Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Cảm nghĩ về Hiệp định thương mại RCEP

 

Với sự chủ trì của Việt Nam, chủ tịch luân phiên ASEAN, Hiệp định thương mại RCEP gồm 10 nước ASEAN và nhóm 5 nướcTrung Quốc, Nhật, Hàn, Úc và New Zealand đã được ký kết. Đây là Hiệp định lớn nhất thế giới về quy mô dân số của thị trường cũng như kim ngạch mậu dịch.
Các nước chỉ việc tập trung vào lĩnh vực hàng hóa dịch vụ mà mình có ưu thế nhất rồi trao đổi với các nước thành viên khác. Hiệp định thương mại hướng tới thuế suất bằng 0 nên các nước tham gia đều được hưởng lợi nhờ tăng cường thương mại và mở rộng sản xuất.
Ý tưởng về một khối kinh tế bao trùm Châu Á Thái bình dương này có từ hàng chục năm nay, bắt đầu được đàm phán từ năm 2012. Đáng lẽ Hiệp định đã ký từ năm ngoái nhưng vì Ấn Độ bất ngờ từ chối nên đến nay mới thực hiện được.
Điều đó cũng chứng tỏ Hiệp định có những vấn đề bất cập. Trước hết, về lý thuyết khi thuế quan giảm thì tiết kiệm được chi phí, nhưng trên thực tế, có nước xuất nhiều, nước xuất ít nên quyền lợi rất khác nhau.
Những thỏa thuận mang tính thương mại thực thi dựa trên thiện chí của các bên là chính vì chúng có tính chế tài khá yếu. Ngoài chuyện chiến tranh hay dịch bệnh là bất khả kháng thì nó còn bị các mối quan hệ chính trị chi phối.
Sẽ xử lý ra sao nếu nước thành viên này cản trở hàng hóa của một nước thành viên khác? Ví dụ cụ thể, một nước nhỏ như Lào sẽ bị Trung Quốc coi là vi phạm Hiệp định và gây sức ép về chính trị nhưng đối với Nhật chẳng hạn thì có lẽ Trung Quốc sẽ không làm gì được.
Trên bình diện toàn cầu, kiềm chế Trung Quốc là một chiến lược đang được Mỹ và phương Tây tiến hành. Khẩu hiệu của Tổng thống Trump “Make America great again” mà cốt lõi của nó là đưa sản xuất trở lại Mỹ chính là biện pháp để thực hiện chiến lược này.
Hiện nay, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ chưa chính thức ngã ngũ. Biden, người đang có hy vọng thắng cử đã từng nhiều lần khẳng định chính sách của ông cũng là đưa sản xuất về nước Mỹ. Quan điểm này đã bị những người phe Trump chế nhạo là sự copy. Nhưng không sao, khi bạn làm đúng thì không có gì phải xấu hổ.
Ước tính người ủng hộ Trump lên đến 74 triệu. Nếu trúng cử, Biden phải hiểu rằng, thay đổi chính sách sẽ làm nhóm người này, vốn vững chắc và nhiệt tình, phẫn nộ. Trong quá khứ, Biden cũng nổi tiếng là người thỏa hiệp và cứng rắn về đối ngoại. Với tư cách Thượng nghị sĩ, ông từng bỏ phiếu thuận để W.Bush, một tổng thống đảng Cộng hòa tấn công Iraq.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, khi được hỏi về chính sách kinh tế thì Biden đã khôn khéo nói rằng, mỗi thời điểm, nước Mỹ chỉ có một tổng thống. Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại những nguyên tắc và lời hứa khi tranh cử. Vì thế có thể tiên đoán Biden sẽ giữ vững chính sách bảo hộ sản xuất và đây là một tin xấu cho tham vọng của Trung Quốc.
Trong số 15 thành viên RCEP, chỉ có một nước (là Úc) chịu thâm thủng còn hầu hết thạng dư thương mại với Mỹ. Trong bối cảnh thị trường Mỹ sẽ khó khăn hơn, các nước sẽ đành phải quay về “ta tắm ao ta” với các nước trong khu vực.
Riêng Trung Quốc, thị trường RCEP chưa đủ để họ vươn lên tầm siêu cường kinh tế của thế giới. Nhưng RCEP có thể là cái hầm trú để Trung Quốc ẩn nấp trong cuộc chiến thương mại vẫn còn tiếp diễn với Mỹ.
Việc Việt Nam chủ trì lễ ký kết này liệu có làm phật ý Mỹ, trong khi cán cân thương mại Việt – Mỹ đang hết sức ưu ái cho đất nước “lửng lơ con cá vàng” mà chưa biết có ngả vào vòng tay ông láng giềng phương Bắc hay không. Kết luận về cuộc điều tra lũng đoạn tiền tệ mà các nhà chức trách Mỹ đang tiến hành sẽ là câu trả lời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét