Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021
Taliban có thể làm thay đổi Afghanistan
Mình sang Dubai tháng 2/2001 và sống ở Trung Đông trong 9 năm 11 tháng. Một anh bạn người Iran có vẻ coi thường người Afghan. Anh bảo tụi Afghan sang Iran đông lắm, toàn làm những việc tôi tớ, giúp việc, dọn vệ sinh.
Chắc anh nói đúng, trước khi bị cấm vận, Iran là nước giàu có còn Afghanistan nghèo bền vững từ xưa. 90% dân Afghan nói được tiếng Ba Tư nên có thể coi hai nước Iran và Afghanistan có chung ngôn ngữ.
Chuyện Afghanistan 2021 làm mọi người liên tưởng đến Việt Nam 1975, dù hoàn cảnh mỗi nơi, mỗi lúc một khác, nhưng điểm chung là thất bại của Mỹ.
Đế quốc Mỹ đụng đâu chết trâu đấy, thất bại khắp mọi nơi Việt Nam, Cuba, Iraq...Về kinh tế, Mỹ thâm thủng mậu dịch với hầu hết các nước, trong đó với Trung Quốc là nặng nhất. Rồi lạm phát, thất nghiệp, người vô gia cư ngủ đầy ngoài đường. Đến con Covid bé xíu cũng làm nước Mỹ toang hoang.
Vậy sao Mỹ vẫn là siêu cường số 1 thế giới với sự vượt trội về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quân sự so với các nước?
Trong 20 năm Mỹ đổ quân vào Trung Đông nhằm mục đích gì? Phải chăng đó là để giữ an toàn cho nguồn cung cấp dầu mỏ của Mỹ và đồng minh, trong đó đã hạ sát được những ngọn cờ chống Mỹ trong khu vực như Hussain, Ghadafi, bin Laden. Nay Mỹ đã tự túc được dầu lửa, vậy thì rút thôi.
Chỉ tội nghiệp các đồng minh, những người đã từng đồng hành với Mỹ. Nói đi cũng phải nói lại, bởi vì họ đã không thể tự đứng vững bằng nội lực.
Năm 1956 tại Hungaria và năm 1968 tại Tiệp Khắc, Liên Xô đã phải đổ quân vào để cứu các chính quyền bù nhìn. Năm 1989, Gorbachev cam kết không can thiệp nữa thì các nước đông Âu đã sụp đổ cả chùm.
Tại Afghanistan, khi Liên Xô rút quân vào năm 1996, Taliban đã tiến vào Kabul, bắt và treo cổ Chủ tịch Nagibulah thân Nga. Trong 5 năm cầm quyền, Taliban chỉ được ba nước công nhận hợp pháp, đó là Saudi Arabia, UAE và Pakistan.
Lịch sử có vẻ lặp lại, quân Mỹ rút và Taliban một lần nữa cướp được chính quyền. Nhưng lần này Taliban gây đã bất ngờ khi tuyên bố ân xá cho toàn bộ nhân viên chế độ cũ, không trả thù bất kỳ ai vì đó là nguồn gốc của hận thù.
Trước hết hãy xem ban lãnh đạo Taliban là những ai. Taliban xuất phát từ một phong trào thanh niên sinh viên do Mullah Omar (1960-2013) sáng lập vào năm 1994, với Abdul Baradar (SN 1968) đồng sáng lập và phó tướng.
Do chứa chấp tổ chức khủng bố Al Qadah và thủ lĩnh bin Laden, Taliban bị Mỹ với sự ủng hộ của đông đảo các nước, trong đó có Nga và Trung Quốc, lật đổ. Năm 2013, Omar bị trúng đạn và tử thương nhưng cái chết được giữ kín cho đến năm 2015 mới công bố tên nhà lãnh đạo mới là Akhtar Mansour. Chỉ được 1 năm, Mansour bị máy báy không người lái của Mỹ tiêu diệt. Nhà lãnh đạo tiếp theo Akhundzada, 60 tuổi đã phải sống khá ẩn dật vì lý do an ninh.
Khi Omar chết thì phó thủ lĩnh Baradar đang bị cầm tù và chỉ được thả vào năm 2018, ông mặc nhiên trở thành nhà lãnh đạo số 2 của Taliban. Con trai Omar là Mullah Yaqoob nay ở độ tuổi 30, người mới đây trực tiếp ra lệnh cho quân Taliban không được cướp bóc tài sản của dân, đang nổi lên như một nhà lãnh đạo hàng đầu của Taliban.
Điều có thể nhận ra rằng, các nhà lãnh đạo Taliban có học thức và rất sùng đạo. Riêng Baradar, Đại diện cho Taliban đi đàm phán với Mỹ ở Doha và Washington DC, sang thăm Trung Quốc tỏ ra rất khôn ngoan và ôn hòa.
Tổ chức giải phóng Palestin (PLO) từng là một tổ chức khủng bố. Đến khi ký Hiệp ước hòa bình Oslo 1995, họ đã từ bỏ bạo lực mà chỉ đấu tranh chính trị. Các nhà lãnh đạo như Arafat, Abbas đều đã đi thăm Hoa Kỳ.
Năm 2005, mình được đến thăm Saudi Arabia, quê hương Hồi giáo, nơi điều luật Sharia được áp dụng một cách khắt khe nhất, bao gồm cả việc cấm phụ nữ lái xe và không được ra đường mà không có đàn ông đi cùng. Nhưng Saudi vẫn là nơi dễ sống, chẳng thế mà có đến gần mười triệu người nước ngoài thường trú, trong khi dân số của Saudi chỉ vào khoảng 35 triệu, tương đương với Afghanistan.
Với sự lạc quan nhìn về tương lai, mình tin rằng Taliban sẽ thay đổi khi trở lại với tư cách là nhà cầm quyền tại quốc gia Nam Á này. Ngân sách hiện nay của Taliban còn dựa nhiều vào việc trồng thuốc phiện nhưng họ cũng nói đang tìm các loại cây thay thế.
Afghanistan có biên giới ngắn với Trung Quốc và Trung Quốc cũng hứa hẹn đầu tư tái thiết, mặc dù nước này hầu như không có dầu lửa và khoáng sản cũng khó khai thác do địa hình hiểm trở. Trung Quốc hẳn không muốn chính quyền hồi giáo ở đây gây nhiễu loạn cho người Hồi ở tỉnh Tân Cương cách đó không xa.
Một thực tế là một số người Afghan muốn đi di tản sang Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên Afghanistan không có biển là một trở ngại khách quan, đồng thời số người tìm kiếm ra đi không lớn. Nhiều nhân vật nổi tiếng của Afghanistan như cựu tổng thống Karzai đã tuyên bố ở lại đất nước.
Liệu có thể tin vào một sự chuyển biến tích cực?
Cải cách vấn đề học văn
Dòng trạng thái của tân Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trên Fanpage có đoạn:
"Vì có quá nhiều việc cần phải làm để cho giáo dục tốt hơn, nên những việc gì có thể thực hiện được ngay, thì đề nghị các thầy, các cô chúng ta cùng điều chỉnh luôn. Một trong những việc đó là chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò".
BT Sơn từng là một giáo viên dạy văn nên chắc hẳn ông hiểu rõ thực trạng việc học văn hiện nay. Quả thật, cách học theo bài văn mẫu là cách học văn cách đây... một ngàn năm, vào thời các triều đình phong kiến tổ chức các kỳ thi tuyển người ra làm việc nước.
Để được điểm cao, các sĩ tử phải lọt được vào khuôn mẫu, tầm chương trích cú được nhiều mẫu mực từ sách thánh hiền.
Đặc biệt không được phạm húy, phạm lỗi trong đó lỗi chính tả được coi là quan trọng.
Rồi chữ phải đẹp, bây giờ rõ ràng là không cần vì đã có máy, và máy tính còn sửa luôn được lỗi ngữ pháp chính tả.
Tình trạng học văn kiểu cũ dẫn đến tình trạng nhiều người học hết lớp 12 mà không thể viết, hết đại học hoặc hơn cũng chỉ viết được những cái vớ va vớ vẩn, nhàm chán. Tất nhiên cũng có nhiều người viết giỏi nhưng do họ tự học, tự rèn hoặc do năng khiếu trời cho.
Bắt mạch là như vậy, còn "bốc thuốc" sẽ ra sao?
Mình không biết, nhưng được chứng kiến các cháu lớp 9, lớp 10 bên Úc viết ra được những bài văn cực kỳ xuất sắc, rất có hồn và ý tứ phong phú.
Văn học thực sự không có chỗ cho sự nhai lại mà người viết luôn luôn cần có sáng tạo và ý tưởng mới. Nếu không tìm được cái mới lạ thì đừng viết, vì có viết mọi người cũng không thèm đọc.
Một câu hỏi nên đặt ra là viết giỏi để làm gì?
Mình xin kể một câu chuyện. Khi đi làm, mình được một đồng nghiệp động viên "mày viết giỏi hơn cả salesman". Để ý xem salesman viết ra sao thì mới thấy xấu hổ với lời khen, vì họ viết trên tài mình rất nhiều.
Một cậu salesman bán nhà người Úc đi làm từ lúc 17 tuổi. Thấy được việc chủ kêu làm full time, vậy là cậu bỏ học đi làm luôn. Điều này có thể kỳ lạ đối với người Việt nhưng đối với Tây là bình thường.
Bây giờ thì cậu ý đã thành công, sự nghiệp vững vàng, tài chính dư dả. Dù học hành dang dở nhưng cậu nói và viết đều rất hay, sâu sắc thuyết phục. Cũng phải thôi, để móc túi người ta lấy 1 nghìn đô không dễ, còn móc vài triệu chắc chắn phải khó hơn nhiều.
Văn là người, một người có trải nghiệm thực tế nói hay viết đều rất truyền cảm, có căn cứ cụ thể và không bao giờ hô hào sáo rỗng. Họ mà làm chính trị cũng dễ thành công, vì có thể dụ cử tri bỏ phiếu cho mình.
Muộn còn hơn không, hy vọng công cuộc cải cách học văn ở Việt Nam thu được kết quả.
Đại sảnh danh vọng của bóng đá Ngoại hạng Anh
Sáng kiến bầu chọn các ngôi sao bóng đá sáng nhất chơi trong Premier League đã dẫn đến kết quả 8 cầu thủ được tôn vinh, đó là (theo thứ tự phiếu bầu 2021): Alan Shearer, Thierry Henry, Eric Cantona, Roy Keane, Frank Lampard, Dennis Bergkamp, Steven Gerrard, and David Beckham.
Nhìn vào danh sách này, nhiều cầu thủ sáng giá khác đã không thể góp mặt, đáng chú ý không có một cầu thủ hậu vệ hay thủ môn nào!
Trong 8 danh thủ, có đến 3 người của Manchester United và 2 người từ Arsenal làm mọi người nhớ lại thời kỳ cạnh tranh song mã dầy hào hứng giữa hai ông lão Ferguson và Wenger trong đó Man vô địch 5 lần, Ars vô địch 3 lần và 5 lần về nhì.
Ba cầu thủ còn lại, Lampard của Chelsea, Gerrard của Liverpool trong khi Shearer chơi cho Blackburn (1992-1996) và Newcastle (1996-2006) nhưng thời đó hai đội này không yếu kém như bây giờ. Blackburn đã rớt hạng từ lâu nhưng ở thời Shearer từng vô địch mùa bóng 1994-1995, Á quân 1993-1994, còn Newcastle luôn cạnh tranh và nhiều lần lọt vào top 4.
Shearer là người đứng đầu danh sách không khó hiểu vì anh hiện vẫn giữ kỷ lục ghi bàn ở Ngoại hạng Anh với 261 bàn thắng.
Có người cho rằng người về hạng chót trong danh sách Beckham không xứng đáng bằng các đồng đội cùng thời với anh như Giggs hay Scholes. Nhưng đây là cuộc bầu chọn của fan, Beckham rõ ràng nổi tiếng hơn và một chi tiết nhỏ nữa, anh chính là người mang băng đội trưởng của Man Utd vào lúc cả ba ra sân.
Ứng viên bầu chọn 2021 phải giải nghệ trước tháng 8/2020. 12 tháng qua có thêm vài danh thủ giải nghệ, đáng kể có Rodney của Man Utd và Toure của Man city sẽ hy vọng được vinh danh vào năm 2022. Xa hơn, có thể ngắm nghía thêm Fabregas, Aguero, Sanchez, Salah, Kane...
Note.
1. Chelsea đã đoạt siêu cup Châu Âu sau khi vượt qua Villarreal vào đêm qua.
2. Ngoại hạng Anh sẽ khởi tranh mùa bóng mới vào đêm mai với trận đấu Brentford đụng Arsenal.
Olympic Tokyo: khẳng định vị thế Châu Á Thái Bình dương
Tối qua, đài truyền hình số 7 đã trình chiếu chương trình vinh danh các nhà vô địch – những vị anh hùng của đoàn thể thao Úc tại Olympic Tokyo. Các cô gái chàng trai đã kể lại câu chuyện dẫn đến vinh quang một cách hồn nhiên, chân thực và dễ thương. Cũng phải thôi, khi đã trở thành anh hùng thì nói gì chẳng lọt lỗ tai!
Đại hội thể thao Olympic Tokyo đã một lần nữa khẳng định vị thế của Châu Á Thái bình dương, bao gồm các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Châu Đại dương.
Bảng tổng sắp huy chương đủa Đại hội đã vinh danh các đoàn thể thao (theo thứ tự thành tích): Trung Quốc, Nhật, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Philippines, Indonesia, Fiji, Mông Cổ và Malaysia.
Trước đây Nhật Bản đã từng xếp hạng ba ở các kỳ Olympic 1964 (khi đăng cai lần đầu) và 1968. Hai chục năm trở lại đây, Trung Quốc nổi lên thì Nhật đi xuống, đến năm nay cả hai nước Đông Á này đều mạnh.
Trung Quốc có lúc tưởng chừng vươn lên hàng hạng nhất toàn đoàn khi luôn dẫn đầu cuộc đua. Trước hai ngày bế mạc, đoàn Trung Quốc còn dẫn đoàn Mỹ đến 4 huy chương vàng (38 so với 34) nhưng đến lúc này không hiểu sao đất nước 1,4 tỉ dân không đoạt thêm cái vàng nào, “nhường” cho “ông anh” Mỹ lấy thêm 5 vàng để vượt lên. Dù sao chỉ kém Mỹ 1 huy chương vàng duy nhất cũng có thể coi là thành công của Trung Quốc.
Với thành tích 27 huy chương vàng và hạng ba tổng sắp, người Nhật có lý do để hãnh diện về các lực sĩ con cưng của mình. Trong hoàn cảnh đại dịch, Nhật Bản vẫn giữ lời hứa, vượt qua mọi hiểm nguy để tạo ra một sân chơi Olympic toàn cầu.
Thành tích của “ba chàng ngự lâm” châu Đại dương gồm Úc, New Zealand, Fiji không thể nói gì khác hơn là chói lọi.
Một đảo quốc chưa đến 1 triệu dân như Fiji đã oanh liệt giành 1 vàng và 1 đồng, thành tích cao nhất từ trước đến nay. Đội Rubby nam đã bảo vệ thành công huy chương vàng từ Thế vận hội Rio 2016, còn đội nữ Rubby đã lần đầu tiên lấy huy chương, ở mức màu đồng.
Cũng chỉ 5 triệu dân mà New Zealand lượm đến 20 huy chương, trong đó có 7 vàng, cũng là thành tích kỷ lục. Hóa ra không chỉ những chú kangaroos mê nhẩy tưng tưng mà những con chim Kiwis cũng thích bay cao bay xa và rất tài năng.
Riêng về Úc thì khỏi nói, vững vàng ở vị thế cường quốc thế thao với 46 huy chương các loại, trong đó 17 vàng, xếp hạng 6 chung cuộc và vượt trên rất nhiều anh tài khác như Hà Lan, Pháp, Đức hay Canada.
Úc hay New Zealand không có những lò luyện huy chương đầy khắc nghiệt, khi mà những đứa trẻ 5-6 tuổi đã bị cách ly khỏi cha mẹ. Thay vào đó, người Úc và New Zealand được hưởng hệ thống phúc lợi đầy đủ trang thiết bị, phòng tập và các sân bãi thẳng cánh cò bay.
Ngoại trừ các môn bóng có đông khán giả và dễ quảng cáo, các môn thể thao nói chung đều vận lộn để tìm nguồn tài trợ cho tập luyện. Ở Úc, điều này có thể giải quyết được bằng niềm đam mê thể thao vô bờ bến của giới trẻ mà như một người bạn nhận xét, “tụi chúng có máu điên”!
Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021
Phi: “Công chúa” Sara sẽ nối ngôi Tổng thống?
Sau nhiều lần cố gắng thay đổi Hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ tổng thống bất thành, Rodrigo Duterte, 76 tuổi đã quay sang ủng hộ con gái Sara Duterte, 43 tuổi làm người kế nhiệm ông trong ngôi vị Tổng thống Philippines. Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 5 năm tới và hiện “công chúa” Sara đang dẫn đầu cuộc đua, bỏ xa các đối thủ.
Trong quá khứ, Philippines đã có hai “gia tộc” cầm quyền đó là Corazon Aquino (mẹ) - Benigno Aquino (con trai) và Diosdado Arroyo (cha) – Glotia Arroyo (con gái) nhưng đều không liên tục về thời gian, còn với nhà Duterte thì lại là lần đầu tiên có sự chuyển giao trực tiếp.
Là một người theo chủ nghĩa dân túy, Rodrigo Duterte đang có uy tín cao trong dân chúng mặc dù nhiệm kỳ gần 6 năm qua của ông khó có thể coi là thành công.
Khi mới lên cầm quyền, Duterte đã gây sốc khi tính xoay trục, từ bỏ liên minh chiến lược với Mỹ mà quay sang Trung Quốc. Nhận thấy sự “ngưỡng mộ” của ông, Trung Cộng đã hỏi thăm “mượn tạm” mấy hòn đảo Philippines. Cảm thấy không ổn, Duterte đã phải suy nghĩ lại.
Trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin vào 30/7 mới đây, Duterte đã khẳng định nối lại toàn bộ cam kết chiến lược giữa hai quốc gia, đặc biệt về quân sự và an ninh. Thực ra, sự gắn bó truyền thống của Phi với Mỹ đã có từ lâu đời, một cá nhân như Duterte không dễ gì phá bỏ.
Vốn là một luật sư, Duterte lại không tin vào quy trình luật pháp mà muốn hành động “mạnh tay” trong việc tiễu trừ tệ nạn ma túy. Hậu quả, hàng ngàn tội phạm ma túy bị bắn chết mà không qua các thủ tục của tòa án, nhưng vấn đề ma túy vẫn chưa được giải quyết. Điều này có thể khiến Duterte gặp rắc rối pháp lý khi ông rời khỏi chức vụ.
Duterte cũng ra lệnh “kill them” ngay tức khắc nếu tìm ra các phần tử phiến loạn cộng sản. Mệnh lệnh của ông đã làm 9 người bị bắn chết trong tháng 3 vừa qua.
Về việc chống Covid, chính quyền Duterte đã mắc nhiều sai lầm dẫn đến số ca lây nhiễm cao, nền kinh tế bị tàn phá và thất nghiệp tăng mạnh.
Duterte có hai vợ, bốn con. Ngoại trừ cô con út với người vợ sau mới 17 tuổi thì ba đứa với người vợ cũ đều đã đến tuổi khôn lớn. Mặc dù có 1 anh trai và 1 em trai đều theo đuổi sự nghiệp chính trị, “công chúa” Sara lại được bố cưng nhất. Khi trở thành Tổng thống, Rodrio giao lại chức thị trưởng thành phố Davao cho Sara và nay lại công khai tỏ ý ủng hộ cô nối nghiệp.
Tương tự Donald Trump, cũng có hai con trai lớn nhưng dường như ông lại ưu ái con gái Ivanka hơn. Trump cũng từng có sự ủng hộ đông đảo của người dân và chỉ một liên minh mạnh mẽ của những người đối lập mới đẩy được ông ra khỏi quyền lực. Tuy nhiên điều này chưa xảy ra đối với cha con Duterte của Philippines.
Sara Duterte cũng là một Luật sư, có chồng và ba con, trong đó một đứa con nuôi, bộc lộ tham vọng chính trị từ khá sớm. Tháng 10/2015, cô đã cạo trọc đầu để thuyết phục cha mình chạy đua vào chức tổng thống 2016. Người ta cho rằng Sara bài bản hơn chứ không bốc đồng cảm tính như cha.
Một điều nguy hiểm, Rodrigo lại muốn trở thành phó tổng thống cho con gái. Đây là một cách “lách luật” giống như Putin lui xuống làm Thủ tướng trước đây và chính là cách để ông duy trì quyền lực lại quần đảo Phi.
Từ nay đến cuộc bầu cử còn 9 tháng, thời gian đủ dài để có nhiều biến động, đặc biệt vào thời kỳ Covid, không ai có thể nói trước được điều gì.
Samoa có nữ thủ tướng đầu tiên
Sau ba tháng tranh chấp kể từ bầu cử, Tòa án tối cao Samoa đã quyết định công nhận tư cách Thủ tướng của cô Naomi Mata’afa, 64 tuổi, thủ lãnh đảng FAST. Đây cũng là lần đầu tiên đảng HRPP không giữ được quyền lãnh đạo ở đảo quốc Thái bình dương này.
Samoa có người sinh sống từ thế kỷ 5 TCN, người Samoa cùng giống Polynesia với người Hawaii, Fiji, Tonga và người Maori của New Zealand. New Zealand trao trả độc lập cho Tây Samoa vào năm 1962, lấy tên là CH Samoa, còn phần Đông Samoa vẫn thuộc lãnh thổ hải ngoại của Mỹ. Phần Tây lớn hơn và đông dân hơn với 215,000 người, còn phía đông chỉ có 55,000.
Theo Hiến pháp 1962, Samoa bãi bỏ chế độ quân chủ, Quốc trưởng đứng đầu nhà nước, có nhiệm kỳ 5 năm, giữ tối đa hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, người Samoa đã có một hành động nhân bản khi cho phép vua Tanumafili giữ chức quốc trưởng cho đến khi chết. Có điều ông sống khá dai, sống tới năm 2007, thọ 94 tuổi, lúc đó mới bầu được quốc trưởng mới.
Tuy nhiên, thực quyền của Samoa nằm trong tay Thủ tướng. Cha của Naomi, ông Mulinu’u II, cũng là một người có dòng máu hoàng tộc là vị thủ tướng đầu tiên. Naomi từng theo học đại học tại New Zealand, khi cha cô qua đời vào năm 1975 thì bắt đầu dấn thân vào chính trường.
Dần dần Noami trở thành phó thủ lãnh đảng HRPP cầm quyền kiêm phó thủ tướng. Năm 2020 cô ly khai của đảng và được đảng FAST mời về làm thủ lĩnh.
Cuộc bầu cử tháng 4 năm nay diễn ra hết sức sát sao, sau khi tranh cãi về kiểm phiếu chấm dứt thì kết quả vẫn hòa, HRPP và FAST mỗi bên được 25 ghế. Được dân biểu độc lập duy nhất ủng hộ FAST, do đó Noami đủ đa số và đã làm lễ tuyên thệ nhận chức Thủ tướng vào 25/5.
Phe HRPP không chịu, viện vào lý do Hạ viện chỉ có 5 dân biểu nữ không đủ mức tối thiểu 10% theo quy định nên đề nghị bầu bổ sung thêm 1 dân biểu. Tranh chấp đã đi đến hồi kết vào tối hôm qua với phán quyết của Tòa án. Có tin Thủ tướng tiền nhiệm Tuila’epa không kiện cáo gì thêm nữa mà sửa soạn rời nhiệm sở.
Khác với chính phủ hiện tại, Naomi được coi là người có chính sách chống tại ảnh hưởng của Trung quốc tại đảo quốc này. Cô đã từng hứa nếu lên làm Thủ tướng sẽ hủy bỏ một dự án cảng biển với Trung Quốc trị giá 100 triệu USD vì “không cần thiết”.
Một điều thú vị nữa, Cô Vy dường như bỏ quên các đảo quốc Thái Bình Dương, trong đó có Samoa, tổng ca nhiễm ở đây dừng ở con số 3.
Hiến kế gì cho Phòng chống Covid?
Biết nói gì đây, khi báo quốc doanh kêu gọi kiều bào hiến kế cho phòng chống Covid?
Cách đây dăm bẩy năm gì đó Thủ tướng Ba Dũng sang thăm Úc và có một buổi gặp gỡ kiều bào Sydney. Một người hỏi rằng, Việt Nam rất thiếu bệnh viện, hai ba người chung một giường, tại sao không xây thêm bệnh viện. Bác Ba trả lời rằng nếu xây thêm bệnh viện thì lại thiếu bác sĩ, y tá!
Ước gì mình không đọc báo trong nước, trong đầu tẩy được hai chữ Việt Nam. Ước mơ đó không thành sự thật nên cứ phải bức xúc vì những tin tức đang xảy ra.
Tại sao lại đi phun hóa chất toàn thành phố, rất độc hại cho dân mà đâu có diệt được virus, bằng chứng là sau khi phun thì số ca của Sài Gòn vẫn tiếp tục tăng.
Rồi cấm chợ truyền thông sẽ làm dồn người vào chợ trong nhà. Đáng lẽ phải ngược lại mới đúng, vì ở ngoài trời sẽ khó lây nhiễm hơn. Rồi vụ lập ra các trại cách ly tập trung, đặc biệt là tách con cái khỏi cha mẹ.
Điều đáng oán hận nhất là phân biệt vùng miền, Sài Gòn bị nặng hơn, dân số đông hơn mà được phân bổ quá ít vaccine so với Hà Nội.
Quay lại chủ đề chính: Hiến kế gì? Thực ra cũng chẳng cần suy nghĩ, phát minh làm gì cho mệt, chỉ cần coi người ta làm thế nào thì làm theo là xong. Trong quá khứ, bệnh dịch gây chết người nhiều hơn chiến tranh và người Tây có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các loại dịch.
Đối với Covid, có thể học hỏi họ trong 3 việc:
Trước hết là vấn đề truy vết bằng QR code nhanh, chính xác mà không cần phải khai báo F0, F1, F2, F3... Cuối cùng, PCT thành Hồ Ngô Minh Châu đã phải thừa nhận rằng, phát hiện F0 hiệu quả không cao mà lãng phí nhân lực và thời gian.
Khi đã biết nguồn gốc lây lan thì cũng không cần cách ly tập trung.
Thứ hai, vấn đề vaccine. Dường như các cụ nhà mình đã tính sai một nước cờ nên đã dẫn tới tình trạng thiếu vaccine ở Việt Nam. Ở đây Tuyên giáo nhà nước đã không thể chứng minh được tính ưu việt của vaccine Trung Quốc, do đó người dân không chịu tiêm mà chỉ mê vaccine Mỹ và phương Tây.
Với dân số đông, Việt Nam cần 150 triệu liều đòi hỏi một số tiền lớn và khi đặt hàng đã phải thanh toán ngay. Chưa rõ Việt Nam đã mua được chưa hay toàn là vaccine viện trợ một cách nhỏ giọt.
Ở Úc, do dân số ít, hệ thống bệnh viện và nhân viên y tế hùng hậu, bao gồm cả du học sinh ngành y nên theo tính toán, chỉ cần tiêm 50% dân số là có thể thả, không cần lockdown. Đối với các nước khác tỉ lệ này phải là 70% hoặc hơn. Một số nước như Anh quốc, dù số ca vẫn cao nhưng vì tỉ lệ tiêm đã đạt mức miễn dịch cộng đồng nên chính phủ đã cho phép mở cửa cho người dân làm ăn sinh sống bình thường.
Thứ ba, cần gấp rút xây dựng thêm bệnh viện và đào tạo nhân lực cho ngành y. Covid có thể kéo dài 5-10 năm nữa, mà dù có sớm hơn thì cũng rất cần có thêm bệnh viện.
Thử tưởng tượng rằng, khi vỡ trận các bệnh nhân của các bệnh nguy hiểm hơn, như ung thư chẳng hạn sẽ tử vong rất nhiều vì thiếu bệnh viện. Tỉ lệ Ngân sách cho y tế phải đạt tối thiểu 15%, có thể đoán rằng con số này ở Việt Nam thấp hơn khá nhiều.
Rõ ràng bây giờ là lúc cần đầu tư nhiều hơn cho y tế.
Đại sảnh danh vọng của Âm nhạc Việt Nam
Đại sảnh danh vọng (Hall of Fame) là một sáng kiến bầu chọn các cầu thủ Ngoại hạng Anh (Premier League), theo đó Sheerer và Henry là hai cầu thủ đầu tiên được vinh danh, tiếp sau 6 cầu thủ khác. Mặc dù đây là danh hiệu không kèm theo tiền thưởng nhưng cũng là điều mà các cầu thủ mong ước.
Tiêu chí đầu tiên là cầu thủ đó phải chơi số trận đủ lớn tại Ngoại hạng Anh. Vì thế cho dù Ronaldo rất xuất sắc nhưng về số trận lại không nhiều nên không được xét để bình chọn.
Theo cách làm này, người Việt cũng có thể có một đại sảnh cho âm nhạc Việt Nam. Người nhạc sĩ lọt vào đây chắc hẳn phải có những tác phẩm vượt thời gian và không gian. Trên thế giới, có nhiều tác phẩm âm nhạc xuyên thế kỷ, sống mãi với thời gian.
Nền tân nhạc Việt Nam chưa có những tác phẩm lâu như vậy, nhưng vẫn có các bài hát ra đời sau 80-90 năm mà vẫn được đông đảo người Việt trong nước và hải ngoại yêu mến. Về không gian, có lẽ các bài hát Việt khó lọt vào thị trường Âu Mỹ, tuy nhiên Trung tâm Asia đã từng tiết lộ, bài “Không” của Nguyễn Ánh 9 đã từng được dịch ra tiếng Nhật để trình diễn bên đó.
Sau năm 1949, nhiều văn nghệ sĩ Trung Quốc chạy “giặc Cộng” sang Hongkong, Đài Loan đã làm nên nền văn hóa nghệ thuật tuyệt vời, với những giải thưởng lớn về âm nhạc, điện ảnh của quốc tế và Châu Á. Nhiều bài hát Hoa đã trở nên quen thuộc với khán giả Việt Nam.
Có một thực tế rằng, các bài hát của các tác giả miền Nam hoặc gốc miền Bắc, nay gọi là nhạc Bolero đã và đang chiếm một địa vị tuyệt đối trong lòng người yêu nhạc Việt, mặc dù ở Bắc Việt cũng có những nhạc sĩ tài năng.
Nguyễn Đình Thi chỉ sáng tác hai bài Diệt phát xít và Người Hà Nội, cả hai đều xuất sắc nhưng số lượng vỏn vẹn như vậy thì ông chưa thể vào “đại sảnh” được. Phạm Tuyên có khá nhiều bài, nhưng đại đa số là nhạc đỏ, loại nhạc chỉ được một bộ phận người miền Bắc và xuất thân nông thôn ưa thích.
Mỗi người có một góc độ riêng, mình đề cử sáu nhạc sĩ: Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lam Phương và Văn Cao.
Anh Bằng (1926-2015), quê Thanh Hóa, vào Nam năm 1954 và sau đó ra hải ngoại. Ông sáng tác và hoạt động âm nghệ thuật đến khi qua đời ở tuổi 90. Có lẽ Anh Bằng là nhạc sĩ phổ thơ nhiều nhất, với xấp xỉ 100 bài. Ông còn soạn lời Việt cho nhiều bản nhạc ngoại quốc.
Anh Bằng có công sáng lập ra trung tâm Asia, hội tụ được nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tài năng để làm nên những băng đĩa có giá trị.
Trần Thiện Thanh (1942-2005), quê Bình Thuận. Từng ở trong quân ngũ với cấp bậc khiêm tốn là trung sĩ, sau năm 1975 bị kẹt ở Việt Nam đến tận năm 1995. Nhạc Trần Thiện Thanh có 3 mảng lớn: nhạc quê hương, nhạc tình và nhạc lính, nhưng đặc sắc nhất có thể coi là nhạc lính. Các bài hát lính của Trần Thiện Thanh không hề sắt máu mà lại lãng mạn, tình cảm sâu sắc, với nhưng cái tên bất hủ như Tuyết trắng, Người ở lại Charlie, Không bao giờ ngăn cách...
Các nhạc sĩ đều biết hát, nhưng Trần Thiện Thanh Nhật Trường có một giọng ca của một ca sĩ hàng đầu.
Phạm Duy (1921-2013), người Hà Nội, di cư vào Nam rồi ra hải ngoại. Gia tài của Phạm Duy khá đồ sộ với khoảng 2,000 tác phẩm, với thể loại phong phú, đặc biệt là trường ca, một lĩnh vực là ít nhạc sĩ Việt nam viết.
Về đời tư, ông có một vụ scandal là mối quan hệ với em đồng hao, vợ em rể Phạm Đình Chương, cũng là một nhạc sĩ. Năm 84 tuổi ông hồi hương, không hoạt động âm nhạc và sống những năm cuối đời ở Sài Gòn.
Trịnh Công Sơn (1939-2001), người Huế. Vào thời chiến mà Trịnh Công Sơn viết nhạc phản chiến nên được coi là thân cộng, may mà không bị bỏ tù. Sau năm 1975, ông không viết nhạc chính trị xã hội nữa mà chủ yếu là nhạc tình. Ông còn là một nhà thơ và ca từ trong các bài hát rất đẹp.
Lam Phương (1937-2020), quê Rạch Giá, tác giả của những ca khúc bolero trữ tình nổi tiếng như Chiều Tây đô, Cho em quên tuổi ngọc, Đường về quê hương, Bài tango cho em...Những tác phẩm của ông được đông đảo quần chúng yêu thích nên đã mang lại cho ông nhuận bút lớn và ông đã từng giàu có. Tuy nhiên, sau những cuộc tình tan vỡ, cuối đời ông sống độc thân khi mang di chứng của tai biến mạch máu não.
Văn Cao (1923-1995), quê Hải Phòng, là người bạn cũ của Phạm Duy. So với các nhạc sĩ kể trên thì số lượng bài hát của Văn Cao quá ít ỏi, nhưng tên ông vẫn không thể thiếu trong đại sản danh vọng. Mọi người đều thấy Văn Cao tắt cảm hứng sáng tác rất sớm, nhưng với những Suối mơ, Thiên Thai, Tiến quân ca, Đàn chim Việt...đã quá đủ để khẳng định tài năng lớn của Văn Cao.
Đại sảnh danh vọng của Văn học Việt Nam
Vào cuối thập niên 198s, mình bắt đầu viết báo. Lúc đó một ông anh khuyên: em có chút năng khiếu, nếu được học hành bài bản sẽ tiến xa, vậy nên đi học viết văn. Tuy nhiên, từ hồi đó đã không coi viết văn là một nghề của chính của mình.
Tuy vậy mấy năm sau mình đã viết 5 truyện ngắn đăng ở Tác phẩm tuổi xanh và một số báo, tập san. Khi bạn có tác phẩm thì bạn đọc tác phẩm của người khác sẽ dễ thấu hiểu hơn.
Trong văn học, trường phái hiện thực có giá trị thời sự xã hội thường không được đánh giá cao bằng các tác phẩm có tầm tư tưởng, đạt đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Chính vì thế, cá nhân mình đánh giá Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan không bằng Vũ Trọng Phụng hay Thạch Lam.
Các nhà thơ Nguyễn Bính, Hàn Mạc tử, Hồ Zếnh để lại những thi phẩm đầy cảm xúc, nhưng mình lại nghĩ thơ không có nhiều ý nghĩa xã hội bằng văn xuôi. Tô Hoài có “Dế mèn phiêu lưu ký” xuất sắc nhưng các tác phẩm sau này của ông lại kém hơn rõ ràng về chất lượng.
Vào Đại sảnh danh vọng (Hall of Fame) của văn học Việt Nam, mình đề cử Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Huy Thiệp, Doãn Quốc Sĩ và Nguyễn Ngọc Ngạn.
Vũ Trọng Phụng (1912-1939)
Cuộc đời ngắn ngủi của Vũ Trọng Phụng đã để lại những tác phẩm bất hủ, trong 9 cuốn tiểu thuyết thì Giông tố, Số đỏ và Làm đĩ nằm trong số những tiểu thuyết hay nhất Việt Nam. Vào cuối thập niên 198s, khi các tác phẩm này được tái bản đã gây sốt trên thị trường độc giả.
Vũ Trọng Phụng có bút pháp trào lộng độc đáo, một thể loại rất khó viết. Từ thập niên 193s, ông đã tiên đoán được xu hướng giải phóng tình dục và giải phóng phụ nữ trong xã hội Việt Nam.
Ngoài tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng còn để sáng tác kịch, phóng sự, truyện ngắn, đều có giá trị lâu dài.
Thạch Lam (1910-1942)
Đọc Thạch Lam, chúng ta cảm thấy tiếng Việt đẹp biết bao! Không thể tinh tế hơn, nhạy cảm hơn và lung linh hơn được.
Là thành viên quan trọng của nhóm Tự lực văn đoàn, sở trường của Thạch Lam là truyện ngắn và tùy bút. Truyện của Thạch Lam hầu như không có cốt truyện. Ông tài tình ghi lại cảm xúc của mình trước số phận hẩm hiu của “Cô hàng xén”, miêu tả lòng cảm thông sâu sắc cơi một gia đình đông con, sống cơ cực trong xóm chợ (“Nhà mẹ Lê”) hoặc phân tích tỉ mỉ tâm lý phức tạp của con người (“Sợi tóc”)...
Tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam viết: “Hà Nội có một sức quyến rũ đối với những người ở nơi khác”.
Đoàn Phú Tứ (1910-1989)
Cùng thế hệ với Vũ Trọng Phụng và Thạch Lam song Đoàn Phú Tứ sống khá thọ. Tuy nhiên thời gian sáng tác nghệ thuật cũng không dài.
Tài năng của Đoàn Phú Tứ thể hiện chủ yếu ở hai lĩnh vực viết kịch và dịch sách văn học nước ngoài. Ngoài ra bài thơ “Màu thời gian” của ông cũng được coi là một tuyệt tác.
Có lẽ chỉ có Đoàn Phú Tứ mới có thể chuyển hóa sang tiếng Việt một cách có hồn từ các tác phẩm kinh điển của văn học châu Âu như Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang, Đỏ và đen, Hài kịch Shakespeare...
Điều khá bất ngờ, Đoàn Phú Tứ còn là Đại biểu quốc hội khóa 1.
Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021)
Nguyên Huy Thiệp đến với văn học muộn và cũng ra đi sớm. Nhưng ông đã kịp làm mưa làm gió trên văn đàn trong khoảng 5 năm cuối thập niên 198s và đầu 199s.
Vốn người Hà Nội do sống ở vùng xa nhiều năm nên thế giới văn của Thiệp là những câu chuyện ở nông thôn, miền núi, chuyện lịch sử với nhiều chi tiết hoang đường. Các cái tên Những ngọn gió Hua tát, Tướng về hưu, Muối của rừng, Con gái Thủy thần, Chảy đi sông ơi, Thương nhớ đồng quê...chắc chắn còn sống một thời gian rất dài nữa với người đọc Việt.
Chắc vì lý do nào đó, Nguyễn Huy Thiệp chuyển sang mở nhà hàng, các tác phẩm thưa thớt dần và phẩm chất cũng đi xuống.
Doãn Quốc Sĩ (1923- )
Doãn Quốc Sĩ vẫn còn sống, cho dù không sáng tác nữa thì gia tài của ông đã quá đồ sộ với 25 đầu sách, trong đó nổi tiếng nhất là trường thiên tiểu thuyết mang tên “Khu rừng lau”. Tiểu thuyết “Ba sinh hương lửa” thường được người ta ví với “Chiến tranh và hòa bình”, một tác phẩm lớn của thế giới.
Chuyện ngụ ngôn Con cá mắc cạn (The Stranded Fish) của ông đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh.
Sinh ở Hà Đông, sau khi di cư vào Nam, Doãn Quốc Sĩ thành lập Nhà xuất bản Sáng tạo cũng như tạp chí cùng tên quy tụ được nhiều cây bút có tiếng đương thời của Miền Nam. Ông còn làm Hiệu trưởng trung học và Giáo sư ĐH Văn khoa Sài Gòn.
Sau năm 1975, ông bị đi tù cải tạo tổng cộng 14 năm. Định cư tại Mỹ, ông đã có dịp trở về thăm quê hương vào năm 2016. Ở tuổi gần 90, ông bị đãng trí và ít khi xuất hiện trước công chúng.
Nguyễn Ngọc Ngạn (1945- )
Sinh ở Sơn Tây, di cư vào Nam rồi ra hải ngoại. Vốn xuất thân nhà giáo nhưng số phận đã đưa đẩy Nguyễn Ngọc Ngạn trở thành nhà văn.
Sau khi ra tù cải tạo năm 1978, Nguyễn Ngọc Ngạn cùng vợ con vượt biên bằng thuyền. Người vợ cũ và đứa con trai lên 4 đã chết. Có lẽ đó chính là nguồn xúc cảm dâng trào thôi thúc để ông Ngạn bắt đầu viết.
Các thể loại của Nguyễn Ngọc Ngạn bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, đáng kể nhất là Những người đàn bà ở lại, Một lần rồi thôi, Trên lối mòn hậu chiến, The will of Heaven (bằng tiếng Anh).
Trí tưởng tượng của ông đã thăng hoa với hàng loạt truyện ma, thể loại rất thành công và ăn khách, mang lại thương hiệu Nguyễn Ngọc Ngạn.
Có lẽ ông là nhà văn được nhiều người Việt Nam biết đến nhiều nhất vì ông còn khá nổi tiếng trên lĩnh vực sân khấu, trong đó ông đã viết khoảng 70 vở Hài kịch cho Trung tâm Thuy Nga Paris.
Không thể không nhắc đến Đại thi hào Nguyễn Du. Tuy nhiên ông mất đã hơn 200 năm (1820) nên có thể coi thời đại của Nguyễn Du khác hẳn với cuộc sống hiện nay và ông không nên vào Đại sảnh của những người hiện đại.
112Hùng Lê, Xich Bich and 110 others
16 Comments
3 Shares
Like
Comment
Share
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)