Sau cuộc gặp Putin – Biden vừa qua, báo chí cách mạng được dịp mô tả Putin một cách mạnh mẽ, cương quyết, quả cảm; còn Biden yếu đuối, chậm chạp, già nua. Mình nghĩ rằng, không nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài, nội dung bên trong mới quan trọng.
Nếu quí dzị để ý các bài nói chuyện của lãnh tụ độc tài và lãnh đạo dân chủ thì sẽ thấy những khác biệt căn bản. Một bên thiên về hô hào sáo rỗng kiểu “quyết liệt, quyết tâm” lặp đi lặp lại còn bên kia là cách nói sinh động, nhiều thông tin, truyền cảm.
Về khả năng hài hước thì lại tương đương, nếu như các chính khách phương Tây hay kể chuyện đời thực đã được mắt thấy tai nghe để góp vui thì chính khách ta lại lôi học thuyết Mác Lê ra để quả quyết rằng con Covid đang “giãy chết”, chẳng hạn.
Mình chưa được tiếp xúc với các chính khách chóp bu nhưng cỡ “lưng chừng” thì nhiều. Cả hai loại đều giỏi về khả năng giao tiếp và gây thiện cảm. Tuy nhiên, chính khách “cơ cấu” thường chú trọng những câu chuyện bông phèng vô thưởng vô phạt. Buồn cười là họ cẩn thận né tránh những chuyện nhạy cảm như quan hệ với Trung Quốc hay Mỹ nhưng vẫn dám nói những chuyện nội bộ nhân sự, đôi khi nguy hiểm hơn. Còn những người qua bầu cử thì tự do hơn trong việc bày tỏ quan điểm, chính kiến về các chủ đề.
Một nhầm tưởng nữa, chúng ta thường cho rằng phải có chức vụ to mới gọi là làm chính trị, còn không có danh nghĩa địa vị thì không phải.
Người làm chính trị không đi cấy đi cầy để làm ra hạt thóc, không xây lên những ngôi nhà hay sản xuất ra máy bay tàu bò. Nhưng họ không hề kém quan trọng nếu làm được hai vai trò chức năng chính.
Trước hết, người làm chính trị phải là một chiến sĩ đấu tranh cho công lý, lẽ phải, bênh vực và ủng hộ cho những nhân tố tích cực. Cho dù của cải có nhiều mà thiếu công bằng thì cuộc sống vẫn không hạnh phúc và xã hội không tốt đẹp hơn.
Điều này xem chừng có vẻ “ngược đời”, chính khách không hề là biểu tượng của cái tốt mà chính họ mới là những người tạo ra áp bức, bất công. Nhưng thật ra không thiếu những tấm gương đấu tranh bất khuất, ví dụ như Mandela, người chống chế độ phân biệt chủng tộc và đã từng bị ngồi tù 28 năm.
Người làm chính trị thường hoạt ngôn, nôm na là to mồm, vậy không phải họ thì ai sẽ là người cất lên tiếng nói cho những kẻ thấp cổ bé họng, yếu thế cần được nâng đỡ?
Về vai trò dẫn dắt (leading) ngày nay không giống như xưa. Trước đây, hoàng đế hay lãnh tụ thường “phát minh” ra các đường lối cho cả đất nước một cách cảm tính thì ngày nay có biết bao cơ quan hoạch định chiến lược, các thể loại tổ tư vấn cho các nhà lãnh đạo.
Vấn đề thời sự hiện nay, chống Covid luôn có nhiều phương án khác nhau, lãnh đạo cao nhất hội đủ thông tin cần chứng tỏ được năng lực phán đoán, tầm nhìn xa để ra quyết định phù hợp với từng thời kỳ.
Quí dzị ao ước đá bóng giỏi, hát hay hoặc giàu có chỉ là điều vặt vãnh so với ước mơ trở thành tổng thống. Vinh quang của người làm chính trị rất lớn nhưng không phải ai cũng có “năng khiếu” để trở thành chính khách.
Quí vị có lập trường thiên tả hay thiên hữu, cấp tiến hay bảo thủ? Nếu không có đủ kiến thức, quí dzị không thể tự hiểu mình chứ đừng nói đến việc đánh giá các đối thủ chính trị nhằm xác định phương sách tranh luận trong các cuộc bầu cử.
Một số trường đại học phương Tây đào tạo chuyên ngành chính trị học, nhưng chỉ tuyển sinh một số lượng ít ỏi các sinh viên xuất sắc. Tuy nhiên, nếu yêu thích và có khả năng thì có thể tự học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét