Bây giờ chắc chẳng còn ai giống như mấy nhân vật nữ trong truyện Nguyễn Huy Thiệp. Cả đời họ không ra khỏi cái lũy tre làng, lý do đơn giản là chẳng có việc gì và “không cần thiết".
Khi quý vị đi thoát ly từ quê để lập nghiệp ở nơi lạ nước lạ cái, một thành phố chẳng hạn, đó chính là thách thức phải vượt qua. Còn quý vị định cư ở nước ngoài, khác biệt ngôn ngữ văn hóa thì câu chuyện còn lớn hơn.
Người lớn đã vậy, quý vị lo lắng cho con cái mình liệu có hòa nhập, hòa đồng ở môi trường mới hay không? Mình biết một bé tuổi teen có cha học PhD bên Úc, bé đi Úc 4 năm rồi về nước. Tội nghiệp bé khó hòa nhập được với môi trường cũ, bị bạn bè, thầy có giáo đều bắt nạt vì đã quên ít nhiều tiếng Việt và bé gần như bị trầm cảm!
Ở chiều ngược lại, các con từ trong nước sang thì sẽ hòa nhập với môi trường Úc ra sao? Xin kể một câu chuyện.
N., cháu gọi bằng bác của một người bạn mình sang Úc khi đã vào lớp 11. Vì trở ngại ngôn ngữ, cháu học khá vất vả, học ngày học đêm. Bạn mình bảo: cháu học làm gì cho khổ, hết lớp 12 đi học nghề thôi, vừa học vừa làm có tiền mà vẫn có cơ hội ở lại.
Nói nhiều quá N. còn đòi bỏ ra ngoài ở, bởi vì “bố mẹ cháu muốn cháu học đại học”. Bố mẹ ở Việt Nam thì biết cái gì mà đòi chỉ đạo từ xa. Binh pháp Tôn tử có câu: “tướng ngoài mặt trận có quyền không nghe lệnh vua”. Một câu tục ngữ khác: “liệu cơm gắp mắm”.
Theo mình, ở hoàn cảnh của cháu N., ganh đua học hành với học sinh địa phương có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ vào lúc này là chưa phù hợp. Nên vừa học vừa làm, lại giúp đỡ cho gia đình cũng chẳng giàu có gì. Cháu còn trẻ, vẫn có thể theo đuổi học vấn "đường vòng" nếu sau này vẫn đủ sự hiếu học, có ai cấm đâu.
Nếu học rồi về Việt Nam thì nên lấy cái bằng vớ vẩn nào đó để “lòe bịp” chứ có mục đích ở lại thì vấn đề bằng cấp sẽ khác, kinh nghiệm làm việc ở Úc mới quan trọng. Khác ở chỗ, các nghề hot như luật sư bác sĩ chẳng hạn mới cần bằng để dễ kiếm việc làm và việc lương cao, còn không thì có hay không cũng thế thôi.
Khi bạn mình nói chuyện với em út thì còn bực mình hơn, "tụi em còn muốn cháu học trên đại học chứ đại học vẫn chưa đủ đâu". Quả thật, Việt Nam và Úc khá gần nhau về địa lý nhưng quan niệm về cuộc sống lại quá xa nhau!
Chẳng cần tranh cãi làm gì cho mệt, vì thực tế dạy cho ta tất cả. “Đói thì đầu gối phải bò”. Ngoại trừ đại gia thừa tiền mang sang đây tiêu, người bình thường phải đi làm thì mới trang trải được chi phí. Mặc dù Úc được coi là đắt đỏ nhưng mức lương lại có thể coi là rất thỏa đáng, làm 1-2 ngày một tuần là đủ tiền sống cả tuần.
Chỉ cần đừng lười biếng là có thể sống tốt tại Úc. Và đừng suy nghĩ nhiều: đi làm hơi xa, công việc không đúng "sở trường", lương không bằng người ta...Cứ làm việc đi, các thắc mắc đó sẽ được thời gian trả lời. Khi các cháu có kinh nghiệm, tiền lương và điều kiện làm việc chắc chắn sẽ tốt dần lên.
Một điều bọn trẻ cảm nhận tốt hơn người lớn: thị trường lao động Úc là thị trường tự do. Thị trường tự do nghĩa là “tiền nào của nấy”, nếu làm tốt, chủ nhân muốn giữ người làm thì họ phải tăng lương, hoặc mình có thể nhẩy việc dễ dàng.
Xin bật mí một chuyện mà nhiều người có thể không đồng tình. Mình có hai con gái ở tuổi phổ thông trung học, chúng sẵn sàng nghỉ học chứ không nghỉ đi làm khi bị ốm nhẹ. Nhưng tụi mình ủng hộ, làm việc quan trọng hơn vì nó giúp cho các cháu trưởng thành hơn và hội nhập với xã hội tốt hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét