Sau cuộc tổng tuyển cử ở Cambodia, mọi người đã cảm thấy phần nào nhẹ nhõm khi Thủ tướng Hun Sen, 70 tuổi tuyên bố sẽ từ nhiệm để nhường lại vị trí cho con trưởng của ông là Hun Manet. Khó có thể coi việc cài cắm con vào vị trí là hành động đẹp nhưng dù sao cũng tốt hơn so với việc Hun Sen tham quyền cố vị để tiếp tục bám chiếc ghế mà ông đã ngự trị 38 năm qua.
Đương nhiên, điều này cũng chứng tỏ vị thế và quyền lực tuyệt đối của Hunsen trên chính trường đất nước chùa tháp. Khi Việt Nam đưa quân vào “giải phóng” Cambodia, Hun Sen mới có 26 tuổi và còn bị coi là thứ yếu so với các nhân vật khác, nhưng anh chàng đã nhanh chóng thâu tóm quyền lực và đã khéo léo chèo lái đất nước hồi sinh sau thảm họa diệt chủng Polpot.
Bên nội của Hun Sen vốn gốc người Tiều giàu có và có nhiều đất đai. Lớn lên, Hun Sen gia nhập quân đội, trở thành một sĩ quan của Khơ me đỏ nhưng rồi đã đảo ngũ và chạy sang Việt Nam. Trong chính phủ hậu Khơ me đỏ, Hun Sen giữ chức phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng. Ông được coi là có thể nói được tiếng Việt và tiếng Anh.
Trong chiến tranh, Hun Sen đã từng vào sinh ra tử, bị chột một mắt. Trở thành chính khách, ông đã vượt qua các đối thủ chính trị một cách ngoạn mục để có một vị trí độc tôn trên bàn cờ chính trị Cambodia.
Năm 1985 ông trở thành Thủ tướng khi Thủ tướng lúc đó là Pen Sovan bất ngờ bị cách chức và bị bắt giam mà lý do cụ thể không được công bố, cho đến tận ngày nay.
Khi về nước năm 1993, Sihanuk đã tự nguyện từ bỏ tranh chấp chính trị để khôi phục ngôi vua, một vị trí hữu danh vô thực như một cách để mở đường cho con trai cả của ông là Ranariddh tham chính. Trong cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên, đảng Nhân dân cách mạng của Hunsen đã thua đảng Funcinpec của Ranariddh. Tuy nhiên, vì mục đích “giữ ổn định”, cả hai Ranariddh và Hunsen đều trở thành đồng thủ tướng.
Viện vấn đề tuổi tác, Ranariddh là thủ tướng thứ nhất và Hun Sen là thủ tướng thứ hai. Những diễn biến tiếp theo, các thành viên của Funcinpec lần lượt bị tố cáo “vi phạm pháp luật”, đảng dần dần bị triệt hạ và bản thân Ranariddh phải ra nước ngoài sống lưu vong.
Trong nội bộ Đảng nhân dân cách mạng, các đàn anh của Hun Sen như Heng Somrim hay Chea Sim lại bị quy luật tự nhiên đào thải vì tuổi cao sức yếu. Như vậy Hun Sen vừa là lãnh tụ đảng cầm quyền đồng thời kiêm thủ tướng quyền sinh quyền sát.
Từ một đống tro tàn của chế độ Polpot, Camboddia đã có những bước tiến rõ rệt về xây dựng kinh tế. Tuy vẫn là một nhà nước độc tài, từng bước người dân Cambodia đã có những tiếng nói nhất định nói lên nguyện vọng chính đáng của mình.
Về đối ngoại, cho dù từ một chế độ do quân đội Việt Nam dựng lên, chính quyền Cambodia đã thiết lập được những mối quan hệ vững chắc với những ông lớn như Trung Quốc và Mỹ nên có thể coi là đã “thoát Việt” thành công.
Vợ chồng họ Hun có 5 người con, đều được ăn học tử tế, trong đó ba người con trai đã tham gia vào các cấp chính quyền dân sự và quân sự từ rất sớm. Người con cả Hun Manet nay đã 46 tuổi được học quân sự tại Mỹ, học về kinh tế tại Mỹ và Anh đã được truyền thông quốc doanh hết lời ca tụng tài năng sẽ chính thức nhận chức thủ tướng vào 22/8 tới đây.
Những ngày qua, Hun Sen ra báo chí nói rất nhiều, ông tự coi mình như một tấm gương “hy sinh” vì đất nước mà mọi người cần noi theo nhưng chưa thấy ý tứ Hun Manet ra sao. Thật ra cậu cả nói gì cũng không quan trọng, điều mọi người mong chờ là xem một người được bú mớm từ nhỏ sẽ phất ra sao khi cờ đến tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét