Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

MÔ HÌNH IRAN


Tháng 2/2001 sang Dubai thì đến tháng 11 và 12 cùng năm, mình đã có hai chuyến đi đến với Iran, một đất nước với bề dày lịch sử kỳ bí.

Kể từ cuộc cách mạng hồi giáo 1979 đến nay, Iran đã trở thành một ốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài. Với khí thế hừng hực, ngày 4/11 năm ấy, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử bang giao quốc tế, Iran đã bắt giữ hơn 60 nhà ngoại giao và nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tehran. Họ đã bị giam cầm những 444 ngày, chỉ được thả đúng vào ngày nhậm chức của Tổng thống Reagan, đầu năm 1981.

Trong suốt năm 2002 cho đến đầu năm 2003, một câu hỏi luôn lơ lửng đặt ra: khi nào Mỹ tấn công Iraq của Saddam Husain? Chỉ vì ám ảnh đó mà tại khu vực vùng Vịnh, mọi chuyện làm ăn, thương mại đình đốn, khách du lịch cũng vắng hoe.

Nhàn rỗi cũng là một thú vui, nhất là khi mình vẫn còn độc thân. Một anh bạn tên Ali, quốc tịch UAE, gốc Iran, sống ở Sharjah. Sharjah và Dubai là thủ phủ của hai tiểu bang nhưng chỉ cách nhau 20km, nên có thể coi là tuy hai mà một tuy một mà hai. Ali thích đi Dubai vì ở đây có nhiều quán bia rượu và đồ nhậu hơn thành phố của hắn. Mỗi lần đi Dubai, hắn hú mình và tụi mình thường ngồi từ suốt từ trưa đến tối.
Mình hỏi Ali, mày có ăn thịt lợn không, hắn cười “I’m not a good Muslim” và kể con gái lớn đua đòi theo bạn bè, không chịu ăn thịt lợn nữa. Hắn bảo con, mày không thích thì thôi nhưng tao vẫn ăn.

Ali bảo quá một nửa người Northern Emirates là gốc Iran (Northern Emirates chỉ 6 trong tổng số 7 tiểu vương quốc thuộc UAE). Trong quá khứ, Đế quốc Ba Tư từng có những thời kỳ hết sức hào hùng, với vùng ảnh hưởng bao trùm Một răng (Iran), Một rắc (Iraq), Ba răng (Bahrain) là chuyện nhỏ, mà còn chiếm lĩnh cả một vùng Tây Á và Trung Á mênh mông, ngày nay là Iran, Iraq, Syria, bán đảo Ả Rập, các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Các nhà sử học gọi đây là “đế quốc Đa văn hóa” vì các tiểu quốc bị chinh phục vẫn được giữ lại văn hóa riêng của họ và không cần đồng hóa với mẫu quốc.

Trong suốt lịch sử gần ba ngàn năm, Ba Tư trải qua những khúc thăng trầm “lên voi xuống chó”. Nhiều giai đoạn, đất nước này đã bị khuất phục bởi các thế lực bên ngoài như La Mã, Ả Rập, Mông Cổ và Otoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Iran ngày nay được coi là hậu duệ của đế quốc Ba Tư nhưng thành phần sắc tộc khá phức tạp với chỉ khoảng 53% dân số nói tiếng Persian.

Nói chuyện là vậy, nhưng Ali có vẻ khá dửng dưng, chẳng có vẻ hãnh diện tự hào gì cả, bản thân anh cũng chưa bao giờ về Iran chơi. Mình thích ngồi nhậu gần với màn hình Tivi để theo dõi chiến sự tại Iraq thì hắn bảo, xem làm quái gì, thế nào Mỹ cũng thắng thôi. Ừ, hắn nói đúng, giao tranh chỉ kéo dài 70 ngày, từ 10/3 đến 20/5. Hết chiến tranh, mọi việc bất chợt nhộn nhịp hẳn lên, tranh mua, tranh bán, tranh đầu cơ, chẳng còn thời gian tán dóc nữa. Mình và Ali cũng ít gặp nhau.

Nếu chủ nghĩa bảo hộ thắng thế thì nhiều quốc gia sẽ trở về với mô hình mà Iran đã có trong gần 40 năm qua, đó là một nền kinh tế tự cấp tự túc. Người ta nói đùa, “một cô gái Tây mặc áo dài và đặt tên Việt hay Vietfast chẳng hạn thì cũng không thể trở thành cô gái Việt Nam”. Nhưng ở Iran, ô tô chạy ngoài đường là của Iran, thứ thiệt từ trong ra ngoài. Các loại nhãn hiệu IKCO Samand, Peykan, Saipa... đã được thị trường thừa nhận với mức tiêu thụ hàng triệu chiếc/năm, tức là đã nắm giữ thị phần và thương hiệu. Cái câu tào lao “Trong khó khăn, chúng ta sẽ Quyết tâm hơn” hóa ra lại đúng ở đất nước này.

Thực ra ngành công nghiệp xe hơi của Iran đã phát triển từ trước cách mạng, các nhãn hiệu kể trên xuất hiện cùng thời với Le Dalat của Nam Việt Nam. Sự khác nhau là khi Việt Nam có Lada, Moscovic của Nga...rồi các loại xe hơi của Mỹ, Âu, Nhật; thì Iran bị cấm vận và phải tự lo liệu. Điều may mắn là ở Iran không có cải cách ruộng đất hay cải tạo tư bản nên nền móng xã hội vẫn được giữ, các cơ sở kinh tế của “chế độ cũ” không bị phá hủy.

Làn sóng toàn cầu hóa dâng trào trong mấy thập niên qua đã làm thay đổi sâu sắc tình trạng kinh tế các nước. Ngay tại Úc, điều dễ thấy là một loạt các ngành sản xuất, dù cố tình giải tán để bảo vệ môi trường hay bị tiêu diệt cũng đã trống vắng trên một loạt lĩnh vực xe hơi, cơ khí, luyện kim, điện tử, may mặc, giày dép...

Trong khí đó, các ngành sản xuất của Iran đã gồng mình lên để cung ứng các loại nhu cầu của trên 80 triệu dân. Loại hàng mà Iran vẫn cần nhập khẩu là gia vị và nông sản dạng thô thì đã có cửa ngõ Dubai, mà chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch.

Cách đây mấy năm, Iran đã có thỏa thuận về hạt nhân với nhóm cường quốc 5+1 và đã được nới lỏng cấm vận. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã tái áp dụng lệnh cấm với cáo buộc Iran đã sử dụng nguồn tài chính mới kiếm được để tài trợ khủng bố và các nhóm vũ trang ở Syria, Lebanon và Yemen.

Đến nay, cơ cấu chính quyền Iran vẫn bao gồm hai bộ phận, giới giáo hội quản lý phần “hồn” cho các con dân và Tổng thống đứng đầu bộ máy hành chính. Lãnh tụ tối cao hiện nay là Giáo chủ Khamenei đã bước vào tuổi 80 cũng từng tham gia chính biến từ những ngày đầu cách mạng. Một khi Việt Nam có chuyện nhất thể hóa thì có lẽ Iran sẽ là nước duy nhất trên thế giới còn giữ hệ thống “song trùng” lãnh đạo.

Quan hệ giữa Iran với Mỹ vẫn chưa được bình thường hóa, không phải vì Iran theo Hồi giáo mà chính vì vụ khủng khoảng con tin 39 năm trở về trước. Nếu giới lãnh đạo Iran dám thừa nhận sai lầm trong quá khứ và có một lời xin lỗi thì sẽ mở ra cơ hội giải thoát được vướng mắc. Rất đơn giản nhưng cũng quá khó khăn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét