Đây không phải là đội hình “hóm hỉnh” của đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Brazil trong trận chung kết World cup thế giới.
Nếu không có gì thay đổi, khối BRICS sẽ có thêm 6 thành viên mới kể từ ngày 1/1/2024, như vậy khối sẽ có 11 thành viên, vừa đúng một đội hình XI (mười một) của trái bóng tròn. Trong 6 “cầu thủ mới” thì đã có 5 từ Châu Phi Trung đông, mà thuật ngữ quen dùng là các nước MENA (Middle East & North Africa), gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi và UAE.
Nước còn lại là Argentina, cũng rất nổi tiếng về bóng đá như láng giềng Nam Mỹ là Brazil của họ. Lý do mà Argentina ra nhập BRICS có thể đồ đoán rằng nước này đang nợ như chúa chổm, sau khi đã từng vỡ nợ hai lần trong quá khứ, nên hy vọng BRICS ban phát chút “cháo” cầm hơi sống cho qua ngày.
Nam Mỹ còn có các nước “kiên cường” hơn, như Venezuela hay Cuba, từng ngỏ ý muốn ra nhập BRICS nhưng không được mời. Bên châu Âu, nước duy nhất xin ra nhập là Belarus cũng đã không được chấp nhập. Có thể các nước dân chủ ôn hòa trong khối như Ấn Độ, Nam Phi, Brazil không muốn lèo lái BRICS trở thành một lực lượng chống Mỹ và phương Tây như ý đồ của hai thành viên sáng lập khác là Nga và Trung Quốc.
Nhưng nếu thế thì vì sao Iran vẫn được ra nhập? Từ khi tổng thống Raisi lên cầm quyền, rõ ràng Iran đã tỏ ra mềm dẻo hơn rất nhiều, gần như đã từ bỏ hẳn tham vọng hạt nhân khi biết rằng cộng đồng quốc tế, cụ thể là khối 5+1 đã tỏ ra cương quyết ngăn chặn họ phát triển loại vũ khí này. Có tin sắp tới Mỹ sẽ “có thưởng” khi trả lại Iran 8 tỉ Mỹ kim mà số tiền Mỹ đã tạm đóng băng trước đây.
Với việc ông Putin bỏ dự phó hội, ông Tập đi Johannesburg nhưng lại không đến góp mặt một số sự kiện (không rõ lý do) trong khuôn khổ kỳ họp thượng đỉnh cho thấy vai trò khá nổi bật của Ấn Độ trong khối. Ấn Độ đã trở thành nước đông dân nhất, cũng là nước hiện tại có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất và đang trên con đường trở thành công xưởng của thế giới thay thế cho Trung Quốc.
Trong thời kỳ căng thẳng “hai phe, bốn mâu thuẫn”, Thủ tướng Neru của Ấn Độ là một trong những sáng lập viên ra Phong trào không liên kết với tham vọng “đứng giữa” hai phe. Đảng Quốc đại thiên tả của Neru hồi đó thực ra rất có cảm tình với Liên Xô. Nhưng hiện nay, thủ tướng Modi lại thuộc cánh hữu thì lại có vẻ thiên vị phương Tây với việc tham gia liên minh “Bộ tứ” (QUAD) chống Trung Quốc, mặc dù đang dính lùm xùm ngoại giao với Canada.
Có thêm đến 6 thành viên mới, đó chỉ là sự thay đổi về lượng chứ chưa phải biến đổi về chất. Một số nước lớn có thể làm tăng uy thế của BRICS như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria hay Mexico ( những nước đông dân và quy mô kinh tế lớn nhất ĐNA, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin) đã từ chối hoặc không còn nguyện vọng ra nhập khối. Riêng Việt Nam thì không có thông tin cụ thể, nhưng nếu được mời thì cũng nhiều khả năng “cây tre” của ta cũng sẽ “em chã” trong thời điểm ký kết Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.
Trong đội hình XI của BRICS, người ta dễ dàng nhận thấy những “cặp đôi” không hoàn hảo, không khoan nhượng như Ấn Độ và Trung Quốc. Hai thành viên mới Saudi và Iran dù mới nối lại quan hệ ngoại giao những vẫn tiếp tục là đối thủ của nhau với hai dòng đạo hồi xung khắc Sunni và Shia. Trong khi đó Ai Cập và Ethiopia đang có những bất đồng sâu sắc vì Ethiopia xây đập nước trên thượng nguồn của Nile, con sống vĩ đại nhất thế giới, ảnh hưởng đến cuộc sống của 90% dân số Ai Cập sống dọc theo hạ lưu của sông. Bất ngờ hơn, giữa Saudi và UAE, những tưởng là mối quan hệ anh em môi hở răng lạnh thì cũng đã xuất hiện những rạn nứt...
Cho dù đã đủ đội hình 11 “cầu thủ”, xem ra mục tiêu xóa bỏ độc tôn đồng Đô la Mỹ đáng nguyền rủa của khối vẫn còn rất xa vời. Đúng ra BRICS vẫn là BRICS, có tên nhưng chưa có tuổi, hoặc chưa đủ tuổi cho những vai trò chính trị và kinh tế to lớn hơn trên trường quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét