Truyện ma của Ngọc Quang
Một buổi chiều mình đi làm về thì thấy thằng cháu đứng đợi mình trước cửa nhà. Thằng bé ngoan lắm, là con trai người bạn của mình mới qua Úc du học.
Thấy nó mặt đỏ như gấc, môi thắm như son, mình hỏi tại sao thì cháu bảo cháu đứng chiên đồ cả ngày 10 tiếng thì làm sao mặt không đỏ mặt cho được. Cháu đến trường có 2 ngày, đi làm 5 ngày. Cũng may, nhà hàng mới mở nhưng đã đông khách. Chứ mà ế khách thì chủ sẽ ép lương thì chớ, còn dọa đuổi việc ức chế lắm.
Mặt nó buồn buồn và có chuyện muốn hỏi chú.
- Chả là cháu là người chiên đồ mà không hiểu vì sao bị khói quá, máy báo cháy hú còi inh ỏi và xe cứu hỏa chạy đến. Nhưng làm gì có hỏa hoạn, chẳng qua là alarm báo sai thôi nên cơ quan cứu hỏa phạt chủ nhà hàng. Lần đầu chủ nhân trả nhưng đây là lần thứ hai nên họ bảo cháu phải đền $2000 là chi phí cho một lần dịch vụ xe cứu hỏa.
Mình bảo $2000 cũng chỉ bằng hai tuần tiền lương thôi, trả đi cho xong chuyện, coi như một tai nạn nghề nghiệp.
Nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Nhà hàng của cậu bé nằm ở tầng trệt trong một tòa nhà ba tầng mới xây. Nhà mới thì mọi thứ vẫn còn tốt, cả hệ thống báo cháy cũng vậy. Vậy mà không hiểu sao, cư dân trong chung cư hết sức mệt mỏi vì còi báo cháy đổ liên hồi dù chẳng hề có vấn đề cháy nổ gì hết.
Trước đây, khu đất chỉ có trên 1000m2 của tòa nhà là một ngôi nhà cổ. Nó thuộc loại di sản văn hóa được bảo vệ. Nhà di sản như vậy mỗi khi muốn sửa chữa rất khó khăn vì các điều kiện ngặt nghèo của giấy phép.
Chủ nhà phải cam kết tìm được đúng cái loại vật liệu cũ, như một viên gạch cũng phải làm sao có hoa văn trang trí như thời xưa. Chính phủ trợ giá 25% chi phí, đồng thời cho người giám sát thi công rất chặt chẽ. Tuy nhiên trợ giá đó không nhằm nhò gì vì để sửa chữa theo đúng quy định thì giá đội lên gấp vài lần.
Ngôi nhà theo thiết kế cũ chỉ có ba phòng, có bốn người ở, gồm hai vợ chồng, một cô con gái chừng mười tám tuổi và một cô du học sinh người Ả Rập mới đến chia phòng chưa đầy một năm.
Cô gái xứ sở Ngàn đêm lẻ có vẻ con nhà giàu, nếu nhìn vào phong cách và cách ăn mặc. Lối sống của Aisha (tên cô ta) khá kỳ lạ, trầm lặng một cách khủng khiếp. Aisha hầu như không chuyện trò gì với chủ nhà, kể cả người con gái con gái gia chủ cùng độ tuổi với cô. Cô vẫn đi học, rồi kiếm được việc đi làm.
Một buổi tối đi làm về muộn, khi nghe tiếng cạch cửa, chủ nhà ngó ra thì thấy bóng dáng một cậu trai râu ria xồm xoàm đi theo. Cũng mừng cho cô ấy nếu có bạn trai thì có thể sẽ làm cho Aisha vui lên.
Thỉnh thoảng có một lại có một cậu trai người Ả Rập đứng lởn vởn gần nhà. Nhưng không phải một cậu mà có lúc có vẻ hai hoặc ba người. Aisha không còn đi về đúng giờ nữa, kể cả đi học lẫn đi làm.
Một hiện tượng rất kỳ, thỉnh thoảng có một chiếc xe hơi lạ đậu ngay trước cửa nhà, độ vài ngày rồi không thấy nữa. Rất có thể ai đó theo dõi cô ấy bằng camera gắn trong xe. Aisha có vẻ rất run sợ mỗi khi đi bộ ra ngoài hoặc mới về và bước vào trong nhà.
Chủ nhà biết Aisha gọi cảnh sát đến, lúc đó hai cậu trai bên ngoài nhà đã biến mất, Aisha nói chuyện với cảnh sát mà đứng nép vào góc nhà với dáng vẻ vô cùng sợ sệt với những câu trả lời nhát gừng.
Cảnh sát còn đến nhà vài lần nữa và làm việc với chủ nhà. Aisha không chỉ con nhà giàu mà thậm chí còn có dòng máu hoàng tộc của Saudi Arabia. Cô đi du lịch ở Malaysia rồi bất ngờ trốn sang Úc với visa du học đã chuẩn bị trước mà giấu mọi người.
Thời gian đầu, cô vẫn liên lạc với gia đình, mẹ cô hứa sẽ tha thứ cho Aisha và vẫn gửi tiền chu cấp đều đặn. Nhưng có vẻ Aisha muốn tự lập nên đã xin việc để đi làm.
Từ khi có sự xuất hiện của mấy cậu trai, cô không đi chợ nấu ăn nữa mà đặt UberEat. Nhưng rồi chủ nhà lại thấy cái túi đồ ăn UberEat vứt chỏng trơ trước nhà, Aisha sợ bị đầu độc, không dám đụng đến UberEat nữa mà xin ăn chung với chủ nhà, mặc dù lúc đó cô còn thiếu tiền thuê phòng.
Cảnh sát có ý nghi ngờ về mối liên hệ giữa gia đình cô gái với mấy cậu trai. Phải chăng gia đình của cô đã thuê người giám sát dọa nạt để bắt ép gì đó đối với Aisha, chẳng hạn như không được cải đạo từ Hồi giáo sang Thiên chúa giáo, hay thậm chí phải hồi hương?
Sau này khi Aisha qua đời, hàng xóm vẫn nhớ đến một cô gái xinh đẹp, hơi mũm mỉm, mặt lúc nào cũng buồn nhưng không bao giờ choàng khăn kiều Hồi giáo, để lộ mái tóc màu đỏ rực rỡ. Làm gì có giống người tóc đỏ, không phải, cô nhuộm tóc cho phong cách mà thôi.
Đó là một cái chết đau đớn trong một vụ hỏa hoạn thiêu hủy ngôi nhà trọ của cô. Theo miệng lưỡi thiên hạ đồn thổi, chủ nhà muốn rũ bỏ ngôi nhà di sản để có thể xin giấy phép xây dựng ngôi nhà mới. Đáng chú ý, hệ thống báo cháy không hoạt động nên cứu hỏa không thể cấp cứu và nếu ông chồng đốt nhà thì đã kịp gọi vợ con cùng chạy. Riêng với Aisha, hoặc cô không được báo động, hoặc đã được báo mà không chịu chạy.
Hồi xưa, Công tử Trùng Nhĩ chạy loạn lưu vong ở nước ngoài đã buộc miệng than thèm một miếng thịt. Đến tối, đầu bếp bưng đến một đĩa thịt. Hỏi thịt đâu ra thì tả hữu bẩm Giới Tử thôi đã cắt một phần bắp vế để lấy thịt cho Công tử ăn.
Về sau, Trùng Nhĩ trở về nước Tấn và lên ngôi vua, tức Tấn Văn công. Vua có mở tiệc khao thưởng những người đã có công giúp ông từ thuở hàn vi, nhưng lại thiếu Giới Tử thôi. Khi nhớ ra, Tấn Văn công cho người đến gọi thì Giới Tử thôi đã cõng mẹ chạy vào rừng. Vì không thể tìm được cố nhân trong khu rừng rậm, Văn công ra lệnh đốt rừng nhưng Tử thôi vẫn không chịu trở ra, kết cuộc là hai mẹ con chết cháy.
Cái chết oan khiên của Aisha rất có thể là nguyên nhân làm cho hệ thống báo cháy của tòa nhà mới hoạt động chập chà chập chờn như có ma. Nó đã trở nên giận dữ, liên tục hú còi báo động, tiếng hú lanh lảnh kéo dài ghê rợn vào lúc nửa đêm, lùa hết cư dân trong tòa nhà phải ra ngoài đường, kể từ khi thằng cháu mình vì máy báo cháy mà bị phạt vạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét