Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Haiti: Độc lập dân tộc là một thứ xa xỉ

 

Một điều tưởng chừng chỉ có trong phim hành động: một nhóm vũ trang chưa rõ nguồn gốc đã đột nhập vào nhà riêng của Tổng thống Haiti vào lúc 1 giờ đêm, bắn chết Tổng thống Javenel Moise, 53 tuổi bằng 12 phát đạn. Đệ nhất phu nhân Martine cũng bị trọng thương, đã được chở sang Mỹ bằng máy bay cứu thương.
Haiti là quốc gia tuyên bố giành độc lập đầu tiên của Mỹ Latin và được coi là xứ sở luôn bất ổn trong suốt trên 200 năm kể từ khi dựng nước.
Năm 1492, ngay sau khi tìm ra châu Mỹ, nơi mà Cristo Columbo cho thành lập khu định cư đầu tiên của người da trắng là tại La Navidad, thuộc Haiti ngày nay. Thị trấn thứ hai cũng trên đảo Hispaniola là La Isabella nay thuộc Dominica.
Trong vùng biển Caribbe chỉ có hai đảo lớn là Cuba và Hispaniola, nhưng dân số của Hispaniola gấp đôi Cuba. Đảo Hispaniola chia làm hai nước, Haiti nằm về phía Tây, diện tích nhỏ hơn phần phía đông Dominica một chút, về dân số mỗi bên gần bằng nhau, khoảng 10-11 triệu người.
Vào năm 1492, có khoảng 250,000 thổ dân trên đảo, với diện tích nhỉn hơn đảo Tasmania, nhưng do dịch bênh mà người da trắng mang đến, năm 1517 chỉ còn 14,000. Để so sánh, thổ dân Úc vào cuối thế kỷ 18, trước khi người da trắng định cư ước tính 750,000 người.
Những người da đen nô lệ đã được ồ ạt đưa đến Hispaniola vào thời gian con trai Cristo Columbo là Diego là chúa đảo. Về sau, phần phía Tây đảo trở thành thuộc địa của Pháp còn phần phía đông vẫn nói tiếng Tây Ban Nha nhưng bị giao lại cho Pháp trong một thời gian.
Vào cuối thể kỷ 18, phong trào giải phóng nô lệ nổi lên, dưới sự lãnh đạo của Louverture, những người da đen đã chiếm được toàn bộ đảo vào năm 1801. Louverture bị quân Pháp dưới thời Napoleon bắt và đưa về Pháp. Tuy nhiên, người kế tục ông là Dessaline, tức hoàng đế Jacques đệ nhất, đã tiếp tục chiến đấu, giành được quyền cai quản phía tây đảo, tuyên bố nước Haiti độc lập vào năm 1804. Phần phía đông đảo tuyên bố độc lập vào năm 1844, tức nước CH Dominica.
Là quốc gia chiếm đến 95% người da đen thuần chủng, nền kinh tế Haiti chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tên gọi Haiti đã được nhiều người biết khi đội bóng nước này đã vinh dự đi dự World cup 1974 tại Tây Đức. Lúc đó vòng chung kết chỉ có 16 đội, khu vực Bắc Trung Mỹ và Caribbe chỉ có 1 suất, Haiti đã bất ngờ vượt lên trước Mexico, Mỹ, Canada để giành suất duy nhất.
Từ khi giành được độc lập, Haiti đã trải qua nhiều cuộc nội chiến để Mỹ, Pháp, Liên hợp quốc phải đưa quân vào can thiệp. Năm 1995, tổng thống Aristide đã ra lệnh giải tán quân đội và kể từ đó nước này chỉ còn lực lượng cảnh sát.
Tổng thống mới bị bắn chết vốn là một doanh nhân, nổi tiếng là trùm buôn chuối, lên làm tổng thống vào năm 2016. Tòa án tuyên bố đã hết nhiệm kỳ, nhưng Moise không chịu từ chức cũng như không chịu tổ chức Bầu cử, dẫn đến những vụ biểu tình bạo động.
Sau khi Moise chết, quyền Joseph thủ tướng trở thành tổng thống tạm quyền, lại là một người mới tham gia vào chính trường từ năm ngoái với chức vụ ngoại trưởng. Vì thế những thông tin về ông khá ít ỏi, chỉ biết qua mạng xã hội, ông vốn là một giảng viên đại học.
Tuy nhiên, Henry, người được Moise đề cử vào chức thủ tướng trước khi chết 2 ngày đã ra tuyên bố ông mới là người chính danh để lãnh đạo đất nước. Chính vì thế ai là người nắm quyền lực thực sự hiện nay vẫn là dấu hỏi, trong bối cảnh quốc hội đã bị giải tán còn Chánh án tối cao cũng mới qua đời vì Covid.
Theo thông báo của chính quyền, 4 nghi phạm bị bắn chết và cảnh sát đang bắt giữ 17 người. Tuy nhiên, trong tình hình rối ren, thì những thông tin như vậy cần đón nhận một cách “dè dặt” vì không biết nó có đúng hay không. Điều khó hiểu là khi nhóm cảnh vệ đặc vụ gồm 100 tay súng không hề có phản ứng gì khi nhóm vũ trang, được cho là 40-50 người, đột nhập vào tư gia tổng thống.
Trước khi người da trắng đến Hispaniola ở đây đã có 5 nhóm thổ dân nhưng họ chưa đủ năng lực và trình độ để thiết lập một nhà nước cho họ. Dường như vào lúc tuyên bố độc lập cách đây hơn 200 năm, Haiti chưa sẵn sàng, chính thể ở đây đã và đang tỏ ra yếu kém, không thể quản lý một cách hiệu quả đất nước, dẫn đến tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, người dân bất bình.
Nhiều năm qua, ¾ ngân sách của Haiti từ nguồn viện trợ nước ngoài, trong khi giới cầm quyền luôn bị tố cáo tham nhũng. Với sự thể thế này, các phe phái ở Haiti đã kêu gọi giúp đỡ của công đồng quốc tế, cụ thể Mỹ và Liên hợp quốc cần có hành động cụ thể nào đó. Can thiệp vào một quốc gia nghèo đói loạn lạc là điều chẳng ai muốn, nhưng biết làm sao bây giờ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét