Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

Thử tìm nguyên nhân của hai cuộc chiến hiện nay


Thế giới đang chứng kiến hai cuộc chiến lớn ở Ukraine và Gaza. Chiến tranh hay bất kỳ vấn đề gì đều có hai loại nguyên nhân, bao gồm nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp.
Nguyên nhân sâu xa mang đến cái Tất nhiên không thể cưỡng lại. Cái Tất nhiên thể hiện qua điều mà mọi người thường gọi là “giọt nước tràn ly” bằng cái Ngẫu nhiên.
Nước Đức từng gây ra hai cuộc thế chiến. Nguyên nhân không thể tránh khỏi là vì Đức là nước đi sau, để phát triển nó phải tìm cách phân chia lại bản đồ thuộc địa và đã dùng đến chiến tranh. Người ta kể rằng, nhiều mệnh lệnh quân sự được đưa ra trong những “cơn điên” của Hitler.
Đặc biệt, khi mặt trận phía Tây được mở, nhìn thấy viễn cảnh hai gọng kìm siết chặt, đó là lúc Hitler không còn giữ được bình tĩnh, hắn đã đưa ra những quyết định ngược lại các lời khuyên của các cố vấn quân sự. Thất bại của phát xít Đức mang tính tất nhiên và thể hiện bằng những quyết định quân sự ngẫu hứng sai lầm.
Trong bóng đá, bàn thắng sẽ xảy ra nếu có khoảng trống, khe hở. Để bộc lộ những điểm yếu chết người đó người ta dùng chiến thuật dồn ép (pressing) và hệ thống phòng ngự buộc phải xảy ra sơ hở.
Vì sao “khôn ba năm, dại một giờ”? Với “nhu cầu” thầm kín và sâu thẳm của chị em ta và các đòn tấn công tới tấp biến hóa của anh em ta, điều phải đến đã bùng phát dữ dội.
Hai cuộc chiến Ukraine và Gaza dường như có chung một nguyên nhân ruột, đó là vấn đề năng lượng hóa thạch hay biến đổi khí hậu.
Vào đầu thể kỷ 20, Mỹ là nước đầu tiên phát hiện và khai thác dầu lửa. Vì dùng sớm nên cạn sớm, Mỹ đã phải lệ thuộc vào nguồn dầu lửa Trung Đông.
Sau Thế chiến 2, thế giới chia hai phe. Phần lớn các nước Trung Đông là thuộc địa cũ của Anh, Pháp nên chịu nhiều ảnh hưởng của phương Tây. Liên Xô là nước tích cực nhất trong việc vận động thành lập Nhà nước Israel với hy vọng người dân đất nước non trẻ này chủ yếu từ Đông Âu và Liên Xô hồi hương thì Liên Xô sẽ có một điểm tựa trong vùng. Khi Israel ra đời năm 1948, Liên Xô là nước đầu tiên công nhận.
Tuy vậy, Israel không đi theo XHCN mà thiết lập chế độ dân chủ đa đảng. Chuyện không ngờ đã diễn ra, trong cuộc đối đầu giữa Israel và các nước Ả Rập thì Mỹ và phương Tây đứng về phía Israel trong khi phe XHCN hậu thuẫn cho Ả Rập.
Các cuộc đảo chính lật đổ chế độ phong kiến liên tiếp nổ ra trong khu vực tại Ai Cập, Iraq, Lybia và Iran. Các chính quyền mới đều có xu hướng thân thiện với phe Liên Xô và chống phương Tây. Đầu thập niên 1970s, các nước Ả Rập đã đẩy giá dầu lửa tăng vọt dẫn đến suy thoái kinh tế Mỹ.
Về sau, với kỹ thuật khai thác dầu phiến đá, Mỹ đã tự túc được dầu lửa nhưng các đồng minh của Mỹ như Châu Âu, Nhật Hàn vẫn phải ăn dầu của Trung Đông, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ tìm nguồn cung cấp từ Nga.
Ngày nay vấn đề biến đổi khí hậu được nói nhiều, đại khái để tránh việc trái đất ấm lên thì chúng ta phải từ bỏ nhiên liệu hóa thạch là dầu khí và than. Mình không hiểu điều này có đúng không vì những thông tin đa chiều mang tín hỏa mù (spin) không biết đường nào mà lần. Có điều khi Trump coi nhẹ vấn đề môi trường thì nhất loạt mọi người trong giới tài phiệt, chính khách và đồng minh nước ngoài đều chống lại ông.
Biden đánh bại Trump để trở thành tổng thống, cuộc chơi mới đã hình thành rõ rệt, đó là việc thế giới phương Tây chuyển mình sang kinh tế xanh với nguồn “nhiên liệu sạch” như năng lượng pin và năng lượng mặt trời.
Bị cấm vận do chiếm Crimea từ năm 2014, nền kinh tế Nga chỉ còn một chỗ dựa duy nhất là bán dầu lửa. Nay nguồn sống này lại có nguy cơ bị đe dọa, đó chính là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến Ukraine.
Nguyên nhân trực tiếp là ý định gia nhập NATO của Ukraine, sau khi một loạt đồng minh và chư hầu cũ của Nga đã là thành viên của khối quân sự này.
Cũng để chuẩn bị cho cuộc sống kinh tế kỷ nguyên hậu dầu lửa, một loạt nước Ả Rập đã bình thường hóa quan hệ với Israel. Bước tiếp theo là Saudi, nước mạnh nhất về dầu lửa và điều này sẽ khiến Iran cảm thấy lo lắng khi hai kẻ thù trong khu vực lại bắt tay với nhau.
Đó là “giọt nước” mà Hamas, tổ chức được Iran nuôi dưỡng, đã tấn công 5000 quả tên lửa vào đất Do Thái, mở màn cho cuộc chiến mới nhất ở Trung Đông.
Là những người khơi mào cho chiến tranh, cả Nga lẫn Hamas đều phạm sai lầm lớn về chiến lược, cái giá phải trả là Nga bị bao vây cô lập và Hamas sẽ bị diệt vong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét