Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Tạm ngưng cuộc chiến giữa hai loài hoa


Dường như mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung Hoa đã được hàn gắn sau chuyến đi Mỹ của ông Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm trong hơn 4 giờ đồng hồ, không tính thời gian “hai đứa tay trong tay” đi dạo trong vườn như một đôi tình nhân trước hàng trăm ống kính trong và ngoài nước.
Hơn 4 giờ đồng hồ là một thời gian dài, chưa rõ họ đã nói với nhau những gì. Tuy nhiên, điều có thể thấy là hai bên đều có chung nhu cầu làm dịu căng thẳng vì nhiều lý do. Về phía Mỹ, hiện quá bận rộn với hai cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông lại có vấn đề ngân sách nội bộ và cuộc bầu cử tổng thống trong chưa đầy 12 tháng tới. Trung Quốc cũng đang thấm đòn với những khó khăn chưa từng có về kinh tế, thậm chí đã có thể coi chấm dứt sự thần kỳ kéo dài 40 năm qua.
Tuần trăng mật của mối quan hệ Trung - Mỹ có thể tính bắt đầu từ chuyến thăm Mỹ đầu năm 1979 của Đặng Tiểu Bình và kết thúc vào biến cố Thiên An Môn tháng 4/1989. Cuộc đàn áp sinh viên đẫm máu làm mối quan hệ xấu đi nhưng sự hợp tác vẫn là dòng chảy chính chứ họ chưa coi nhau là đối thủ.
Bước ngoặt là sau khi Tập Cận Bình lên ngôi cách đây 12 năm. Bằng sáng kiến “vành đai, con đường”, Trung Quốc đã tỏ tham vọng đóng một vai trò lớn hơn trên thế giới, và điều này đương nhiên đụng chạm đến Mỹ.
Cựu tổng thống Trump là người đã nổ súng chiến tranh thương mại khi áp thuế bổ sung đánh vào hàng Trung Quốc. Sau đó, truyền thông Mỹ và phương Tây ra sức đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra Đại dịch covid-19, mặc dù không có bằng chứng.
Đến nay, mọi người đang chứng kiến cảnh con gấu Trung Quốc đã tỏ ra hụt hơi khi nền kinh tế giảm tốc rõ rệt, chỉ còn khoảng 3.5% trong năm nay. Nền kinh tế Trung Quốc dựa trên hai cột trụ chính, đó là bất động sản và xuất khẩu thì cả hai đều gặp khó khăn. Trong khi nguồn vốn FDI lũ lượt bay đi thì đại dự án “vành đai, con đường” hao tiền tốn của làm cho gánh nợ thêm chồng chất.
Nhưng phải nói nền kinh tế trị giá 18 ngàn tỉ đô (chi xếp sau Mỹ 25 ngàn tỉ đô) không thể sụp đổ. Trung Quốc vẫn nắm giữ chuỗi cung ứng của thế giới mà không dễ gì thay thế. Ngay cả khi thị trường tiêu điều thì ngân sách vẫn không thiếu, chính phủ Trung Quốc đã vẫn tài trợ cho ngành ô tô điện để ngành này có bước tiến nhảy vọt, đáng tiếc đây không phải là điều hay vì ô tô điện đã đi quá xa so với nhu cầu khách hàng.
Chính quyền độc tài có hai chiêu kiếm tiền khá dễ dàng, một là bán đất sở hữu toàn dân, hai là đi ăn cướp của các tỉ phú. Với hệ thống luật pháp không rõ ràng, đại gia dễ dàng chăn và lùa tiền của dân, và đến lượt chính quyền sẽ không khó gõ cho các con lợn béo phải ói ra những thứ đã lấy.
Nếu bảo thương chiến với Mỹ làm cho kinh tế Trung Quốc suy yếu thì chưa hẳn đúng. Chính quyền Biden đã gỡ bỏ phần lớn các khoản thuế phụ trội. Hiện Trung Quốc đã rớt xuống chỉ là nhà cung cấp lớn thứ ba vào thị trường Mỹ sau Mexixo và Canada. Nhưng đây là vì Mễ và Ca đã phát huy ưu thế địa lý của họ và Hiệp ước NAFTA, chứ kim ngạch xuất khẩu cũng như xuất siêu từ Trung Quốc vào Mỹ hầu như chưa thay đổi.
Đến nay, thuyết âm mưu cho rằng Trung Quốc reo rắc Covid-19 không còn đứng vững vì hóa ra nước này mới là nước chịu tổn thất nhiều nhất vì đại dịch. Không hiểu sao trong khi các nước chỉ cách ly khoảng 12 tháng thì Trung Quốc đóng cửa đến 3 năm, làm tê liệt hoạt động sản xuất kinh doanh. Thế giới cũng khác đi nếu “vành đai, con đường” thành công và dự án này đổ bể cũng vì Covid.
Một dự báo được nhiều người đồng ý rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trong khoảng 2-5% trong thời gian tới và đây là kịch bản các bên đều hài lòng. Theo tin tức rò rỉ từ cuộc họp Biden - Tập, Trung Quốc cũng đã hứa và thực hiện đúng việc không viện trợ quân sự cho Nga. Họ cũng tỏ ra hòa hoãn hơn về vấn đề Đài Loan, thậm chí khẳng định không tấn công nước này.
Chưa có tin cuộc họp có bàn gì đến Việt Nam và Biển Đông nhưng đây chắc chắn là chủ đề khó tránh khỏi. Mình có đọc một bình luận cho rằng Mỹ - Trung mà đối đầu với nhau thì có lợi hơn cho Việt Nam. Bằng chứng là mươi năm qua Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều từ ưu ái từ Đầu tư Thương mại của Mỹ và đồng minh. Ngược lại, vào giai đoạn Mỹ Trung “yêu nhau” 1979 - 1989 thì Việt Nam đã khốn khổ như thế nào.
Từ nhiều tháng qua, tin đồn Tập đi Việt Nam vẫn chưa thành sự thật trong khi ông ta lại đi Mỹ. Điều này có liên quan gì đến việc Intel hoãn đầu tư, Vinfast bị điều tra vi phạm luật chứng khoán, hàng điện tử bị chặn ở hải quan và Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách theo dõi thao túng tiền tệ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét