Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Bóng đá châu Á: Gió tây thổi bạt gió đông

 

Giải vô địch Châu Á đã có bất ngờ lớn khi hai đội bóng “hạt tiêu” đã lọt đến trận đấu cuối cùng: Jordan và Qatar. Trước khi tìm hiểu về hai hiện tượng này chúng ta thừ xem xu hướng của bóng đá châu Á ra sao.
Trước đây, World cup chỉ có 16 đội nên bóng đá Á và Phi chỉ được một suất tham dự. Những đội vinh dự góp mặt của thuở ban đầu này lại là những đội bóng đông Á, đó là Nam Dương khi còn là thuộc địa của Hòa Lan (1934), Nam Hàn (1954), Bắc Hàn (1966), Úc (1974). Đến tận năm 1978 thì mới có đội Tây Á đầu tiên là đội bóng Iran trước cách mạng hồi giáo tham dự.
Những năm gần đây, cục diện big 5 hình thành với việc 5 đội bóng Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi và thêm Úc liên tục giành vé đại diện đi dự World cup. Không chỉ đi World cup, các đội này cũng thường xuyên giành những thứ hạng cao nhất của giải vô địch châu Á Asian cup.
Điều bất thường đã xảy ra khi cả năm đội lớn đều không lọt vào trận chung kết thay vào đó chỉ là hai “tiểu yêu” Jordan và Qatar.
Jordan chỉ có 11 triệu dân, khá nghèo vì không có dầu lửa như các nước Trung Đông khác. Bù lại quê hương của Biển chết lại được coi là quốc gia thân phương Tây nhất trong khu vực nên được Mỹ và phương Tây ưu ái nhiều về thương mại và tín dụng.
Qatar còn nhỏ bé hơn khi chỉ có 3 triệu dân nhưng là là nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới nên rất giàu có. Vì nhiều tiền quá nên Qatar tỏ ra khá ương bướng đối với các nước lớn trong khu vực như Saudi và Ai Cập và đã từng bị các nước này cắt quan hệ ngoại giao.
Nếu như Jordan có các cầu thủ hàng đầu chơi ở nước ngoài (như Mausa Al Tamari chơi cho đội bóng Pháp Montpellier) thì Qatar lại dùng “độc chiêu” nhập tịch các cầu thủ giỏi để chơi cho đội tuyển của họ.
Mọi người đều biết bóng đá châu Á thuộc “vùng trũng” của bóng đá thế giới. Kể cả khi tăng số đội của vòng chung kết World cup 2026 lên 48 đội, trong đó Châu Á được 8.5 suất thì vẫn chưa phải là cơ sở để bóng đá châu Á có thể đổi đời khá lên được.
Tuy nhiên với sự tiến bộ của Jordan và Qatar thì cục diện big 5 có thể bị phá vỡ thay vào đó là G7 trong đó bóng đá Tây Á trở nên chiếm đa số so với Đông Á (chấp luôn cả Úc). Với cục diện mới này, việc giành vé đi dự World cup đối với các đội bóng Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia hay Việt Nam vẫn sẽ là một thách thức lớn.
Nhìn ở góc độ khác, sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn và đây lại là một yếu tố hết sức quan trọng để nâng cao trình độ châu lục, để bóng đá Châu Á có thể sánh vai với...châu Phi thôi chứ chưa mơ Châu Âu hay Nam Mỹ. Jordan và Qatar đang thổi một luồng gió mới đầy hy vọng cho bóng đá châu Á.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét