Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Nguyễn Huy Thiệp- Một hiện tượng văn học sáng chói thời “cởi trói”

 

Tên tuổi Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gắn liền với một giai đoạn ngắn ngủi nhưng đầy hứng khởi của Văn học Việt Nam.
Đó được coi là giai đoạn “cởi trói văn nghệ” do TBT Nguyễn Văn Linh phát động sau ĐH Đảng 1986. Hàng loạt các tác phẩm văn học từng bị cấm đã được phép xuất bản. Các nhà văn được tự do sáng tác một cách cởi mở hơn. Như Nguyễn Dậu, lúc đó đã ngoài 60 tuổi, làm nghề cắt tóc bỗng dưng lại viết ra được các tác phẩm gây tiếng vang.
Nguyễn Huy Thiệp không già như vậy, các truyện ngắn đầu tiên Những Ngọn gió Hua tát, Tướng về hưu trên tờ Văn nghệ được xuất bản vào năm 1987 khi anh mới 37 tuổi. Anh viết rất khỏe, một loạt các truyện nối tiếp nhau ra đời như Vàng lửa, Kiếm sắc, Không có vua, Chảy đi sông ơi... cái nào cũng đặc sắc, tầm cỡ, làm cho người ta nói đến anh như một hiện tượng đặc biệt trong văn học nước nhà.
Lúc đó, mình cũng như nhiều thanh niên không để ý lắm đến văn học Việt Nam mà say mê với các tác phẩm dịch từ ngoại quốc, hoặc chuyện chưởng. Hoặc có chăng, đọc những tác phẩm kinh điển của Tự lực văn đoàn hay của Vũ Trọng Phụng.
Đầu thập niên 1990s, mình có dịp tiếp xúc với các nhà văn Lê Lựu, Chu Lai, Trần Thị Trường. Họ là những người nổi tiếng và kiêu ngạo, nhưng kỳ lạ, đều tỏ thái độ tất tôn trọng khi nhắc đến “Thiệp”. Lê Lựu nói: có những ca sĩ hát vài bài liền nhưng không ai thấy hay, nhưng lại có ca sĩ chỉ vừa cất lên một câu đã làm tất cả phải trầm trồ, người đó chính là Nguyễn Huy Thiệp.
Bạn bè cũng nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp nhiều, mình mới dành thời gian để đọc các truyện ngắn của anh, quả thật tuyệt vời. Rồi lại thấy nhiều người bắt chước lối hành văn gọn, câu văn ngắn nhưng không ai thành công cả, vì không ai có thể sâu sắc, lãng mạn như Thiệp. Viết ngắn khó hơn viết dài nhiều và cũng chứng tỏ, Thiệp đã ấp ủ, chắt lọc từ lâu, bây giờ mới bộc phát ra, chứ mới viết thì không thể thành công nhanh như vậy.
Không chỉ Thiệp, giai đoạn cởi trói cũng mang đến hàng loạt các tác phẩm, tác giả có giá trị, tên tuổi như một trào lưu văn học mới. Tuy nhiên, khoảng năm 1991-1992 đã xảy ra các biến cố về chính trị trên thế giới cũng như trong nước. Liên xô và Đông Âu sụp đổ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Dường như đã có chỉ đạo từ trên là phải từng bước siết lại sự cởi mở trong văn nghệ.
Người ta thấy Trần Độ không còn là Trưởng ban Văn hóa tư tưởng, Nguyên Ngọc bị cách chức Tổng biên tập tờ Văn nghệ. Các nhà văn Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập bị báo chí truyền thông coi là phản động. Nhà văn Trần Quang Huy bị treo bút vì viết “Linh nghiệm” còn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh bị cấm.
Trong bối cảnh đó, Nguyễn Huy Thiệp, ngôi sao sáng nhất mở nhà hàng Hoa ban ở Gia Lâm và các tác phẩm cứ thưa thớt dần. Thiệp quan niệm viết văn không vì tiền nhưng làm kinh doanh và nghệ thuật cùng lúc thì rất khó thành công. Vì thế cuộc sống kinh tế của ông không khá giả, đúng ra là nghèo khó cho đến cuối đời.
Trong gần 20 năm (1992-2021) số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp không bằng 5 năm (1987-1992) về cả số lượng lẫn tầm vóc. Trong nghề viết, đỉnh cao thường đến sau 10-15 năm trở đi, còn với Thiệp, mới 5 năm đã tắt đi cảm hứng thì đó là điều đáng tiếc.
Tuổi 70, sắp sang 71, không phải là trường thọ. Ông sẽ được ca ngợi nhiều hơn sau khi qua đời...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét