Mình được gắn bó với mảnh đất Ai Cập trong 3 năm 4 tháng. Người Ai Cập sống rất tình cảm, một ông bạn
già cứ khẩn khoản mời mình đến nhà chơi. Nhà giàu mà, rộng đến 4000m2, vườn bao
quanh, có bể bơi, diện tích xây dựng khoảng 1000m2, có hai tầng lầu, tổng cộng
hơn 10 phòng. Con cái nhà đủ khôn lớn đã “bay” hết, chỉ còn lại hai ông bà già
và cô giúp việc. Khi vợ chồng mình và các cháu tới, ông già rất vui, kêu cô
giúp việc và vợ đưa bà xã mình và hai cháu ra bể bơi. Nhà có đến 7-8 phòng
khách, ông tiếp mình trong một phòng ở tầng trệt. Ngồi một lúc, ông bảo, tôi
cho anh xem cái này rất special và dẫn mình lên lầu. Một phòng nhỏ, chỉ kê một
bàn, hai ghế và một bức tranh lớn treo trên tường. Ông chỉ vào bức tranh chân
dung, viền vàng và hỏi, anh có biết đây là ai không ? Mình bảo: Vua Farouk. Ông
có vẻ mừng rỡ: sao anh biết. Mình bảo mình đọc sách thì biết thôi.
Ông giảng giải một hồi dài: tại sao lại phải làm cách mạng?
Anh thấy đấy, đã có cách mạng lần 1 thì phải có lần 2, lần 3 và không thể yên ổn
được. Cách mạng của Ai Cập lật đổ vua Farouk vào năm 1952, do Nasser lãnh đạo.
Nhưng Nasser không trở thành Tổng thống mà lại là Naguib Mohamed. Chẳng là tổ
chức “Sĩ quan tự do” gồm 9 thành viên lập ra bởi Nasser chỉ bao gồm những sĩ
quan trẻ tuổi, không có tiếng tăm. Để khuyếch trương thanh thế, nhóm mời Naguib
Mohamed là một vị tướng làm minh chủ. Cách mạng thành công, đương nhiên Mohamed
lên làm Tổng thống. Sự tranh giành quyền bính giữa Mohamed và Nasser kết thúc với
kết quả Nasser lên ngôi và Mohamed vào tù. Rồi Nasser cũng chết bất đắc kỳ tử ở
tuổi 52 sau một cơn đau tim vào năm 1970. Sadat lên đã xoay chuyển chính sách đối
ngoại của Ai Cập từ chỗ thân Liên Xô sang thân Mỹ, rồi Sadat cũng bị ám sát.
Mubarak là Tổng thống lâu năm nhất, 29 năm rưỡi và lúc mình trò chuyện với ông
bạn già thì Mubarak còn đang vững như bàn thạch, mặc dù ông bị dân chúng và giới
doanh nhân chửi rủa hết lời.
Mubarak đã sụp đổ sau cuộc biểu tình 18 ngày, ông được chuyển
từ dinh Tổng thống vào thẳng nhà tù. Tổng thống tiếp theo, ông Mosri, đã bị
tuyên án tử hình, tuy nhiên đang chờ để được xử lại.
Nhắc đến Ai Cập là phải nói đến Kim tự tháp. Tuy nhiên khác
với người Tàu tỏ ra hãnh diện về kỳ quan Vạn lý trường thành thì người Ai Cập
không hề tự hào về Kim tự tháp. Đúng vậy, Kim tự tháp được xây bởi người Ai Cập
cổ đại, giống người này đã bị diệt chủng. Người Ai Cập hiện nay chủ yếu từ châu
Á di cư sang, và cũng vì lý do đó, người Ai Cập không nhận họ là “châu Phi”. Thực
ra cách đây khoảng 1000 năm, trước khi người da đen sang châu Mỹ, thì làn sóng
nô lệ da đen sang Ai Cập đã “pha trộn” với người di cư từ châu Á, tạo ra người
Ai Cập bây giờ.
Liên bang Ai Cập-Syria với tên gọi The United Abrab Republic (UAR) là một thực thể chỉ tồn tại
chưa đầy 4 năm (1958-1961), đã phản ánh tham vọng ngông cuồng của Nasser. Mục
tiêu hướng tới của Nasser là một Liên bang các nước Ả Rập, đúng là là một Đế quốc
Ả Rập theo mô hình Liên bang Xô viết. Trong 22 nước Ả Rập có chung ngôn ngữ,
văn hóa và tôn giáo ngày nay, Ai Cập luôn được coi là anh cả trong khu vực vì sự
vượt trội về dân số và tri thức. UAR đã kết thúc sau cuộc đảo chính tại Syria,
nước này đã quyên bố rút khỏi Liên bang. Nhưng Nasser vẫn chưa buông tha, ông
tiếp tục gâp sức ép với chính quyền mới ở Syria, lôi kéo Iraq và Yemen, tiếp tục
sử dụng lá cờ và tên hiệu UAR. Giấc mộng về một Đế quốc Ả Rập chỉ chấm dứt hẳn
sau cái chết đột ngột của Nasser. Một số bình luận đã buộc trách nhiệm của
Nasser đối với tình hình Syria bây giờ, cho rằng ông đã can thiệp và phá vỡ những
trật tự chính trị xã hội của Syria.
Điều mình muốn nói là, nhưng biến động trên thượng tầng kể
trên chỉ là bề nổi, cuộc sống của người dân Ai Cập mới là điều quan trọng và
đáng quan tâm hơn. Đến với thủ đô Cairo, điều đập vào mắt là nạn tắc đường. Thật
kỳ lạ, hai ba giờ sáng đường sá vẫn đông như trẩy hội. Lý do là ở Ai Cập, 40%
dân số thất nghiệp, người đi làm đêm ngủ, ngày đi làm; ngược lại giới thất nghiệp
ngủ ngày, đêm thức. Xăng bên Ai Cập rất rẻ, người ta xách xe chạy chơi lòng
vòng kể cả ban đêm, gây ra tắc đường.
Trước đây, vùng đất gọi là “đại Trung Đông” gồm Bắc Phi và
Tây Á là những biển cát khổng lồ, những điểm có nước ngọt được gọi là “Oasis”,
tức là những ốc đảo. Để di chuyển từ ốc đảo này sang ốc đảo kia, người ta dùng
lạc đà, loài động vật có khả nẳng tích trữ nước trên một hoặc hai bướu của
chúng, được ví như những con thuyền. Vùng đất mênh mông đại Trung Đông hầu như
không có sông, ngoại lệ là dòng Nile, lại là con sông lớn nhất thế giới. Người
dân đổ dồn về sinh sống dọc hai bên bờ sông Nile, và đó là lý do tại sao dân số
Ai Cập vượt trội so với các nước láng giềng. Đến nay, nước ngọt vẫn quý, nhưng
các nước vùng Vịnh nhiều dầu lửa có thể chế tạo nước ngọt từ nước biển nên họ
không cần nguồn nước tự nhiên mà vẫn có thể gia tăng dân số một cách nhanh
chóng.
Điều dễ nhận ra là đời sống người dân Ai Cập ngày càng đi
xuống theo thời gian. Các chính quyền Ai Cập chỉ giỏi tranh giành quyền bính mà
thiếu viễn kiến trong việc xây dựng đất nước và Ai Cập không thể làm được một
điều cốt tử: đứng được trên đôi chân của chính mình. Họ nhận viện trợ hết của
Liên Xô rồi sang của Mỹ, sống dựa vào tài nguyên dầu lửa, dựa vào thu lệ phí của
thuyền bè đi qua kênh đào Suez. Trước đây, với ưu thế về đồng bằng sông Nile
màu mỡ, Ai Cập nổi tiếng về xuất khẩu lương thực và sản phẩm nông nghiệp. Nay
vì dân số tăng quá nhanh, nước ngọt không còn dồi dào, diện tích đất cho nông
nghiệp bị thu hẹp và vì thế không còn thế mạnh xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp và
dịch vụ của Ai Cập không phát triển được.
Điều đáng tiếc là Ai Cập có khá nhiều nhân tài với bốn giải
thưởng Nobel về khoa học. Rất đông người Ai Cập làm việc trong các tổ chức quốc tế, thậm chí người Ai Cập còn làm đến Tổng thư ký Liên hợp quốc. Hình như
chỉ khi ra hải ngoại, người Ai Cập mới phát huy được năng lực, còn ở trong nước
thì lụi bại đi.
Cuốn tiểu thuyết “Từ sông Nile đến sông Jordan” đã mô tả
sinh động cuộc sống người dân Ai Cập vào thời còn có Vua, họ đã xây dựng một cuộc
sống yên bình, xã hội có tôn ti trật tự. Chẳng trách gì mà ông bạn già của mình
cứ hoài cổ.
Lương Văn Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét