Bài 1: MỘT CÁCH NHẬN DIỆN NHÂN VẬT LỊCH SỬ
Lịch sử là một ngành học
gần gũi với Triết học và Kinh tế Chính trị học. Tìm hiểu, nghiên cứu về
quá khứ là điều rất quan trọng để nắm bắt quy luật của sự việc hiện
tượng và dự báo cho tương lai. Khi quý vị muốn thành lập hay xây dựng
một đảng phái hội đoàn, quý vị phải có một cơ sở lý thuyết, từ đó mới
đưa ra được luật lệ, quy chế và phương thức hoạt động.
Hồi nhỏ, khi được học lịch sử, hẳn mọi người còn nhớ các nhân vật lịch
sử Việt Nam có “hai loại” khá rõ ràng: như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt,
Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, tất cả đều giống nhau ở chỗ anh
hùng, cứu nước, đánh giặc ngoại xâm; còn như Lê Ngọa Triều, Uy Mục,
Tương Dực, Chiêu Thống thì nằm trong một cái “rọ” tàn bạo, hoang dâm,
bán nước.
Trên thực tế, con người ta phức tạp hơn nhiều, khó có
thể quy kết tốt xấu, hay dở một cách “đương nhiên” như vậy. Ngay trong
truyện Tàu, các nhân vật như Tào Tháo, Lưu Bị, Đường Huyền tông, Tống
Giang...là những con người có tính cách phức tạp, được mô tả qua lăng
kính đa chiều, để người đọc có thể có những cảm nhận khác nhau.
Napoleon là niềm tự hào của nước Pháp hay tội đồ ? Thống chế Petain là
một nỗi sỉ nhục vì đã đầu hàng phát xít Đức, nhưng nhìn một góc độ khác,
ông đã có công lớn khi giữ thành Paris nguyên vẹn cho hậu thế, chứ nếu
để chiến sự nổ ra thì kinh đô ánh sáng hoa lệ nay còn đâu.
Ngay
trong cùng một con người cũng có những giai đoạn khác nhau. Khi mới lên
ngôi, Đường Huyền tông là một ông vua giỏi, mở mang bờ cõi, mang lại
thịnh vượng cho đất nước. Khi về sau, ông lại “ngủ trên vòng nguyệt quế”
sa vào hoan lạc và trở nên lú lẫn, làm sự nghiệp tan nát.
Gần
đây có một số tài liệu bênh vực cho Lê Long Đĩnh tức Lê Ngọa Triều. Như
cho rằng Long Đĩnh tàn bạo, dóc mía trên đầu nhà sư có thể cho là bịa
đặt vì ông là người rất mộ đạo Phật, dưới thời ông là một trong những
triều đại cho xây nhiều chùa chiền nhất. Cho rằng ông “sức khỏe yếu” do
chơi bời quá độ, khi lâm triều phải nằm thì lại có chứng cứ cho rằng
Long Đĩnh đã 5 lần thân chinh đưa quân đi hành quân chinh phạt phía Nam.
Và phải có một sức khỏe tốt thì mới làm được như vậy.
Trong
chế độ phong kiến, chưa có Tòa án mà Vua chúa là người “lãnh đạo toàn
diện”. Bởi vậy, đã làm Vua thì không thể tránh khỏi việc ra lệnh giết
người. Do đó, nếu gán tội “tàn bạo” cho họ thì còn gì dễ bằng.
“Hoang dâm” là một cái “bản án” rất vu vơ dành cho Uy Mục và Tương Dực,
mà có lẽ là từ nguồn “truyền thông” của phe đối nghịch. Thông thường các
vua đều có hàng ngàn cung nữ, nhưng chỉ cần có một chục cung nữ cũng đã
có thể coi là dâm đãng rồi. Nếu hoang dâm thì đáng lẽ phải là Lê Thánh
tông, một trong các ông vua có nhiều cung nữ nhất, lên đến hàng chục
ngàn và bản thân Thánh tông cũng chết vì bệnh giang mai. Nhưng vì “đã
lỡ” ca tụng ông nên người ta dễ dàng bỏ qua những mặt trái của ông.
Trong đó, Thánh tông đã từng giết anh ruột và ra lệnh giết 60.000 thường
dân thì vẫn chưa thấy quy kết là “tàn bạo”.
Bảo Đại là ông vua
duy nhất ra lệnh giải tán đội cung nữ, thì ngược đời là ông vẫn bị mang
tiếng ăn chơi đàng điếm. Sự thật, Bảo Đại là người có trí tuệ uyên bác,
du học Pháp nhưng vẫn giỏi chữ Hán, thông thạo Đông Tây kim cổ, là một
tấm gương về rèn luyện thể thao. Nhưng kỳ lạ, vì thành kiến hẹp hòi nên
người ta cố tình quên quá nhanh những mặt tốt của ông.
Lịch sử
không chỉ là nhân vật lịch sử mà còn là sự kiện, bài học và nhiều vấn đề
khác. Tuy nhiên, một khi “mặc định” phán xử và gán ghép tốt xấu cho các
nhân vật thì đó là một cách giết chết lịch sử.
“Không đem
chuyện thành bại để luận anh hùng”. Mỗi biến cố lịch sử đều có những
nguyên nhân tất nhiên và ngẫu nhiên. Trong cái ngẫu nhiên, dường như
không có vai trò của cá nhân đối với thành công và thất bại. Con người
không dễ gì nhận ra các quy luật tất nhiên và nếu nhận thức được thì
cũng không dễ thực hiện vì nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan khác
nhau. Do đó, không thể thay đổi lịch sử như thường thấy khi cố tình tô
vẽ các "anh hùng cái thế".
Cũng không nên chấp nhận khái niệm
“chính thống” trong lịch sử, khi đó “tao đúng vì tao là bố mày” còn “mày
sai vì mày ngu”. Cũng như bất kỳ ngành khoa học nào, lịch sử cần các
căn cứ có kiểm chứng, các lập luận logic để liên kết các chứng cớ một
cách thuyết phục, chi tiết và đầy đủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét