Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Để trở thành người Úc thực thụ

 

Lấy được PR hay quốc tịch Úc chưa thể là cái đích cuối cùng nếu bạn chưa có được một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc trên quê hương mới.
Để hòa nhập với môi trường mới, rất cần có một việc làm. Nếu không bạn phải mang tiền từ Việt Nam sang tiêu hoặc xin trợ cấp, cả hai cách đều không hay.
Mình đã sống ở nhiều quốc gia khác nhau thì thấy Úc là nơi dễ kiếm việc làm nhất. Thử tưởng tượng bạn không có chuyện môn gì, tiếng Việt cũng yếu mà sang Việt Nam tìm việc làm?
Nhưng ở Úc, nếu bạn không có nghề ngỗng gì, tiếng Anh lõm bõm thì vẫn có thể kiếm được việc làm, đủ cho cả chuyện nuôi con cái nữa.
Bên cạnh việc làm, để enjoy cuộc sống, cũng rất cần bạn phải thay đổi bản thân từ những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng chúng tạo ra những thói quen mới và đi đến lối sống kiểu Úc.
Sau đây là một số gợi ý:
- Không cần đun nước mà uống từ vòi. Mình có khách từ trong nước qua rất ngạc nhiên khi thấy cả nhà mình uống nước từ vòi. Nhưng bạn hãy thử đi, nước vòi của Úc không chỉ đảm bảo theo tiêu chuẩn y tế mà còn ngọt, ngon biết chừng nào.
- Đừng đi ngủ muộn. Bên Úc, ngân hàng ngừng tiếp khách từ 4 giờ chiều, trung tâm thương mại đóng cửa lúc 5 giờ, đến 6 giờ các cửa tiệm ngoài phố cũng đóng nốt. 7 giờ là lúc đường phố bắt đầu vắng tanh.
Người Úc đi ngủ rất sớm, nếu bạn thức khuya, có nghĩa là lệch pha đó!
- Đừng gọt vỏ khi ăn táo. Không chỉ táo, dưa leo, lê, đào, mận, hồng... Vài lần đầu chưa quen sẽ thấy khó chịu nhưng khi quen rồi, bạn sẽ thích thú hơn.
- Đừng đưa đón con đi học đối với các cháu từ lớp 5 trở lên. Trẻ con tự đi là cách để chúng được quan sát, tiếp xúc trò chuyện với bạn bè và mọi người. Nhà gần trường thì đi bộ, xa thì được cấp thẻ tàu xe miễn phí và đều rất an toàn.
- Nếu không phải lên sân khấu, hãy ăn mặc giản dị, làm sao cho thoải mái. Không nên đi giầy tây mặc vest nếu không phải phải tiếp khách hay dự lễ lạc. Người ta không "sợ" bạn, nếu bạn cứ luôn luôn "đóng hộp" mà như thế rất lạc lõng.
- Đừng tỏ ra "đanh đá", nói to, hùng hổ, ngoại trừ những lúc thật cần thiết. Người Úc hiền hòa, luôn mỉm cười với người lạ. Bạn không nên khác thường quá!
- Khi có thời gian rảnh rỗi, hãy đến với các câu lạc bộ giống như người bản xứ. Ở đó có đồ ăn ngon, giá hợp lý, có các trò chơi và ban nhạc.
Bạn và gia đình có thể đi thăm các phiên chợ cuối tuần thường có ở những vùng ngoại ô thoáng đãng, có nhiều bóng cây và sản vật địa phương.
- Đối với mỗi người di dân, luôn có hai cuộc sống. Xin đừng "ở Việt Nam thì sống kiểu Tây", đi tìm ăn steak, rượu ngoại còn "sang Tây lại sống kiểu Việt Nam", đi tìm mắm tôm.
Chắc hẳn bạn là người mạnh mẽ và dũng cảm khi dám bỏ xứ sở quen thuộc mà đến một nơi xa lạ, đầy thách đố để lập nghiệp.
Với tích cách như vậy, thay đổi vài thói quen để thích nghi với hoàn cảnh mới là chuyện nhỏ, có phải không ạ?

Lề trái
Ngồi nhậu lai rai với một ông bạn cũng già như mình hơi lâu. Hết chuyện, ổng bảo:
- Tui thấy ông lên facebook viết về Úc gì mà tào lao, toàn những chuyện tô hồng, nâng bi. Rồi còn ca ngợi Úc nhiều việc làm, dễ sống. Tui hỏi ông đã kiếm được nhiều tiền chưa mà dám bảo là dễ, xạo quá Trời quá đất!
- Ờ, nhưng mà bây giờ ông muốn sao? Mình hỏi
- Úc có cái hay, nhưng cũng có cái dở. Ông phải viết sao cho khách quan, có qua có lại, không người ta bảo ông ăn phải bùa mê thuốc lú.
- Vậy là ông muốn tui chê Úc phải không, được thôi.
Khi bạn đưa vợ con sang Úc định cư, việc đầu tiên là đi thuê nhà để ở. Cò nhà đất đưa cho bạn một tệp giấy kêu là hợp đồng và bảo ký. Đọc có hiểu gì đâu, nhưng không ký thì không lẽ ra vỉa hè. Cũng liều nhắm mắt đưa tay chứ sao.
Bạn đi mua nhà thì còn ký nhiều nữa, ký cái nào mất tiền cái đó, phí ngân hàng, phí lãi suất, phí hoa hồng, phí trước bạ, riêng việc trả tiền cũng phải ký ba lần...
Rồi đi mua xe, có hai loại bảo hiểm, bảo hiểm người là bắt buộc, bảo hiểm xe không bắt buộc nhưng không mua thì hậu quả là đầy bất trắc.
Mình ăn lông ở lỗ, chân đất mắt toét quen rồi, mấy chục loại bảo hiểm, biết đường nào mà lần. Thôi thì không trả nữa, vừa đỡ mất tiền, vừa đỡ phải nghĩ nhiều cho mệt. Nhưng đừng có dại, cuộc đời ai học chữ ngờ, có chuyện xảy ra mà không bảo hiểm thì bạn sẽ hiểu thế nào là khóc tiếng Mán.
Mang tiếng y tế được bao cấp nhưng nếu bạn cần phẫu thuật (đại, trung hay tiểu) thì phải mua bảo hiểm y tế tư nhân thì mới được làm ngay. Ngoại trừ việc nguy hiểm tính mạng, bảo hiểm công bắt bạn phải xếp hàng chờ đợi trong đau đớn khi cơn bệnh đang hành hạ.
Pháp luật bên Úc quá đỗi phức tạp vì người ta quan niệm càng chi tiết thì càng công bằng. Nếu bạn va chạm với cảnh sát hay thuế vụ thì mới thấy, cuộc sống thật là khắc nghiệt.
Ví dụ bạn đậu xe nhầm vào ô dành cho người tàn tật, mức phạt là gần $600. Đa số người có thẻ ưu tiên cũng chỉ thương tật ở mức nhẹ, họ vẫn đi làm được thì việc không đậu chỗ này thì sang chỗ khác có sao đâu. Vậy mà làm khổ người khác, chỉ vì sự vô ý nhỏ nhoi.
Nếu “nhầm lẫn” khi nộp thuế cá nhân, bạn có thể phải đi tù hoặc bị phạt rất nặng. Cách tính thuế rất lằng nhằng, cho dù bạn thuê dịch vụ Kế toán, có chuyện xảy ra thì họ cũng phủi tay vì người ký vào giấy báo cáo thuế là chính bạn.
Bạn có thể ra Tòa trình bày hoàn cảnh để xin tha thứ, nhưng tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa, chi phí Luật sư là khủng khiếp. Chưa biết có thắng kiện hay không thì đã sạt nghiệp vì Luật sư rồi.
Mình có dịp trò chuyện với nhiều bạn bè. Họ khá “cởi mở” khi kể chuyện về công sở, chuyện boss, chuyện đồng nghiệp và công việc hay thế này, dở thế kia...dường như họ “biết tuốt” tất cả mọi thứ. Nhưng có một việc muốn nghe thì mọi người đều giấu là mức lương. Có mấy ông, bà khoe con tôi, cháu tôi lương 100k, 200k, 500k nhưng bản thân họ thì không bao giờ nói!
Một bất lợi trong cuộc sống ở Úc là sự đắt đỏ. Giả sử tổng thu nhập hai vợ chồng là 100,000 AUD /năm, nuôi 2 đứa con thì tạm coi là vừa đủ, không dư xu nào.
Tiêu là như vậy, còn kiếm tiền thì sao?
Thực tế cho thấy, những người mới sang định cư rất khó kiếm việc làm. Mỗi quảng cáo việc làm trên báo thì có đến 100 tờ đơn xin việc nộp vào nên hy vọng có thể coi là 0-1%.
Ở Việt Nam, bạn là người giỏi tiếng Anh thì sang đây, tiếng Anh của bạn thuộc loại trung bình hoặc thấp hơn thế. Bạn rất giỏi ngữ pháp, nhưng các chủ nhân thích nhận người phát âm tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Bạn tính xin việc ở khu vực ”cổ xanh” hay “cổ trắng”? Làm văn phòng hay cu li lương như nhau, có điều làm office thì sẽ có cơ hội trở thành manager, CEO, chủ tịch...thì rất nhiều bổng lộc về tiền trách nhiệm, hoa hồng và cổ phiếu.
Cái khó là bạn làm sao phải tự lượng sức mình. Cá nhân mình khi quay lại Úc vào năm 2011, mình phải đi làm với mức lương chỉ có $12-15/ giờ, sau đó mới tăng dần lên. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, kỹ năng, mối quan hệ mà khăng khăng đòi mức lương tiêu chuẩn $19 thì xin nói luôn là mời bạn về nhà nghỉ cho khỏe, không ai mướn đâu. Mình không bàn chuyện đúng pháp luật, quy định hay không mà đây là thực tế.
Bạn không kiếm được việc làm mà lại đi vào con đường tự làm chủ (self-employed) thì có lẽ còn gian nan hơn. Nếu có vốn, bạn mở doanh nghiệp, thuê mướn nhân công để thành ông chủ bà chủ lại còn nguy hiểm hơn nữa, vì không chỉ không kiếm được tiền mà còn có nguy cơ mất tiền. Thời kỳ làm ăn dễ dàng của 30-40 năm về trước đã qua rồi.
Thật ra, không cần lương cao, nếu đầu tư hợp lý bạn vẫn có thể làm giầu. Tuy nhiên, triển vọng thị trường nhà đất hậu Covid không còn như trước. Muốn làm chứng khoán, bạn phải có khả năng làm chủ được cảm xúc, mà để có nó thì phải trải qua thực tế với “học phí” không hề nhẹ, và hóa ra cũng là điều bất khả thi.
Thôi có tuổi, giàu cũng giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi, bon chen để dành cho con cháu.
Trở lại chuyện ký giấy tờ hợp đồng thuê nhà ban đầu, bạn không hiểu gì cũng cứ ký đi, ở Úc người ta không lừa đâu. Ý quên, đang chuyện lề trái, nói vậy thành ra “bưng bô” mất rồi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét