Thủ tướng “nước ta”, ông Albanese vừa nhậm chức hôm trước thì hôm sau đã bay đi Nhật để họp nhóm bộ tứ, gồm Nhật, Mỹ, Ấn và Úc. Sau đó ông bay sang châu Âu vì được mời “chầu rìa” làm quan sát viên cho Thượng đỉnh G7 và NATO. Hiện ông Thủ đang có mặt tại Fiji cho hội nghị thượng đỉnh 15 nước Thái bình dương.
Thế giới đang bước vào một thời kỳ hỗn mang, dịch bệnh Covid chưa hết thì lại chiến tranh Ukraine, trong khi một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập...
Mình không hiểu khái niệm “thế giới đa cực” mà báo chí quốc doanh hay nhắc tới là gì. Tuy nhiên, từ thuở bình minh, loài người đã và đang phát triển theo một quy luật khách quan không cưỡng lại được: quy luật hợp tan, nói một cách hình ảnh, như chu kỳ mặt trăng hết khuyết lại tròn, hết tròn lại khuyết hay như một quả lắc đung đưa bên nọ bên kia.
Cách đây khoảng 400,000 năm, thiên hạ chia đôi khi có đến hai loài người sinh sống, đó là “người thông minh” (homo sapien) tổ tiên của chúng ta sống ở Châu Phi và người Neanderthal sống ở Nam Âu và Tây Á ngày nay. Thật ra hai loài người này có chung nguồn gốc vì chung nhau đến 99.7% mã gene di truyền.
Hai loài có tầm thước gần bằng nhau cao khoảng 1.6-1.7 mét, nhưng người Neanderthal có hộp sọ lớn hơn một chút. Có thể nói, chúng ta không chỉ thông minh hơn mà còn xinh đẹp hơn vì người Neanderthal được mô tả là lưng gù, mặt nhiều lông. Người anh em cũng biết dùng lửa nấu chín thức ăn, biết nói ngôn ngữ đơn giản, biết chế tạo nhạc cụ, vũ khí để săn được các loài thú lớn và có sức khỏe vượt trội.
Khoảng 100,000 năm trước, tổ tiên chúng ta bắt đầu biết làm nông nghiệp nên cần đi tìm thêm đất để phát triển chăn nuôi và trồng trọt nên có lẽ là nguyên do đụng độ với người Neanderthal. Trong cuộc chiến này, tổ tiên ta đã giành chiến thắng vì có vũ khí tinh vi hơn.
Vết tích cuối cùng của người Neanderthal được tìm thấy cách đây 28,000 năm. Họ tuyệt chủng không hẳn vì chiến tranh mà có thể do các nguyên nhân khác nhiều hơn như dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Cũng có bằng chứng ông bà ta và người Neanderthal giao phối với nhau, nhưng lại đẻ ra những người vô sinh.
Không còn bị “chặn đường”, tổ tiên chúng ta di cư lên phía Bắc, trở thành người Châu Âu da trắng, sang phía Đông thì thành người châu Á da vàng, cùng với người Châu Phi da đen là ba chủng tộc chính của nhân loại.
Quá trình hợp tan, tan hợp vẫn tiếp diễn với việc Columbus tìm ra Châu Mỹ, gắn liền với việc các nước công nghiệp hóa trở thành các để quốc lớn đi tìm thuộc địa, con người trên toàn thế giới có sự giao lưu và thông tin với nhau, mở ra thời kỳ lịch sử cận đại chung, khi mà các châu lục, đại dương bắt đầu có nhiều gắn kết.
Trong thời kỳ này, thế giới đã xảy ra ba lần chia rẽ, gồm Đại chiến I, Đại chiến II và Chiến tranh lạnh giữa hai phe Tự do và Cộng sản. Khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đó chính là cột mốc đánh dấu quá trình “hợp” gần nhất, với những khẩu hiệu về toàn cầu hóa, thế giới chung một mái nhà.
Rất có thể sẽ không bao giờ có thế giới đại đồng khi mà những manh nha mầm mống của một cuộc chiến tranh lạnh tập 2 đang ngày càng trở nên rõ ràng.
Về ý thức hệ, thế giới vẫn đang còn một làn ranh vô hình nhưng sâu sắc, đó là hai loại thế chế hoàn toàn đối lập với nhau: độc tài và dân chủ.
Thực tế cho thấy thể chế độc tài vẫn có sự hấp dẫn nhất định, nó có lý nào đó khi chê bai thể chế dân chủ là lộn xộn và trì trệ. Nhóm các nước BRICS gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đang là đối trọng với các hình thái do Mỹ lãnh đạo như G7 hay NATO.
Năm nước BRICS chiếm 40% dân số thế giới đồng thời 25% GDP. Để ý một chút, mặc dù theo thể chế dân chủ nhưng các nước Ấn Độ, Brazil và Nam Phi không phản đối việc Nga xâm lược Ukraine, trong khi Trung Quốc ngấm ngầm ủng hộ nhưng vẫn bỏ “phiếu trắng”.
Trung Quốc chưa dám công khai đứng về phía Nga có thể hiểu là cách câu giờ, trì hoãn một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện về chính trị và thương mại khốc liệt nhắm đến họ. Trung Quốc là nước mạnh nhất trong BRICS, tuy nhiên không hẳn nước này có vai trò lãnh đạo nổi bật trong khối bởi các nước hiện vẫn còn hiện tượng “đồng sàng dị mộng”.
Năm 2017, do xung đột biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ đã tẩy chay hội nghị thượng đỉnh BRICS. Còn tháng rồi năm nay, thượng đỉnh BRICS cũng không thể gặp mặt trực tiếp mà chỉ có thể trực tuyến.
Tháng 10 tới đây, Hội nghị G20 lần đầu nhóm họp hậu Covid tại Indonesia sẽ rất thú vị khi có đủ các nhà lãnh đạo BRICS, các nước G7, có cả Úc là thành viên chính thức với những lập trường hầm hè nhau về vấn đề Ukraine, về năng lượng và bão giá nhưng vẫn phải nhượng bộ nhau nhằm tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét