Thứ Năm, 4 tháng 11, 2021

Tại sao Mỹ giết TT Ngô Đình Diệm

 

Cách đây tròn 58 năm, một cuộc đảo chính đẫm máu đã diễn ra tại miền Nam Việt Nam, trong đó TT Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã bị giết hại. Trong một thời gian dài, nhiều người thắc mắc ai đã ra lệnh giết hại anh em tổng thống? Nhưng giờ đây điều này không còn là bí ẩn vì sự vụ đã được chính Mỹ bạch hóa là họ đã có mật lệnh làm chuyện này. Câu hỏi bây giờ chỉ là tại sao Mỹ lại giết ông?
Người trực tiếp bắn vào đầu anh em Diệm Nhu là đại úy Nguyễn Văn Nhung. Ba tháng sau, Nhung bị bắt và phải làm tường trình, theo đó, “tướng Thu” giơ hai ngón tay ký hiệu là hạ sát cả hai. Sau khi để lại bản tường trình, Nhung đã “tự tử” tại nhà giam.
Rõ ràng cái chết không minh bạch và bản tường trình cũng mật mờ vì không có ai là “tướng Thu”, và đó là cách để xóa đi dấu vết của người đã ra lệnh cho Nhung. Sau này, mọi người mới biết mật lệnh của CIA, chắc chắn phải có sự phê chuẩn từ tổng thống Kenedy, truyền trực tiếp cho người lãnh đạo đảo chính.
Việc Mỹ ra lệnh hạ sát các nhà lãnh đạo quốc gia không có gì lạ. Gần đây, Hussain của Iraq, Gadahfi của Libya cũng đều đã có hậu vận bi thảm. Nhiều cái chết khác cũng được coi là bí ẩn và có thể bị đầu độc như Hugo Chavez của Venezuela.
Các nhân vật kể trên đều là những người chống Mỹ cuồng nhiệt nhưng đối với TT Diệm là một đồng minh của Mỹ thì quả là phức tạp.
Trong số những người xuất thân từ quan lại thì ông Diệm có lẽ là người duy nhất nói được tiếng Anh. Ông cũng từng sinh sống khoảng 2 năm bên Mỹ. Thành công trong việc phế truất Quốc trưởng Bảo Đại vào tháng 10/1955, chắc chắn ông được sự hậu thuẫn ít nhiều từ phía Mỹ.
Cái chết của Tổng thống nền đệ nhất cộng hòa đã làm suy yếu chính thể miền Nam, dẫn đến sự suy sụp sau đó 12 năm. Bởi vậy, nhiều người nêu giả thuyết nếu ông Diệm còn sống thì cuộc chiến sẽ diễn biến theo hướng khác.
Lịch sự cận đại Việt Nam có ba nhân vật nổi bật, đại diện cho 3 xu hướng chính trị, đó là Bảo Đại, Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Nếu hai trong ba người hợp tác được với nhau thì tình hình sẽ khác. Thực tế, họ đều đã từng làm việc hoặc gặp nhau, nhưng đáng tiếc không tìm được tiếng nói chung.
Bảo Đại và Hồ Chí Minh đã từng làm việc với nhau khi ông Hồ là Chủ tịch và cựu hoàng giữ vai trò Cố vấn tối cao. Rồi khi Bảo Đại làm Quốc trưởng thì đã có giai đoạn bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng.
Việc tan vỡ các mối quan hệ có nhiều lý do nhưng đều có thể rút ra kết luận: người thua thiệt là nhân dân Việt Nam và kẻ được lợi là các thế lực ngoại bang. Thực tế cho thấy các nước lớn rất ưa tìm kiếm và sử dụng các con bài của họ trong việc nhúng mũi vào nội tình các nước nhỏ. Họ rất sợ các chính khách đoàn kết, chí ít là hợp tác với nhau thì như thế họ sẽ không còn ảnh hưởng và thao túng được các nước nhỏ.
Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm đã có cuộc gặp mặt trực tiếp vào tháng 3/1946. Mục đích của cuộc gặp là ông Hồ muốn mời họ Ngô giữ một chân trong Chính phủ liên hiệp. Mục đích đó không đạt, lý do chính là ông Diệm không thể vượt qua “thù nhà” vì anh cả của ông, cựu Thượng thư Ngô Đình Khôi mới bị Việt Minh giết trước đó vài tháng.
Trong cuộc gặp ông Hồ nói không biết gì về chuyện này, ngụ ý ông không ra lệnh việc sát hại, tuy nhiên không thay đổi được chủ ý của ông Diệm. Dù sao, ông Diệm cũng nguôi giận phần nào và nhắc đến ông Hồ một cách khá thiện cảm.
Nhờ vào cuộc gặp này, về sau khi trở thành tổng thống, ông Diệm đã cho liên hệ với Chính phủ Bắc Việt. Thông qua dàn xếp trung gian của Đại sứ Pháp và Đại sứ Ấn Độ, ông Nhu là người trực tiếp có tiếp xúc với đại diện của “những người anh em bên kia”.
Chắc chắn tình báo Mỹ đã phát giác ra sự việc và họ đã nổi giận. Khi xúi giục các tướng lãnh làm đảo chính, người Mỹ đã vu rằng anh em Diệm Nhu chuẩn bị bán nước cho cộng sản!
Về bề nổi, TT Diệm cực lực phản đối việc đưa quân đội Mỹ vào miền Nam vì hiểu nếu như vậy, phía Liên Xô và Trung Quốc cũng sẽ mạnh tay can thiệp vào miền Bắc, làm cho cuộc chiến leo thang.
Có thể coi Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa dân tộc, ông đã coi tinh thần quốc gia cao hơn lợi ích của phe nhóm. Điều này ông đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét