Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

Tiêu chuẩn kép trong cuộc chiến Ukaine

 

Mình viết bài này trong lúc một cuộc biểu tình lớn đang diễn ra trong trời mưa ở Sydney để ủng hộ Ukraine, chống cuộc xâm lược từ Nga. Sáng sớm, mình dậy coi đá banh, thì cũng thấy trên tivi tràn ngập màu cờ vàng xanh, trong khi các cầu thủ giải Premier League, giải đấu có ảnh hưởng và đông khán giả truyền hình nhất thế giới, làm nghi thức cầu nguyện cho Ukraine.
Cuộc chiến ở Ukraine đã đi qua được 10 ngày với kết quả tạm thời khá bất ngờ, quân Nga với năng lực vượt trội vẫn không đạt được thành quả đáng kể nào. Lý giải cho việc này, người ta cho rằng, không lực của Nga, với số lượng máy bay gấp 10 lần Ukraine vẫn chưa hoạt động hết công suất, trong khi bộ binh cũng tiến quân chậm.
Có thể phản ứng quyết liệt của phía Ukraine và của thế giới đã làm lãnh tụ Putin chùn bước phần nào theo kiểu “già dái non hột”. Nếu lính Nga tử vong nhiều sẽ tạo nên làm sóng phản chiến ngay trong lòng nước Nga là điều lên ông ta lo ngại.
Một cuộc cấm vận và trừng phạt đồng loạt chưa từng có đang dành cho Nga, khiến đồng Rúp rơi tự do và thị trường chứng khoán Nga buộc phải đóng cửa. Hiện khoản tiền khổng lồ 600 tỉ USD của Nga đang bị đóng băng và xem chừng khó có thể đòi lại được nếu nó được dùng để bồi thường chiến tranh.
Cách đối xử với Putin liệu có phải là tiêu chuẩn kép? Từ sau Đại chiến 1945 đến nay, thế giới chưa bao giờ yên tiếng súng bởi có rất nhiều cuộc chiến đã xảy ra nhưng chưa bao giờ có cuộc trừng phạt quy mô khủng như vậy.
Đành rằng nhiều cuộc chiến nhỏ, thương vong không lớn, ít gây chú ý thế nhưng cuộc chiến Ukraine này so với chiến tranh Việt Nam chỉ là muỗi, thậm chí nó còn chưa bằng chiến tranh Iraq và cả hai cuộc chiến này đều liên quan nặng đến Mỹ.
Cứ cho rằng Mỹ có một vị thế đặc biệt để không ai có thể cô lập, dù họ làm gì chăng nữa. Nhưng nước Nga dưới thời Putin đã từng nhiều lần hung hăng ở Chechen, Gieorgia, Syria thì có làm sao đâu, sao giờ bị làm dữ vậy?
Nhớ lại khi Putin được Yelsin chỉ định kế vị, ông cũng được kế thừa luôn mối quan hệ hữu hảo giữa Yelsin với Mỹ và phương Tây. Năm 2001, sau khi gặp Putin lần đầu, Tổng thống Bush (con) nói rằng: tôi thấy anh ấy như một phần tâm hồn tôi, giản dị và đáng tin cậy.
Hình như đó là quãng thời gian thế giới tốt đẹp hơn ngày nay. Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đều tự nguyện rời quyền lực để nhường cho người khác. Còn với Nelson Mandela, người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Nam Phi thậm chí chỉ làm một nhiệm kỳ rồi nghỉ với lý do tuổi đã cao. Ngay cả Yelsin cũng vui vẻ rời bỏ quyền lực.
Khi một nhà lãnh đạo quốc gia không cống hiến đến hơi thở cuối cùng là bước tiến đầu tiên để đi đến dân chủ.
Putin đã gặp may khi mới lên thì giá dầu lửa tăng cao, nước Nga có nguồn tài chính dồi dào, đời sống người dân trở nên khấm khá. Nếu Putin dừng lại ở 2 nhiệm kỳ như quy định của Hiến pháp thì ông mãi mãi là một người hùng của Nga và thế giới. Đáng tiếc, ông tìm cách ở lại, bóp nghẹt truyền thông, dân chủ, thủ tiêu ám sát các lãnh đạo đối lập.
Thể chế độc tài trên thế giới vẫn còn tồn tại ở nhiều nước, nhất là ở Châu Phi và Trung Đông nhưng Mỹ và phương Tây dường như không quan tâm. Đối với Nga thì khác, Nga là nước lớn, đặc biệt lại thủ đắc vũ khí nguyên tử.
Ở các nước dân chủ, người lãnh đạo chịu các cơ chế kiểm soát quyền lực nghiêm ngặt, không thể tự ý cá nhân muốn gì cũng được. Nhưng ở nước độc tài thì những tiếng nói phản biện đều bị đàn áp và do đó khó có thể ngăn cản nhà độc tài làm những điều sai quấy.
Sự sống của nhân loại sẽ bị đe dọa nếu nhà độc tài đó có nút ấn hạt nhân.
Mọi người đều biết vũ khí hạt nhân có thể hủy diệt nhiều lần dân số trái đất, kẻ bấm nút đầu tiên cũng không thoát khỏi số phận, và chỉ có vấn đề thần kinh mới làm như vậy.
Putin liệu có vấn đề tâm lý không? Người ta đã kể, vào giờ giải lao trong các hội nghị quốc tế, các nguyên thủ thường tụ tập nói chuyện phiếm thì Putin lại chỉ lủi thủi một mình. Mặc dù Putin được coi là biết ngoại ngữ, nói tiếng Đức, tiếng Anh khá nhưng không ai muốn trò chuyện với ông ta cả.
Biden đủ thông minh để không coi nước Nga chỉ có GDP bằng 1/10 nước Mỹ là đối thủ của Mỹ nhưng đó không phải là lý do Putin bị ghẻ lạnh. Phải chăng sự tham quyền cố vị, năng lực điều hành kinh tế kém cỏi, cách hành xử hiếu chiến...mới là lý do?
Tháng 10 năm nay Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng, nhiều khả năng Tập sẽ vượt qua làn gianh 2 nhiệm kỳ để chính thức lên ngôi “hoàng đế vĩnh viễn”, để xem thế giới sẽ làm gì với ông ta.
Sự thể thế này, Putin không có nhiều lựa chọn. Nếu làm tới, chiếm Kiev, lập chính phủ bù nhìn thì vẫn chưa thể khuất phục và xóa đi lòng căm thù củangười Ukraine mà cuộc chiến sẽ vẫn tiếp diễn và liệu Nga có đủ năng lực tài chính để theo đuổi chiến tranh lâu dài trong bối cảnh bị cấm vận. Trường phương án “cắt lỗ” lui binh xem ra triển vọng hơn, Putin sẽ trở thành con chó bị cụp đuôi, thấp thỏm nằm chờ ngày bị người dân Nga hỏi thăm sức khỏe.
Khách quan mà nói, Putin đang bị đối xử nghiệt ngã, âu cũng là thời thế và thế thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét