Đó là câu chúc cho ngày đầu tiên trong tháng chay tịnh Ramadan hồi giáo.
Là người đã từng sống cùng với mười mùa Ramadan, mình muốn tìm một câu chuyện cũ để kể.
Sực đọc một cái tút của cậu bạn Facebook có thắc mắc rằng về vụ Pct thành Hồ qua đời vì tai nạn giao thông. Báo chí đưa tin xe bị bể vỏ bánh sau, làm xe bị lật, nhưng qua hình ảnh thì thấy cả 4 bánh vẫn nguyên vẹn!?
Mình từng bị nổ lốp xe nhiều lần, nhất là hồi bên Trung Đông. Mùa hè bên đó nóng trên 50 độ ngoài nắng, hơn nữa lại chạy tốc độ cao.
Đường sá bển phẳng lì, không gập ghềnh như ở Sydney, hai bên đường không có cây, chỉ có cát trắng mênh mông, lái bị ngủ gật cũng chỉ đâm vào cát. Cánh tài xế chơi 170-180km/ giờ là chuyện thường.
Một lần mình chạy trên đường cao tốc mà bị bể vỏ, cũng đúng bánh sau. Ai lái xe thì biết nổ bánh trước mới nguy hiểm, chứ bánh sau thì không đến nỗi, chỉ cần ghì tay lái, tấp vào lề đường.
Trời nóng mà vật lộn với cái vỏ thì quá cực. Nhưng đừng lo, dù bạn lóng ngóng, trói gà không chặt cũng không sao, có cách chuẩn không cần chỉnh!
Mình xuống xe vẫy taxi và hỏi: mầy có thể giúp tao thay vỏ xe được không?
Tất nhiên là được, taxi bên Dubai thường "giúp" với giá một cuốc ngắn rất rẻ, chừng 5 Úc kim.
Mình chui vào ngồi trong xe và bật máy lạnh cho mát. Cậu taxi làm xong, vất vỏ cũ vào trong xe rồi gõ cửa kiếng. Mình trả tiền rồi lái đi.
(sẽ tiếp tục kể chuyện xứ Ả Rập, nhân mùa Ramadan)
Kỳ 2: Xây lâu đài trên cát
Khoảng đầu năm 2009, Đại sứ tại Ai Cập rủ mình đi “công tác” từ Cairo đến Sharm El Kheikh bằng xe hơi. Chuyến đi mất 3-4 ngày, mình thì rảnh rỗi nên nhận lời đi luôn, mặc gì chẳng có việc gì ngoài chuyện hầu chuyện cụ dọc đường đi, dù trên xe còn cậu tài xế nữa.
Mình đi đường trường nhiều rồi nhưng đây là chuyến đi dài nhất, 550km, tính hai lượt đi về là 1100km. Mình bảo cậu lái xe, để hai anh em thay nhau lái cho đỡ mệt nhưng cậu ấy không chịu, kêu “sếp” cứ nghỉ ngơi đi.
Được một đoạn, trận cuồng phong bão táp sa mạc nổi lên, cát bụi bay mù mịt không nhìn thấy gì. Xe buộc phải đi chậm lại. Được cái đường thẳng tắp nên chỉ cần giữ ngang tay lái cứ thế là đi được.
Con đường độc đạo chỉ có một chiếc xe đi, xe cùng chiều hay ngược chiều cũng không có luôn. Thỉnh thoảng lắm mới bắt gặp một cái cây cằn cỗi từ đằng xa.
Cụ ĐS đề nghị dừng xe để đi tiểu, cậu lái xe cũng đi luôn. Thường thì nam giới tương vào gốc cây, nhưng đây không có cây nên cứ đứng giữa bãi cát mà phun thôi.
Cậu lái xe nhanh chân chạy về xe trước, mình hỏi đùa: chim Tài xế với chim Đại sứ thì của ai to hơn? Cậu bảo, tất nhiên là Tài xế to hơn.
Sau chuyến đi, mình nghĩ rằng đất đai mênh mông thế sao Ai Cập không biết phân lô xay nhà bán nhỉ. Vì dân số nước này cũng đông chẳng kém gì Việt Nam.
Hỏi rồi lại tự trả lời, xây lên thì dễ nhưng bán cho ai. Vấn đề làm sao phải bán được giá cao thì nhà đầu tư mới có lãi. Nếu lỗ thì dính vào hay tranh cướp làm chi.
Bên Dubai, người ta cũng chỉ có cát, nhưng trên đó đã xây được những lâu đài nguy nga, lộng lẫy nhất thế giới. Cái này đòi hỏi một kỹ thuật rất khó trong kinh doanh, gọi là marketing, ở Việt Nam nói nôm na là “thổi giá”.
Giữa Ai Cập và Sudan có một mảnh đất vô thừa nhận từ hàng trăm năm qua, đó là Bir Tawil, rộng 2,060km2. Đường biên giới giữa Ai Cập và Sudan cũng như biên giới tất cả các nước châu Phi do các đế quốc thực dân vẽ, trường hợp này là Anh Quốc.
Gọi là vẽ trên giấy thôi, còn trên thực địa thì không hề có cột mốc hay một dấu hiệu phân chia nào cả. Riêng Bir Tawil, đó là một vùng đất cát không biển, không tài nguyên và hiện cũng không có người sống, vì thế Ai Cập và Sudan đùn đẩy nhau không ai nhận.
Năm 2014, một người Mỹ tên là Heaton đã đến đây và tuyên bố thành lập Vương quốc Bắc Sudan (vì nước Nam Sudan mới thành lập trước đó năm 2011). Ông đưa ra một dự án quyên góp 250,000 USD để xây dựng nhà ở, ít nhất cũng hữu ích cho dân tỵ nạn Bắc Phi đang làm điêu đứng Châu Âu lúc đó.
Điều nực cười là dự án chỉ thu được khoảng 10,000 USD nên kế hoạch bị hủy bỏ. Sau đó năm 2015, một người Nga tên là Zhikharev cũng đến đây để tuyên bố chủ quyền.
Nhưng rồi cả hai chỉ đấu võ miệng trên mạng chứ không ai dám quay lại mảnh đất “sở hữu” của họ. Lý do ở đây là vấn đề an ninh. Bir Tawil nằm trong khu vực của phiến quân và bọn trộm cướp cát cứ và ẩn náu, vì thế ồn ào quá dễ bị bọn chúng hỏi thăm như chơi.
Cái câu “tấc đất, tấc vàng” chỉ đúng trong một số hoàn cảnh. Nếu nó sinh income, sinh lợi thì đất là vàng, bằng không là của nợ, còn là cái cớ để bọn ngu xuẩn và mất nhân tính đi giết người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét