Global Village là tên Hội chợ bán lẻ nổi tiếng của Dubai từ năm 1999. Việt Nam bắt đầu tham gia từ năm 2001, nằm trong số khoảng 40 nước có gian hàng quốc gia. Mình hân hạnh đóng góp một phần nhỏ bé vào việc tổ chức hội chợ cho khu gian hàng rộng 1000m2 của người Việt, phần chính do công ty trong nước làm.
Bắt đầu từ năm 2004, mặt bằng dàn dựng không còn được miễn phí mà phải đóng trước tiền thuê đất khoảng 30,000 USD. Hồi đó còn ưa dùng tiền mặt, khi mình đưa tiền thì thằng thu tiền đếm xong, bỏ vào ngăn kéo rồi nói: ngày mai mày đến lấy recept nhé.
- Nếu ngày mai mày bào tao chưa đưa tiền cho mày thì sao?
Mình kìm lại không nói, nhưng không lẽ lại đòi lại tiền. Thôi thì nhập gia tùy tục, đành đi về, nghĩ bụng cùng lắm thì mất 30,000, nhưng may hôm sau lấy được biên lai đàng hoàng.
Trong 10 năm (2001-2011) mình ở Trung Đông cũng là thời gian bung lụa, các “doanh nghiệP” (đúng ra phải gọi là doanh nhân) đi ra nước ngoài làm việc rất nhiều. Dubai là thị trường mới nên được bà con chiếu cố rôm rả.
“Anh làm giám đốc 20 năm, làm sao bọn Ả Rập lừa được anh”.
Không lẽ mình lại vả vào mặt: xin lỗi, làm giám đốc quốc doanh thì ai chả làm được. Thực sự anh đéo biết cái gì cả. Mấy ông giám đốc này cũng giống như các cô gái mới lớn, thích nghe nịnh, thích lời nói dối mà không bao giờ tin lời thật.
Mình cũng là giám đốc quốc doanh một thời gian ngắn khi kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm thương mại Việt Nam tại Dubai. Hồi đó mình “liều lĩnh” xin tự chủ hạch toán thu chi mà không được, vì vướng “cơ chế”.
Phong tục tập quán mần ăn của dân Ả rất khác với dân ta. Cụ thể, trình của chúng nó cao hơn nên nhiều người của ta bị lừa.
- Không được thả gà ra đuổi. Nhất quyết không cho nợ một đồng nào hết.
Nói đi nói lại rồi mà cuối cùng vẫn đưa hết hàng họ cho nó.
Bởi vì thằng Syria đó nó bảo: hàng của mày để mấy năm rồi có bán được đâu, để thêm mấy năm nữa cũng thế, mất tiền thuê kho làm chi cho uổng, gửi về Việt Nam thì còn đắt hơn. Tao là người duy nhất ở Dubai tiêu thụ được hàng này, bây giờ cứ đưa tạm về chỗ tao, tao có kho, không bị mất phí. Coi như tao giữ hộ, nếu không bán được thì cũng phải trả lại cho mày thôi. Nghe quá hợp lý nên anh mới đồng ý.
Khi giao hàng, nó dấn thêm: Nhân tiện sẵn xe tải, tao lấy thêm mấy món nữa, tao giúp mày rồi mày cũng phải giúp tao chút, ngày mai tao trả tiền luôn. Không cho lấy thêm thì nó sẽ trả lại hàng đã chất lên xe, lúc đó sẽ nát hết bao bì.
Ngày mai làm sao gọi điện được cho nó, mặc dù nó dùng đến 4 mobile. Cả Dubai có biết nó là thằng nào mà dám xưng là duy nhất, là số 1.
Cục nợ chỉ có to ra chứ không bao giờ nhỏ đi. Mà không chỉ người Việt, anh em Tầu cũng dính chưởng liên lục. Một đôi vợ chồng người Tàu Việt làm ăn bên ấy đã lâu nói: chúng nó nợ anh 2 triệu đô, đêm anh không ngủ được.
Với nhiều trường hợp, có thể đòi nợ, nhưng người chủ nợ sẽ bị chèn ép và phải chịu mất mát kha khá. Đừng nói chuyện kiện tụng nha, nếu bạn không đủ thông thạo pháp luật và các mối quan hệ cần thiết.
Trong buôn bán, nợ lẫn nhau là chuyện bình thường, không nợ không thể phát triển các thương vụ. Tuy nhiên, mối quan hệ phải đủ “chín” thì mới có thể nợ.
Trên không chằng, dưới không rễ, đầu óc lúc nào cũng chiêm bao trên cung trăng, ngu gì mà không lừa. Nếu bạn vào địa vị của doanh nhân Ả Rập, bạn cũng rất muốn có các đối tác chuyên nghiệp, có nguồn hàng hóa ổn định, chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng. Khi doanh nhân ta chưa chứng minh được những phẩm chất đó bằng thực tế thì chúng nó chưa coi ta là đối tác hay bạn hàng.
Người Ả cũng tình cảm như người Việt, không cần nguyên lý nguyên tắc như Tây. Muốn làm ăn nhất thiết phải là bạn bè, phải chân thành chứ đừng bao giờ nghĩ bụng rằng chúng nó là Rệp, là mọi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét