Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

GIEO QUẺ ĐẦU NĂM



Vào dịp này hàng năm, giới truyền thông  đua nhau trổ tài làm thầy bói (fortuneteller) để dự báo cho tương lai. Với bối cảnh rộn rã về tình hình trong nước, nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng, diễn biến chính trường quyết định bởi các yếu tố chủ quan 20%, chi phối bởi khách quan 80%. Anh còn phán thêm rằng, trước đây yếu tố chủ quan chiếm đến 60%, nhưng giờ thì thời thế đã thay đổi. Theo mình hiểu, “khách quan” là những gì diễn ra ngoài chữ S, tức là tình hình thế giới.
Về phần anh Yên Ba, một nhà báo trong nước khác, khi bàn về thế sự trong thời gian tới lại chỉ phân tích tình hình và ý đồ của  Mỹ, Nga và Trung Quốc. Không lẽ trong thế giới trên 200 nước mà chỉ có ba người “chơi cờ” hay sao?
Khi làm thầy bói, dù là một người mù cũng biết hai ngón nghề tủ. Thứ nhất, đó là sự khó hiểu mới làm người ta phục chứ aì cũng hiểu thì bình thường quá. Thứ hai, “tui nói dzầy mà đúng tui mới nói tiếp”, nghĩa là dựa vào quá khứ để nhận biết tương lai.
Môn xác xuất thống kê là một công cụ tuyệt vời cho việc dự báo. Muốn vậy, cần chọn mẫu, “mẫu” là các số liệu quá khứ với thời gian tối thiểu là 30 năm. Khoa học xác xuất thống kể sẽ tìm ra mối quan hệ, quy luật của các số liệu, đúc kết thành công thức toán học, vẽ biểu đồ để hình tượng xu hướng cho tương lai.
So với Liên Xô trong quá khứ, nước Nga chỉ còn dân số và GDP bằng khoảng một nửa, và do đó suy yếu đi rất nhiều. Từ khi có nước Nga mới, người ta thấy Nga có chuyện nọ chuyện kia với Anh, với Pháp, tiếp đến với Ba Lan, Ukrain, gần đây là với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi. Tin mới nhất cho hay giá dầu lửa đã xuống dưới mức $30/thùng. Từ nước nhập khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, bằng kỹ thuật khái thác dầu phiến đá, Mỹ gần như tự túc được dầu lửa, do đó giá lên hay xuống ít ảnh hướng đến Mỹ. Vậy có thể hiểu, khi nhu cầu giảm mà Saudi lại tiếp tục bơm dầu vì giá thành sản xuất dầu lửa của Saudi rất rẻ, của Nga cao thì đó chính là đòn triệt hạ kinh tế Nga.
Ờ, những nước kể trên chỉ là đàn em của Mỹ và hình như Mỹ không còn coi Nga là một đối thủ ngang bằng nữa sao ? Nga và Mỹ đều có kho vũ khí hạt nhân đủ để hủy diệt nhiều lần dân số trái đất, cho nên bất kỳ ai bấm nút hạt nhân đồng nghĩa với việc bản thân họ tự sát. Xác xuất để một kẻ tâm thần trở thành ông chủ điện Kremli cũng ngang với tỉ lệ một sao chổi bỗng dưng đâm vào trái đất. Do vậy, vũ khí hạt nhân chưa đủ để quyết định để một nước có là siêu cường hay không.
Đối với Trung Quốc, sau khi ngả sang phe Mỹ và làm cho phe XHCN sụp đổ, Trung Quốc đã nhận nhiều ưu ái trong thương mại, đầu tư và chuyển giao kỹ thuật. Đến nay, Trung Quốc vẫn được hưởng thang dư thương mại lớn lao với Mỹ. Nhưng Mỹ đã nhận diện đối thủ tiềm năng, nước có thể làm phương hại địa vị số 1 của họ. Từ cách đây 10 năm, truyền thông  Mỹ và phương Tây đã đánh Trung Quốc, đã nói kinh tế Trung Quốc sắp sụp đổ. Chẳng biết đúng hay sai thì cũng đã làm giới nhà giàu Trung Quốc lũ lượt mang tiền đi, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cũng đi xuống.
Tuy nhiên, chỉ truyền thông thì chưa đủ, Liên Xô chỉ sụp đổ sau khi Đông Âu tan rã vì không còn “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Iraq của Saddam Hussain bị cấm vận 13 năm trước khi bị tấn công và với việc Iran vừa được chính thức xóa bỏ cấm vận thì có thể đoán Iran sẽ không bị thôn tính. Muốn làm suy yếu Trung Quốc thì phải kiềm chế, chặt hạ vây cánh, đúng như một câu nói “vô tình” trong chuyện Tam Quốc: “trói lại hãng giết”.
Vào thời Đông Hán mạt vận, Thừa tướng là Đổng Trác lộng hành, tàn ác, mọi người oán thán. Tào Tháo lúc đó chỉ là một quan chức nhỏ đã lẻn vào Phủ Thừa tướng để mưu sát Đổng Trác. Việc không thành, Tào Tháo phải chạy trốn, bị truy nã và bị bắt. Lính giải Tháo đến quan huyện là Trần Cung, Tháo bảo Cung: tôi làm tôi chịu, ông cứ việc lấy đầu tôi đưa về kinh lĩnh thưởng. Cảm kích trước dũng khí và tấm lòng của Tào Tháo, Trần Cung đã treo ấn từ quan và tình nguyện bỏ đi theo Tào Tháo. Không biết trốn đâu, hai người vào nhà của Lã Bá Sa, là bạn của bố Tào Tháo. Từ khi còn trẻ, Tào Tháo đã đa nghi, ngồi trong phòng mà cứ ngóng ra ngoài. Bỗng dưng, Tháo nghe ai đó nói “trói lại hãng giết”, hoảng hồn, Tháo chạy ra và vung gươm chém chết cả nhà. Xong xuôi, Tháo và Cung vào bếp mới thấy một con lợn đang bị trói. Tháo than rằng, ta vội quá, giết nhầm mọi người mất rồi. Không còn cách nào khác, hai người phải ra đi, đến ngoài cửa, gặp Lã Bá Sa vui vẻ: “Aman (thuở nhỏ, Tháo có tên là Aman), con đi đâu đấy, ta mua rượu về đây rồi”. Tháo bảo, ai gọi ông kìa, Sa quay ra thì bị Tháo chét chết luôn. Trần Cung kinh hãi: “sao đã giết cả nhà rồi còn giết người ta nữa”. Tháo đáp: “Ta thà phụ người còn hơn để người phụ ta” (lại một câu nói kinh điển). Trần Cung nhận ra sự tàn ác của Tháo không kém gì Đổng Trác và bỏ Tháo đi, không theo nữa.
Chiếc lược bao vây Trung Quốc liệu có thành công, và nhận định “khách quan” chiếm đến 80% chính trường Vietnam có đúng không, xin mọi người tự đánh giá. Câu chuyện đến đây đã dài, xin hẹn gặp lại.
PS. Vào thập niên 90, Việt Nam Thời Báo Úc châu chuyển từ Tuần báo chuyển sang Nhật báo. Lúc đó chú Chủ bút quá cố đã viết một câu chuyện, đại loại như sau:
Một ông bạn nọ suốt ngày bị vợ chê chẳng được cái tích sự gì. Ông tự kiểm điểm cũng thấy là đúng, không làm được việc gì nên hồn, ban ngày đã vậy, đêm tối cũng không bù được cái gì. Rồi đến lúc bả đuổi ổng ra khỏi nhà.
Câu chuyên “Tái ông mất ngựa” tái diễn, ông bạn vớ được một cô vợ trẻ đẹp. Có vợ mới, ông thấy trong người cũng khác, sao mà bây giờ lại dũng mãnh và tràn trề nhựa sống đến như vậy.
Từ chuyện Úc thòi lòi (Nước Úc xa và gần) đến chuyện toàn cầu, toàn thiên hạ (Thế sự) quả là một bước khổng lồ, ví như từ sông suối đi ra biển cả. Hy vọng, bình mới rượu cũ sẽ có hương vị nồng nàn và hứng khởi như ông bạn có vợ mới vậy.
1.2016 
Lương Văn Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét