Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Bài 3. SỰ HÌNH THÀNH CỦA NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TẬP QUYỀN


Về điều kiện địa lý, Châu Âu có các vùng biển hiền hòa của Địa Trung Hải, biển Bắc, biển Baltic, cho phép việc đi lại giao lưu, truyền bá dễ dàng. Trong khi ở Phương Đông, sinh hoạt khá khép kín, chủ yếu trong đất liền vì biển ở đây thường hứng chịu nhiều cơn bão kinh hoàng từ Thái Bình Dương. Có lẽ đó là lý do quan trọng ảnh hưởng đến tập quán, tính cách và cách cai trị tập quyền cao độ của các nhà nước phong kiến Á Châu.
Tuy vậy, sự tập trung quyền lực vào chính quyền phong kiến và vào cá nhân Vua cũng là một quá trình lâu dài và đầy kịch tính.
Lịch sử Trung Hoa nhắc đến “Vua Nghiêu”, “Vua Thuấn” nhưng thật ra đây là những nhân vật gần như hoang đường, dựa vào các thông tin truyền miệng. Từ khoảng năm 2000 TCN, những triều đại đầu tiên đó là “Tam đại”, gồm nhà Hạ, nhà Thương và nhà Chu. Nếu như nhà Hạ hay nhà Thương chỉ tạo ra được ảnh hưởng ở một vùng đất nhỏ quanh hạ lưu sông Hoàng Hà thì nhà Chu đã có được chư hầu thần phục rộng rãi trong “trung nguyên” là mảnh đất màu mỡ bao la nằm giữa hai con sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử. Những người đúng đầu các bộ lạc hoặc các gia tộc được nhà Chu công nhận và ban cấp phong tước sẽ cai quản vùng đất của mình, được cha truyền con nối, đồng thời phải triều cống cho triều đình.
Đến thế kỷ thứ 8 TCN, nhà Chu suy yếu, không còn cai quản được hàng trăm “quốc gia” lớn nhỏ nữa, lịch sử gọi đó là thời kỳ “Xuân Thu”. Thời Xuân Thu kéo dài khoảng 400 năm thì chuyển sang thời “Chiến Quốc”, khi đó “trung nguyên” chỉ còn lại 7 nước, sau khi các nước lớn thôn tính được các nước và lãnh địa nhỏ hơn.
Vệ Ưởng vốn người nước Ngụy, nhưng khi thấy Tần Hiếu công ban chiếu tuyển mộ nhân tài thì đã xin yết kiến vua Tần. Lần đầu Vệ Ưởng bàn về Đế đạo, Hiếu công tỏ ra buồn ngủ không nghe. Vệ Ưởng xin gặp lần thứ hai, bàn về Vương đạo, vua vẫn chưa bằng lòng. Vệ Ưởng cầu cạnh xin gặp lần thứ ba và giảng về Bá đạo. Lúc này Hiếu công vô cùng thích thú vì đây là cách làm cho nước Tần hùng mạnh. Vua sai Vệ Ưởng soan thảo pháp bộ rồi ban hành thực hiện. Luật mới hết sức khắc nghiệt, một tội nho nhỏ cũng bị chém ngang lưng. Nhiều quan chức và ngay cả Thái tử Tứ cũng phản đối. Hiếu công đã cho trị tội một số quan và phế truất Thái tử.
Vệ Ưởng có công lớn, được ban lộc đất Thương, nên sau gọi là Thương Ưởng. Nhưng hậu vận của ông không tốt. Thái tử Tứ được phục hồi, sau lên nối ngôi Hiến công đã trả thù và giết Thương Ưởng, nhưng vẫn duy trì các chính sách đã được ban hành.
Hệ thống luật pháp nghiệt ngã của Thương Ưởng đã làm nước Tần trở nên một thế lực nổi bật trong các nước Chiến Quốc. Đến khi Doanh Chính lên ngôi, nước Tần đã hoàn hành việc thống nhất Trung Hoa và trở thành Tần Thủy Hoàng.
Từ đây, mô hình cai trị Nhà nước phong kiến tập quyền đã hiện hữu trong khoảng 2000 năm, với hai đặc điểm chính là tăng cường quyền lực từ một trung tâm duy nhất và sự tàn bạo nghiệt ngã.
Để tập trung quyền hành vào tay vua, quy định mới bãi bỏ chế độ tập tước của các quan, điều mà các nước phương Tây đã duy trì mãi về sau, tạo nên một tầng lớp quý tộc. Theo đó, khi một vị quan chết hoặc thôi nhiệm thì con họ không được tiếp quản chức tước.
Trong truyện Xuân Thu đã mô tả cảnh sinh hoạt đùa giỡn của Vua tôi trong thành cho thấy sự thân mật giữa Vua và quần thần. Nhưng lý thuyết Quân Sự Phụ, một phần của Tập quyền đã tạo ra một ranh giới cách biệt giữa Vua với quan và thần dân.
Chế độ chư hầu cũng bị bãi bỏ, theo đó các lợi tức, tô giới phải thuộc về chính quyền trung ương chứ không phải của các “chúa đất” như trước.
Trong Tam Quốc chí, Lưu Bị giao cho Quan Vũ trấn thủ Kinh Dương, một vùng đất giàu có. Quan Vũ có quyền bổ nhiệm hoặc cách chức Thái thú các quận huyện, nhưng không được đụng đến của cải vì cái đó phải giao nộp về Thành Đô.
Cách tổ chức xã hội như vậy cho phép nhanh chóng và triệt để tập trung nguồn nhân lực, vật lực cho một trung tâm chỉ huy rất có lợi cho chiến tranh. Điều đó lý giải việc các triều đại tiếp theo như Hán, Tấn, Ngũ Đế, Đường, Tống đã rất thành công trong việc mở rộng bờ cõi nước Tàu. Ở phía Bắc, cũng bằng mô hình tập quyền cao độ, Thành Cát tư hãn đã thống nhất được các bộ lạc Mông Cổ và dựng lên một đế chế làm kinh hãi lục địa Á Âu vào thế kỷ 12-14.
Như một sự trùng lặp dường như không ngẫu nhiên, triều đại nào càng tàn bạo, độc đoán và độc ác thì chúng càng “thành công” trong việc khẳng định quyền lực.
Những tưởng “tập quyền”, độc tài là một sản phẩm của quá khứ, nhưng nó vẫn còn hiện hữu tại Bắc Hàn, Nước này thậm chí còn đi xa hơn với học thuyết “chủ thể” và cuồng si vào cá nhân hơn cả thời phong kiến. Nghi án Jong Un giết anh trai Jong Nam liên quan đến một cô gái Việt Nam, nếu được kết luận chính là đỉnh cao của sự tàn bạo.
Trong thời phong kiến, những cuộc giết hại quân thù, người dị tộc khá phổ biến nhưng vẫn có một sự nương nhẹ đối với người trong nhà. Lê Long Đĩnh (tức Lê Ngọa Triều) giết anh cướp ngôi, dù chỉ là một nghi ngờ chưa được kiểm chứng nhưng vẫn bị người đời phê phán nặng nề. Thời triều Nguyễn, hoàng tôn Đán có ý đồ cướp ngôi nhưng vua Minh Mạng, một vị vua nổi tiếng là nghiêm khắc vẫn tha vì “trẫm với cha hắn tình nghĩa rất thâm, trẫm không thể hại hắn”. Minh Mạng, tức Đảm là em cùng cha khác mẹ với hoàng tử Cảnh, cha của Đán, nhưng lại nhận mẹ ruột của Cảnh là mẹ nuôi.
Ông tổ Karl Marx đã đưa ra dự đoán, nền kinh tế tư bản sẽ dẫn đến tích tụ và tập trung, làm cho sự bóc lột và áp bức đi đến giai đoạn tột cùng, tạo ra những mâu thuẫn không thể điều hòa. Marx qua đời vào thế kỷ 19, ông không được chứng kiến chủ nghĩa tự bản đến thế kỷ 21 vẫn chưa giẫy chết. Những phát minh mang tính đột phá về cổ phần, chứng khoán, bảo hiểm, trợ cấp thấp nghiệp, chính sách xã hội, môi trường và công tác từ thiện đã là những giải pháp tháo gỡ những nhức nhối trong lòng xã hội.
Chủ nghĩa tập quyền và độc tài, di sản của chế độ phong kiến, từng mang lại những chết chóc bi thảm nhất định sẽ phải được chuyển hóa, cũng giống như chà đạp, tham lam nhường chỗ cho nhân bản, thương yêu; ánh sáng đẩy lùi bóng tối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét