Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Khối ung nhọt Armenia – Azerbaijan có nguy cơ vỡ

 

Tình hình đang leo thang giữa Armenia và Azerbaijan làm mình nhớ lại những năm tháng còn sống ở Dubai.
Đầu năm 2001, nếu bạn vào các quán bar của Dubai thì sẽ thấy bạt ngàn các cô gái cao, trắng trẻo và ăn mặc hở hang. Nhìn ca ve là biết liền, và khi hỏi chuyện, các em đều nói là “người Nga”. Báo chí cũng hồn nhiên viết “Arab countries”, ”Indian countries” và “Russian countries”. Trước khi làn sóng Chinese tràn sang bắt đầu từ năm 2002 thì mặt hàng “Russian”, bao gồm Liên Xô cũ và các nước đông Âu thống trị thị trường.
Dubai là một nước đa chủng tộc còn hơn Úc, với khoảng 90% là người nước ngoài (mặc dù số liệu chính thức là 80%). Có lần mình làm việc với một nữ doanh nhân người Kazakhstan. Vừa mới gặp, cô này đã nói luôn là phụ nữ Kazakhstan không làm nghề này, mà hầu hết ca ve là người Azerbaijan đấy. Một người Á Đông như mình sẽ không thể phân biệt được mấy giống người thuộc Liên Xô cũ, nếu không được mách như vậy.
Dưới thời Lenin, Azerbaijan một nước Tây Á hồi giáo nằm chung với Armenia và Georgia, hai nước Đông Âu Thiên chúa giáo trong “Transcaucasian Soviet”, một thực thể nằm trong Liên Xô cũ. Georgia, quốc gia nhỏ nhất về dân số và diện tích là quê hương của Xtalin. Berejiklian, nữ Thủ hiến NSW hiện vẫn còn quốc tịch Armenia, nhưng vì cô là chính khách tiểu bang, không phải liên bang nên vẫn được giữ hai quốc tịch.
Ở đây nói thêm một chút về sự bất đồng giữa hai lãnh tụ Lenin và Xtalin. Trong thời gian dưỡng bệnh trước khi qua đời ở tuổi 53, Lenin đã viết rất nhiều thư công kích Xtalin. Có hai giả thiết về cái chết của ông, một là ảnh hưởng của vết thương sau vụ ám sát; hai là chết vì bệnh giang mai, bệnh ông bị lây từ gái điếm ở Paris hồi trai trẻ và là căn nguyên của bệnh vô sinh.
Lên kế vị Lenin, Xtalin đã xử tử hàng loạt ủy viên bộ chính trị để củng cố quyền lực. Xtalin đã đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm, đặc biệt là xóa bỏ chính sách “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, còn gọi là “kinh tế mới”, một chính sách đã cứu cho Liên Xô thoát khỏi nạn đói vào năm 1921.
Cuộc xung đột Armenia – Azerbaijan bắt nguồn từ việc tranh chấp biên giới. Dưới thời Xtalin, ba nước trong một nói trên được tách ra nhưng không hiểu vì sao một phần lãnh thổ của Armenia đã được trao cho Azerbaijan. Khi Liên Xô tan vỡ vào năm 1991, chiến sự đã bùng nổ tại phần lãnh thổ này, trong đó Armenia đã được sự thiên vị của Nga. Hiệp định đình chiến 1994 có thể coi là văn kiện đầu hàng của Azerbaijan khi nước này mất 13% diện tích lãnh thổ.
Đến nay, thế và lực đã thay đổi, Azerbaijan được một đồng minh hồi giáo là Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng là bên khai chiến đã tấn công vào khu vực tranh chấp. Không lực Thổ cũng trực tiếp tham chiến khiến cho tình hình trở nên căng thẳng.
Thổ Nhĩ Kỳ có tham vọng về ánh hào quang của đế quốc Ottoman trong quá khứ và mong muốn tạo ra ảnh hưởng chính trị lớn hơn trong vùng Trung Đông khi mà Nga được gọi tên là đối thủ của họ tại chiến trường Syria. Hiện nay, kinh tế Nga đang gặp khó khăn do bị phương Tây cấm vận kể từ khi xâm lược bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, nếu chiến tranh lan rộng thì sẽ làm các nước châu Âu lo lắng đến việc cung ứng dầu lửa. Chính vì thế, Mỹ và đồng minh sẽ phải can thiệp để kiềm chế và không để khối ung nhọt lâu ngày vỡ tung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét