Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

CHUYỆN ĐI MỸ P4. Người Mỹ trầm lặng

 

Cuối cùng, chuyến đi 22 ngày qua 5 thành phố và ba tiểu bang cũng đã kết thúc.
Một cậu bạn hỏi: anh sang bên ấy có học hỏi được điều gì không? Mình trả lời theo kiểu “ngang như cua”: già rồi, ngu thì cũng đã ngu rồi, học làm mẹ gì nữa. Cậu lại hỏi: có tìm được cửa làm ăn gì không? Đi chơi thôi, đâu có làm với ăn gì.
Mình hiểu cậu ấy muốn biết vì sao, hay động cơ nào mà mình bỏ ra rất nhiều tiền để cả nhà đi chơi lâu như vậy.
Hổm còn bên ấy, mình vào một cửa hàng gốm sứ, đi ra nói với bà xã đồ trong ấy rất đẹp. Bà xã hỏi có chụp ảnh không? Không, thông thường hàng xịn và hàng rỏm chụp lên ảnh đều như nhau, chỉ khi gặp trực tiếp thì cảm nhận mới khác nhau. Có thể, mình thấy đẹp nhưng người khác lại thấy xấu!
Trong quá khứ, người Mỹ cống hiến cho nhân loại rất nhiều phát minh đáng giá như bóng điện, máy bay, máy photocopy, Điều hòa nhiệt độ, chip máy tính... Ngày nay, đó là internet, email, điện thoại di động, vô vàn các thương hiệu hàng đầu facebook, Google, Youtube, định vị GPS, xe điện Tesla.v.v và v.v.
Cũng thường nghe nói, bên trong nước Mỹ lộn xộn, bên ngoài thì Mỹ đi đến đâu cũng thất bại! Nhưng ai nói? Người Mỹ chứ ai, khởi nguồn từ truyền thông Mỹ rồi truyền thông và báo chí các nước nhai lại.
Đó cũng là sự hấp dẫn khiến cho tất cả nhân tài lớn nhất của nhân loại trong các lĩnh vực đều mong được sang Mỹ định cư, cùng nhau làm nên một nước Mỹ hùng cường. Người Mỹ chiếm lĩnh các đỉnh cao về kinh tế, kỹ thuật, có các giá trị văn hóa, triết lý cao siêu. Điều mà mình muốn suy nghĩ là bằng cách nào họ có thể làm được như vậy?
Nước Mỹ tự do và dân chủ nhất thế giới nên cũng kéo theo một cái nhất khác: dám vạch áo cho người xem lưng khi nói đúng, nói hết những mặt trái của mình. Đó chính là sức mạnh vô địch giúp cho nước Mỹ thường xuyên tự chuyển hóa, luôn tiến bộ hàng ngày để trở thành một phiên bản tốt hơn.
Báo chí Mỹ cho biết người ăn mày (homeless) ở Mỹ khá đông, đó là sự thật. Hồi nhỏ mình vẫn nhớ đến những người ăn mày, nổi tiếng nhất từ Thái Bình, Thanh Hóa và Bắc Giang, họ gầy gò, rách rưới, thỉnh thoảng lại có vài người chết ngoài đường.
Nhưng không phải người ăn mày nào cũng giống nhau. Ăn mày ở nơi nghèo là mạt hạng, chết quấn chiếu không có chỗ chôn, còn ăn mày ở nơi giàu cũng không quá cực.
Hai thành phố đông ăn mày bậc nhất nước Mỹ là Honolulu và San Francisco, nơi tụi mình đã ghé, lại là những thành phố vào loại giàu và đắt đỏ. Mấy ông homeless ở đây đều béo tốt, lắm của nả khi mình nhìn thấy họ có túi lớn túi bé, có người có xe đạp và còn nuôi chó.
Mình và bà xã đã vài lần nhìn thấy những ông bà ăn mày ngồi đọc sách. Không hẳn ai nhàn rồi cũng đều đọc sách. Con người khác súc vật ở chỗ không chỉ có ăn và đụ mà còn không ngừng tham gia vào công cuộc đấu tranh đi tìm chân lý. Có thể thấy chân lý hoặc không nhưng cái đọng lại chính là tri thức.
Tôn vinh các giá trị tự do cho phép người Mỹ có đối trọng chính trị, từ đó phe đối lập mới có thể không e ngại phản biện phe chính phủ mà không sợ bị trừng phạt. Cuộc đấu tranh chính trị và sự cạnh tranh công khai, sòng phẳng trong các lĩnh vực giữa các mặt đối lập là động lực của phát triển, đó là điều mà người Mỹ đã và đang thể hiện xuất sắc.
Mình không nói những điều trên với hai con gái vì mình không muốn nhồi sọ chúng. Hai cháu đã được sống, được đi lại theo các địa chỉ trong nước Mỹ mà chúng chọn lựa nên chắc chắn sẽ có những tiếp thu và cảm nhận riêng.

CHUYỆN ĐI MỸ P3. Những ngày cuối ở Los Angeles


Khi có bạn bè ghé thăm Sydney, mình thường khuyên họ đừng ở trong trung tâm thành phố mà ra ngoại ô phía tây, nơi có đông người Việt để đi ăn phở, uống cà phê hay giao lưu cho dễ. Mạn nhà mình chỉ cách trung tâm 10-15km nên đi lại cũng tiện lợi.
Nhưng với Los Angeles là thành phố 18.5 triệu dân, khu người Việt ở quận Cam cách trung tâm đến 50 cây số thì vấn đề lại khác. Dù không biết trước, nhà mình thuê airbnb ở downtown cũng rẻ, khoảng 200 mỹ kim/ đêm cả căn hộ còn mới.
Trước khi đến đây, bạn mình bảo ra Chinatown lấy landtour giá cả hợp lý, nhưng trong quá khứ đã từng đi bán tour, giờ không chăn ai thì thôi chứ làm sao để thiện hạ chăn lại mình.
Khi đi thuê xe ở LA có một trục trặc nhỏ, mình bị từ chối vì không có credit card. Bà xã và mình không muốn nợ nần nên chỉ dùng thẻ debit thôi. Cũng nay, gọi điện sang công ty khác thì họ lại đồng ý nên mới chạy sang thuê được.
Tụi mình và hai con gái đến LA vào đúng đêm giao thừa và do đó được coi bắn pháo hoa đón năm mới 2024 ở thành phố lớn nhất bờ tây nước Mỹ.
Từ nhà mình đi đâu cũng tiện, ra đại lộ Hollywood, đài thiên văn Griffith, Chinatown, bãi biển Santa Monica... Tụi mình dành một ngày chơi cả cụm museum Nghệ thuật, bảo tàng Oscar và Xe hơi.
LA lớn quá đúng là thượng vàng hạ cám, có khu nhà giàu phong cảnh rất đẹp, khu nhà nghèo thì ngoài đường rác rưởi, xấu xí.
Trong thời gian 9 ngày ở LA, nhà mình đi Las Vegas, thuộc tiểu bang Nevada trong 2 ngày. Chưa đi cứ tưởng Dubai là nhất, đến đây mới biết không ai có thể địch nổi Mẽo, Vegas mới là đỉnh về hào nhoáng và lộng lẫy.
Theo thống kê, chỉ có 17% những người đi Vegas có ý định đánh bạc, nhưng đến nơi thì đổi ý, có 71% người chơi, trung bình mỗi người mất 550 USD. Số lượng người chung chi xây dựng sòng bài khoảng 40 triệu lượt người / năm.
Ý tưởng xây những "lâu đài trên cát" của Vegas có lịch sử đi trước vài chục năm và không có giới hạn về sự ăn chơi như xứ hồi giáo của Dubai. Nằm trong sa mạc lớn, Vegas rất thiếu nước nên đến trồng cỏ cũng phải tính toán rất kỹ để làm sao tiết kiệm.
Hai cháu kêu đi mấy nhà hàng nổi tiếng có review tốt mà ăn không nổi, trên trăm bạc một bữa mà đâu thấy ngon. Lại còn đông nữa, đến phải xếp hàng hàng chờ và còn phải trả tiền gửi xe. Mình ngu lâu khó đào tạo nên vào mấy chỗ bình dân thì thấy hòa nhập hơn. Nhà mình chỉ ăn ngoài bữa trưa, tối vẫn nấu ở nhà để còn uống rượu nữa.
Trên đường đi quận Cam (Orange county), tụi mình ghé thăm nhà của nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương mới sang Mỹ chưa lâu. Lý Đô Sài Gòn của Cộng đồng là một khu trung tâm thương mại thật là nguy nga lộng lẫy, so với của Tàu, Hàn, Nhật, Thái lại là phần hơn. Trái cây của bà con là bạt ngàn. Tuy nhiên sự phong phú đa dạng vẫn chưa bằng Úc, về chất lượng thì mít và táo ngon hơn, các loại khác thua Úc.
Nhìn chung các loại hàng hóa tiêu dùng của Mỹ tốt hơn và đắt hơn bên Úc. Có thể vì Úc xuất khẩu khai mỏ sang Trung Quốc quá lớn, để cân bằng thương mại thì phải tăng cường nhập khẩu và vì thế hàng tàu ở Úc có tỉ lệ quá nhiều.
"Save the best for last", ngày áp chót tụi mình đi Universal, chiêm ngưỡng ngành kỹ nghệ điện ảnh lừng danh với những cuốn phim và tài tử hàng đầu đang thống trị phim ảnh toàn cầu.

CHUYỆN ĐI MỸ P2. Chuyến đò trong ngày cuối năm

 

Mình và gia đình đang ngồi trên xe đò Hoàng (tên tên tiếng Anh: Hoang bus) để di chuyển từ bắc xuống nam tiểu bang California vào ngày cuối cùng của năm 2023, theo giờ địa phương.
Theo dự kiến cũ, mình sẽ lái xe, nhưng vì bị ốm nên thôi. Chả là hôm đi ăn tối nhà hàng, uống ly bia, đáng lẽ phải về luôn thì lại lang thang ngoài phố trời lạnh hơi lâu nên bị ho và sốt.
Trong cái rủi có cái may, xe đò Hoàng rẻ (50 USD / người), đi nhanh (năm tiếng rưỡi) vì chỉ đỗ dọc đường một lần, trên xe có wifi và toilet luôn. Nếu mướn xe mất 100 USD, cộng tùm lum bảo hiểm, xăng, phí trả xe khác thành phố thì cũng 200 USD, bằng tiền xe đò 4 người mà đỡ mệt.
Tụi mình vừa có trải nghiệm 3 đêm ở San Francisco và 3 đêm ở San Jose. Khác với Hawaii, đợt này nhà mình ở khách sạn ngay trung tâm và không lái xe.
Không lái xe thì đi uber cũng rẻ và tiện. Sissy là người phụ trách việc gọi và trả tiền cho uber.
Ngay ngày đầu tiên bay đến San Francisco, tụi mình đến thăm gia đình một người bạn lâu năm của bà xã. Cổ lấy chồng Úc, giờ lại cùng gia đình qua Mỹ định cư.
Bạn cũ lâu ngày gặp nhau có rất nhiều đầm ấm. Cô bạn còn nấu xôi cho rất ngon. Ở khách sạn không có microwave, đành phải dùng máy sấy tóc để làm nóng, vẫn ăn tốt.
Mình ngưỡng mộ vẻ đẹp cổ kính của San Francisco, nhưng có thể vì có thung lũng công nghệ Silicon mà dân số San Jose đã vượt hơn lên.
Lâu đài Fine Arts 110 năm tuổi quả là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, nằm gần với cầu Golden gate nổi tiếng. Du khách rất thích thú với những con sư tử biển bơi tung tăng và tự do leo lên bờ ở khu vực Vịnh.
Trường đại học Stanford danh giá nhất bờ tây nước Mỹ nằm khoảng giữa San Francisco và San Jose.
Kế bên Đại học Stanford là Silicon Valley. Tụi mình chỉ vào Computer history museum. Nhìn sơ đã thấy có nhiều người Ấn đúng như đồn đại.
Tụi mình còn đi thăm con đường ngoằn ngoèo nhất thế giới mang tên Lombard street, chỉ tiếc rằng mùa này không có nhiều hoa.
Chinatown của San Francisco cho thấy bề dày thời gian của nhiều thế hệ người Hoa, hậu duệ của các ông tổ sang đây xây dựng đường hỏa xa. Nằm cạnh phố Tàu là phố Ý với các nhà hàng đồ ăn Ý rất ngon.
Sang San Jose, có phố Nhật (Japan town) cũng rất thích. Khu quần thể Little Saigon thực sự lộng lẫy với bức tượng đức Trần Hưng Đạo tọa lạc trước tòa nhà.
Little Saigon có kiến trúc đẹp, rộng rãi, khang trang có điều không sầm uất, đông khách nếu so sánh với Bankstown hay Cabramatta. Chả mấy khi, tụi mình thưởng thức bánh cuốn ông Tạ và cà phê Trạm.
Ở San Jose, theo ý tưởng của Kelly, nhà mình đi bảo tàng hơi nhiều, bao gồm Bảo tàng người Mỹ gốc Nhật (Japanese American museum) nói về quá trình định cư của người Nhật tại Mỹ. Rồi bảo tàng nghệ thuật, the tech interactive, chưa kể bảo tàng lịch sử máy tính như đã nói ở trên.
San Francisco và San Jose nằm vào phía Bắc Cali, tiểu bang lớn nhất Mỹ. Sau chuyến đò này tụi mình sẽ còn khá bận rộn với Los Angeles và Las Vegas cũng như thủ phủ người Việt ở Quận Cam.

CHUYỆN ĐI MỸ P1. Aloha Hawaii

 

Mình đang ngồi trên máy bay từ Honolulu bay đi San Francisco, kết thúc 7 ngày và 6 đêm trên đất Hawaii. Hawaii là tiểu bang thứ 50 và cuối cùng ra nhập liên bang Hoa Kỳ gồm 4 đảo chính: Hawaii, Maui, Oahu và Kauai.
Quần đảo lấy theo tên đảo lớn nhất, còn gọi là big island. Đảo có ngọn núi lửa luôn rình rập tuôn trào, cũng là nơi thuyền trưởng James Cook bị giết chết vào năm 1779. Cố đô Lahaina nằm trên Maui là đảo lớn thứ hai. Còn đảo Kauai là nơi người phương tây (tàu của James Cook) lần đầu tiên đến quần đảo.
Ngày nay, tiểu bang Hawaii có khoảng một triệu rưỡi dân thì đến 2/3 sống trên đảo Oahu, có diện tích lớn thứ ba nhưng lại là nơi đặt thủ phủ Honolulu với khoảng nửa triệu người. Honolulu là nơi sinh của tổng thống Obama vì cha ông là một sinh viên quốc tế người Kenya đã lấy mẹ ông, một người Mỹ da trắng.
Khi đến Hawaii, điều mà du khách có thể thấy ngay, nước Mỹ hợp chủng quốc gì mà quá ít người da trắng với tỉ lệ chỉ có khoảng 25%. Người Hawaiian bản xứ còn ít hơn, cỡ 10% vì một phần của họ di cư vào đất liền, trong đó cộng đồng người Polynesian đông nhất sống ở Las Vegas.
Sắc dân chiếm số đông ở đây là người Châu Á như người Nhật, Philippines, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, ngoài ra còn có người Mỹ Latin và người lai.
Người Nhật đến Hawaii còn trước cả người phương Tây khi họ đã có giao lưu với Hawaii vào khoảng thế kỷ 15. Chuyến tàu di cư đầu tiên của người Nhật đến Hawaii là vào năm 1868. Đến thập niên 1920s, Nhật Bản (tính chung cả người Okinawa) là sắc dân đông nhất quần đảo. Hiện nay, cộng đồng người Nhật được coi là thành công nhất với mức thu nhập bình quân cao nhất.
Người Việt ở Hawaii có khảng 14,000, có lẽ là cộng đồng non trẻ nhất, chủ yếu di cư từ trong đất liền. Nếu bạn đi taxi hay Uber thì rất dễ gặp đồng hương vì quá nửa tài xế là người Việt.
Khi bay cùng gia đình đến Honolulu, mình chưa rõ nhà thuê có chỗ đậu xe không nên chưa thuê xe mà đi taxi. Ngày hôm sau mới đi thuê xe, vì thế mới biết cách đi xe bus. Ở đảo nhỏ, ít tuyến xe nên không sợ bị nhầm nên đi bus rất dễ, giá chỉ có 3 USD /chuyến hoặc 7.5 USD/ cả ngày, trẻ em nửa giá.
Con đặt đâu cha mẹ ngồi đó, Kelly thiết kế hầu hết các điểm đi chơi. Có thể chia ra vài "cụm" để đi lại cho dễ:
- Gần sân bay có Trân châu Cảng (Pearl Habor), nơi ghi lại cuộc tấn công của phát xít Nhật năm 1941, đồng thời cũng là căn cứ quân sự của Mỹ nhưng vẫn bán vé cho du khách vào thăm quan.
Cách đó 10 phút lái xe, Waikele outlet có nhiều đồ hiệu bán giảm giá. Nếu có xe thì bạn có thể đi hai điểm trong một ngày.
- Bờ tây của đảo có Byodo-in, ngôi chùa Nhật được xây trong núi, phong cảnh nên thơ. Vườn Botanic Hoomaluhia có hồ và đập ngăn lũ, với nhiều loài cây phong phú, quý hiếm.
- Phía Nam là thắng cảnh Halona blowhole hùng vĩ và bảo tàng quân đội với những câu chuyện lạ lẫm.
- Trung tâm Văn hóa Polynesian nằm hơi xa ở phía Bắc nhưng có dịch vụ đưa đón. Giá vé $130/ người hơi đắt, nếu đặt ăn buffet bữa tối thì còn tính thêm.
- Khu Waikiki dành cho du khách cũng là nơi có bãi biển đẹp nhất, còn là khu ẩm thực, vui chơi.
Nếu bạn không lái xe thì nên ở khu Waikiki vì chỗ này có nhiều phương tiện giao thông dễ đi lại. Còn muốn "đi sâu vào quần chúng", sống với local như tụi mình thì ở đâu cũng được, như airbnb rẻ hơn mà lại có chỗ nấu ăn.
Nhìn chung thực phẩm ở Honolulu khá đắt, có thể vì phải cộng thêm chi phí chuyên chở từ đất liền ra.
Nhà mình chưa đi được các đảo khác, ngay cả Oahu cũng chưa đi hết. Đi nghỉ mà chạy như ngựa thì cũng khổ nên đi vừa phải thôi.
Hawaii xa quá, hơn 9 giờ bay từ Sydney và hơn 5 giờ bay đến San. Vẫn hy vọng có dịp quay lại... Mahalo