Chăn nuôi bò là một ngành nghề lâu đời và mang lại lợi ích
kinh tế cao của Úc. Ngay trong chuyến tàu đầu tiên của Thuyền trưởng Phillip
vào năm 1788 đã có 1 con bò đực và 4 con bò cái. Lục địa Úc vốn không có bò, do
đó tổ tiên của loài bò Úc được di cư từ các chuyến tàu lập nghiệp đầu tiên. Trải
qua gần 230 năm, đến nay đàn trâu bò Úc đã lên đến 27 triệu con, phân bố theo
thứ tự từ nhiều đến ít là các tiểu bang QLD, NSW, VIC, WA, NA, SA và TAS.
So với các nước chăn nuôi bò hàng đầu của thế giới thì đàn
trâu bò Úc còn mỏng hơn nhiều so với Ấn
Độ, Brazil, Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù vậy, Úc lại là nước xuất khẩu thịt bò lớn
nhất thế giới và nổi tiếng với phẩm chất thơm ngon. Trị giá ngành trâu bò Úc
lên đến 14.3 tỉ Úc kim (số liệu năm tài chính 2015-2016), chiếm ¼ tổng trị giá ngành
chăn nuôi nói chung. Về xuất khẩu, ngành trâu bò mang về cho nước Úc 10 tỉ Úc
kim/năm với các thị trường chính là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Riêng bò
sống xuất khẩu đạt trị giá 1.5 tỉ Úc kim thì dồn chủ yếu cho thị trường
Indonesia (46%) và Việt Nam (23.5%). Thỉnh thoảng lại có tin, các tổ chức bảo vệ
động vật lên tiếng tố cáo một số lò mổ của Indonesia và Việt Nam đã giết mổ
không đúng tiêu chuẩn, gây đau đớn cho con vật trước khi chết. Tuy nhiên, giết
mổ tại Úc chi phí quá cao, do vậy cách tốt nhất là những nước có chi phí nhân
công thấp như Indonesia hay Việt Nam nên nhập khẩu bò sống thì có lợi hơn về mặt
kinh tế.
Khi còn học tiếng Anh, mình thấy bê bò quả là phức tạp bởi
có đến hàng chục từ để chỉ thịt bò, mỗi bộ phận, vùng miền trên cơ thể đều có từ
ngữ riêng để diễn tả ! Mỗi bộ phậnnhư vậy đều có cách chế biến và cách ăn cũng
khác nhau và có lẽ kể cả những người sành điệu nhất về thịt bò cũng không biết
hết. Riêng món bít tết (steak) cũng chia làm 5 hạng từ tái nhất cho đến chín nhất,
với nhiều loại thịt khác nhau và nhiều loại nước sốt khác nhau.
Nuôi bò ở Úc khá dễ dàng vì bò chỉ có ăn cỏ, mà cỏ thì lại
có sẵn trên các thảo nguyên mênh mông của lục địa Úc châu. Theo “rule of thumb”
(quy tắc ngón tay cái), mỗi con bò cần khoảng 1.8ha thì đủ cỏ để ăn cho cả năm.
Một chị chủ người Việt kể, trang trại bò của chị cách Sydney khoảng 500 km, cả
đàn chỉ có 300 con nên tạm coi là nuôi “làm cảnh” chứ phải nuôi cỡ 1000 con trở
lên thì mới gọi là làm ăn thực sự và có tính thương nghiệp. Với số bò như vậy,
chị chỉ thuê một anh chăn bò và anh sống một mình vui buồn với đàn bò trong
trang trại.
Người Việt ở Sydney hẳn đều biết đến Phở An. Nghe đồn chủ
nhân của nó đã là triệu phú chục triệu đô nhờ vào bán phở và chỉ bán một món
duy nhất là phở bò. Phở bò thương hiệu “An” nhiều thịt và đặc biệt nước dùng ngọt
đậm do có nhiều xương. Xem người ta làm ăn, hóa ra kiếm tiềm ở xứ Úc có vẻ dễ
như bỡn ?
Trước đây, thịt bò là món ăn dành cho giới nhà giàu ở miền Bắc
Việt Nam. Ngoài chợ thường bán thịt trâu, thẫm màu và dai ngoắt do hết tuổi đi
cày chứ thịt bò thật thì khá hiếm và đắt đỏ. Bố mẹ mình được sinh trưởng trong
các gia đình thuộc “giai cấp thịt bò” nên khá hợp nhau về sở thích ăn thịt bò, và
bố làm bít tết còn ngon hơn mẹ. Bản thân mình cũng coi thịt bò là món khoái khẩu
quen thuộc, thế nào lại được sinh sống ở đất nước thịt bò, đúng là “địa lợi,
nhân hòa”.
Hồi mới qua Úc, mình khá ngạc nhiên khi thấy một số nhà hàng
đã để bình sữa tươi miễn phí cho khách y như nước lọc. Rõ ràng sữa tươi ở Úc
quá nhiều và rẻ. Từ lúc lọt lòng, mình là trường hợp khác thường vì được dùng sữa
bò thường xuyên chứ không như những đứa trẻ cùng trang lứa thời đó, sữa bò là một
thứ xa xỉ.
Theo các số liệu nghiên cứu, sữa bò hết sức bổ dưỡng, chẳng
thế mà mấy năm gần đây, thị trường sữa bột đã lên cơn sốt, nhiều siêu thị phải
hạn chế số lượng, bằng không thì “bọn Tàu” vét sạch. Từ vấn đề này nẩy sinh là
một chuyện làm ăn xuất phát từ nhu cầu thị trường cực lớn. Khả năng của Úc lại
dồi dào từ nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất sữa bột của Úc được kiểm soát
tốt. Vấn đề ở đây là các nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng một thương hiệu, thủ tục
đăng ký cũng khá dễ dàng, cấn đối được đầu vào đầu ra là sẽ có một doanh nghiệp
vững mạnh. Bản thân mình sữa bò hay thịt bò cũng không ăn, uống được nhiều,
tiêu pha khác cũng chẳng bao nhiêu nên bảo làm gì cũng lười, xin nhường lại cho
các anh chị em khác.
Bên cạnh đó, làm farm bò cũng là một hình thức làm ăn có triển
vọng. Đất đai của Úc vẫn còn rẻ, trồng cỏ không khó, phương tiện kỹ thuật cũng
dễ dàng, nhân lực chăn nuôi ít, chỉ cần người đầu tư. Nguồn thu của nông trại
bò không chỉ là bán thịt hay bán sữa mà còn có thể có qua tổ chức các đoàn
khách du lịch đến thăm quan. Người châu Á còn tin rằng ngẩu pín (“chim” bò) rất
tốt, vậy các nông trại có thể đáp ứng cho khách bằng cách giết mổ và bán hàng tại
chỗ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét