Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Đại sảnh danh vọng của Âm nhạc Việt Nam

 

Đại sảnh danh vọng (Hall of Fame) là một sáng kiến bầu chọn các cầu thủ Ngoại hạng Anh (Premier League), theo đó Sheerer và Henry là hai cầu thủ đầu tiên được vinh danh, tiếp sau 6 cầu thủ khác. Mặc dù đây là danh hiệu không kèm theo tiền thưởng nhưng cũng là điều mà các cầu thủ mong ước.
Tiêu chí đầu tiên là cầu thủ đó phải chơi số trận đủ lớn tại Ngoại hạng Anh. Vì thế cho dù Ronaldo rất xuất sắc nhưng về số trận lại không nhiều nên không được xét để bình chọn.
Theo cách làm này, người Việt cũng có thể có một đại sảnh cho âm nhạc Việt Nam. Người nhạc sĩ lọt vào đây chắc hẳn phải có những tác phẩm vượt thời gian và không gian. Trên thế giới, có nhiều tác phẩm âm nhạc xuyên thế kỷ, sống mãi với thời gian.
Nền tân nhạc Việt Nam chưa có những tác phẩm lâu như vậy, nhưng vẫn có các bài hát ra đời sau 80-90 năm mà vẫn được đông đảo người Việt trong nước và hải ngoại yêu mến. Về không gian, có lẽ các bài hát Việt khó lọt vào thị trường Âu Mỹ, tuy nhiên Trung tâm Asia đã từng tiết lộ, bài “Không” của Nguyễn Ánh 9 đã từng được dịch ra tiếng Nhật để trình diễn bên đó.
Sau năm 1949, nhiều văn nghệ sĩ Trung Quốc chạy “giặc Cộng” sang Hongkong, Đài Loan đã làm nên nền văn hóa nghệ thuật tuyệt vời, với những giải thưởng lớn về âm nhạc, điện ảnh của quốc tế và Châu Á. Nhiều bài hát Hoa đã trở nên quen thuộc với khán giả Việt Nam.
Có một thực tế rằng, các bài hát của các tác giả miền Nam hoặc gốc miền Bắc, nay gọi là nhạc Bolero đã và đang chiếm một địa vị tuyệt đối trong lòng người yêu nhạc Việt, mặc dù ở Bắc Việt cũng có những nhạc sĩ tài năng.
Nguyễn Đình Thi chỉ sáng tác hai bài Diệt phát xít và Người Hà Nội, cả hai đều xuất sắc nhưng số lượng vỏn vẹn như vậy thì ông chưa thể vào “đại sảnh” được. Phạm Tuyên có khá nhiều bài, nhưng đại đa số là nhạc đỏ, loại nhạc chỉ được một bộ phận người miền Bắc và xuất thân nông thôn ưa thích.
Mỗi người có một góc độ riêng, mình đề cử sáu nhạc sĩ: Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lam Phương và Văn Cao.
Anh Bằng (1926-2015), quê Thanh Hóa, vào Nam năm 1954 và sau đó ra hải ngoại. Ông sáng tác và hoạt động âm nghệ thuật đến khi qua đời ở tuổi 90. Có lẽ Anh Bằng là nhạc sĩ phổ thơ nhiều nhất, với xấp xỉ 100 bài. Ông còn soạn lời Việt cho nhiều bản nhạc ngoại quốc.
Anh Bằng có công sáng lập ra trung tâm Asia, hội tụ được nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tài năng để làm nên những băng đĩa có giá trị.
Trần Thiện Thanh (1942-2005), quê Bình Thuận. Từng ở trong quân ngũ với cấp bậc khiêm tốn là trung sĩ, sau năm 1975 bị kẹt ở Việt Nam đến tận năm 1995. Nhạc Trần Thiện Thanh có 3 mảng lớn: nhạc quê hương, nhạc tình và nhạc lính, nhưng đặc sắc nhất có thể coi là nhạc lính. Các bài hát lính của Trần Thiện Thanh không hề sắt máu mà lại lãng mạn, tình cảm sâu sắc, với nhưng cái tên bất hủ như Tuyết trắng, Người ở lại Charlie, Không bao giờ ngăn cách...
Các nhạc sĩ đều biết hát, nhưng Trần Thiện Thanh Nhật Trường có một giọng ca của một ca sĩ hàng đầu.
Phạm Duy (1921-2013), người Hà Nội, di cư vào Nam rồi ra hải ngoại. Gia tài của Phạm Duy khá đồ sộ với khoảng 2,000 tác phẩm, với thể loại phong phú, đặc biệt là trường ca, một lĩnh vực là ít nhạc sĩ Việt nam viết.
Về đời tư, ông có một vụ scandal là mối quan hệ với em đồng hao, vợ em rể Phạm Đình Chương, cũng là một nhạc sĩ. Năm 84 tuổi ông hồi hương, không hoạt động âm nhạc và sống những năm cuối đời ở Sài Gòn.
Trịnh Công Sơn (1939-2001), người Huế. Vào thời chiến mà Trịnh Công Sơn viết nhạc phản chiến nên được coi là thân cộng, may mà không bị bỏ tù. Sau năm 1975, ông không viết nhạc chính trị xã hội nữa mà chủ yếu là nhạc tình. Ông còn là một nhà thơ và ca từ trong các bài hát rất đẹp.
Lam Phương (1937-2020), quê Rạch Giá, tác giả của những ca khúc bolero trữ tình nổi tiếng như Chiều Tây đô, Cho em quên tuổi ngọc, Đường về quê hương, Bài tango cho em...Những tác phẩm của ông được đông đảo quần chúng yêu thích nên đã mang lại cho ông nhuận bút lớn và ông đã từng giàu có. Tuy nhiên, sau những cuộc tình tan vỡ, cuối đời ông sống độc thân khi mang di chứng của tai biến mạch máu não.
Văn Cao (1923-1995), quê Hải Phòng, là người bạn cũ của Phạm Duy. So với các nhạc sĩ kể trên thì số lượng bài hát của Văn Cao quá ít ỏi, nhưng tên ông vẫn không thể thiếu trong đại sản danh vọng. Mọi người đều thấy Văn Cao tắt cảm hứng sáng tác rất sớm, nhưng với những Suối mơ, Thiên Thai, Tiến quân ca, Đàn chim Việt...đã quá đủ để khẳng định tài năng lớn của Văn Cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét