông (Middle East) là một thuật ngữ quốc tế chỉ các nước Tây Á và Bắc Phi, một vùng rộng lớn, giàu tài nguyên, đông dân có vị trí địa lý vào chỗ “khúc giữa” của tam giác Âu- Á-Phi. Trong thời kỳ “hai phe, bốn mâu thuẫn”, đây là khu vực tranh giành ảnh hưởng địa chính trị quyết liệt giữa hai phe Tự do và Cộng sản.
Thực ra nước Nga đã có móc nối với Trung Đông trước chiến tranh lạnh. Khi nhà nước Saudi Arabia được thành lập năm 1932 thì Nga là một trong những nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao. Lúc đó Nga chỉ muốn phá thế cô lập vì sau cách mạng tháng 10 nước này chẳng giống ai và cũng chẳng chơi được với ai; trong khi Saudi còn non trẻ muốn tìm một chỗ đứng và cũng muốn tìm một thế lực để đối trọng và không bị phụ thuộc quá nhiều vào Anh quốc.
Tuy nhiên thời gian mặn nồng không kéo dài lâu mà quan hệ sớm tan tành mây khói, hai bên rút đại sứ về và đoạn tuyệt. Lý do có nhiều, về sâu xa có thể hiểu do những điều mà tôn giáo và lý luận Mác Lê không dung hòa được với nhau.
Sau năm 1945, với việc hệ thống các nước XHCN ra đời, thế và lực của ba dòng thác cách mạng dâng trào, cuốn đến nhiều nước Trung Đông. Điều ít người để ý rằng Liên Xô là nước nhiệt tình nhất trong việc vận động thành lập nhà nước Do Thái với tính toán rằng nước Israel mới với đa số người từ Liên Xô và Đông Âu hồi hương sẽ là một nước thân cộng. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra.
Năm 1952, Nasser làm đảo chính lật đổ vua Fabroud. Vì Ai Cập là nước đông dân nhất Trung Đông, có bề dày lịch sử, văn hóa nên Liên Xô đã tìm cách ve vãn bằng viện trợ khủng, kết quả nước này đã trở thành một nước “cảm tình” với phe XHCN.
Những sự kiện tiếp sau cũng rất thuận lợi đối với Liên xô và XHCN. Ở Iraq 1958, vua Faisal và thái tử bị giết trong cuộc đảo chính quân sự, phe thân XHCN lên cầm quyền. Sau Cách mạng 1962, Algeria trở thành một nước có xu hướng XHCN. Rồi 1967 CHDCND Yemen ra đời, chính thức trở thành một nước XHCN. Năm 1969, Gadaffi lên cầm quyền, đưa Lybia trở thành một tiền đồn chống Mỹ trong khu vực. Sau đó, cách mạng hồi giáo tại Iran 1978 đã biến nước này từ chỗ thân Mỹ trở nên kém thân thiện với phương Tây cho tới nay.
Trong thời gian này có một điều thú vị là việc thành lập Liên bang Ai Cập và Syria vào năm 1958 mặc dù hai nước không có chung biên giới, môt nước “châu Phi” và nước kia “châu Á”, nhưng Syria đã nhanh chóng ly khai vào năm 1961. Có thể Ai Cập muốn bắc chước mô hình Liên bang Xô viết để quy tụ các nước Ả Rập nhưng mộng đã không thành.
Ai đã đọc bộ “Ngàn một đêm lẻ” thì biết đây bộ tiểu thuyết vẽ lên cuộc sống và xã hội phồn thịnh ở các nước Iran, Iraq, Syria, Ai Cập trong khoảng thời gian chủ yếu vào thế kỷ 10-11. Đó là những câu chuyện hết sức ly kỳ, vô cùng diễm tình với những phụ nữ “đẹp tuyệt trần”.
Mình từng sống ở Dubai khá lâu, do công việc đã quen biết khá nhiều giới doanh nhân, bao gồm cả Ấn Độ và Ả Rập. Hai nhóm này “kỵ” nhau và nhiều lần mình nghe các bác Ấn nói rằng bọn Ả Rập không tin được, đặc biệt tụi Syria rất lươn lẹo.
Hằng năm Lễ hội bán hàng ở Dubai kéo dài đến 2 tháng. Khoảng năm 2003, có một nữ doanh nhân người Việt từ Nga sang. Chị kể chuyên bán đồng hồ bên Nga, nguồn hàng nhập từ Trong Quốc. Vào thời gian tranh tối tranh sáng, dân Nga đói hàng nên “ăn" đồng hồ kinh khủng, mỗi “công” hàng chục ngàn chiếc đồng hồ mà hết bay. Nhưng rồi cuộc vui cũng đến lúc tàn, chị bị đọng hàng nên mới mang sang Dubai bán.
Trong hội chợ bán lẻ mỗi ngày bán được khoảng 10 cái thì báo giờ mới hết công. Lúc đó có anh Syria đẹp trai đến, nói sẽ mua sỉ và mua hết. Chị tôi đã nhẹ dạ đưa hết cho nó, sau mới thấy chót dại và nói với mình, nhưng chuyện đã rồi, “thả gà ra đuổi” thì khó lắm. Nhưng qua đây mình mới được kiểm chứng về “người Syria” như tụi Ấn nói.
Việc chế độ Al-Assat sụp đổ là một bước ngoặt. Iran không còn trạm trung chuyển để đưa vũ khí, tài chính, huấn luyện cho các nhóm Hamas và Hezbollah. Mà thiếu hai thùng thuốc nổ sát nách Israel, Iran sẽ bị rơi vào thế lộ hàng cho các mục tiêu quân sự của Do Thái.
Nga còn đau hơn khi mất hai căn cứ quân sự trên đất Syria, trên thực tế đã bị vô hiệu hóa, đánh dấu việc xóa sổ sự hiện diện quân sự tại Trung Đông, đồng nghĩa việc nước này không còn ảnh hưởng gì về quân sự, chính trị trong khu vực sau hơn 70 năm. Giang sơn thu về một mối, Trung Đông cũng như khối dầu lửa của nó sẽ trở thành sân sau của Châu Âu và Mẽo.

Nội các kỳ lạ của ông Trump

 

TT đắc cử Donald Trump đang ở trong giai đoạn chọn lựa nhân sự cho Nội các mới. Với việc đảng Cộng hòa giành đa số trong lưỡng viện quốc hội thì việc phê chuẩn các ghế Bộ trưởng xem ra không có gì trở ngại cho lắm.
Trong Nội các, nhân vật quan trọng nhất là “ông Ngoại” tức Ngoại trưởng, một chức vụ có thực quyền hơn cả Phó Tổng thống. Ông Trump đã chọn mặt gửi vàng cho Marco Rubio, 53 tuổi, một nhân vật quen thuộc trong chính giới Hoa Kỳ.
Rubio là một “Cu kiều” xuất thân trong một gia đình tỵ nạn cộng sản Cuba. Năm 2016, ông ra tranh cử tổng thống Mỹ và về đích thứ nhì trong đảng Cộng hòa, chỉ sau Trump. Sau đó ông yêu cầu những người ủng hộ mình dồn phiếu cho Trump, góp phần giúp đối thủ cũ giành ghế tổng thống.
Trong sự kiện bạo loạn trong tòa nhà quốc hội 6/1/2021, nhiều nhân vật cộm cán trong đảng quay lưng với Trump nhưng Rubio là một trong những tiếng nói có trọng lượng đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ Trump.
Với trọng trách ngoại trưởng, Rubio sẽ là người hoạch định chính sách ngoại giao thời Trump 2.0. Gốc Cuba, Rubio rất am hiểu hòn đảo láng giềng nói riêng và Mỹ Latinh nói chung, nhiều khả năng sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn với các nước này. Rubio nổi tiếng có lập trường bảo thủ cứng rắn, có thể dự báo quan hệ với Trung Quốc sẽ trở nên căng thẳng, cũng không khoan nhượng với Nga. Riêng với Việt Nam, người viết chưa tìm được câu nói nào của Rubio về đất nước Rồng bay.
Một nhân vật còn nổi tiếng hơn cả Rubio sẽ tham gia nội các là Robert Kennedy Jr, thuộc gia tộc Kennedy danh giá, con trai cựu Tổng trưởng lý và cựu UCV tổng thống Robert Kennedy và cháu trai cố tổng thống John Kennedy. Nay ông đã sang tuổi 70, không còn nhiều thời gian để làm một điều gì đó.
Đáng chú ý, một người chống vac xin thì nay sẽ giữ chức Bộ trưởng Y tế. Nhưng có thể thấy quan điểm của Kennedy về Covid 19 khá giống với Trump. Sau 4 năm, những quan niệm từng bị coi là sai thì nay mọi người mới thấy họ là những người nhìn xa trông rộng, đi trước thời đại.
Ngoại trừ hai tên tuổi nói trên, phần lớn những người được đề cử vào nội các đều rất trẻ, đa phần mới ngoại tứ tuần và chưa có kinh nghiệm chính trị. Điều kỳ lạ có đến 4 “nhà báo” đang làm việc cho đài truyền hình đã được đề cử cho 4 ghế bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng quốc phòng.
Có người sẽ hỏi tiêu chuẩn nào cho các ghế Bộ trưởng Mỹ? Chắc chắn các tiêu chí rất khác với xứ thiên đường, nơi coi trọng bằng cấp phù phiếm hay lý luận cao cấp, mà đơn giản chỉ là “năng lực”, khả năng giải quyết vấn đề (problem solving).
Bản chất của kinh tế thị trường là “tiền nào của nấy”, người giỏi thì lương cao, dốt thì lương thấp chứ không thể có chuyện ngược đời. Đối với mình, mấy anh chị có mức lương vài trăm ngàn/năm chưa đáng phục, nhưng đạt đến 1 triệu Mỹ trở lên thì có thể coi là anh hùng rồi. Còn đẳng cấp chục triệu hay trăm triệu/năm không phải thần thánh, họ vẫn là người, chỉ có điều chỉ số IQ và EQ của họ cao lắm.
Tài năng, ngoài yếu tố bẩm sinh còn là quá trình hun đúc, rèn luyện qua thực tế. Để có mức lương trăm triệu Mỹ/năm thì họ đã phải trải qua mức lương vài chục ngàn/năm, rồi trăm ngàn...chứ không phải bỗng dưng có ngay được.
Có ông tướng tên Cương cứng bình loạn rằng nước Mỹ rất giàu mạnh về kinh tế, quân sự nhưng lại tự vả vào mồm mình khi nói rằng các chiến lược gia của Mẽo "bình thường", "tầm thường". Nó phản logic vì những người như vậy thì làm sao xây dựng được một đất nước siêu cường vĩ đại!
Để ý một chút, những người được TT Trump đề cử đều có việc làm lương rất cao, chứng tỏ họ đã có nhiều thử thách và đã chứng minh được khả năng trong công việc, do đó có thể gánh vác những trọng trách khi cần thiết. Ít tuổi, những họ đã có những thành tích đáng nể phục. Như Phó TT DJ Vance, mới sang tuổi 40 những đã là tác giả của những quyển sách bán chạy hàng đầu.
Một điểm đặc biệt nữa, trong Nội các lần này có đến 4 tỉ phú, bao gồm chính ông Trump, hai tỉ phú Musk và Ramaswamy điều hành ủy ban Hiệu suất (DOGE) mới được thành lập. Có thể hiểu hai ông này chỉ làm việc bán thời gian. Tuy nhiên Tỉ phú Scott Bessent sẽ là Bộ trưởng tài chính toàn thời.
Vì lý do công việc, ông Trump không ngại tình riêng mà rất sẵn sàng thay đổi nhân sự cấp cao. Còn nhớ nhiệm kỳ cũ, nhiều ghế Bộ trưởng đã bị làm mới đến vài lần. Trong nhiệm kỳ tới, không loại trừ khả năng nhiều nhân sự sẽ bị thay thế theo đòi hỏi của hoàn cảnh mới hoặc xảy ra những va chạm trong việc thực thi hành pháp.
Theo Hiến pháp, Trump sẽ thôi chức tổng thống sau 4 năm. Câu hỏi đặt ra bây giờ là quá sớm về người kế thừa di sản của Trump. Lúc này mình đoán Rubio, thay vì Vance và 4 năm nữa sẽ biết đúng hay không?