Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

ĐÍT CỦA CÀ CUỐNG (Bài 4 và là bài cuối)


Tào Tháo, tự Mạnh Đức con nhà giàu, được học hành tử tế và bắt đầu bằng một chức quan nhỏ trong Triều. Bấy giờ nhà Hán mạt vận, Thừa tướng là Đổng Trác lộng hành, lấn át Vua. Mọi người đều bất bình nhưng vì sợ họ Đổng, không ai dám làm gì.
Tào Tháo thì khác, anh nuôi chí trừ khử Đổng Trác, lập lại kỷ cương. Tháo giả bộ kết thân, hầu hạ Đổng Trác tận tình. Một lần đến phủ Đổng Trác, lính canh cửa thấy người quen nên cho vào, thì gặp lúc Đổng Trác đang ngủ trưa, tiếng ngáy vang như sấm. Tháo mừng rỡ, cho rằng cơ hội đã đến. Tháo tiến gần đến giường ngủ và rút gươm ra. Bất ngờ Trác tỉnh dậy: Mạnh Đức làm gì thế? Thì ra Trác quay mặt vào trong gương nên nhìn thấy hành động của Tháo.
Tào Tháo nhanh trí quỳ xuống: tôi có một thanh gươm quý, muốn dâng biếu Thừa tướng. Trong lúc ngái ngủ,Trác thấy thanh gươm quả là đẹp nên đã cám ơn và nhận. Tháo mừng quá chạy ra ngoài, vừa gặp Lý Nho, người tâm phúc của Đổng Trác đi vào.
Lý Nho hỏi Đổng Trác, có chuyện gì mà thấy Tào Tháo chạy như ma đuổi? Trác kể lại, Lý Nho bảo, thằng này có ý ám hại chúa công rồi. Trác nói, ta cũng nghi như vậy, bèn ra lệnh truy nã Tào Tháo.
Trên đường chạy trốn về quê nhà, Tào Tháo bị bắt. Lính giải lên quan huyện Trần Cung. Trần Cung hỏi, bây giờ ông định thế nào. Tháo đáp, đã bắt được tôi thì ông cứ việc giải về Kinh đô mà lấy thưởng. Cung không nói gì, ra lệnh giam Tháo vào ngục.
Nửa đêm, có tiếng lạch cạch, Tào Tháo chột dạ. Thì ra là Trần Cung. Cung bảo, ông là người có nghĩa khí, tôi đã chuẩn bị đôi ngựa và tình nguyện bỏ chức quan này để đi theo ông.
Sáng sớm, hai người chạy vào nhà Lã Bá Sa, bạn của bố Tào Tháo. Họ Lã thu xếp phòng nghỉ cho hai người, rồi bảo, hai con cứ ở đây, ta ra ngoài một chút. Tháo và Cung ở trong phòng, nghe thấy tiếng mài dao. Một lát lại có tiếng ai đó: “trói lại hẵng giết”. Tào Tháo hoảng hồn, cùng Trần Cung chạy ra và chém chết hết cả gia nhân trong nhà. Chém hết rồi vào bếp thì mới thấy một con lợn đang bị trói!
Cung bảo: mình giết oan người ta rồi. Hai người không còn cách nào khác phải bỏ đi. Mới ra khỏi nhà thì gặp Lã Bá Sa chạy ngựa ngược chiều: A Man con, đi đâu thế, ta mua rượu về đây này! Tháo tiến ngựa đến gần: “đằng sau có ai gọi bác kìa”. Sa vừa quay lại thì Tháo đưa một nhát gươm chết tươi. Trần Cung hoảng hốt, sao ông nỡ như vậy? Tháo đáp: “ta thà phụ người con hơn để người phụ ta”. Trần Cung nghe còn kinh hãi hơn, và từ biệt Tháo với lý do đôi ta không cùng chung ý chí.
Ở kinh thành, Đổng Trác trúng kế mỹ nhân Điêu Thuyền của Tư đồ Vương Doãn nên đã bị đánh đổ, nước Tàu rơi vào tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, các sứ quân khắp nơi nổi lên và bất tuân lệnh Triều đình.
Vụ giết hụt Đổng Trác làm cho Tào Tháo trở nên nổi tiếng. Những người có tài, có chí đi theo Tháo rất đông. Tào Tháo cũng là người biết trọng kẻ sĩ, đối đãi thỏa đáng với mọi người. Dần dà, Tào Tháo tiêu diệt được tất cả các thế lực hùng mạnh nhất ở Trung nguyên. Vua Hiến đế phong Tào Tháo làm Thừa tướng.
Người của Tháo nói với Hiến Đế, Tào Thừa tướng công đức lớn như vậy mà sao không có tước gì cả. Vua phong thêm cho Tháo làm Ngụy Công. Một thời gian, họ lại bảo Ngụy Công là chưa xứng, Hiến Đế lại phải phong Tào Tháo lên tước Ngụy Vương.
Lúc đó, tả hữu tâm phúc nhiều lần khuyên Tào Tháo nên chính thức kế nghiệp nhà Hán, lên ngôi Hoàng Đế, để thuận với lòng Trời, nhưng Tháo đều gạt đi.
Câu hỏi là, tại tao có thừa đủ điều kiện mà Tào Tháo nhất quyết không chịu lên ngôi ? Có lẽ vì họ Tào từng làm quan và ăn lộc của nhà Hán và không bị mang tiếng là phản nghịch. Con Tháo là Tào Phi thì không bị ràng buộc như vậy nên ngay sau khi lên thì Phi đã ngay lập tức cướp ngôi Vua Hán.
Tư Mã Ý cũng là người duy nhất mà Tào Tháo e ngại tài cao chí lớn, không cất nhắc và trọng dụng. Tư Mã Ý khá thọ, sống đến ngoài 70 tuổi, phục vụ trong 4 triều nhà Tào. Về sau, Ý cũng thâu tóm được mọi quyền bính và cũng nhất định không cướp ngôi Vua Tào.
Trong lịch sử Việt Nam, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung là những trường hợp tương tự, chiếm giữ quyền lực trong một thời gian dài và chỉ tiếm ngôi trong những hoàn cảnh đặc biệt khác nhau.
Khi nhà Lý suy yếu, gia tộc họ Trần đã giúp Vua dẹp loạn nên đã được nắm giữ quân đội trong triều. Với Trần Thủ Độ, ông không lên ngôi mà nhường cho cháu là Trần Cảnh, tức Trần Thái tông khi mới 8 tuổi.
Hồ Quý Ly nắm binh quyền từ năm 1380, đến năm 1400 thì cướp ngôi vua Trần. Nhưng có lẽ vì sợ mang tiếng nên chỉ sau 1 năm thì ông nhường ngôi cho con trai thứ là Hán Thương. Con trai cả Nguyên Trừng, được coi là người có tài, người phát minh ra một số loại vũ khí mới, lại khôngđược truyền ngôi. Có lẽ để giải quyết vấn đề trưởng thứ mà Quý Ly đành phải “hy sinh” làm vua một năm.
Vào cuối thời Lê, Mạc Đăng Dung có công dẹp giặc, được chiếm giữ quyền bính. Các quan thấy họ Mạc quyền to quá nên đã xúi vua Chiêu tông khởi binh đánh lại ông. Mặc Đăng Dung lập hoàng đệ Xuân làm vua, tức Chiêu Hoàng và bắt sống được Chiêu tông. Tuy nhiên, mọi người vẫn không phục Chiêu Hoàng nên Đăng Dung đành phải tự lên ngôi, nhưng chỉ sau hai năm rồi thoái vị, truyền cho con trai.
Như vậy, khi đã lỡ “làm bề tôi”, theo quan niệm về sự trung thành, những vị quan đầy quyền lực vẫn không cướp ngôi; hoặc giả lên ngôi, các vị vẫn có gì không thoải mái mà thoái vị khá nhanh.
Phải chăng đó là điều tục ngữ gọi là “cà cuống chết đến đít vẫn cay”.
Thời nay, Putin từng là đảng viên cộng sản nên mặc dù có lúc ông lên án chủ nghĩa cộng sản nhưng trong chính sách nước Nga hiện nay, vẫn còn khá nhiều di sản XHCN. Nếu Putin thẳng tay loại bỏ những điều ông đã phụng sự thì hóa ra ông lại mâu thuẫn với chính mình!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét