Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

Đảo chính quân sự không còn là chuyện nội bộ

 

Ngày 26/7, một cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra tại Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi và cũng nghèo nhất thế giới. Đây là cuộc đảo chính quân sự thứ 7 trong vòng hơn 3 năm qua tại Tây Phi.
Ngày 31/7, nhóm ECOWAS gồm 15 nước Tây Phi, dẫn đầu bởi Nigeria, nước đông dân nhất Châu Phi đã ra tối hậu thư yêu cầu giới cầm quyền quân sự ở Niger phải trả lại quyền lực cho tổng thống dân sự được bầu là ông Bazoum, nếu không sẽ hứng chịu mọi hậu quả, kể cả biện pháp quân sự. Hôm nay, thời hạn tối hậu thư đã chính thức hết, ngay lập tức, nhà cầm quyền quân sự Niger đã ra lệnh cấm bay, nhằm phòng thủ cho bầu trời trước đòn tấn công có thể bất ngờ xảy ra.
Kể từ thập niên 1960s, thời điểm bắt đầu ra đời hầu hết các nước Châu Phi, đảo chính quân sự đã được coi như chuyện thường ngày ở huyện, đã có hàng trăm (chứ không phải hàng chục) cuộc đảo chính lớn nhỏ, thành công hoặc thất bại, đẫm máu hoặc không nhưng chưa bao giờ có chuyện can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Vậy tại sao bỗng dưng các nước Châu Phi láng giềng lại làm dữ vậy? Nói ngắn gọn là do thời thế đã thay đổi và chúng ta sẽ từng bước tìm hiểu.
Thời Xuân Thu Chiến quốc, đã nhiều lần liên quân đưa quân đánh mỗi khi nội bộ các nước có biến để vãn hồi trật tự, thông thường là hồi phục ngôi báu cho các ông vua bị lật đổ.
Vào thập niên 1970s, quân đội Cuba đã can thiệp vào cuộc nội chiến tại Angola, giúp cho phe cộng sản giành chiến thắng. Tuy nhiên sau khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền ở đây đã tự diễn biến, tự chuyển hóa thành một nước đa đảng như ngày nay.
Một lần khác, năm 2012, không quân Anh- Pháp đã yểm trợ cho quân nổi dậy lật đổ nhà độc tài Gaddafi tại Libya. Điều thú vị, khi làm cách mạng xóa bỏ chế độ quân chủ năm 1969, Gaddafi cũng chỉ đeo lon đại úy, bằng với cấp bậc của Traore, thủ lãnh cuộc đảo chính quân sự tại Burkina Faso vào tháng 9 năm ngoái và hiện là nguyên thủ quốc gia (dù chưa được quốc tế công nhận) trẻ nhất thế giới ở tuổi 35.
Chi tiết này cũng cho thấy đảo chính có vẻ quá dễ dàng, một sĩ quan cấp rất thấp, chỉ cần có súng là đã có thể thay đổi cả một chính thể.
Quá nhiều và quá đủ các cuộc đảo chính là lý do đầu tiên chúng ta phải làm gì đó để ngăn chặn các cuộc đảo chính quân sự cứ sòn sòn diễn ra. Cái quan niệm bạo lực đẻ ra chính quyền không thể mãi mãi tồn tại trong thế giới văn minh.
Điều quan trọng hơn, việc ngăn ngừa đảo chính liệu có khả thi? Các cuộc đảo chính gần đây ở châu Phi dường như có sự giúp sức trực tiếp (như ở Mali) và gián tiếp của đội quân đánh thuê Wagner của Prigozhin, một đội quân thiện chiến đang hoạt động mạnh của Tây Phi. Có điều Wagner đang suy yếu và giới quân sự ở đây sẽ mất đi một chỗ dựa quan trọng.
Về mặt chiến lược, khi thế giới đang hình thành một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa một bên là Nga -Trung Quốc và bên kia là Phương Tây thì Châu Phi, một lần nữa sẽ trở thành địa bàn tranh chấp giữa hai phe.
Tranh thủ sự bỏ rơi Châu Phi của Mỹ và phương Tây, những năm gần đây Trung Quốc đã giành được nhiều ảnh hưởng chính trị cũng như tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu cho sự trỗi dậy kinh tế của họ. Với những diễn biến mới nhất, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có, tốc độ tăng trưởng chậm đồng thời thiếu vắng các động lực mới. Còn nước Nga của Putin như một con hổ sa lưới trong cái bẫy Ukraine mà chưa biết khi nào thoát ra được.
Tây Phi có nhiều thuộc địa cũ của Pháp vì thế Pháp là nước thích hợp nhất trong việc đứng ra hỗ trợ cho nhóm ECOWAS tiến hành một chiến dịch lập lại trật tự trong khu vực. Tuy nhiên đây là việc làm chưa có tiền lệ và chắc chắn sẽ rất nhiều gian nan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét