Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

CÁI ĐẸP CỦA ỦY NHIỆM


Trong mùa bầu cử của tiểu bang hiện nay cũng như liên bang sắp tới, mình muốn cùng các bạn khám phá một vẻ đẹp tiềm ẩn, sâu xa của nước Úc. Nước Úc có núi non hùng vĩ, biển khơi muôn trùng, nhưng đó chỉ là vẻ đẹp bề ngoài. Cái đẹp bên trong là một xã hội hướng tới hòa hợp, biểu hiện bằng những cuộc bầu cử ủy nhiệm.
Trong một bầy thú, thường có con đầu đàn; với con người, vẫn tồn tại những người làm công việc cai trị xã hội. So sánh như thế tất nhiên là khập khiễng, bởi vì con người hoàn toàn khác với con thú.
Nhưng có một điều giống nhau. Cách để một con thú trở thành đầu đàn, đó là bạo lực, nó phải tỏ ra khỏe hơn và đánh bại được những con khác. Trong quá khứ, những kẻ cầm quyền cũng dùng sức mạnh cơ bắp và vũ khí để khống chế người dân. Vua tự xưng là “con Trời” như một cách để khẳng định quyền lực. Tất nhiên, đây là sự lừa dối vì không có ai là con Trời cả. Giả dối hay bạo quyền, về bản chất là một vì cũng đều là sự áp đặt của của người này lên người khác, thiểu số lên đa số.
Xã hội phát triển, con đường để trở thành những người lãnh đạo, những người được ủy nhiệm không giống cách thú vật và thời Trung cổ đã làm, đó là thông qua nghị viện và bầu cử. Dân chúng dùng lá phiếu để ủy nhiệm (delegate) người mà họ tin yêu.
Những người làm công việc lãnh đạo (leading) và quản trị (management) phải chăng là những người tài giỏi nhất? Theo mình thì không cần thiết như vậy. Xưa kia, ai đó được bổ nhiệm làm quan huyện chẳng hạn, ông ta phải thiết lập một hệ thống luật lệ và bổ nhiệm một đội ngũ thực thi, như thế, họ cần phải có tài năng vượt trội. Ngày nay hệ thống pháp luật và nhân lực đều đã có, rất dễ dàng cho các vị quan chức. Họ chỉ cần "skills” là hấp dẫn và thuyết phục quần chúng ủng hộ guồng máy có sẵn đó.
Ở Úc, mọi người dễ dàng bắt gặp những vị công chức đầu ngành, kinh nghiệm đầy mình, nhưng vẫn phải chịu sự điều hành của một vị bộ trưởng bằng tuổi con mình, thậm chí mới bước chân vào chính trường. Thủ tướng ScoMo, 50 tuổi là người “già” thứ nhì trong nội các. Nhìn chung, các chính trị gia ở Úc trẻ, luôn tỏ ra hăng hái, nhiệt tình có thừa.
Những vị trí như dân biểu, nghị sĩ và bộ trưởng đương nhiên phải có nhiều quyền lực hơn những người làm chuyên môn, vì họ là những người được nhân dân bầu.
Trước đây, nhưng người thế hệ của mình còn mặc quần áo vá thì bây giờ mỗi người đều dễ dàng có 100 cái quần áo, năm chục đôi giầy, tất cả những sản phẩm vật chất như nhà cửa, xe cộ, tiện nghi, bằng cấp...đều thừa thãi. Thiết nghĩ, trách nhiệm của các chính khách ngày nay không còn là chú trọng tìm cách tạo thêm nhiều của cải nữa mà là việc phân chia công bằng, hợp lý hơn.
Mình nghĩ một xã hội càng tốt là một xã hội càng giảm thiểu số người làm “lãnh đạo”. Những người cai trị càng đông thì càng nuôi dưỡng tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, bất công, bất bình đẳng và áp bức. Chế độ dân chủ sẽ có được nếu loại bỏ dần những kẻ ăn trên ngồi chốc, tự cho quyền cái quyền làm ít hưởng nhiều.
Thực tế vẫn còn nhiều xứ sở chưa có bầu cử tự do và công bằng, hoặc chỉ là bầu cử giả hiệu. Khác biệt và đa dạng chính là một trong những nét đẹp của trái đất này. Dù thế nào, mình hãnh diện về nước Úc, nơi mà những quyền căn bản của con người được tôn trọng ở một mức độ cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét