Thứ Tư, 23 tháng 8, 2023

Nhịp cầu nối những bờ vui


Mấy ngày nay, tin tức nóng về xe điện Vinfast tràn ngập trên mạng xã hội với những luồng tin tốt xấu trái ngược nhau. Ông chủ Vượng từng nói rằng, “nếu vì lợi nhuận thì tôi không làm xe”. Mình tin lời ông, vấn đề ở chỗ, không vì lợi nhuận thì vì cái gì?
Chúng ta hãy thử phân tích “hoàn cảnh” Việt Nam và thế giới hiện nay. Việt Nam là 1 trong 23 nước, trong đó có các “đồng chí” Cuba, Venezuela, Iran đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, một khối các nước đối trọng lại với các nước Phương Tây. Việt Nam vẫn đang dùng vũ khí của Nga, nếu thêm động thái liên minh kinh tế này nữa thì có thể hiểu đất nước đã chọn xong phe.
Nhưng dường chiến tranh Ukraine đã làm đảo lộn tất cả, Nga bị cấm vận và nguồn vũ khí Nga trở nên ách tắc. Điều này lại “trùng lặp” với việc các đơn hàng xuất khẩu cho Việt Nam bị cắt giảm mạnh, nhất là may mặc, giày dép và đồ gỗ cùng việc thất nghiệp tăng và thị trường nhà đất ế ẩm, khiến viễn cảnh kinh tế trở nên ảm đạm nhất trong vòng mấy thập niên qua.
Những sự việc này dẫn điến việc Việt Nam đang cần Mỹ hơn bao giờ hết về cả hai phương diện kinh tế và quân sự. Ngược lại, Mỹ cũng cần Việt Nam để siết chặt vòng vây khi mà liên minh ma quỷ Nga và Tàu đã ngày càng khăng khít.
Mới đây, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam (một chị cũng tên Hằng, nhưng không phải bạn chú Cuội) đã đánh tiếng về vấn đề nâng cấp mối quan hệ Việt - Mỹ vào “thời gian thích hợp”. Trong khi Biden bật mí sẽ sang thăm Việt Nam trong chuyến Á du kết hợp dự G20 tại Ấn Độ vào giữa tháng 9, ông còn cho biết, Philippines, Việt Nam và Cambodia (những nước ASEAN từng chống Mỹ) sẽ trở thành một phần trong quan hệ đối ngoại của Mỹ.
Vinfast đã lên sàn chứng khoán Mỹ trong một thời điểm không thể đẹp hơn, có thể gán cho nó một vai trò hết sức cao cả: chiếc cầu nối trong quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ. Người viết không có ý định nâng bi hoặc dìm hàng Vinfast mà chỉ muốn đưa ra một giả thiết cho một thắc mắc của nhiều người.
Năm 1875, Bùi Viện được vua Tự Đức cử đi Mỹ với mục đích cầu viện trong bối cảnh Đại Nam đang bị Pháp o ép. Ông đã được gặp tổng thống Mỹ lúc đó là Ulysses Grant. Trước đó, Bùi Viện đã từng lặn lội sang Mỹ trong hơn 1 năm, sau đó mới tấu trình xin quốc thư để quay lại. Vì những lý do chủ quan và khách quan, sứ mệnh của Bùi Viện chưa thành thì ông đột ngột qua đời vào năm 1878 khi mới 39 tuổi.
Tự Đức đã từng bút phê về Bùi Viện như sau: “Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi lo lắng, quỷ thần ắt cũng chứng cho”. Nếu ông không mất sớm, rất có thể, mối quan hệ Việt – Mỹ được gây dựng và lịch sử nước ta cũng đã khác đi.
Con đường của Bùi Viện ngày nay được tiếp nối bởi tỉ phú giàu nhất Việt Nam. Để làm xe điện ở Mỹ, Vin group đã từ bỏ dự án điện thoại thông minh, dự án hàng không và chuỗi bán lẻ và được cho là chi khoảng 9.3 tỉ USD vào Mỹ.
Trong ảnh, Thu Thủy (trùng tên bà xã mình) CEO của Vinfast đã coi Tesla như một đối thủ đồng trang phải lứa, một hình mẫu mà xe điện của Việt Nam nhắm đến. Mọi người sẽ coi đây là mội lời nói “ngáo” như muôn vàn phát ngôn khác, nhưng biết đâu nó lại dựa trên một cơ sở nào đó.
Vinfast loan tin sẽ mở nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ và đã được nhà chức trách phía Mỹ ủng hộ về mặt bằng cũng như thủ tục. Tất nhiên giới chức ở đây sẽ thích thú khi một công ty nước ngoài đầu tư trên đất Mỹ nên việc này không có gì khó khăn.
"Gái có công thì chồng chẳng phụ", thậm chí sẽ có một cuộc chuyển giao công nghệ cao cấp cho kỹ thuật xe điện, điều mà nền công nghiệp lạc hậu của Việt Nam không hề có, giống như Mỹ đã làm với các đồng minh Nhật, Hàn và Đài Loan trước đây.
Nhưng ngay cả khi không còn trở ngại về công nghệ thì vẫn có một ẩn số khác. Người lao động của Mỹ và các nước phương Tây được công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi, nó rất khác công đoàn ở Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của đảng. Do đó quản lý nhân công ở các nước dân chủ là vô cùng phức tạp mà rõ ràng Vinfast chưa có kinh nghiệm xử lý những phát sinh gì cả.
Vẫn câu hỏi nếu làm xe không vì lợi nhuận thì vì cái gì? Ông Vượng quyết định làm xe điện trong bối cảnh hàng loạt đại gia Việt Nam nhập kho, bản thân ông cũng có tin đồn bị cấm xuất cảnh, cho thấy việc làm giàu là một chuyện, còn vấn đề bảo vệ tài sản và an toàn cá nhân lại là một bài toán khác phải tính đến.
Phải chăng ông chủ Vin group, một người học ở Nga và tự nhận không biết tiếng Anh, đã đặt cược sự nghiệp của mình vào cuộc chơi nâng cấp mối quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét