Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

Kịch nghệ - Một bộ môn thiết thực cho cuộc sống

 

Kịch nghệ là một môn học chính khóa trong các trường trung học tại Úc. Khác với debating (tranh biện), drama (kịch nghệ) là một môn thi tốt nghiệp và cháu Sissy nhà mình đã chính thức đăng ký dự thi môn này.
Drama mà dịch là kịch nói thì không đúng vì môn này không chỉ có “nói” mà còn hát, tức là kịch nghệ bao gồm nhạc kịch và kịch nói.
Trong bất kỳ công việc hay dự án nào, chúng ta cần phải biết bắt đầu thế nào, kết thúc ra sao, lường được các diễn biến, biết cao trào ở đâu để “mở nút”. Cái này gọi là “kịch bản”.
Trong cuộc biểu tình để lật đổ chế độ Mubarak đã tồn tại 29 năm tại Ai Cập, những nhà tổ chức biểu tình không ngờ thành quả “cách mạng” lại rơi vào tay phe Huynh đệ hồi giáo, tiếp theo phe quân đội làm đảo chính lật đổ phe hồi giáo. Cuối cùng Ai Cập vẫn là chế độ độc tài, không thay đổi được gì. Các nhà bình luận coi đó là do thiếu kịch bản chiến thắng.
Bạn là người đánh cờ biết dùng cờ thế, có thể tính toán các nước đi rất xa và đối thủ của bạn là tay cờ “vô chiêu”, chơi một cách tùy hứng và không theo bài bản nào. Dễ dàng có thể đoán biết kết cục của hai tay cờ này.
Mặt khác, nếu coi cuộc đời là một vở kịch thì vấn đề diễn xuất hết sức quan trọng, trong nhiều trường hợp có thể thuyết phục người khác làm theo ý mình. Bạn có ý tưởng tốt đồng thời bạn còn phải biết thể hiện nó một cách xuất sắc nữa, nếu không mọi ý đồ gì đều vô ích.
Bạn là một doanh nhân muốn bán sản phẩm của mình ra thị trường. Chắn chắn bạn cần chiến lược bán hàng và cách trình bày hợp lý thì mới tìm được khách hàng.
Vậy là kịch nghệ giải quyết được quá nhiều vấn đề, là yếu tố quyết định thành công hay thất bại? Không hoàn toàn như vậy, số phận mỗi con người phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, kịch nghệ trang bị cho người học sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, khả năng hóa thân và biết tâm lý các nhân vật, biết cân nhắc tính toán từng bước đi trong cuộc sống...
Như thế là quá đủ để coi kịch nghệ là một môn học quan trọng. Điều mình hơi băn khoăn là các phụ huynh và các học sinh chưa coi trọng đúng mức môn học thiết thực này, như lớp của Sissy, chỉ có 7/30 cháu chọn drama làm môn thi HSC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét