Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Chuyện làm ăn làm giàu khi ra nước ngoài

 

Lấy ví dụ từ nước Úc, thành thật mà nói, so với các sắc dân nhập cư thì người Việt còn thua kém người Ý, Hy Lạp, Lebanon, người Tàu và người Ấn.
Để sánh vai với các sắc dân thành công hơn, thiết nghĩ nên tìm ra nguyên nhân. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, để thắng trận, trước khi có nhiều sáng tiến, ý tưởng mới lạ để tấn công ghi bàn thì còn phải biết phòng ngự, hạn chế các yếu điểm chết người.
Bài viết này tập trung về những điều mà chúng ta nên tránh, theo thiển ý của một người đã sống 28 năm ở hải ngoại, đã từng làm nhiều ngành nghề lên voi xuống chó ở các quốc gia khác nhau.
1. Tính bốc đồng:
Mỗi khi có bạn bè, người quen rủ đi uống cà phê bàn công chuyện là mình thấy chột dạ.
- Tui chỉ muốn đi cà phê tán dóc, chứ “công chuyện” thì có biết mẹ gì đâu mà bàn.
Trong hầu hết các trường hợp, mình đều bàn lùi. Mình nghĩ điều quan trọng nhất của một business plan là tính khả thi, đó lại là cái mập mờ nhất, chỉ thấy “tương lai xán lạn” toàn màu hồng một cách cảm tính.
Nói không với người ngoài thì dễ nhưng với người bạn chung bàn thờ, ý quên, tính hơi xa, hiện tại là bạn chung giường thôi, thì khó à nha.
- Anh đồng ý rồi, nhưng để từ từ đã.
Từ từ đến khi nào? Thông thường mất vài ngày để bà xã tụt mood, đôi khi chỉ 1 giờ đồng hồ!
Trong trường hợp bả không đổi ý thì đành chịu thôi, vì phương châm của mình là thà mất của còn hơn mất “tình đoàn kết”, không lẽ chỉ vì mấy đồng bạc lẻ mà đi cãi nhau với em yêu.
Cũng may, các sáng kiến tối kiến chưa gây hậu quả gì nên mình vẫn còn nhà để ở, còn xe để đi.
2. Đầu voi đuôi chuột:
Thật ra bốc đồng không hẳn là xấu, vì để thực hiện hết một dự án cần rất nhiều năng lượng, rất cần hăng máu vịt, thật “bốc” mới làm được.
Vấn đề làm sao cho job done, chứ đun ấm nước 99 độ mà không tiếp tục thì ấm nước không thể sôi, không đạt hiệu quả và thất bại.
Người Việt thường làm theo cảm hứng, khi tắt lửa lòng thì công việc rơi vào cảnh đầu voi đuôi chuột.
3. Giao tiếp kém:
Cho dù quý vị là doanh nghiệp B2C hay B2B, làm chủ hay làm công thì cũng đều cần giao tiếp tốt.
Cha mẹ thường dặn chúng ta hãy nói ít thôi, bởi vì người mình dễ nói ra toàn những điều làm cho người ta ghét. Nếu có thể nói cho người ta yêu thì rất nên nói nhiều.
Hàng hơi đắt một chút, chất lượng hơi tồi một chút đều là chuyện nhỏ, có thể khắc phục dễ dàng vào chuyến hàng sau, miễn là có quan hệ bạn hàng tốt, ngược lại, quan hệ xấu thì hết thuốc chữa.
Đi làm công cũng vậy, nếu bạn chiếm được cảm tình của mọi người, bạn sẽ lên sếp dễ dàng, nếu không thì còn lâu, mãi mãi làm những công việc nhàm chán nhất với đồng lương thấp nhất.
4. Chưa thuộc bài “tay làm hàm nhai”
Có thể lời dạy này của ông cha không còn đúng ở trong nước chứ ra nước ngoài thì nó vẫn tuyệt đối đúng.
Vì chưa hiểu rõ “tay làm hàm nhai, tay quay miệng trễ” nên nhiều quý vị hồn vía mơ màng, lúc nào cũng tính kế, ủ mưu kiếm tiền. Đó là một “chiến lược” hoàn toàn sai lầm.
Thích ăn “miếng to” không có gì sai, những quý vị phải tỉnh táo nhận định xem đã đủ trình chưa, hay là sẽ nhập kho hoặc bị xã hội đen hỏi thăm.
Phương án khả thi là “năng nhặt chặt bị”, chăm chỉ cày bừa và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội.
- Ông khôn thế chắc ông nhiều tiền lắm?
- Không nhiều
- Sao vậy?
Vì tôi sống đạm bạc quen rồi, già cả ăn tiêu có hết bao nhiêu đâu. May mắn, vợ con đều làm việc, không ai cần ăn bám tôi.
Nếu các cháu thấy cha mẹ giàu, chúng không chịu khó làm ăn thì đến bao giờ các thế hệ nối tiếp có thể làm vẻ vang dân Việt?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét