Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Một góc nhìn về cuộc chiến Israel – Hamas

 

Ngày 8/5/2008, lần đầu tiên mình đến Israel. Chuyến bay Cairo – Tel Aviv chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ nhưng đã khiến mình như lạc vào một thế giới khác. Khi xe chạy vào thành phố là đã thấy ngay một cuộc sống ngăn nắp, tinh tươm, khác hẳn một xã hội lộn xộn và bẩn thỉu. Một bên là những “người khổng lồ” với trọng lượng trên dưới một tạ, nam cũng như nữ và một thế giới với những con người nhanh nhẹn, gọn gàng. Đó là những gì đập vào mắt chứ không phải yêu hay ghét ai, vì thực ra mình còn gắn bó với người Ả Rập nhiều hơn người Do Thái.
Cậu lái xe đón mình từ sân bay là một người Ả, anh nói tiếng Anh tốt hơn hẳn những người Ả Rập bên Ai Cập. Nghe kể chuyện, mình hơi ngạc nhiên về số lượng người Ả Rập sống tại Israel, lúc đó là trên 2 triệu, còn bây giờ cỡ 3 triệu người. Về nguồn gốc chủng tộc, có lẽ người Do Thái và người Palestin là một, họ là Do Thái nếu vẫn theo Do Thái giáo, còn những người cải đạo sang Hồi giáo (một tôn giáo xuất hiện sau 1600 năm) thì trở thành Palestin.
Điều gây ấn tượng nhiều nhất là đất nước Israel giống hệt như ...Úc về thời tiết khí hậu và cảnh quan. Chính vì thế chưa xong chuyến đi đầu mà mình đã tính phải có chuyến tiếp theo, và lần này dành cho gia đình.
Lúc đó cháu Si mới tròn 1 tuổi nên không thể đi được, vậy mình với bà xã và Kelly (còn gọi là Bi) sẽ đi. Mà đi đường bộ luôn nên mình đã hẹn bạn đón mình ở thị trấn Eilot cực nam Israel, theo tuyến đường số 90 sẽ đi dọc theo chiều dài đất nước, đi giữa Bờ tây ở phía Tây và Dải Gaza về phía đông của Palestin.
Nhưng rồi phải 9 tháng sau, chuyến đi mới thu xếp được. Vì Sissy ở lại với cô giúp việc, thú thật là tụi mình không hoàn toàn yên tâm nên thôi hủy bỏ kế họach đi đường bộ, chỉ sợ có gì trục trặc không về được đúng theo kế hoạch thì rất phiền.
Cả hai chuyến đi, mình đều đã sống trong khung cảnh thanh bình, an toàn, không hề lo lắng gì, như những gì xảy ra trong khoảng thời gian dài sau cuộc chiến cuối cùng vào năm 1973 đến nay. Vậy mà...cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào trong lãnh thổ Israel đêm 7/10 được ví như một sự kiện 11/9 của năm 2011 bên Mỹ.
Thủ hiến Minns của NSW đã cảm thấy “kinh hoàng” trước những cuộc biểu tình giận dữ của người Ả Rập và Palestin tại khu vực Nhà hát Con sò, nơi Opera House được chiếu màu cờ của Israel để tỏ tình đoàn kết với người dân Do Thái; khu vực Town Halls, nơi làm làm việc của Chính phủ NSW và Lakemba, khu vực nhà mình, nơi sinh sống của nhiều người Hồi giáo.
Vì lý do nhân đạo, Úc đã thâu nhận khá nhiều người Palestin đến tị nạn chiến tranh trong vài chục năm qua. Một sắc dân cũng được chiếu cố là Lebanon, cũng vì nội chiến ở nước này. Một điều ít người để ý là khi tổ chức Huynh đệ hồi giáo bị cấm ở Ai Cập thì một số thành viên của nó cũng chạy sang Úc.
Theo như bảng “phong thần”, người gốc Ả Rập chiếm tỉ lệ cao nhất trong việc xin trợ cấp an sinh xã hội (hơn cả người Việt). Để xin trợ cấp, trong nhiều trường hợp là “ăn gian” về thu nhập cá nhân và doanh số trong kinh doanh và đây là một điểm yếu chết người nếu như nhà chức trách quy kết tội “trốn thuế”. Chính vì thế, có thể dự đoán các cuộc biểu tình ủng hộ Palestin sẽ hạ nhiệt nếu được chính quyền “khuyên” là không nên.
Với thỏa thuận “đổi đất lấy hòa bình” Israel đã trả lại Dải Gaza cho phía Palestin mà không xong và nay vùng đất bé nhỏ này lại trở thành căn cứ để đánh vào đất nước Do Thái giáo. Tại anh hay tại ả thì thật khó nói, mình chỉ muốn thử làm tiên tri đoán thời vận sẽ ra sao.
Thứ nhất, Israel đã chuẩn bị 300,000 quân để tái chiếm Gaza, nhằm vào hang ổ và tiêu diệt tận gốc Tổ chức Hamas. Sự kiện 11/9 đã làm Tổ chức Al Qadar và bin Laden bị xóa sổ thì nay một tình huống tương tự sẽ sắp diễn ra. Hệ lụy của việc này là sẽ nổ ra một loạt các vụ khủng bố khủng mẹ nhắm vào Israel và những người bạn của họ, nhưng Israel không có lựa chọn nào khác.
Dự trong tương lai, Gaza sẽ một lần nữa được trao trả lại cho phía Palestin thì đó mới là lúc hòa bình có hy vọng được vãn hồi.
Thứ hai, có thể coi Iran đã thành công trong việc làm Hiệp định hòa bình Israel – Saudi Arabia bị đình hoãn vô thời hạn. Đến nay đã có 6 nước Ả Rập bình thường quan hệ với Israel. Nếu Saudi, một nước giàu mạnh trong thế giới Ả Rập ký kết với Israel thì triển vọng hòa bình tại Trung Đông sẽ rất sáng sủa, nhưng lại là điều Iran sợ hãi nhất vì các nước Ả Rập đều theo giáo phái Sunni không coi Israel là kẻ thù nữa thì họ sẽ chĩa mũi nhọn là sang giáo phái Shia của Iran. Về tư tưởng, Hamas chịu ảnh hưởng của Huynh đệ hồi giáo, nhưng mọi người đều biết Iran “nuôi” Hamas từ khi Hamas thành lập năm 1987 đến nay.
Bên cạnh đó kế hoạch “con đường tơ lụa” từ Ấn Độ đi Châu Âu qua ngả Trung Đông mà Tổng thống Biden đề xướng tại hội nghị G20 tháng 9 vừa qua cũng bị phá sản hoặc đình hoãn. Tương tự là các dự án phát triển kinh tế đầy tham vọng của Saudi trong việc “hóa rồng hóa hổ” từ nguồn vốn dầu lửa khổng lồ chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực.
Ảnh: Màu cờ Israel trên Nhà hát Con sò.

Ma nữ Ả Rập tóc đỏ

 


Truyện ma của Ngọc Quang
Một buổi chiều mình đi làm về thì thấy thằng cháu đứng đợi mình trước cửa nhà. Thằng bé ngoan lắm, là con trai người bạn của mình mới qua Úc du học.
Thấy nó mặt đỏ như gấc, môi thắm như son, mình hỏi tại sao thì cháu bảo cháu đứng chiên đồ cả ngày 10 tiếng thì làm sao mặt không đỏ mặt cho được. Cháu đến trường có 2 ngày, đi làm 5 ngày. Cũng may, nhà hàng mới mở nhưng đã đông khách. Chứ mà ế khách thì chủ sẽ ép lương thì chớ, còn dọa đuổi việc ức chế lắm.
Mặt nó buồn buồn và có chuyện muốn hỏi chú.
- Chả là cháu là người chiên đồ mà không hiểu vì sao bị khói quá, máy báo cháy hú còi inh ỏi và xe cứu hỏa chạy đến. Nhưng làm gì có hỏa hoạn, chẳng qua là alarm báo sai thôi nên cơ quan cứu hỏa phạt chủ nhà hàng. Lần đầu chủ nhân trả nhưng đây là lần thứ hai nên họ bảo cháu phải đền $2000 là chi phí cho một lần dịch vụ xe cứu hỏa.
Mình bảo $2000 cũng chỉ bằng hai tuần tiền lương thôi, trả đi cho xong chuyện, coi như một tai nạn nghề nghiệp.
Nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Nhà hàng của cậu bé nằm ở tầng trệt trong một tòa nhà ba tầng mới xây. Nhà mới thì mọi thứ vẫn còn tốt, cả hệ thống báo cháy cũng vậy. Vậy mà không hiểu sao, cư dân trong chung cư hết sức mệt mỏi vì còi báo cháy đổ liên hồi dù chẳng hề có vấn đề cháy nổ gì hết.
Trước đây, khu đất chỉ có trên 1000m2 của tòa nhà là một ngôi nhà cổ. Nó thuộc loại di sản văn hóa được bảo vệ. Nhà di sản như vậy mỗi khi muốn sửa chữa rất khó khăn vì các điều kiện ngặt nghèo của giấy phép.
Chủ nhà phải cam kết tìm được đúng cái loại vật liệu cũ, như một viên gạch cũng phải làm sao có hoa văn trang trí như thời xưa. Chính phủ trợ giá 25% chi phí, đồng thời cho người giám sát thi công rất chặt chẽ. Tuy nhiên trợ giá đó không nhằm nhò gì vì để sửa chữa theo đúng quy định thì giá đội lên gấp vài lần.
Ngôi nhà theo thiết kế cũ chỉ có ba phòng, có bốn người ở, gồm hai vợ chồng, một cô con gái chừng mười tám tuổi và một cô du học sinh người Ả Rập mới đến chia phòng chưa đầy một năm.
Cô gái xứ sở Ngàn đêm lẻ có vẻ con nhà giàu, nếu nhìn vào phong cách và cách ăn mặc. Lối sống của Aisha (tên cô ta) khá kỳ lạ, trầm lặng một cách khủng khiếp. Aisha hầu như không chuyện trò gì với chủ nhà, kể cả người con gái con gái gia chủ cùng độ tuổi với cô. Cô vẫn đi học, rồi kiếm được việc đi làm.
Một buổi tối đi làm về muộn, khi nghe tiếng cạch cửa, chủ nhà ngó ra thì thấy bóng dáng một cậu trai râu ria xồm xoàm đi theo. Cũng mừng cho cô ấy nếu có bạn trai thì có thể sẽ làm cho Aisha vui lên.
Thỉnh thoảng có một lại có một cậu trai người Ả Rập đứng lởn vởn gần nhà. Nhưng không phải một cậu mà có lúc có vẻ hai hoặc ba người. Aisha không còn đi về đúng giờ nữa, kể cả đi học lẫn đi làm.
Một hiện tượng rất kỳ, thỉnh thoảng có một chiếc xe hơi lạ đậu ngay trước cửa nhà, độ vài ngày rồi không thấy nữa. Rất có thể ai đó theo dõi cô ấy bằng camera gắn trong xe. Aisha có vẻ rất run sợ mỗi khi đi bộ ra ngoài hoặc mới về và bước vào trong nhà.
Chủ nhà biết Aisha gọi cảnh sát đến, lúc đó hai cậu trai bên ngoài nhà đã biến mất, Aisha nói chuyện với cảnh sát mà đứng nép vào góc nhà với dáng vẻ vô cùng sợ sệt với những câu trả lời nhát gừng.
Cảnh sát còn đến nhà vài lần nữa và làm việc với chủ nhà. Aisha không chỉ con nhà giàu mà thậm chí còn có dòng máu hoàng tộc của Saudi Arabia. Cô đi du lịch ở Malaysia rồi bất ngờ trốn sang Úc với visa du học đã chuẩn bị trước mà giấu mọi người.
Thời gian đầu, cô vẫn liên lạc với gia đình, mẹ cô hứa sẽ tha thứ cho Aisha và vẫn gửi tiền chu cấp đều đặn. Nhưng có vẻ Aisha muốn tự lập nên đã xin việc để đi làm.
Từ khi có sự xuất hiện của mấy cậu trai, cô không đi chợ nấu ăn nữa mà đặt UberEat. Nhưng rồi chủ nhà lại thấy cái túi đồ ăn UberEat vứt chỏng trơ trước nhà, Aisha sợ bị đầu độc, không dám đụng đến UberEat nữa mà xin ăn chung với chủ nhà, mặc dù lúc đó cô còn thiếu tiền thuê phòng.
Cảnh sát có ý nghi ngờ về mối liên hệ giữa gia đình cô gái với mấy cậu trai. Phải chăng gia đình của cô đã thuê người giám sát dọa nạt để bắt ép gì đó đối với Aisha, chẳng hạn như không được cải đạo từ Hồi giáo sang Thiên chúa giáo, hay thậm chí phải hồi hương?
Sau này khi Aisha qua đời, hàng xóm vẫn nhớ đến một cô gái xinh đẹp, hơi mũm mỉm, mặt lúc nào cũng buồn nhưng không bao giờ choàng khăn kiều Hồi giáo, để lộ mái tóc màu đỏ rực rỡ. Làm gì có giống người tóc đỏ, không phải, cô nhuộm tóc cho phong cách mà thôi.
Đó là một cái chết đau đớn trong một vụ hỏa hoạn thiêu hủy ngôi nhà trọ của cô. Theo miệng lưỡi thiên hạ đồn thổi, chủ nhà muốn rũ bỏ ngôi nhà di sản để có thể xin giấy phép xây dựng ngôi nhà mới. Đáng chú ý, hệ thống báo cháy không hoạt động nên cứu hỏa không thể cấp cứu và nếu ông chồng đốt nhà thì đã kịp gọi vợ con cùng chạy. Riêng với Aisha, hoặc cô không được báo động, hoặc đã được báo mà không chịu chạy.
Hồi xưa, Công tử Trùng Nhĩ chạy loạn lưu vong ở nước ngoài đã buộc miệng than thèm một miếng thịt. Đến tối, đầu bếp bưng đến một đĩa thịt. Hỏi thịt đâu ra thì tả hữu bẩm Giới Tử thôi đã cắt một phần bắp vế để lấy thịt cho Công tử ăn.
Về sau, Trùng Nhĩ trở về nước Tấn và lên ngôi vua, tức Tấn Văn công. Vua có mở tiệc khao thưởng những người đã có công giúp ông từ thuở hàn vi, nhưng lại thiếu Giới Tử thôi. Khi nhớ ra, Tấn Văn công cho người đến gọi thì Giới Tử thôi đã cõng mẹ chạy vào rừng. Vì không thể tìm được cố nhân trong khu rừng rậm, Văn công ra lệnh đốt rừng nhưng Tử thôi vẫn không chịu trở ra, kết cuộc là hai mẹ con chết cháy.
Cái chết oan khiên của Aisha rất có thể là nguyên nhân làm cho hệ thống báo cháy của tòa nhà mới hoạt động chập chà chập chờn như có ma. Nó đã trở nên giận dữ, liên tục hú còi báo động, tiếng hú lanh lảnh kéo dài ghê rợn vào lúc nửa đêm, lùa hết cư dân trong tòa nhà phải ra ngoài đường, kể từ khi thằng cháu mình vì máy báo cháy mà bị phạt vạ.

Đi du học để làm gì?

 

Mấy hôm nay cộng đồng mạng xôn xao về vụ Úc hạ mức rủi ro cho du học sinh Việt Nam từ level 1 xuống level 2. Thực ra đây cũng không đáng buồn quá vì hồi xưa mức rủi ro ở level 3 thì xem ra mức level 2 vẫn chưa đến nỗi, nhưng dù sao giai đoạn quá dễ dãi sau Covid cũng không còn.
Để trả lời câu hỏi du học để làm gì, mình xin kể một câu chuyện. Vừa rồi mình có gặp hai bác phụ huynh mới sang theo diện con bảo lãnh cha mẹ. Bác trai 70, còn bác gái thì mình không tiện hỏi bao nhiêu tuổi (hỏi thì hơi kỳ), họ có hai con trai. Con lớn đã gần 40, có vợ con, cũng muốn đi Úc nhưng không có cửa, tạm coi là “mồ yên mả đẹp” ở Việt Nam. Thằng thứ hai du học Úc 12 năm, nay 30 tuổi, thuộc loại “trên răng dưới các tút”, không có gì.
Về tài sản, hai bác có 2 căn nhà ở Việt Nam, mỗi căn khoảng 1 triệu Úc kim (thuộc loại giàu rồi), một căn gia đình con lớn ở, một căn cho thuê được 50 triệu/tháng. 50 triệu quy ra tiền Úc khoảng 3000, gọi là “đủ” chi tiêu ở mức rất thấp cho đôi vợ chồng già tại Sydney.
Nếu cho rằng hai bác trồng cây 12 năm bây giờ là lúc hái quả thì có cái gì sai sai. Vì mình thấy trên gương mặt hai bác không vui mà luôn hiện rõ sự ưu tư. Với khối tài sản của hai bác thì ở Việt Nam có thể sống đàng hoàng, nay đèo bòng một chốn hai quê, phát sinh ra nhiều vấn đề.
Các bậc phụ huynh và đương sự du học sinh rất nên suy nghĩ đi du học để làm gì? Nếu vì cái bằng thì bây giờ bằng Úc nói riêng và bằng nước ngoài nói chung không còn có giá như trước đây. Để lấy kiến thức thì cũng chưa chắc. Mình học ĐH ở Việt Nam nên biết rằng với khối lượng kiến thức lớn như thế thì mình không có khả năng học bằng tiếng Anh được. Còn cái master Úc của mình mà học bằng tiếng Việt thì quá đơn giản.
Ngoại trừ những người cực kỳ giỏi tiếng Anh còn đối với đa số, lĩnh hội kiến thức bằng tiếng mẹ đẻ vẫn dễ hơn. Nếu coi kiến thức được học ở trong nước là lỗi thời và không hữu ích thì lại là chuyện khác.
Tuy nhiên, kiến thức không chỉ có từ trường lớp mà khi đi du học, tức là đi đến một chân trời mới, được sống trong một thế giới mới với biết bao nhiêu điều mới mẻ!
Với tư cách là một người đi trước, mình mạo muội khuyên các bạn trẻ mấy điều.
Thứ nhất, phải giao tiếp thật nhiều. Giao tiếp với ai? Rất cần kết bạn với những người địa phương, không phải “xôi chấm xôi” mà là xôi chấm vừng, chấm lạc thì mới thú vị.
Thực tế hầu hết dân du học chỉ quanh quẩn chơi với nhau, bất quá du học sinh Việt chơi với du học sinh Tàu, Thái, Indo...cùng cảnh ngộ. Yêu đương cũng vậy, sao vẫn chỉ “gái làng” mà không mạnh dạn phá rào ra với bọn Aussie thứ thiệt.
Tụi mình già rồi, Tây nó không thèm chơi với mình. Đầu óc già đầy thành kiến, mình kỳ thị nó, nó kỳ thị mình, không thể kết bạn được. Trẻ thì khác, vô tư, trong sáng không hề mặc cảm gì về màu da, nguồn gốc.
Nhưng mình vẫn có một điều hãnh diện mà không phải ai cũng làm được là mình yêu mến tất cả người Việt, dù là gốc gác cộng sản hay quá khứ vượt biên. Nếu không thể chơi với local Tây thì chơi với local Việt, vẫn có vô vàn điều thú vị, đáng để học hỏi.
Thứ hai, nhất quyết phải đi làm. Mình vẫn nói với con nhà mình rằng đi làm quan trọng hơn đi học. Kiếm được đồng tiền bằng sức lao động chân chính, lương thiện là điều vô cùng đáng hãnh diện. Để có được và giữ được việc làm, các con phải biết ứng xử với khách hàng, ứng xử với đồng nghiệp và với boss và nếu vượt qua được những điều đó chính là sự khôn ngoan và trưởng thành.
Một bí quyết để bước chân vào thị trường lao động là hãy chấp nhận mức lương thấp. Các con không sợ thiệt vì mức trả lương bên Úc vận hành theo thị trường tự do. Nếu con có trình độ, chủ nhân sẽ tăng lương hoặc con chuyển đi làm nơi khác, không ai bắt ép ai. Muốn kiếm nhiều tiền thì phải trải qua con đường kiếm tiền ít, chứ đốt cháy giai đoạn thì dễ vào tù lắm.
Thứ ba là lời khuyên cho các bậc phụ huynh, những người đồng trang lứa với mình.
Mục tiêu nuôi dậy con là để chúng nên người, tự lập và có ích cho xã hội. Có hai khuynh hướng chính là bao bọc hoặc buông bỏ, mỗi thái cực có cái hay riêng. Bao bọc, ôm con vào lòng thì đỡ lo con cái sa ngã, sai lầm; đã chấp nhận cho con đi du học thì quý vị hãy mạnh dạn đi theo hướng buông, để con phát triển tự nhiên.
Một câu chuyện vui về du học sinh, đi ỉa không có vòi phụt rửa mà cũng phải gọi điện cho mẹ. Bây giờ thông tin liên lạc dễ dàng quá, cha mẹ có thể chỉ thị hằng ngày cho con theo kiểu “nếu mày nghe lời tao thì tao sẽ cho mày ngần này tiền”. Khác hẳn với thời ngày xưa, kênh liên lạc chính với gia đình chỉ là những lá thư viết tay gửi qua bưu điện nên không bị vương vấn gì trong việc đi làm kiếm tiền, lấy mỡ nó rán nó làm hôn nhân giả để ở lại, rồi sau này mua vài ba cái nhà.
Đi du học phải chăng là cách để phát triển hết tiềm năng trong mỗi con người, nó hết sức to lớn nếu được tự do thoải mái thăng hoa.

Những người đá lạc đội hình

 


Đây không phải là đội hình “hóm hỉnh” của đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Brazil trong trận chung kết World cup thế giới.
Nếu không có gì thay đổi, khối BRICS sẽ có thêm 6 thành viên mới kể từ ngày 1/1/2024, như vậy khối sẽ có 11 thành viên, vừa đúng một đội hình XI (mười một) của trái bóng tròn. Trong 6 “cầu thủ mới” thì đã có 5 từ Châu Phi Trung đông, mà thuật ngữ quen dùng là các nước MENA (Middle East & North Africa), gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi và UAE.
Nước còn lại là Argentina, cũng rất nổi tiếng về bóng đá như láng giềng Nam Mỹ là Brazil của họ. Lý do mà Argentina ra nhập BRICS có thể đồ đoán rằng nước này đang nợ như chúa chổm, sau khi đã từng vỡ nợ hai lần trong quá khứ, nên hy vọng BRICS ban phát chút “cháo” cầm hơi sống cho qua ngày.
Nam Mỹ còn có các nước “kiên cường” hơn, như Venezuela hay Cuba, từng ngỏ ý muốn ra nhập BRICS nhưng không được mời. Bên châu Âu, nước duy nhất xin ra nhập là Belarus cũng đã không được chấp nhập. Có thể các nước dân chủ ôn hòa trong khối như Ấn Độ, Nam Phi, Brazil không muốn lèo lái BRICS trở thành một lực lượng chống Mỹ và phương Tây như ý đồ của hai thành viên sáng lập khác là Nga và Trung Quốc.
Nhưng nếu thế thì vì sao Iran vẫn được ra nhập? Từ khi tổng thống Raisi lên cầm quyền, rõ ràng Iran đã tỏ ra mềm dẻo hơn rất nhiều, gần như đã từ bỏ hẳn tham vọng hạt nhân khi biết rằng cộng đồng quốc tế, cụ thể là khối 5+1 đã tỏ ra cương quyết ngăn chặn họ phát triển loại vũ khí này. Có tin sắp tới Mỹ sẽ “có thưởng” khi trả lại Iran 8 tỉ Mỹ kim mà số tiền Mỹ đã tạm đóng băng trước đây.
Với việc ông Putin bỏ dự phó hội, ông Tập đi Johannesburg nhưng lại không đến góp mặt một số sự kiện (không rõ lý do) trong khuôn khổ kỳ họp thượng đỉnh cho thấy vai trò khá nổi bật của Ấn Độ trong khối. Ấn Độ đã trở thành nước đông dân nhất, cũng là nước hiện tại có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất và đang trên con đường trở thành công xưởng của thế giới thay thế cho Trung Quốc.
Trong thời kỳ căng thẳng “hai phe, bốn mâu thuẫn”, Thủ tướng Neru của Ấn Độ là một trong những sáng lập viên ra Phong trào không liên kết với tham vọng “đứng giữa” hai phe. Đảng Quốc đại thiên tả của Neru hồi đó thực ra rất có cảm tình với Liên Xô. Nhưng hiện nay, thủ tướng Modi lại thuộc cánh hữu thì lại có vẻ thiên vị phương Tây với việc tham gia liên minh “Bộ tứ” (QUAD) chống Trung Quốc, mặc dù đang dính lùm xùm ngoại giao với Canada.
Có thêm đến 6 thành viên mới, đó chỉ là sự thay đổi về lượng chứ chưa phải biến đổi về chất. Một số nước lớn có thể làm tăng uy thế của BRICS như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria hay Mexico ( những nước đông dân và quy mô kinh tế lớn nhất ĐNA, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin) đã từ chối hoặc không còn nguyện vọng ra nhập khối. Riêng Việt Nam thì không có thông tin cụ thể, nhưng nếu được mời thì cũng nhiều khả năng “cây tre” của ta cũng sẽ “em chã” trong thời điểm ký kết Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.
Trong đội hình XI của BRICS, người ta dễ dàng nhận thấy những “cặp đôi” không hoàn hảo, không khoan nhượng như Ấn Độ và Trung Quốc. Hai thành viên mới Saudi và Iran dù mới nối lại quan hệ ngoại giao những vẫn tiếp tục là đối thủ của nhau với hai dòng đạo hồi xung khắc Sunni và Shia. Trong khi đó Ai Cập và Ethiopia đang có những bất đồng sâu sắc vì Ethiopia xây đập nước trên thượng nguồn của Nile, con sống vĩ đại nhất thế giới, ảnh hưởng đến cuộc sống của 90% dân số Ai Cập sống dọc theo hạ lưu của sông. Bất ngờ hơn, giữa Saudi và UAE, những tưởng là mối quan hệ anh em môi hở răng lạnh thì cũng đã xuất hiện những rạn nứt...
Cho dù đã đủ đội hình 11 “cầu thủ”, xem ra mục tiêu xóa bỏ độc tôn đồng Đô la Mỹ đáng nguyền rủa của khối vẫn còn rất xa vời. Đúng ra BRICS vẫn là BRICS, có tên nhưng chưa có tuổi, hoặc chưa đủ tuổi cho những vai trò chính trị và kinh tế to lớn hơn trên trường quốc tế.