Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Những điều hậu thế còn mắc nợ Gia Long Nguyễn Ánh

 

Gia Long Nguyễn Ánh (1762-1820), vị vua sáng lập triều Nguyễn, vẫn được nhìn nhận có nhiều “khác biệt”, thậm chí trái ngược nhau. Thật ra không có gì phức tạp hay khó hiểu để đánh giá tài năng và công lao của ông.
Gia Long Nguyễn Ánh hiển nhiên là người đầu tiên có công dựng lên đất nước có tên gọi Việt Nam Bắc Nam liền một dải với hình dạng như ngày nay. Nhà Tây Sơn chưa bao giờ thống nhất được đất nước. Khi Tây Sơn đánh đổ chúa Nguyễn thì miền Bắc vẫn thuộc về chúa Trịnh, khi chiếm được miền Bắc thì lại là lúc Nguyễn Ánh quay lại Nam bộ; khi Nguyễn Ánh bị đánh bật ra thì cũng là lúc miền Bắc bị quân Thanh xâm chiếm.
Từ một cậu bé 15 tuổi chạy loạn, Nguyễn Ánh đã tay không gây dựng lên cơ đồ, thể hiện tài năng lớn và ý chí sắt đá. Có tài liệu viết rằng Nguyễn Ánh kém xa Nguyễn Huệ, người hơn ông 9 tuổi vì lần nào đụng độ cũng đều thua. Sự thật không hoàn toàn đúng.
Để nói Nguyễn Huệ thắng Nguyễn Ánh thì người ta có thể thể kể đến 4 trận đánh vào các năm 1777, 1782, 1783 và 1785. Năm 1777, Nguyễn Ánh mới 15 tuổi, chưa phải người cầm quân nên không thể coi ông là người thua được.
Trong trận đánh năm 1782, Nguyễn Nhạc thân chinh và là người chỉ huy cao nhất nên chiến công này mà quy cho Nguyễn Huệ thì không chính xác.
Sang năm 1783, một năm sau khi mới thua tan nát, Nguyễn Ánh chỉ còn một ít tàn quân nên không thể đương đầu với đội quân có quân số đông gấp bội, lại dày dạn kinh nghiệm chiến trường của Nguyễn Huệ đuổi đánh. Tuy nhiên chiến dịch của Nguyễn Huệ cũng chưa thành công trong mục tiêu diệt trừ hậu họa vì vẫn để Nguyễn Ánh chạy thoát.
Trận Rạch Gầm Xoài Mút 1785 là trận đánh quy mô lớn, trong đó Nguyễn Huệ đã đại thắng nhưng đây cũng khó coi là thắng Nguyễn Ánh vì lúc đó Nguyễn Vương chỉ góp vài ngàn quân, lực lượng chính là 3 vạn quân Xiêm.
Sự nghiệp của Nguyễn Huệ còn dang dở và người ta lý giải vì ông mất sớm (39 tuổi) nhưng lại quên một điều, ở độ tuổi đó Nguyễn Ánh đã hoàn thành việc thống nhất đất nước và trở thành hoàng đế của một quốc gia hùng mạnh trong khu vực Đông Nam Á.
Người ta cho rằng Quang Trung có nhiều tư tưởng tiến bộ và “dự kiến” sẽ đưa ra thực hiện nhưng Gia Long mới là người đi trước thời đại thể hiện thực tiễn qua các chính sách đối nội và đối ngoại sáng suốt và có tầm nhìn xa của mình.
Khi Quang Trung qua đời, Nguyễn Nhạc vẫn còn sống, vẫn còn binh hùng tướng mạnh và nhà Tây Sơn chiếm giữ vùng lãnh thổ rộng lớn hơn Nguyễn Ánh rất nhiều. Sau đó Tây Sơn thua nhanh mà lý do chính vì Nguyễn Ánh rất được lòng dân. Những vùng đất thuộc nhà Nguyễn cai trị được giảm tô thuế để khuyến khích sản xuất nông nghiệp, đánh bắt ngư nghiệp, đời sống người dân được cải thiện, trái ngược với chính sách hà khắc và cứng rắn của Tây Sơn.
Sử sách còn ghi lại rất nhiều tướng giỏi của Tây Sơn chạy sang theo Nguyễn Ánh, kể cả khi Nguyễn Huệ còn sống, mà không có chiều ngược lại bởi vì Nguyễn Ánh có chính sách trọng người hiền tài. Hết chiến tranh, lần đầu tiên nước ta có một cơ cấu sắc tộc phức tạp nhưng mọi việc khá bình yên nếu so với các đời vua tiếp sau nhờ cách cai trị khéo léo của Gia Long.
Về đối ngoại, Gia Long chủ trương làm bạn với các nước, giữ hòa hiếu với các nước láng giềng, giữ quan hệ độc lập tự chủ và thân hữu với các nước Phương Tây.
Nếu nói “cõng rắn cắn gà nhà” thì chính Quang Toản con Quang Trung đã sai sứ sang cầu viện nhà Thanh, có điều đi chưa đến nơi thì Quang Toản đã bị bắt. Trong lịch sử, không hiếm các trường hợp phe yếu hơn đi cầu viện nước ngoài, nhưng vẫn có thể không bị phụ thuộc ngoại bang như trường hợp của Gia Long.
Đáng tiếc, những chính sách đúng đắn của Thế tổ nhà Nguyễn đã bị đảo ngược 180 độ sau khi Minh Mệnh lên ngôi. Vua mới đổi quốc hiệu từ Việt Nam sang Đại Nam, ra lệnh bế quan tỏa cảng, đoạn tuyệt với các nước phương Tây. Ông vua con này phát động chiến tranh chiếm đất của các nước láng giềng Ai Lai và Chân Lạp, mà về sau cũng không giữ được, gây hiềm khích với Xiêm La trong khi lại thần phục phương Bắc.
Để có tiền nuôi dưỡng chiến tranh, Minh Mạng buộc phải thi hành sưu cao thuế nặng. Ngay đến chuyện ăn mặc cũng khó khăn khi bắt phụ nữ mặc quần không đáy. Khi đã mất lòng dân thì hậu quả nhãn tiền vài chục năm sau giặc Pháp đến, nhà Nguyễn không thể lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược và cuối cùng dẫn đến mất nước.
Không hiểu Minh Mạng có thù hằn gì với vua cha mà đã hủy hoại hoàn toàn di sản của Thế Tổ và việc lựa chọn người nối ngôi là một sai lầm lớn của Gia Long.
Kể cả sai lầm đó, Gia Long Nguyễn Ánh là một bậc anh hùng hào kiệt của đất nước và hậu thế chúng ta vẫn còn mắc nợ nếu chưa đánh giá đúng về ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét