Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

Tìm hiểu về cuộc chiến ở Ukraine

 

Đúng như dự đoán của giới tình báo, cuộc chiến tại Ukraine đã bùng nổ. Bằng sự yểm trợ của không quân, xe tăng Nga đã áp sát Thủ đô Kiev. Kiev chỉ cách biên giới Belarus 100km nên có thể dự đoán thành phố này khó có thể giữ được. Lãnh thổ Ukaine rất rộng lớn, các Đại sứ quán và cơ quan chính phủ đã di tản về phía Tây.
Tổng thống Zelensky đã thề chết cho quê hương, ông ra lệnh tổng động viên, cấm nam giới xuất cảnh để ở lại chiến đấu cho một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Ngay trước khi ra lệnh xua quân tràn vào Ukraine, Tổng thống Putin đã có bài nói chuyện dài trên tivi, kết thúc lúc 2 giờ sáng giờ địa phương. Ông đã lý giải lãnh thổ Ukraine ngày nay sở dĩ rộng lớn như vậy là do các quyết định “sai lầm” từ các lãnh tụ cộng sản.
Năm 1922, Lenin cắt đất Donbas cho Ukraine. Sau đại chiến 1945, Stalin cắt một số vùng đất của Ba Lan, Romania và Hungaria cho Ukraine. Đến năm 1954, Khrushchev lại cắt bán đảo Crimea cho “quê hương” của ông.
Khrushchev vốn là người Donbas, khi cùng đất này được chuyển giao thì ông còn là một thanh niên địa phương, tạm coi là người U gốc Nga.
Cũng nên nhắc thêm, Stalin là người Georgia (tức Gruzia). Năm 2008, cũng xảy ra cuộc chiến 12 ngày giữa Nga và Georgia, với kết quả là Nga công nhận độc lập cho hai nước cộng hòa tí hon tách từ lãnh thổ nước này.
Cuộc chiến hôm nay bắt nguồn từ tiền lệ cuộc chiến ở Georgia những với quy mô lớn hơn nhiều và nguyên nhân của nó cũng rất khác.
Vào thời gian chiến tranh Georgia 2008, Putin còn tỏ ra tôn trọng Hiến pháp, nhún mình nhận chức Thủ tướng, mối quan hệ với Mỹ và phương Tây khá mặn nồng. Nhưng sau biến cố 2014, khi ấy chính quyền thân Nga bị đảo chính để thay thế bằng một chính phủ thân Phương Tây. Putin cay cú sáp nhập Crimea vào Nga, nhận hậu quả là bị cấm vận.
Với 8 năm cấm vận, nền kinh tế Nga ngày càng xuống dốc, GDP đầu người giảm từ 16,000 USD xuống còn 11,000 USD, trong bối cảnh đồng tiền mất giá và sức mua giảm đi. Đặc biệt các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ do thiếu hợp tác trao đổi nên công nghệ lạc hậu, bên cạnh đó là chảy máu chất xám của nhân công có trình độ.
Nền kinh tế Nga trở nên phụ thuộc vào việc khai thác dầu khí để bán. Do mối quan hệ bất ổn với Ukraine và Ba Lan làm cản trở đường dẫn sang Châu Âu, Nga tính mở dự án Nord Stream để đưa dầu khí qua ngả nước Đức. Rồi thì Đức thay đổi chính phủ và với sức ép của Mỹ, xem ra dự án này có nguy cơ đổ bể.
Trong quan hệ nhân quả, kết quả do vô vàn nguyên nhân, bao gồm cả lý do chính và phụ, lâu dài và trực tiếp. Theo suy diễn của mình, kinh tế mới là lý do chính, Nord Stream là nguyên nhân trực tiếp cho đến chiến tranh tại Ukraine hiện nay.
Nếu ở Châu Phi, Iran, Venezuela, Bắc Hàn...dân chúng khổ bao nhiêu cũng phải chịu thì Châu Âu lại khác. Kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Putin đã cầm quyền gần 23 năm, nhiệm kỳ hiện tại chỉ còn 2 năm nữa. Ở tuổi 70, ông vẫn muốn cống hiến đến hơi thở cuối cùng nhưng với tình hình kinh tế bi đát như hiện nay, các người bạn Việt sống bên Nga cho rằng tồi tệ như hồi Liên Xô cũ, thì sức ép của dân chúng sẽ gia tăng.
Vòng vây cấm vận vẫn tiếp tục siết chặt kể từ khi Biden lên, trong bối cảnh sự đoàn kết trong khối đồng mình được gia tăng. Rõ ràng Putin thấy cần phải làm gì đó để phá vỡ tình trạng hiện tại.
Sau ba ngày giao tranh sơ khởi cho hay hơn 3,000 lính Nga tử trận, nhiều xem tăng, máy bay và trực thăng bị phá hủy. Chưa rõ số thương vong về phía quân đội Ukraine nhưng chắc chắn rất nhiều dân thường bị giết hại, một phần nhiều là người gốc Nga. Nhìn chung chiến thuật phủ đầu để giành thành quả sớm không như mong muốn bởi sức kháng cự mãnh liệt của phía Ukraine.
Điều khá ngạc nhiên, một làn sóng biểu tình phản đối đã diễn ra ngay tại 51 thành phố của Nga, lớn nhất ở Moscow và St Peterburg dẫn đến hàng ngàn người bị bắt. Trong các thành phần phản đối Putin có đông đảo giới nghệ sĩ, lực sĩ, trong đó có Metvedev, cây vợt sẽ trở thành số 1 thế giới (thay Djokovic) vào thứ hai tới. Nếu chiến tranh kéo dài, phong trào phản chiến chắc chắn sẽ lan rộng ra khắp thế giới.
Trong giây phút không kiềm chế được, Putin đã tự ghi danh như một tên đồ tề khát máu nhất. Chiến tranh đã tưởng là sản phẩm của quá khứ, nó trở nên xa lạ đối với thế giới loài người văn minh, bạo lực chết chóc không phải phương cách giải quyết tranh chấp và vì thế không thể biện minh được.
Nếu còn khôn ngoan, Putin hẳn rất mong NATO can thiệp quân sự để có lý do đàm phán nhưng người ta không dây với hủi mới là cái làm ông ta lo lắng. Chính phía Nga đề nghị đàm phán cấp cao với Ukraine và mời tổng thống Mỹ tham dự nhưng Nhà Trắng đã bác bỏ. Phía Ukraine cũng cự tuyệt về địa điểm gặp gỡ tại Minsk, thủ đô nước chư hầu Belarus.
Mỹ và phương Tây không tham chiến nhưng siết thêm lệnh trừng phạt và tiếp tục tiếp tế vũ khí và hậu cần cho Ukraine. Putin đã không hiểu một điều, không phải vấn đề theo Nga hay thoát Nga, theo phương Tây hay không, người Ukraine đã, đang và sẽ chiến đấu cho tự do dân chủ và các giá trị làm người của mình.
Sẽ đến một ngày hậu Putin, nhân dân Nga và nhân dân Ukraine anh em cùng được hưởng bầu không khí tự do, cùng hướng tới một cuộc sống văn minh, nhân bản và hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét