Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Tuổi vị thành niên: Tự do hay là chết


Kỳ nghỉ đông năm nay các cháu nhà mình đón một người bạn cũ đến chơi là một cháu gái người Tây học lớp 11. Cháu S. này từng vài lần ngủ qua đêm tại nhà mình nhưng lần này chỉ chơi từ sáng đến tối rồi về. Chả là cháu mới ra ở riêng, một cuộc sống tự lập và không còn sống với cha mẹ nữa.
S học cùng với Kelly từ năm lớp 1, em trai kém 1 lớp học chung với Sissy. Hai chị em đều thông minh sáng dạ nhưng đều không thi OC hay selective.
Mình còn nhớ đưa Kelly và Sissy đi sinh nhật S ở Earlwood, buổi sinh nhật tổ chức khá to. Một thời gian sau bạn bảo bố mẹ ly dị, người Tây chia tay nhau không phải chuyện hiếm và hai chị em ở với mẹ.
Bây giờ khi đủ 16 tuổi, cháu báo với centrelink rằng bị mẹ ngược đãi, xin ở riêng và đã được cấp chỗ ở và nhận tiền trợ cấp để sinh hoạt. Bốn bạn vị thành niên cùng cảnh ngộ ở chung một căn nhà, tự chăm sóc nhau.
Theo lời kể, S vẫn giữ liên hệ với em trai học cùng trường nhưng tránh mặt mẹ, mặc dù nhà xã hội và nhà mẹ khá gần nhau.
Mình không nghĩ mẹ cháu đối xử không tốt với cháu, thậm chí ngược lại, mẹ hoặc cha đơn thân thường có xu hướng chiều con nhiều hơn. Kể cả có nghiêm khắc thì đó cũng không phải lý do mà con cái xa lánh cha mẹ như vậy.
Vậy lý do ở đâu? Mình nghĩ đó là sự tự do của tụi vị thành niên. Tụi nhỏ nhìn mặt mũi rất giống cha mẹ nhưng suy nghĩ lại khác rất nhiều.
Hãy tưởng tượng quý vị nói “thật lòng” suy nghĩ của quý vị với con cái: “tao không cần tự do, tao chỉ cần tiền”. Chắn hẳn chúng sẽ nhìn quý vị như một con quái vật, hoặc là người từ thế kỷ cũ còn sót lại!
Những người thuộc thế hệ chúng ta chỉ coi trọng những thứ vật chất tầm thường: miếng ăn, cái mặc, nhà, xe và không thể hiểu vì sao hai chữ Tự Do (Freedom) mới là điều đáng quý nhất.
Hồi mình còn ở tuổi teen, hễ thấy cái bánh kẹo, đồ ăn ngon là muốn vồ lấy ngấu nghiến, kể cả bây giờ vẫn còn tham ăn. Người vị thành niên hiện đại không thèm thuồng như vậy, họ cần tự do và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả, trong đó có việc khước từ lời khuyên của cha mẹ, dám bỏ cả nhà để đi như câu chuyện kể trên.
Thiết nghĩ đây là một nhu cầu chính đáng và chúng ta nên tìm cách đáp ứng tụi trẻ.
Chúng ta quen với luật rừng, nặng về nhân trị, thực chất không có luật nhưng tụi trẻ lại ưa rules. Nhưng thế nào là “rules”?
Nếu quý vị phụ huynh vẽ ra luật để bắt chúng thực hiện thì trong đa số trường hợp sẽ không đi vào cuộc sống và do đó không phải là rules. Rules là một giao kèo, một thỏa thuận mang tính đổi chác, có đi có lại phù hợp với từng độ tuổi phát triển của trẻ và đảm bảo sự riêng tư nhất định cho chúng.
Ý kiến cá nhân, rules chính là kỷ luật và kỷ luật là tự do. Quý vị có đồng ý thế không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét