Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Gorbachev – Người hùng hay tội đồ?

 

Khi đánh giá về Gorbachev, có hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau: người có công lớn mang lại tự do dân chủ cho một phần nhân loại; hoặc kẻ phá hoại làm sụp đổ hệ thống XHCN.
Đối với cá nhân mình, khi Mikhail Gorbachev mới lên mình chỉ là một sinh viên ngành kinh tế. Một hôm có chú từng học ở Liên Xô cùng cơ quan bố mình đến nhà mình chơi đã nhắc đến Gorbachev và những gì thay đổi ở Liên Xô. Chú nói rất to đầy vẻ thích thú về công cuộc cải tổ do Gorbachev khởi xướng, làm mình đang ngồi học cũng phải vểnh tai nghe trộm.
Mình thấy bố có vẻ dè dặt, không hưởng ứng cho lắm. Điều đó cũng phản ánh thái độ của cán bộ hồi đó, một bên muốn cấp tiến bắt chước Liên Xô, đứng đầu là Trần Xuân Bách; bên kia tạm coi là phái bảo thủ mà Đỗ Mười là gương mặt tiêu biểu. Sự ngã ngũ kẻ thắng người thua đã mang đến ngã rẽ cho đất nước như mọi người đã biết.
Gorbachev vốn là một cán bộ đoàn, được coi có năng lực nên đã thăng tiến khá nhanh. Khi mà ba quốc tang xảy ra liên tiếp trong ba năm vì các lãnh tụ già nua, ốm yếu (Brezhnev, Andropov, Chernenko), Cộng đảng muốn chọn một người trẻ khỏe nên Gorbachev đã gặp thời.
Trong thời gian cầm quyền không lâu, Gorbachev đã đi thăm Việt Nam và đây cũng là nhà lãnh đạo duy nhất của Liên Xô đã từng đi thăm “đàn em” bé nhỏ xa xôi này. Gorbachev không chỉ đi Việt Nam mà ông tỏ ra khá năng động đi thăm nhiều nước, đặc biệt có quan hệ cá nhân khá thân thiết với các Tổng thống Reagan và G.H Bush.
Khác với Yeltsin, kể cả Putin đã nhiều lần chỉ chích chủ nghĩa cộng sản bằng những lời lẽ cay độc, Gorbachev thì không bao giờ. Khi còn tại chức, ông từng nói “cải tổ để CNXH nhiều hơn”, về sau ông cũng hơn một lần bênh vực cho chủ thuyết cộng sản.
Có lẽ ông muốn bác bỏ quan điểm cho rằng hệ thống XHCN sụp đổ do sai lầm cá nhân và Gorbachev là người chống cộng.
Bỏ qua chuyện phát ngôn, những hành động của Gorbachev chắc chắn không thể mang lại CNXH “nhiều hơn” mà chính là “ít hơn”. Những đòi hỏi của ông về “công khai” chính là một cách giết chết thể chế đã tồn tại trên 70 năm của Liên Xô. Ông cho phép cởi mở hơn về tự do ngôn luận, thanh trừng một loạt nhân sự bảo thủ và bổ nhiệm những người cấp tiến, trong đó có Yeltsin.
Khi đó, nền kinh tế Liên Xô được điều hành bằng hệ thống kế hoạch hóa tập trung đã bộc lộ những điểm yếu chết người và đi vào ngõ cụt không lối thoát thiếu hiệu quả, quan liêu và trì trệ. Bên cạnh đó là cuộc chạy đua vũ trang “chiến tranh giữa các vì sao”, cuộc chiến tại Afghanistan và việc bao đồng tốn kém theo tinh thần quốc tế vô sản cho các nước mà Việt Nam là một ví dụ điển hình thông qua hàng chữ CCCP (các chú cứ phá).
Như Lenin từng nói, cách mạng sẽ nổ ra tại mắt xích yếu nhất. Phong trào dân chủ ở Hungaria năm 1956 và tại Tiệp khắc 1968 đã bị Hống quân Liên Xô đàn áp trong biển máu.
Đến thời Gorbachev, Công đoàn đoàn kết Ba Lan nổi lên nhưng Liên Xô không can thiệp, kết quả Cộng đảng Ba Lan mất chính quyền và ông Walesa trở thành Tổng thống năm 1989. Và phản ứng dây chuyển đã nổ ra khi lần lượt các nước Đông Âu được dân chủ hóa, kéo theo sự sụp đổ của Liên bang Sô viết và ra đời 15 nước cộng hòa độc lập.
Gorbachev không có lựa chọn nào khác để duy trì sự sống còn của chế độ hay ông thiếu sự trung thành với lý tưởng cộng sản?
Trả lời câu hỏi này là điểm mấu chốt để đánh giá về con người Gorbi. Những điều mọi người đã thấy là nhà lãnh đạo này đã tìm cách mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cả thế giới nói chung và Liên Xô nói riêng khi hòa hoãn với Mỹ để ký các hiệp ước bãi bỏ chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí hạt nhân, triệt thoái quân đội khỏi Afghanistan, xóa bỏ việc can thiệp vào nội bộ các nước, cho phép báo chí tư nhân, từng bước xóa bỏ bao cấp để vận dụng quy luật kinh tế thị trường...
Những việc làm đó dũng cảm đó đã làm cho tên tuổi Gorbachev trở thành một trong những vĩ nhân, một anh hùng tạo ra thời thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét