Thứ Năm, 4 tháng 11, 2021

Nguyễn Ngọc Ngạn – Hiện tượng kỳ diệu của làng văn nghệ Việt

 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn sẽ giã từ sân khấu sau show diễn của Thuy Nga Paris vào đầu năm 2022 sắp tới, cũng là năm đánh dấu 30 niên đứng trên sân khấu. Lý do ông đưa ra là vấn đề sức khỏe, nhưng xem ra ở tuổi 76, sức làm việc của ông vẫn còn sung mãn với các tác phẩm mới vẫn nối tiếp ra mắt bạn đọc. Trước đây nhạc sĩ Anh Bằng của Trung tâm Asia còn sáng tác đến trước khi qua đời ở tuổi 90.
Từ hồi Nguyễn Ngọc Ngạn chưa lên sân khấu, ông sang Úc và có buổi gặp mặt với bà con. Một khán giả hỏi, nghe đồn ông là tổ sư nói dóc vậy bây giờ ông có thể kể một câu chuyện để chúng tôi được chứng kiến tận mắt không?
Nguyễn Ngọc Ngạn kể: Sau buổi huấn luyện tân binh, chỉ huy yêu cầu mỗi người lính mới phải lần lượt kể một câu chuyện. Đến phiên anh lính nhà quê, rất thật thà chất phác xin thưa rằng tôi chẳng có chuyện gì cả. Chỉ huy bảo sao không có, ví dụ như chuyện trong nhà cậu, trước khi đí lính cậu làm gì, bố cậu làm gì, ông cậu làm gì chẳng hạn.
Anh lính kể: trước đây tôi bán muối, mỗi ngày bán được 3 ký, bố tôi bán muối, mỗi ngày được 3 ký và ông tôi cũng bán muối, mỗi ngày cũng được 3 ký. Xin hết ạ.
Mọi người cười ồ, chuyện gì mà nhạt như nước ốc.
Cậu lính mới lẩm bẩm: những 9 ký muối còn kêu nhạt.
Một điểm đáng quý của ông Ngạn là đầu óc khôi hài. Thông thường chuyện sex, chuyện tục thì rất dễ chọc cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Ngọc Ngạn không rẻ tiền, tục tĩu mà ông ưa đi vào dạng khó nhất của hài là việc chơi chữ và đây là điều không phải ai cũng làm được.
Ông có trí nhớ khủng khiếp, những chuyện từ xửa từ xưa, đọc một lần vẫn còn có thể kể lại. Trong các đại nhạc hội của Thúy Nga, Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên nói liên tục 5 giờ đồng hồ, đặc biệt là không có kịch bản và máy nhắc.
Thông thường các Giám đốc, người chịu trách nhiệm trước pháp luật và hình ảnh trước công chúng phải kiểm duyệt nội dung của các MC. Nhưng đối với Nguyễn Ngọc Ngạn thì khác, ông có toàn quyền nói. Ông thường gọi Tổng giám đốc, cô Marie Thủy Tô là “Cháu Thủy”, vậy làm gì còn ai kiểm duyệt được nữa.
Có lần, báo chí phỏng vấn ông Tô Văn Lai, chủ nhân đầu tiên của Thuy Nga Paris rằng có phải nhờ có Nguyễn Ngọc Ngạn mà Thuy Nga Paris ăn nên làm ra và phát đạt hay không? Ông Lai đã khéo léo trả lời, vì thấy Thuy Nga Paris làm ăn đường hoàng mà Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn mới cộng tác!
Thực ra, nếu so sánh những gì ông Ngạn nói trên sân khấu với các tác phẩm văn học của ông thì sẽ thấy “vênh” đôi chút. Biết mục đích chính của Thuy Nga Paris là chuyện làm ăn kiếm tiền nên ông Ngạn đã phải tránh nói đến chính trị vì không muốn làm mất lòng một bộ phận khán giả trong nước, nguồn doanh thu quảng cáo quan trọng.
Ông cho biết, sau khi nghỉ hưu ở Thuy Nga Paris thì ông sẽ tiếp tục viết và đọc truyện trên Youtube. Một câu hỏi mà nhiều người quan tâm là ông có về Việt Nam hay không?
Trước đây đã nhiều người liên hệ với Nguyễn Ngọc Ngạn để mời ông về nước dựng phim cho các tác phẩm, nhưng ông “không có định về”. Lần này, trong phỏng vấn với BBC Việt ngữ, Nguyễn Ngọc Ngạn lại tái khẳng định “không”.
Nguyễn Ngọc Ngạn sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây, vô Sài Gòn từ khi lên 9 tuổi, ra hải ngoại đã 43 năm mà chưa một lần trở lại. Ông cho biết ông không về Sài Gòn cũng được nhưng rất muốn về Sơn Tây.
Mình nhớ đến chú Trần Huy Quyền quá cố, nguyên chủ nhiệm báo Việt Nam thời nay, cũng sinh năm 1945, cũng vào Nam năm 1954 rồi sau này định cư tại Úc. Chú về Việt Nam ra Bắc và đến thăm ngôi trường cũ ở Nam Định.
Hôm đó đang nghỉ hè, học sinh nghỉ nhưng các thầy cô đang họp. Một thầy hỏi "có phải đồng chí từ Hà Nội đến chơi?". Khôi hài quá, chú Quyền mới kể là học sinh cũ của trường hồi còn nhỏ xíu!
Nguyễn Ngọc Ngạn cho hay lý do không về Việt Nam vì sợ khi về đi đâu ngoài đường đều có “trẻ con bu vào”. Mình thì không tin đây là "lý do chính", nhưng thôi ông không tiện nói thì cũng đành chịu.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn có lẽ là một trong những người Việt Nam nổi tiếng nhất được đông đảo mọi người ngưỡng mộ và vẫn đang còn sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét