Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Taliban có thể làm thay đổi Afghanistan

 

Mình sang Dubai tháng 2/2001 và sống ở Trung Đông trong 9 năm 11 tháng. Một anh bạn người Iran có vẻ coi thường người Afghan. Anh bảo tụi Afghan sang Iran đông lắm, toàn làm những việc tôi tớ, giúp việc, dọn vệ sinh.
Chắc anh nói đúng, trước khi bị cấm vận, Iran là nước giàu có còn Afghanistan nghèo bền vững từ xưa. 90% dân Afghan nói được tiếng Ba Tư nên có thể coi hai nước Iran và Afghanistan có chung ngôn ngữ.
Chuyện Afghanistan 2021 làm mọi người liên tưởng đến Việt Nam 1975, dù hoàn cảnh mỗi nơi, mỗi lúc một khác, nhưng điểm chung là thất bại của Mỹ.
Đế quốc Mỹ đụng đâu chết trâu đấy, thất bại khắp mọi nơi Việt Nam, Cuba, Iraq...Về kinh tế, Mỹ thâm thủng mậu dịch với hầu hết các nước, trong đó với Trung Quốc là nặng nhất. Rồi lạm phát, thất nghiệp, người vô gia cư ngủ đầy ngoài đường. Đến con Covid bé xíu cũng làm nước Mỹ toang hoang.
Vậy sao Mỹ vẫn là siêu cường số 1 thế giới với sự vượt trội về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quân sự so với các nước?
Trong 20 năm Mỹ đổ quân vào Trung Đông nhằm mục đích gì? Phải chăng đó là để giữ an toàn cho nguồn cung cấp dầu mỏ của Mỹ và đồng minh, trong đó đã hạ sát được những ngọn cờ chống Mỹ trong khu vực như Hussain, Ghadafi, bin Laden. Nay Mỹ đã tự túc được dầu lửa, vậy thì rút thôi.
Chỉ tội nghiệp các đồng minh, những người đã từng đồng hành với Mỹ. Nói đi cũng phải nói lại, bởi vì họ đã không thể tự đứng vững bằng nội lực.
Năm 1956 tại Hungaria và năm 1968 tại Tiệp Khắc, Liên Xô đã phải đổ quân vào để cứu các chính quyền bù nhìn. Năm 1989, Gorbachev cam kết không can thiệp nữa thì các nước đông Âu đã sụp đổ cả chùm.
Tại Afghanistan, khi Liên Xô rút quân vào năm 1996, Taliban đã tiến vào Kabul, bắt và treo cổ Chủ tịch Nagibulah thân Nga. Trong 5 năm cầm quyền, Taliban chỉ được ba nước công nhận hợp pháp, đó là Saudi Arabia, UAE và Pakistan.
Lịch sử có vẻ lặp lại, quân Mỹ rút và Taliban một lần nữa cướp được chính quyền. Nhưng lần này Taliban gây đã bất ngờ khi tuyên bố ân xá cho toàn bộ nhân viên chế độ cũ, không trả thù bất kỳ ai vì đó là nguồn gốc của hận thù.
Trước hết hãy xem ban lãnh đạo Taliban là những ai. Taliban xuất phát từ một phong trào thanh niên sinh viên do Mullah Omar (1960-2013) sáng lập vào năm 1994, với Abdul Baradar (SN 1968) đồng sáng lập và phó tướng.
Do chứa chấp tổ chức khủng bố Al Qadah và thủ lĩnh bin Laden, Taliban bị Mỹ với sự ủng hộ của đông đảo các nước, trong đó có Nga và Trung Quốc, lật đổ. Năm 2013, Omar bị trúng đạn và tử thương nhưng cái chết được giữ kín cho đến năm 2015 mới công bố tên nhà lãnh đạo mới là Akhtar Mansour. Chỉ được 1 năm, Mansour bị máy báy không người lái của Mỹ tiêu diệt. Nhà lãnh đạo tiếp theo Akhundzada, 60 tuổi đã phải sống khá ẩn dật vì lý do an ninh.
Khi Omar chết thì phó thủ lĩnh Baradar đang bị cầm tù và chỉ được thả vào năm 2018, ông mặc nhiên trở thành nhà lãnh đạo số 2 của Taliban. Con trai Omar là Mullah Yaqoob nay ở độ tuổi 30, người mới đây trực tiếp ra lệnh cho quân Taliban không được cướp bóc tài sản của dân, đang nổi lên như một nhà lãnh đạo hàng đầu của Taliban.
Điều có thể nhận ra rằng, các nhà lãnh đạo Taliban có học thức và rất sùng đạo. Riêng Baradar, Đại diện cho Taliban đi đàm phán với Mỹ ở Doha và Washington DC, sang thăm Trung Quốc tỏ ra rất khôn ngoan và ôn hòa.
Tổ chức giải phóng Palestin (PLO) từng là một tổ chức khủng bố. Đến khi ký Hiệp ước hòa bình Oslo 1995, họ đã từ bỏ bạo lực mà chỉ đấu tranh chính trị. Các nhà lãnh đạo như Arafat, Abbas đều đã đi thăm Hoa Kỳ.
Năm 2005, mình được đến thăm Saudi Arabia, quê hương Hồi giáo, nơi điều luật Sharia được áp dụng một cách khắt khe nhất, bao gồm cả việc cấm phụ nữ lái xe và không được ra đường mà không có đàn ông đi cùng. Nhưng Saudi vẫn là nơi dễ sống, chẳng thế mà có đến gần mười triệu người nước ngoài thường trú, trong khi dân số của Saudi chỉ vào khoảng 35 triệu, tương đương với Afghanistan.
Với sự lạc quan nhìn về tương lai, mình tin rằng Taliban sẽ thay đổi khi trở lại với tư cách là nhà cầm quyền tại quốc gia Nam Á này. Ngân sách hiện nay của Taliban còn dựa nhiều vào việc trồng thuốc phiện nhưng họ cũng nói đang tìm các loại cây thay thế.
Afghanistan có biên giới ngắn với Trung Quốc và Trung Quốc cũng hứa hẹn đầu tư tái thiết, mặc dù nước này hầu như không có dầu lửa và khoáng sản cũng khó khai thác do địa hình hiểm trở. Trung Quốc hẳn không muốn chính quyền hồi giáo ở đây gây nhiễu loạn cho người Hồi ở tỉnh Tân Cương cách đó không xa.
Một thực tế là một số người Afghan muốn đi di tản sang Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên Afghanistan không có biển là một trở ngại khách quan, đồng thời số người tìm kiếm ra đi không lớn. Nhiều nhân vật nổi tiếng của Afghanistan như cựu tổng thống Karzai đã tuyên bố ở lại đất nước.
Liệu có thể tin vào một sự chuyển biến tích cực?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét