Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

VĂN HÓA KINH DOANH CÀ PHÊ


Cà phê là một sản phẩm giải khát lâu đời, quyến rũ và quan trọng. Các nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới có thể kể đến Brazil, Vietnam, Colombia, Indonesia và Ethiopia.

Mặc dù chỉ đứng thứ năm, sau các 4 nước thuộc Nam Mỹ và Đông Nam Á, nhưng Ethiopia có vùng Kaffa được coi là quê hương của cà phê. Vào thế kỷ 15, những người buôn nô lệ Phi châu mang cà phê từ Ethiopia sang Yemen, thuộc đất Hồi giáo. Từ đó, cà phê bắt đầu được sử dụng, rồi lan truyền sang Cairo, Syria, Istanbul. Sau quán cà phê đầu tiên được mở tại Ba Tư, đến năm 1532 rất nhiều quán mọc ra và đều đông nghịt khách.

Người Hồi giáo thích cà phê trước hết là vì cà phê giúp họ tỉnh táo, nhất là vào tháng ăn chay Ranmadan, phong tục là thức cả đêm. Đến nay, người Ả Rập vẫn còn giữ cách uống cà phê từ cổ xưa là giã hoặc xay nhỏ hạt cà phê và uống cả bã.

Cà phê không chỉ làm con người sảng khoái mà theo những nghiên cứu mới nhất của y học, nó còn tránh được bệnh suy giảm trí nhớ và giảm thiểu khả năng bị ung thư.

Cà phê đã mang lại một cơn sốt tại châu Âu khi các quán cà phê cũng như các phương pháp pha chế khác nhau đua nhau ra đời. Người châu Âu đã mang cà phê đi trồng ở các thuộc địa Á, Mỹ Latin và mở rộng diện tích ở chính quê hương châu Phi của nó.

Ở Việt Nam, người Pháp cho trồng cà phê đầu tiên ở Kẻ Sở, sau lan xuống Phủ Lý, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Khi xuống đến Tây nguyên thì đây là nơi được coi là rất hợp thổ nhưỡng và khí hậu để mở rộng quảng canh và thâm canh.

Cây cà phê khá cao, có thể lên tới 5 mét, lá xanh đậm, bóng; hoa nở trắng xóa, trái hình oval dài khoảng 1.5cm, ban đầu màu xanh, ngả vàng, rồi đỏ và đến khi chín là màu đen. Có ba loại chính, đó là cà phê chè (Arabica), cà phê vối (robusta) và cà phê mít (lyberica).

Hồi sang Đức, uống ly cà phê đầu tiên ở nhà bà Dì vợ, mình ngạc nhiên khi thấy cà phê ở đây rất ngon. Sau này mới biết Đức là nước nổi tiếng về chế biến cà phê, mặc dù nước này không hề trồng cà phê. Cà phê chế biến của Đức có trị giá xấp xỉ Brazil, xếp thứ hai thế giới trong khi Vietnam lại khá tụt hậu trong lĩnh vực này.

Cùng một khối lượng, cà phê qua chế biến (roasted coffee) đắt gấp đôi hoặc hơn so với cà phê ở dang thô (green coffee). Nhưng cà phê đã qua chế biến thì không giữ được lâu, nên đòi hỏi phải tiêu thụ được nhanh. Muốn vậy nhà chế biến phải có thị trường vững chắc và nắm bắt được thị hiếu đa dạng của khách hàng.

Mỹ là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới với 400 triệu cốc/ ngày, kim ngạch nhập khẩu khoảng 4 tỉ USD, và doanh số của các tiệm cà phê độc lập lên tới 12 tỉ USD/năm. Những con số đó chỉ là tương đối bởi vì trên thực tế, trong “cà phê” được đưa vào sử dụng thì đã có một phần tỉ lệ trộn lẫn các loại đậu, bắp và hương liệu.

Ở Vietnam, nhà máy cà phê hòa tan bắt đầu được xây dựng từ năm 1968 tại Biên Hòa, theo công nghệ Đức với thương hiệu Vinacafe nổi tiếng. Tuy nhiên, khi nhà máy bị quốc hữu hóa sau năm 1975 thì Vinacafe không còn cơ hội tiến xa và còn bị các nhà sản xuất đi sau lấn át.

Trong fb, Diệp Thảo đã kể rằng, sau chuyến đi Đức của cô, Trung Nguyên đã chuyển hướng sang sản xuất cà phê hòa tan. Đây là hướng đi đúng nhưng đáng tiếc nó đã không lớn mạnh như mong đợi. Theo ý kiến cá nhân mình, đặt tên Trung Nguyên là một sai lầm lớn vì tên này người nước ngoài không phát âm được. Mà chỉ bán trong nước thì thị trường rất giới hạn, không mở rộng được, trong khi đổi tên G7 hay tên gì khác sẽ làm rối hình ảnh, làm khách hàng nhầm lẫn. Trong khi cái tên “đẹp” nhất, có giá trị marketing cao nhất là Vinacafe thì lại không còn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét