Trước khi đi Úc năm 1994, mình ít nghe nhạc hải ngoại. Khi lần đầu nghe nhạc Lê Uyên Phương, quả thật là sửng sốt vì nó quá hay. Rồi đến lúc Lê Uyên Phương qua đời ở tuổi 58, đài Việt ngữ SBS đã phát một chương trình đậm nét về dòng nhạc tuyệt vời này. Từ đó, mình chỉ đắm say nhạc vàng, bây giờ gọi là bolero, loại nhạc Việt khác vẫn nghe nhưng chút chút thôi, không còn thích nữa.
Lê Uyên Phương là tác giả, được ca bởi đôi tình nhân đồng thời là cặp vợ chồng Lê Uyên & Phương. Chuyện tình của họ đắm đuối và li kỳ như chuyện tình Romeo và Juliet.
Chàng trai tên thật là Lập sinh ra tại Đà Lạt. Anh vốn họ Phan, quê Quảng Nam nhưng sau vụ đàn áp phong trào của cụ Phan Bội Châu thì cha anh phải đổi họ. Mẹ anh là con gái vua Thành Thái, tức Lập là cháu ngoại Vua.
Sau khi bôn ba ở nhiều nơi, Lê Uyên Phương (bút danh sáng tác) trở về Đà Lạt, làm giáo viên triết học. Tại đây chàng 26 tuổi gặp cô hàng xóm Lê Uyên, tên thật là Lâm Phúc Anh xinh đẹp, con nhà giàu và mới 15 tuổi. Tình yêu của họ bị gia đình ngăn cấm, có tự tử, bỏ nhà ra đi, năn nỉ rồi cuối cùng họ đã chính thức thành hôn.
Nhạc của Lê Uyên Phương không giống các loại nhạc vàng khác, mà rất đặc biệt, đó là thứ nhạc của chủ nghĩa hiện sinh.
Công việc chính của “Phương” là sáng tác nên giọng hát của anh bình thường, nếu so sánh với danh ca Tuấn Ngọc thì kém xa. Nhưng khi Tuấn Ngọc và Thái Hiền, cũng là một cặp vợ chồng hát nhạc Lê Uyên Phương thì mọi người dễ dàng nhận ra khoảng cách đối với sự trình diễn rung động của cặp Lê Uyên & Phương.
Hãy xem các lời nhận xét:
“Nhạc của Lê Uyên Phương gập ghềnh, các câu nhạc có độ dài khác nhau, cách phát triển câu nhạc cũng thay đổi theo từng bài chứ không theo một khuôn mẫu nhất định”.
“Chẳng ai có thể hát về cái chết và sự chia ly với nỗi buồn tuyệt đẹp như Lê Uyên và Phương, vì cách họ hát, cách họ nhìn nhau đã như thể họ đang đếm ngược giây phút bị chia lìa nhau bởi cái chết”.
“Họ gửi gắm tình yêu đồng loại, tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên và dù là gì đi nữa thì tâm hồn họ cũng đã bay bổng theo từng con chữ và nốt nhạc, có khi sắc nhọn, có khi êm dịu như tâm hồn họ vậy”.
“Âm nhạc của Lê Uyên Phương, âm nhạc của đồi thông xanh, của sao trời lấp lánh trong những Đêm chợ phiên mùa đông, của căn phòng nhỏ nồng hơi ấm tình nhân, của gối chăn nhàu nhĩ khi còn vương vấn da thịt người tình”.
“Âm nhạc Lê Uyên Phương trở thành những lời trối trăn của một cuộc tình trong thời chiến, không có cơ may nổi loạn, chỉ làm sao có thể sống sót cho qua những cơn thảm sát ngu xuẩn của chiến tranh”.
Còn đây là tâm sự của tác giả: Suốt trong thời kỳ chúng tôi yêu nhau, chúng tôi đã sống trong một không khí đầy chiến tranh. Chiến tranh ở khắp mọi nơi và mỗi người nếu có nhau họ đã sống rất vội vã và sống trọn vẹn bên nhau. Bởi vì có thể ngày mai hay là sớm hơn vài phút nữa, vài tiếng đồng hồ nữa, chúng ta không còn nhau.
Sau năm 1975, Lê Uyên Phương mới bước qua tuổi 34, nhưng anh không còn nhiều sáng tác nữa mà bắt đầu thử sức trong lĩnh vực văn học. Tuy nhiên không có sự thành công như âm nhạc.
Lê Uyên bắt đầu hát các bài của các tác giả khác, cũng xuất sắc nhưng chưa thể coi là ấn tượng hơn các ca sĩ lừng danhkhác.
Hai người chia tay nhau một thời gian khoảng vài năm, nhưng như Lê Uyên đã xác nhận “không thể có chuyện kẻ thứ ba xen vào”, trước khi họ lại cùng nhau tái hợp và bước lên sân khấu Asia và Thuy Nga Paris. Tuy nhiên, giọng của “Phương” đã yếu đi nhiều, còn Lê Uyên hát không còn đam mê bất tận như trước. Dường như đỉnh cao của họ đã phát tiết ra từ trước hết rồi.
Nhạc Lê Uyên Phương thuộc đẳng cấp hàng đầu trong tân nhạc Việt Nam nhưng có vẻ không quá phổ biến. Có lẽ vì số lượng bài hát không thật nhiều, đồng thời các sáng tác chỉ dành cho hai người, các ca sĩ khác rất khó thành công.
Trước đây, mình đã vinh danh Đại sảnh danh vọng của nhạc sĩ Việt Nam, bao gồm Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Phạm Duy, Văn Cao, Lam Phương và Trịnh Công Sơn. Quả là thiếu sót nếu thiếu tên Lê Uyên Phương!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét