Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Đi du học để làm gì?

 

Mấy hôm nay cộng đồng mạng xôn xao về vụ Úc hạ mức rủi ro cho du học sinh Việt Nam từ level 1 xuống level 2. Thực ra đây cũng không đáng buồn quá vì hồi xưa mức rủi ro ở level 3 thì xem ra mức level 2 vẫn chưa đến nỗi, nhưng dù sao giai đoạn quá dễ dãi sau Covid cũng không còn.
Để trả lời câu hỏi du học để làm gì, mình xin kể một câu chuyện. Vừa rồi mình có gặp hai bác phụ huynh mới sang theo diện con bảo lãnh cha mẹ. Bác trai 70, còn bác gái thì mình không tiện hỏi bao nhiêu tuổi (hỏi thì hơi kỳ), họ có hai con trai. Con lớn đã gần 40, có vợ con, cũng muốn đi Úc nhưng không có cửa, tạm coi là “mồ yên mả đẹp” ở Việt Nam. Thằng thứ hai du học Úc 12 năm, nay 30 tuổi, thuộc loại “trên răng dưới các tút”, không có gì.
Về tài sản, hai bác có 2 căn nhà ở Việt Nam, mỗi căn khoảng 1 triệu Úc kim (thuộc loại giàu rồi), một căn gia đình con lớn ở, một căn cho thuê được 50 triệu/tháng. 50 triệu quy ra tiền Úc khoảng 3000, gọi là “đủ” chi tiêu ở mức rất thấp cho đôi vợ chồng già tại Sydney.
Nếu cho rằng hai bác trồng cây 12 năm bây giờ là lúc hái quả thì có cái gì sai sai. Vì mình thấy trên gương mặt hai bác không vui mà luôn hiện rõ sự ưu tư. Với khối tài sản của hai bác thì ở Việt Nam có thể sống đàng hoàng, nay đèo bòng một chốn hai quê, phát sinh ra nhiều vấn đề.
Các bậc phụ huynh và đương sự du học sinh rất nên suy nghĩ đi du học để làm gì? Nếu vì cái bằng thì bây giờ bằng Úc nói riêng và bằng nước ngoài nói chung không còn có giá như trước đây. Để lấy kiến thức thì cũng chưa chắc. Mình học ĐH ở Việt Nam nên biết rằng với khối lượng kiến thức lớn như thế thì mình không có khả năng học bằng tiếng Anh được. Còn cái master Úc của mình mà học bằng tiếng Việt thì quá đơn giản.
Ngoại trừ những người cực kỳ giỏi tiếng Anh còn đối với đa số, lĩnh hội kiến thức bằng tiếng mẹ đẻ vẫn dễ hơn. Nếu coi kiến thức được học ở trong nước là lỗi thời và không hữu ích thì lại là chuyện khác.
Tuy nhiên, kiến thức không chỉ có từ trường lớp mà khi đi du học, tức là đi đến một chân trời mới, được sống trong một thế giới mới với biết bao nhiêu điều mới mẻ!
Với tư cách là một người đi trước, mình mạo muội khuyên các bạn trẻ mấy điều.
Thứ nhất, phải giao tiếp thật nhiều. Giao tiếp với ai? Rất cần kết bạn với những người địa phương, không phải “xôi chấm xôi” mà là xôi chấm vừng, chấm lạc thì mới thú vị.
Thực tế hầu hết dân du học chỉ quanh quẩn chơi với nhau, bất quá du học sinh Việt chơi với du học sinh Tàu, Thái, Indo...cùng cảnh ngộ. Yêu đương cũng vậy, sao vẫn chỉ “gái làng” mà không mạnh dạn phá rào ra với bọn Aussie thứ thiệt.
Tụi mình già rồi, Tây nó không thèm chơi với mình. Đầu óc già đầy thành kiến, mình kỳ thị nó, nó kỳ thị mình, không thể kết bạn được. Trẻ thì khác, vô tư, trong sáng không hề mặc cảm gì về màu da, nguồn gốc.
Nhưng mình vẫn có một điều hãnh diện mà không phải ai cũng làm được là mình yêu mến tất cả người Việt, dù là gốc gác cộng sản hay quá khứ vượt biên. Nếu không thể chơi với local Tây thì chơi với local Việt, vẫn có vô vàn điều thú vị, đáng để học hỏi.
Thứ hai, nhất quyết phải đi làm. Mình vẫn nói với con nhà mình rằng đi làm quan trọng hơn đi học. Kiếm được đồng tiền bằng sức lao động chân chính, lương thiện là điều vô cùng đáng hãnh diện. Để có được và giữ được việc làm, các con phải biết ứng xử với khách hàng, ứng xử với đồng nghiệp và với boss và nếu vượt qua được những điều đó chính là sự khôn ngoan và trưởng thành.
Một bí quyết để bước chân vào thị trường lao động là hãy chấp nhận mức lương thấp. Các con không sợ thiệt vì mức trả lương bên Úc vận hành theo thị trường tự do. Nếu con có trình độ, chủ nhân sẽ tăng lương hoặc con chuyển đi làm nơi khác, không ai bắt ép ai. Muốn kiếm nhiều tiền thì phải trải qua con đường kiếm tiền ít, chứ đốt cháy giai đoạn thì dễ vào tù lắm.
Thứ ba là lời khuyên cho các bậc phụ huynh, những người đồng trang lứa với mình.
Mục tiêu nuôi dậy con là để chúng nên người, tự lập và có ích cho xã hội. Có hai khuynh hướng chính là bao bọc hoặc buông bỏ, mỗi thái cực có cái hay riêng. Bao bọc, ôm con vào lòng thì đỡ lo con cái sa ngã, sai lầm; đã chấp nhận cho con đi du học thì quý vị hãy mạnh dạn đi theo hướng buông, để con phát triển tự nhiên.
Một câu chuyện vui về du học sinh, đi ỉa không có vòi phụt rửa mà cũng phải gọi điện cho mẹ. Bây giờ thông tin liên lạc dễ dàng quá, cha mẹ có thể chỉ thị hằng ngày cho con theo kiểu “nếu mày nghe lời tao thì tao sẽ cho mày ngần này tiền”. Khác hẳn với thời ngày xưa, kênh liên lạc chính với gia đình chỉ là những lá thư viết tay gửi qua bưu điện nên không bị vương vấn gì trong việc đi làm kiếm tiền, lấy mỡ nó rán nó làm hôn nhân giả để ở lại, rồi sau này mua vài ba cái nhà.
Đi du học phải chăng là cách để phát triển hết tiềm năng trong mỗi con người, nó hết sức to lớn nếu được tự do thoải mái thăng hoa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét