Vào cuối thập niên 198s, mình bắt đầu viết báo. Lúc đó một ông anh khuyên: em có chút năng khiếu, nếu được học hành bài bản sẽ tiến xa, vậy nên đi học viết văn. Tuy nhiên, từ hồi đó đã không coi viết văn là một nghề của chính của mình.
Tuy vậy mấy năm sau mình đã viết 5 truyện ngắn đăng ở Tác phẩm tuổi xanh và một số báo, tập san. Khi bạn có tác phẩm thì bạn đọc tác phẩm của người khác sẽ dễ thấu hiểu hơn.
Trong văn học, trường phái hiện thực có giá trị thời sự xã hội thường không được đánh giá cao bằng các tác phẩm có tầm tư tưởng, đạt đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Chính vì thế, cá nhân mình đánh giá Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan không bằng Vũ Trọng Phụng hay Thạch Lam.
Các nhà thơ Nguyễn Bính, Hàn Mạc tử, Hồ Zếnh để lại những thi phẩm đầy cảm xúc, nhưng mình lại nghĩ thơ không có nhiều ý nghĩa xã hội bằng văn xuôi. Tô Hoài có “Dế mèn phiêu lưu ký” xuất sắc nhưng các tác phẩm sau này của ông lại kém hơn rõ ràng về chất lượng.
Vào Đại sảnh danh vọng (Hall of Fame) của văn học Việt Nam, mình đề cử Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Huy Thiệp, Doãn Quốc Sĩ và Nguyễn Ngọc Ngạn.
Vũ Trọng Phụng (1912-1939)
Cuộc đời ngắn ngủi của Vũ Trọng Phụng đã để lại những tác phẩm bất hủ, trong 9 cuốn tiểu thuyết thì Giông tố, Số đỏ và Làm đĩ nằm trong số những tiểu thuyết hay nhất Việt Nam. Vào cuối thập niên 198s, khi các tác phẩm này được tái bản đã gây sốt trên thị trường độc giả.
Vũ Trọng Phụng có bút pháp trào lộng độc đáo, một thể loại rất khó viết. Từ thập niên 193s, ông đã tiên đoán được xu hướng giải phóng tình dục và giải phóng phụ nữ trong xã hội Việt Nam.
Ngoài tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng còn để sáng tác kịch, phóng sự, truyện ngắn, đều có giá trị lâu dài.
Thạch Lam (1910-1942)
Đọc Thạch Lam, chúng ta cảm thấy tiếng Việt đẹp biết bao! Không thể tinh tế hơn, nhạy cảm hơn và lung linh hơn được.
Là thành viên quan trọng của nhóm Tự lực văn đoàn, sở trường của Thạch Lam là truyện ngắn và tùy bút. Truyện của Thạch Lam hầu như không có cốt truyện. Ông tài tình ghi lại cảm xúc của mình trước số phận hẩm hiu của “Cô hàng xén”, miêu tả lòng cảm thông sâu sắc cơi một gia đình đông con, sống cơ cực trong xóm chợ (“Nhà mẹ Lê”) hoặc phân tích tỉ mỉ tâm lý phức tạp của con người (“Sợi tóc”)...
Tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam viết: “Hà Nội có một sức quyến rũ đối với những người ở nơi khác”.
Đoàn Phú Tứ (1910-1989)
Cùng thế hệ với Vũ Trọng Phụng và Thạch Lam song Đoàn Phú Tứ sống khá thọ. Tuy nhiên thời gian sáng tác nghệ thuật cũng không dài.
Tài năng của Đoàn Phú Tứ thể hiện chủ yếu ở hai lĩnh vực viết kịch và dịch sách văn học nước ngoài. Ngoài ra bài thơ “Màu thời gian” của ông cũng được coi là một tuyệt tác.
Có lẽ chỉ có Đoàn Phú Tứ mới có thể chuyển hóa sang tiếng Việt một cách có hồn từ các tác phẩm kinh điển của văn học châu Âu như Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang, Đỏ và đen, Hài kịch Shakespeare...
Điều khá bất ngờ, Đoàn Phú Tứ còn là Đại biểu quốc hội khóa 1.
Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021)
Nguyên Huy Thiệp đến với văn học muộn và cũng ra đi sớm. Nhưng ông đã kịp làm mưa làm gió trên văn đàn trong khoảng 5 năm cuối thập niên 198s và đầu 199s.
Vốn người Hà Nội do sống ở vùng xa nhiều năm nên thế giới văn của Thiệp là những câu chuyện ở nông thôn, miền núi, chuyện lịch sử với nhiều chi tiết hoang đường. Các cái tên Những ngọn gió Hua tát, Tướng về hưu, Muối của rừng, Con gái Thủy thần, Chảy đi sông ơi, Thương nhớ đồng quê...chắc chắn còn sống một thời gian rất dài nữa với người đọc Việt.
Chắc vì lý do nào đó, Nguyễn Huy Thiệp chuyển sang mở nhà hàng, các tác phẩm thưa thớt dần và phẩm chất cũng đi xuống.
Doãn Quốc Sĩ (1923- )
Doãn Quốc Sĩ vẫn còn sống, cho dù không sáng tác nữa thì gia tài của ông đã quá đồ sộ với 25 đầu sách, trong đó nổi tiếng nhất là trường thiên tiểu thuyết mang tên “Khu rừng lau”. Tiểu thuyết “Ba sinh hương lửa” thường được người ta ví với “Chiến tranh và hòa bình”, một tác phẩm lớn của thế giới.
Chuyện ngụ ngôn Con cá mắc cạn (The Stranded Fish) của ông đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh.
Sinh ở Hà Đông, sau khi di cư vào Nam, Doãn Quốc Sĩ thành lập Nhà xuất bản Sáng tạo cũng như tạp chí cùng tên quy tụ được nhiều cây bút có tiếng đương thời của Miền Nam. Ông còn làm Hiệu trưởng trung học và Giáo sư ĐH Văn khoa Sài Gòn.
Sau năm 1975, ông bị đi tù cải tạo tổng cộng 14 năm. Định cư tại Mỹ, ông đã có dịp trở về thăm quê hương vào năm 2016. Ở tuổi gần 90, ông bị đãng trí và ít khi xuất hiện trước công chúng.
Nguyễn Ngọc Ngạn (1945- )
Sinh ở Sơn Tây, di cư vào Nam rồi ra hải ngoại. Vốn xuất thân nhà giáo nhưng số phận đã đưa đẩy Nguyễn Ngọc Ngạn trở thành nhà văn.
Sau khi ra tù cải tạo năm 1978, Nguyễn Ngọc Ngạn cùng vợ con vượt biên bằng thuyền. Người vợ cũ và đứa con trai lên 4 đã chết. Có lẽ đó chính là nguồn xúc cảm dâng trào thôi thúc để ông Ngạn bắt đầu viết.
Các thể loại của Nguyễn Ngọc Ngạn bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, đáng kể nhất là Những người đàn bà ở lại, Một lần rồi thôi, Trên lối mòn hậu chiến, The will of Heaven (bằng tiếng Anh).
Trí tưởng tượng của ông đã thăng hoa với hàng loạt truyện ma, thể loại rất thành công và ăn khách, mang lại thương hiệu Nguyễn Ngọc Ngạn.
Có lẽ ông là nhà văn được nhiều người Việt Nam biết đến nhiều nhất vì ông còn khá nổi tiếng trên lĩnh vực sân khấu, trong đó ông đã viết khoảng 70 vở Hài kịch cho Trung tâm Thuy Nga Paris.
Không thể không nhắc đến Đại thi hào Nguyễn Du. Tuy nhiên ông mất đã hơn 200 năm (1820) nên có thể coi thời đại của Nguyễn Du khác hẳn với cuộc sống hiện nay và ông không nên vào Đại sảnh của những người hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét