Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Một giải pháp để thoát khỏi chiến tranh và hận thù

 

Khi chiến tranh tại Ukraine chưa lắng xuống thì một cuộc chiến khác lại bùng lên dữ dội tại Sudan đã cướp đi khoảng 500 sinh mạng, hàng ngàn người bị thương.
Tưởng cũng nên nhắc lại, Sudan tuyên bố độc lập vào năm 1956, kể từ đó đến nay là những cuộc nội chiến liên miên. Đáng kể nhất là vụ “diệt chủng” ở Darfour làm chết 500,000 (nửa triệu) người và cuộc kháng chiến của Nam Sudan cho đến khi tách ra thành quốc gia độc lập vào năm 2011.
Năm 2021, Bashir, vị tổng thổng cầm quyền trong 30 năm đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự, nay thì trong hàng ngũ những người lãnh đạo quân sự lại nảy sinh những bất đồng sâu sắc không thể hòa giải dẫn đến việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
Con người tự cho là một sinh vật thượng đẳng, là loài duy nhất có ngôn ngữ. Có điều họ không biết cách nói chuyện với nhau cho nên đã nghĩ ra đủ thứ vũ khí để tiêu diệt nhau trong những cuộc chiến không không ngừng nghỉ xuyên suốt lịch sử.
Nhiều người không để ý rằng biên giới các nước châu Phi do các nước đế quốc thực dân vẽ ra chứ trước khi người Châu Âu đến đây không hề có những đường biên này. Lục địa đen lúc đó có khoảng vài chục tiểu quốc và hàng trăm vùng cát cứ bởi các hình thái thấp hơn nhà nước gọi là bộ lạc. Để cho gọn sổ sách, các nước đế quốc gom một số tiểu quốc và bộ lạc vào với nhau, hình thành ra trên 50 nước như ngày nay.
Chính vì thế trong mỗi quốc gia có những khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo và chủng tộc. Ở nhiều nước vẫn còn tình trạng phép vua thua lệ làng, các bộ lạc trong các vùng sâu xa vẫn còn duy trì lề thói cai trị kiểu cũ, tiếp tục cha truyền con nối, không chịu tuân theo các chính sách từ trung ương. Nhiều vùng có lực lượng vũ trang chuyên và bán chuyên để sẵn sàng đối đầu với quân đội chính phủ.
Đa số các nhà lãnh đạo Châu Phi xuất thân từ quân đội, tuy nhiên để điều hành chính phủ dân sự thì họ phải xuất ngũ. Như vậy ảnh hưởng trong quân đội bị giảm đi để rồi các tổng thống gặp phải những thách đố từ những người đồng đội cũ của mình, cao trào là những cuộc đảo chính quân sự.
Vấn đề là ngay trong quân đội cũng không có sự đồng nhất vì quân nhân cũng từ dân mà ra và do đó chịu ảnh hưởng của những khác biệt đã nói ở trên. Phải chăng nguyên nhân của nguyên nhân ở đây là những khác biệt về văn hóa vùng miền của các tiểu quốc và bộ lạc có nguồn gốc từ lịch sử?
Ở phương đông, Trung Hoa cổ đại có thể chia ra làm hai thời kỳ chính: tản quyền và tập quyền với dấu mốc vào thời kỳ Tần Thủy Hoàng.
Xưa kia, Trung Hoa rộng lớn có làm khoảng 130-150 “nước” với các sự khác biệt về ngôn ngữ, dòng giống và phong tục tập quán. Thời Xuân Thu, mỗi khi ở nước nào đó sinh biến, như xung đột tranh cướp ngôi vua thì Tề Hoàn công hay Tấn Văn công, những bá chủ có uy quyền đều tập hợp “hội nghị thượng đỉnh” giữa các vua. Trong phó hội, mọi người phân công nhau việc chinh phạt để lập lại trật tự ở nước đang có chuyện.
Trước đó, vua Nghêu nhường ngôi cho vua Thuấn là chọn người hiền tài chứ không đưa con mình lên thay. Thời Xuân Thu Chiến quốc kéo dài khoảng 700 năm, người dân được hưởng thái bình một cách tương đối, đạt nhiều thành tựu về văn hóa và kinh bang tế thế, xuất hiện nhiều học giả lỗi lạc và các tư tưởng mới.
Vệ Ưởng là một học giả đã đề xuất là một lý thuyết cai trị mới, gần giống như chế độ xã hội chủ nghĩa, theo đó mọi thứ đất đai, tài sản đều thuộc sở hữu của vua, mọi quyền lực được tập trung vào vua và vua sử dụng chuyên chế để đàn áp mọi khác biệt.
Lúc đầu, lý thuyết này bị tranh cãi, tuy nhiên vài trăm năm sau đã được Tần Thủy Hoàng đưa ra áp dụng, theo đó có vụ giết học trò, đốt sách để mọi người phải phục tùng học thuyết Vệ Ưởng là duy nhất đúng. Các lãnh chúa không còn được cha truyền con nối mà đều phải do vua bổ nhiệm, chia thành châu, quận huyện.
Thực tế cho thấy, thời kỳ hậu Tần Thủy hoàng mới khởi nguồn nhiều cuộc chiến đẫm máu, khi quyền lực trở nên cực đoan thì cuộc tranh giành quyền lực đã trở nên khốc liệt. Lịch sử đã ghi nhận những cuộc chiến trên quy mô lớn, những cuộc thảm sát, mạng sống con người bị coi như cỏ rác.
Chiến tranh nghĩa là mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, như vậy không hận thù là điều không tưởng. “VC giết bố tôi, tôi căm thù nó” đó là một câu nói đã từng được báo chí Úc ghi lại của một nhân vật có tiếng tăm trong cộng đồng. Giải pháp lý tưởng nhất là làm sao tránh được chiến tranh.
Trở lại vấn đề Sudan, khi Nam Sudan tách ra khỏi Sudan thì có thể coi đó là một bước tiến khi mặt trận phía nam của Sudan đã được yên tiếng súng. Nam Sudan có trên 10 triệu dân, rộng 640,000 km2 (gấp đôi Việt Nam) tách ra thì phần Sudan còn lại vẫn xấp xỉ 2 triệu km2, khá lớn để tách tiếp.
Nếu Nam Sudan đa số dân theo Thiên chúa giáo khác biệt với Sudan đa số theo Hồi giáo thì Darfour, lại khác nhau về chủng tộc, đó là người Darfour thuộc “black Africa”, trong khi phần lớn dân Sudan là người Ả Rập. Kể từ khi có hiệp định đình chiến năm 2010, tiếng súng vẫn tiếp tục vang ở Darfour và “còn nhiều tiềm năng” để loang rộng bất cứ lúc nào. Nên chăng có một quốc gia Darfour về phía tây Sudan, có diện tích nhỏ hơn Nam Sudan một chút nhưng dân số tương đương?
Châu Phi còn rất nhiều vùng cát cứ, theo đó các lãnh chúa địa phương không phục tùng chính quyền trung ương, trong nhiều trường hợp là những cuộc đụng độ quận sự đẫm máu. Nếu quốc tế ủng hộ họ tách ra như những quốc gia mới thì đó là một giải pháp không tồi.
Một ví dụ khác ở châu Phi, tiếng súng đã yên sau khi Eritrea tách khỏi Ethiopia. Trong khi ở châu Âu đã có một loạt quốc gia mới sau quá trình ly khai ở Liên Xô và Nam tư.
Lãnh thổ to hay bé, chẳng qua chỉ để thỏa mãn cuồng vọng bọn thống trị, chẳng mang đến lợi ích gì cho người dân. Nhưng vấn đề ở chỗ người dân lại phải gánh chịu tất cả những mất mát tang thương đau đớn nhất.
Trong trường hợp không thể ra đời các quốc gia mới thì giải pháp “liên bang” cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc. Một thống đốc tiểu bang tự trị do dân bầu thay vì một tỉnh trưởng lúc nào cũng “sợ” cấp trên có tiếp tục bổ nhiệm hay bãi nhiệm mình.
Nếu thực sự “lấy dân làm gốc” như khẩu hiệu thì điều nên làm làm xóa bỏ tập quyền của các chính phủ, thay vào đó là tản quyền, với những mô hình quản lý nhỏ hơn về lãnh thổ, dễ bề chăm lo quan tâm nhiều hơn đến người dân.

Người New Zealand sống tại Úc sẽ được ban tặng quốc tịch

 

Vào dịp ANZAC, ngày lễ chung của hai nước Úc và New Zealand, hai thủ tướng đã gặp nhau tại Brisbane trong bối cảnh một tin mới làm nức lòng những Kiwis đang sống trên đất Úc: một công dân NZ sống đủ 4 năm tại Úc thì sẽ có quyền đăng ký để trở thành công dân Úc, với hiệu lực kể từ 1/7/2023.
Theo luật hiện hành, công dân NZ được sinh sống và làm việc tại Úc vô thời hạn, tuy nhiên để trở thành công dân Úc thì họ vẫn phải trải qua các quy trình điều kiện Thường trú nhân như các quốc tịch khác. Điều này trên thực tế dã biến các Kiwis như một công dân hạng hai, sống dài lâu, nộp thuế mà không được hưởng đầy đủ các quyền lợi như một người chuột túi.
Thủ tướng NZ Hipkins đánh giá, đây là một cuộc “cải cách lớn”, rõ ràng nhằm thắt chặt tình hữu nghị gắn bó keo sơn, mang tính chiến lược về kinh tế và an ninh, nhất là khi hai quốc gia “chị em” sắp đồng tổ chức World cup bóng đá nữ.
Quân lực Úc hiện tại chỉ có 90,000 người, quá nhỏ bé (khoảng 1/10 so với Việt Nam), rất khó để bảo vệ một lãnh thổ rộng bao la. Mặc dù có chiếc ô bảo hộ quân sự của nước bạn Huê Kỳ, nhưng vẫn cần có nhu cầu tăng thêm dân số và quân số.
Gắn bó với nhau về lịch sử nên văn hóa, ngôn ngữ và của Úc và New Zealand có nhiều tương đồng. Mặc cho nước Úc hùng mạnh và NZ bé nhỏ nhưng Kiwis vẫn dám chê một bộ phận Kangaroos là hậu duệ của tù nhân. Đúng là NZ không có di tích trại tù nhưng tỉ lệ người Úc từ tù nhân mà ra chỉ có tỉ lệ cực nhỏ.
Trong trường hợp người NZ chạy sang nước Úc nhiều việc làm và "vui" hơn thì nước này vẫn có thể bù đắp dân số bởi những người muốn đi đường vòng qua NZ để vào Úc. Sau 4 năm sống trong môi trường NZ để nhận quốc tịch, khi sang Úc, họ sẽ không còn nhiều bỡ ngỡ mà có thể nhanh chóng hòa nhập được với cuộc sống mới.
Chỉ tiêu nhập cư vào Canada hằng năm lên tới 500,000, trong khi Úc chỉ có 195,000 là quá nhỏ. Điều luật người NZ vào quốc tịch Úc được công bố đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Hiệp ước Trans- Tasman (TTTA), theo đó công dân nước này được tự do di chuyển sinh sống tại nước kia, có lẽ không phải vô tình mà đã có “dự kiến” từ lâu.
Con gái mình có bạn sang Úc từ nhỏ, cháu học giỏi, có nhiều nỗ lực nhưng sẽ bị những cản trở nhất định, như sang năm vào đại học sẽ không được hưởng chế độ vay tiền học như các bạn người Úc học chung bấy lâu nay. Điều nói thêm, gia đình cháu cũng là dân nhập cư từ Bangladesh, sau khi có quốc tịch NZ thì mới chuyển sang Úc sống.
Người Úc sống bên NZ chỉ có 70,000, trong khi 670,000 người NZ đang sống ở Úc, bao gồm loại có quốc tịch bằng cách tự nhiên, tức lại sinh ra tại NZ, loại kia là quốc tịch được ban tặng, dành cho dân nhập cư. Trong cơ cấu dân số NZ, người gốc Âu chỉ chiếm khoảng 70%, 17% là người Maori, 15% gốc Á, còn lại là người đảo Thái Bình dương và Châu Mỹ. Với điều luật mới, chắc chắn sẽ có một làn sóng người NZ tràn sang Úc, trong đó có thể hiểu không chỉ là Kiwis gốc mà còn có nhiều người có nguồn gốc khác nhau.
Hiện tại có khoảng 350,000 người NZ đã sống tại Úc mà chưa có quốc tịch, một phần lớn trong số này đã đủ 4 năm và sẽ sớm trở thành công dân Úc. Trẻ em NZ sinh tại Úc từ này không cần chờ 10 năm như các sắc dân khác, cũng không cần 4 năm như cha mẹ chúng mà có thể nhận quốc tịch Úc ngay khi ra đời.
Đáng chú ý, trong khi chính phủ đang tìm cách đưa di dân mới về các vùng “regional” thì người NZ không bị ràng buộc bởi việc di chuyển đến các thành phố lớn đông dân. Như vậy, những ai quan tâm đến địa ốc có thể nghĩ đến chuyện giá nhà tại Sydney và Melbourne sẽ gia tăng vì yếu tố mang tên Kiwis này.

Tìm mục đích sống ở xứ Úc

 

Sẽ trả lời ra sao nếu bạn được hỏi: sau gần 30 năm sống ở hải ngoại, quan niệm của bạn về cuộc sống có gì khác đi không, hay vẫn thế?
Đối với mình, đó là 30 năm trăn trở, tự ăn thịt mình “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” như cái bánh trôi của Hồ Xuân Hương, và hình như mình đã thay đổi về mục đích sống.
Nếu như ở Việt Nam, mục tiêu của mình sẽ là chức to, nhiều tiền bởi vì một khi có những thứ đó sẽ có tất cả: của ngon vật lạ, hoa hậu ớ hậu, muốn gì cũng được. Để đạt mục tiêu bằng cách nào? Đó là “cố gắng” và cái giá phải trả của cố quá có thể sẽ vào tù.
Ở bên Úc thì khác à nha, những người như mình không có cửa làm chính trị. Để làm CEO với mức lương hàng triệu đô cho đến hàng chục triệu đô/ năm cũng chắc chắn không đến lượt. Cố gắng lắm bằng cách chăm chỉ thì có thể kiếm được vài ba trăm ngàn/năm nhưng với vật giá đắt đỏ thì tạm gọi là dư giả chứ chưa thể chen chân vào “tầng lớp cao” được. Hơn nữa, điều kiện để lên đời không chỉ là tiền mà còn là mối quan hệ xã hội.
Người ta thường nói, đi buôn thì không cần học. Quá đúng, nhưng đó chỉ là buôn thúng bán mẹt, còn kinh doanh hiện đại thì phải học rất nhiều. Đa số các CEO tập đoàn lớn cũng như các chính khách xuất thân cùng hội cùng thuyền từ Luật sư. Muốn làm Luật sư thực sự trước hết phải học giỏi, quan trọng hơn là làm giỏi, có nhiều trải nghiệm phong phú trong cuộc sống.
Để làm chính trị, bạn phải có năng lực về ngôn ngữ nói và viết vượt trội, thì mới có sức hấp dẫn cử tri và thuyết phục được mọi người ủng hộ cho các sáng kiến, ý tưởng về tổ chức và quản lý xã hội của bạn.
Bạn muốn trở thành ngôi sao thể thao hay âm nhạc cũng được, nhưng ngoài nỗ lực thì còn phải có năng khiếu trời phú.
Xã hội “thiên đường” và xứ sở tự do khác nhau về bản chất. Một bên là “ánh sáng soi đường” dội từ trên xuống, bên kia là sự chọn lọc tự nhiên từ dưới lên. Tại Úc, không ai cấm bạn trở thành Thủ tướng hay tỉ phú, nhưng để đạt được những danh hiệu đó, điều bắt buộc là bạn phải có “thực tài”. Nếu không đủ tài thì mọi cố gắng là vô ích.
Mỗi người hãy là chính mình, không nên và không cần “ngồi nhầm chỗ”, đẳng cấp cao hay thấp, thành công hay thất bại là những khái niệm đã lỗi thời. Nếu lẽ sống của cuộc đời là hạnh phúc thì việc bằng lòng với cái mình có chính là cái đích của chúng ta.
Não trạng tụi Tây rất khác dân ta, chúng luôn lạc quan yêu đời, không cần “phấn đấu” mua hết cái nhà này sang cái nhà khác, như một con thiêu thân mà không biết để làm gì. Tự soi bản thân, mình mới tẩy não được 1%, như thế vẫn còn rất nặng mùi mắm tôm mắm tép.
Lỡ rồi, chỉ mong muốn là con cái đừng có giống mình, để chúng không phải dằn vặt giữa hai làn đạn. Các con được sinh ra và lớn lên trong môi trường tự do, được hiểu biết sâu sắc, ngấm vào máu về cách vận hành của một xã hội văn minh, các con có mọi điều kiện cho những ước mơ bay cao bay xa.

Chuyện nhà Tân Hiệp Phát

 

Chuyện ông Thanh và trưởng nữ Uyên Phương bị bắt nổi sóng giang hồ cõi mạng đã làm nhiều người có vẻ hả hê. Mình quen biết sơ sơ Uyên Phương, đã gặp cổ hai lần ở Dubai và Sài Gòn, sợ bị ném đá nên chưa dám bênh, nay thì sự việc đã chìm bớt nên mới ngỏ đôi điều.
Mọi người ghét Tân Hiệp Phát vì hai điều, thứ nhất là vụ án “con ruồi” tập đoàn này đã làm một khách hàng phải vào tù. Kế đến là vụ án “Kim Oanh” theo đó “lộng giả thành chân” để cướp tài sản của người ta.
Thật ra trước vụ con ruồi của anh Minh, là vụ con gián, một khách hàng khác cũng đã đi tù. Cá nhân mình đã đến nhà máy Tân Hiệp Phát, đó là một dây chuyền sản xuất hiện đại, chứ không phải thủ công đơn chiếc và tin rằng vô cùng khó để ruồi, gián lọt vào khu vực sản xuất chứ lọt vào chai nước thì là không thể.
Cả thế giới sản xuất chai nước ngọt chứ không riêng Việt Nam hay THP, mình chưa hề nghe đến chuyện ruồi gián lọt vào chai. Nếu có, không loại trừ một số lô hàng bị lỗi, chất lượng kém hơn, có cặn chẳng hạn thì tin được.
Nếu bạn tin rằng không thể có chuyện ruồi gián, không lẽ bạn lại phải bồi thường? Mình đoán rằng khi báo công an, công an sẽ nói rằng cần có bằng chứng và vì thế mới có việc dàn dựng để anh Minh bị bắt quả tang khi đang nhận tiền bồi thường. Ở các nước, vụ việc sẽ đưa ra tòa, khi anh Minh không thể chứng minh được con ruồi lọt vào chai thì anh sẽ bị kết tội vu khống, nhưng chắc chắn không đến mức 7 năm tù.
Ở vụ án Kim Oanh, bà này rõ ràng đã cố tình quay phim chụp ảnh việc quỳ lạy Uyên Phương để đổ tiếng ác cho cô, rồi tố cáo THP lừa đảo. Vì bán nước giải khát, THP sẵn tiền mặt và vì thế công ty Kim Oanh đã vay 350 tỉ theo hợp đồng cầm cố được luật sư hai bên làm chứng.
Tuy nhiên, có thể do giá của vật cầm cố (bất động sản hoặc chứng khoán) lên cao nên THP ngu gì không đòi thêm, ví dụ giá vênh thêm 100 tỉ thì THP “xin” 30 tỉ chẳng hạn và do không thể dàn xếp được với nhau nên mới có chuyện kiện cáo.
Như vậy từ vấn đề dân sự nhưng khi kiện cáo thì công an vào cuộc. Nhưng đến nay vẫn chưa đủ căn cứ để kết tội “lừa đảo” mà chỉ là “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhưng với trị giá lớn thì tội này đã nằm trong khung 12-20 năm tù.
Theo thông tin của Người buôn gió, Coke Cola đã từng hỏi mua THP không được, gần đây hãng giải khát này phàn nàn với với chính phủ về việc kinh doanh bị trở ngại ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ. Điều này “trùng hợp” với việc THP bị thịt.
Đối với mình, đây là điều đáng buồn cho THP nói riêng và giới doanh nhân Việt nói chung. Khi làm ăn, không ai muốn thua, nhưng vì “hiếu thắng” thì lại rất dễ sai và vào lò.
Bọ Lập cũng bị ném đá vì lỡ khen Uyên Phương sau khi đọc sách “Chuyện nhà Dr. Thanh”. Uyên Phương không chỉ viết sách tiếng Việt mà cô còn có cả tác phẩm bằng tiếng Anh. Ba cha con nhà THP đều rành tiếng Anh, khi khi họ ngã ngựa thì tân Tổng Giám đốc THP là một ông Tây tên David Charles đã 73 tuổi.
Một bài học có thể rút ra, không nên lôi con cái vào làm ăn cùng, nhỡ xảy ra việc thế này thì rất ân hận. Nếu chúng có tài năng thì thiếu gì cửa, cần gì gia đình bú mớm.

Chiến tranh là điều ngu xuẩn nhất của con người


Lại bàn chuyện Tam quốc, mọi người thường coi trận Xích Bích như một trận chiến kinh điển nhưng thật ra một trận chiến khác còn quan trọng hơn cho việc hình thành cục diện thiên hạ chia ba, đó là cuộc đụng độ Quan Độ, theo đó Tào Tháo chỉ có 70,000 quân đã đánh bại đại binh 700,000 quân của Viên Thiệu.
Lịch sử là his-story hay her-story, được viết theo ý chí của bên thắng cuộc, nhưng cổ nhân còn có câu “không nên mang chuyện thành bại để luận anh hùng”. Quan hệ nhân quả là mối quan hệ cực kỳ phức tạp, một kết quả bao giờ cũng do nhiều nguyên nhân và một nguyên nhân có thể tạo ra nhiều kết quả khác nhau.
Có thể số liệu về quân số nói trên chưa hoàn toàn chính xác, nhưng chắc chắn thế lực Viên Thiệu mạnh hơn vì ông chiếm giữ 4 châu trong 9 châu của trung nguyên, trong khi Tào Tháo chỉ nắm 1 châu. Để biết vì sao Tào quân ít, có thể thắng được Viên đông quân, chúng ta hãy tìm hiểu xuất thân của hai vị thủ lĩnh này.
Có người cho rằng, Viên Thiệu chẳng có tài cán gì, chẳng qua được hưởng bú mớm của gia thế tam công, ba đời làm quan đầu triều. Thế nhưng người em cùng cha khác mẹ với Thiệu là Viên Thuật chỉ chiếm giữ 1 châu thì sao? Dù Thiệu hơn tuổi nhưng lại là con vợ lẽ, nên không thể nói Thiệu được gia đình ưu ái hơn Thuật.
Theo mô tả, Thiệu là người có tướng mạo đẹp, anh hùng hào kiệt theo ông khá đông như Tuân Du, Tuân Úc, Nhan Lương, Văn Xú...Trong liên minh chống Đổng Trác, Viên Thiệu được tôn làm minh chủ, xếp trên cả Tào Tháo, Lưu Bị.
Cái kém của Viên Thiệu so với Tào Tháo, phải chăng đó là kém hơn về sự tàn bạo. Ác với kẻ thù là một chuyện mà dám nhẫn tâm với cả đồng đội đồng chí của mình như Tào Tháo thì rất hiếm. Tào Tháo đã ít nhất ba lẫn dám để cho binh tướng của mình chết đói, chết khát và chết đuối.
Trong một trận đánh với quân Viên Thiệu, bên Tào Tháo thua, Tháo ra lệnh chạy về phía về sông. Khi gần đến mép sông, Tháo mới cho truyền rằng, đã sắp đến sông, quân ta hết đường chạy rồi, vậy anh em phải gắng hết sức thôi. Quân Tào liều chết quay lại đánh là đẩy lui được quân Thiệu. Dù thắng nhưng tổn thất về chết đuối là khá lớn.
Hành quân mà không có nước uống, Tháo cho người phao tin vịt rằng, quân sắp đi qua một rừng mận. Nghe đến mận, quan sĩ tiết ra nước miếng, mang lại cảm giác đỡ khát nhưng vẫn có một số người chết vì khát.
Tào Tháo không lo được lương thực cho quân mới đem chém đầu Vương Hậu. Đó là một điển tích nổi tiếng khi Tháo đổ thừa cho quan coi sóc hậu cần đã tham nhũng của công làm cho quân bị chết đói, trút được oán hận cho người khác.
Thiệu thua, chạy ngược lên phía bắc là U Châu, thời tiết vào lúc tuyết đổ trắng xóa, vừa đói vừa rét. Viên Thiệu cho rằng: ta với Tháo là chỗ quen biết cũ, giờ ta chấp nhận dấu cái thân già ở nơi hoang tàn này thì chắc hắn sẽ không làm gì nữa đâu. Nhưng không, nửa đêm, quân Tào vẫn tập kích vào doanh trại, Thiệu phẫn uất thổ máu ra chết.
Vào những ngày tháng tư này, chắc nhiều người hẳn còn nghĩ đến cuộc chiến 1975, tại sao miền Nam với trang bị vũ khí và quân nhu tốt hơn đã thua miền Bắc?
Theo ý kiến cá nhân, đó là... tại Mỹ. Mỹ đã ngầm khuyến khích Ngô Đình Diệm phế truất quốc trưởng Bảo Đại, sau đó lại ủng hộ nhóm tướng lĩnh đảo chính ông Diệm. Những điều đó làm giới chức và quân nhân miền Nam nản chí mà mất niềm tin là mất tất cả.
Mình vẫn nhớ trong một bữa cơm gia đình vào năm 1983 tại Sài Gòn, bác mình là một thiếu tá quân lực Việt Nam cộng hòa đã nói với bố mình, một cán bộ cộng sản rằng: tụi tôi chịu ông Kỳ chứ không phục ông Thiệu. Ông Thiệu bất tài đã ra lệnh rút khỏi Tây Nguyên sau khi một thị trấn nhỏ là Ban Mê Thuật thất thủ là một quyết định hết sức ngu xuẩn.
Theo mỗi góc nhìn, mọi người có thể kể ra vô số nguyên nhân.

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Haldon st festival

 


Dubai: khóc cho người nghèo, không khóc cho người giàu


 

Mấy hôm trước, Đài số 7 trình chiếu chương trình giới thiệu về Dubai, thuộc Các tiểu vương quốc UAE. Theo đó là những con đường thênh thang, thẳng tắp, những tòa nhà nguy nga, tráng lệ. Nói về đường đẹp và nhà đẹp thì không đâu bằng Dubai.
Trong những ngôi biệt thự cao cấp, các chủ nhân có một cuộc sống cực kỳ xa hoa. Một vương phi có hàng trăm đôi giày, hàng chục túi, cái nào cũng là tên tuổi lớn Gucci hay gì đó và rất đắt tiền. Mình tự hỏi, đắt tiền như vậy để làm gì?
Đó không phải Dubai của mình, những năm tháng từ 2/2001 đến tháng 8/2007. Khi đã xa Dubai, mình không nhớ những khách sạn 5, 6 hay 7 sao mà nhớ đến những khu nhà ổ chuột ở Satwa, Karama, Jebel Ali...Những trại lao động (gọi là labour camp) mà đông đảo những người lao động, trong đó có cả người Việt Nam chui rúc 8-10 người/ một phòng, trời nóng 40 hay 50 độ mà không có điều hòa nhiệt độ.
Nếu quý bạn đi chợ cùng với họ thì sẽ biết thế nào là kinh hoàng trong những khu chợ hôi thối vì chế độ bảo quản các loại thịt rất kém; rau củ chất hàng đống như đồ cho lợn ăn, chứ không hề tươm tất như các siêu thị trong các khu người giàu.
Dubai là một bức tranh tương phản giữa truyền thống và hiện đại, giữa vương giả và bần cùng. Điều mà mọi người không để ý, kể cả đến bây giờ người nghèo vẫn đông gấp bội người giàu ở Dubai. Đó là những người lao động nhập cư, đa số mù chữ và thất học từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh...
Hiện nay đang là thời gian tháng chay tịnh Ramadan, là thời gian tất cả mọi người phải nhịn ăn cả ngày, từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Ý nghĩa của nó rất cao đẹp, là lúc để mọi người nếm trải cảm giác khổ hạnh của việc đói ăn, để mọi người quan tâm và cảm thông với những người cùng khổ.
Có điều hơi lạ, ngoài việc cấm ăn, uống, hút thì Ramadan còn cấm cả quan hệ tình dục. “Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh” giàu với nghèo thì có gì khác nhau đâu. Nếu có, người nghèo chỉ biết có vợ (hay chồng), còn người giàu thì làm tình với nhiều cá thể khác nhau. Đàn ông giàu không thiếu các em xin chết phục vụ; đối với đàn bà, biết đâu nhờ sống “truân chuyên”mà trở nên giàu? Theo những người có kinh nghiệm kể lại, nhiều người tình không hề hạnh phúc hơn một người duy nhất.
Vào tháng Ramadan, thời gian làm việc bị cắt giảm, các công việc của chính phủ cũng như doanh nghiệp bị trì hoãn. Vậy mà đoàn Bộ trưởng Diên của Bộ Công Thương đã chọn lúc này để đi thăm Dubai thì quả là “xuất sắc”.
Bộ trưởng ta đi đâu cũng phải bồ đàn thê tử, rồng rắn lên mây, tiền hô hậu ủng, vậy mà đi vào dịp Ramadan, khi mà các nhà hàng, quán xá đóng cửa. Đã đi thì phải có hiệp định, ký kết gì đó, mình không hiểu có làm được không lúc người ta đang nhịn đói. Kể cả khi sang Israel, đó cũng là đất nước có 30% dân số hồi giáo (70% còn lại là Do Thái giáo).
Số mình chạy đâu cũng không thoát khỏi mặt trời. Sang đến Úc vẫn dính dáng đến người Hồi giáo, khu mình ở có đa số là người trung đông. Nhưng mà quen rồi, mấy hàng xóm của mình toàn Bangladesh, Pakistan, Lenanon...đều rất dễ thương, giao du với họ có rất nhiều điều thú vị.
Nghĩ thấy buồn cười, mình là một con người đầy mâu thuẫn. Ở Dubai, mình có thói quen đi vào các khách sạn 5 sao để uống cafe, rượu bia và chém gió, nhưng cũng rất thích lang thang đến những nơi bình dân, hình như đó mới gần gũi và “sống thật” hơn.
Ảnh: Khách sạn Ridge, “tụ điểm” của những người Úc xa xứ tại Dubai thường tụ tập lui tới.

Sự bình đẳng trong học hành


Tân Thủ hiến NSW Minns vừa loan tin cấm học sinh trung học sử dụng điện thoại di động trong các trường công lập, kể từ kỳ 4 năm học năm nay (đầu tháng 10). Việc cấm sử dụng phone đã có áp dụng từ trước đến nay đối với học sinh tiểu học, nay mở rộng cho trung học, từ lớp 7 đến lớp 12, bao gồm trong giờ học, giờ giải lao và giờ ăn trưa. Các tiểu bang VIC, Nam Úc, Tây Úc, Bắc Úc đã có lệnh cấm từ lâu, bây giờ là lúc NSW hành động.
Quý vị làm cha làm mẹ chắc có lúc nghĩ rằng ngoài thời gian đến trường thì con mình có nên học ở nhà hay không? Quý vị có 3 lựa chọn: không học gì nữa, học một cách tối đa và học vừa phải thôi.
Nếu quý vị không có tham vọng con mình phấn đấu con đường học vấn thì có thể cho con tùy chọn, thích thì học, và không thì thôi. Trong thái cực bên kia, muốn “chiến đấu” vào các lớp OC, các trường selective, muốn lấy điểm ATAR thật cao thì chắc chắn phải đưa con đi các lò luyện thi.
Không có lựa chọn nào khác, muốn điểm cao thì bắt buộc phải học nhiều, tìm nhiều thầy và đi nhiều lò luyện thi thật đắt tiền. Thực tế có cháu học 1-2 giờ mỗi ngày, có cháu khác thì 10 giờ/ngày, bây giờ đi thi cùng với nhau thì sẽ không công bằng. Mục đích thi cử là để phân loại và tìm người tài, người xứng đáng, nếu thời gian và điều kiện học chênh lệch như vậy thì mục đích đó sẽ không đạt vì kết quả thi không phản ánh đúng thực lực.
Trong bóng đá có luật công bằng tài chính. Nếu một đội bóng vung tiền ra mua hết các cầu thủ giỏi nhất thì đương nhiên đội đó sẽ vô địch, đá đấm làm gì nữa. Vì thế Liên đoàn bóng đá châu Âu UAFA và các liên đoàn quốc gia đã phải có quy định về chi tiêu làm sao đảm bảo công bằng, nhiều đội đã bị phạt vì vi phạm.
Vì thế mình nghĩ đối với các em học sinh cũng nên có hướng dẫn hoặc quy định về thời gian học ở nhà. Dĩ nhiên có người cho rằng nó không khả thi, nhưng nếu các phụ huynh có tầm nhìn xa thì sẽ hiểu rằng điều đó có lợi cho các con. Khi các con có sự công bằng tương đối về thời gian và điều kiện học tập thì mới đánh giá đúng năng lực học tập, để có thể có phân công lao động phù hợp trong tương lai, mang lại nhiều lợi ích riêng và chung cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Thời phong kiến, các sĩ tử đi thi đều phải học rất chăm chỉ mới hy vọng đỗ đạt. Nhưng những người đi thi hầu hết đã đến tuổi trưởng thành, ba năm một kỳ thi, có người thi cả chục lần có nghĩa dành cả cuộc đời để làm anh học trò.
Sách thánh hiền thuộc làu làu, tầm chương trích cú không chỗ nào không biết nên cổ nhân mới có câu “có chí làm quan”. Tuổi thọ trung bình hồi đó vào khoảng 50, có khi ngoài 40 tuổi mới đỗ, nên đỗ xong rồi cũng chẳng sống được bao lâu nữa.
Học nhiều như thế người lớn còn lao lực, chứ trẻ con thì không thể chịu nổi. Mới đây báo trong nước đưa tin một cháu bé 9 tuổi học ngày học đêm nên đã kiệt sức và đột tử.
Đối với nhà mình, thú thực là mình đã từng nhắc các con đi học bài vì thấy chúng học quá ít (so với tra cứu trên google) và để hạn chế thời gian dùng phone. Nếu các cháu học ít để dành thời gian cho thể thao và văn nghệ thì mình rất ủng hộ, nhưng để chơi điện thoại thì quả là "quan ngại”.

Tình hình các cuộc đua trong Giải Ngoại hạng Anh

 

Còn 10 vòng đấu cuối, các cuộc đua đã đi đến giai đoạn nước rút bao gồm: chức vô địch, top 4, Europa và trụ hạng.
Chưa năm nào cuộc đua trụ hạng “phức tạp” như năm nay vì có đến gần một nửa số đội, cụ thể là 9 đội chỉ hơn kém nhau có 4 điểm. Với 30 điểm để “chiến đấu” thì 4 là số điểm rất nhỏ bé, cho thấy bất kỳ 3 đội nào trong số 9 đội này phải xuống hạng cũng đều “xứng đáng”.
Mình mạnh dạn dự đoán 3 đội đó là 3 đội đang ở ba vị trí cuối: Westham, Bournemouth và Southampton. Nếu điều này xảy ra thì sẽ rất buồn cho Moyes, một HLV có số má, từng được Sir Alex chỉ định kế vị tại Man Utd. Moyes đã từng làm Sunderland xuống hạng, nhưng danh tiếng của ông đã phần nào phục hồi khi dẫn dắt Westham chơi khá hay mấy mùa trước, đến nay thì chu kỳ thành công của ông với “Búa tạ” đang đi đến hồi kết.
Bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh có trị giá cực lớn cho nên việc trụ hạng được coi là sinh tử về mặt tài chính. Vì thế một số đội đã phải chơi tất tay khi đầu tư cho đội bóng, tuy nhiên hiệu quả đầu tư thì còn phải chờ xem.
Đêm nay 9 đội nay sẽ hình thành 4 cặp đấu quan trọng, riêng Leeds được “ưu tiên” đến làm khách cho Arsenal.
Trên thực tế, cuộc đua top 4 chỉ còn 2 suất cho bốn đội là Man Utd, Tottenham, Newscatle và Liverpool với ưu thế đang nghiêng về Man Uted và New.
Livepool đã có lúc tưởng đứt hơi nhưng sau vài trận thắng, đội đã trở lại cuộc đua. Đêm nay, phải làm khách với Man city là một trận đấu hết sức khó khăn giữa hai kỳ phùng địch thủ hiểu quá rõ nhau trong mấy mùa giải gần đây, và Liv là một trong những đội hiếm hoi có thể thắng Man city vào lúc này, như họ đã làm được như thế ở lượt đi.
Lượt đấu này cũng có trận New đụng Man Utd mà đội nào giành phần thắng kể như đã sớm đặt một chân vào top 4.
Trong trường hợp thua trong cuộc đua top 4 thì nhiều khả năng Tottenham và Liverpool sẽ đành an ủi với chiếc vé Europa. Hy vọng Chelsea sẽ giành chiếc vé Europa còn lại chứ không thì tệ quá.
Giải đấu năm nay chính là cuộc đua song mã giữa Arsenal và Man city. Hiện Ars hơn đối thủ 8 điểm nhưng không quá nhiều vì họ đá nhiều hơn một trận, lại còn phải gặp Man city trên sân đối phương mà nhiều khả năng là thua. Do đó chỉ còn hơn 2 điểm, nếu sẩy chân một trận hòa là coi như hết vì Ars kém Man city ở hiệu số bàn thắng nữa. Chính vì thế máy tính dự đoán cuộc đua sẽ rất sít sao theo tỉ lệ tứ lục, nghĩa là xác suất lên ngôi của Pháo thủ chỉ có 60% mà thôi.
Mỗi bên có mạnh yếu khác nhau, Arsenal có đội hình trẻ, nhiều bốc đồng và khí thế đang lên với lối chơi ngày càng trở nên phóng khoáng, nhuần nhuyễn và hiệu quả. Tuy nhiên, nó cũng rất mong manh dễ vỡ nhất là sau kỳ nghỉ quốc tế, bão chấn thương đã rơi vào các cầu thủ phòng ngự như Tierney, Saliba và Partey, trong đó Tomiyasu và Elneny sẽ phải nghỉ hết mùa.
Trong khi đó, Man city có đội hình khủng đắt giá nhưng hiện hai cầu thủ quan trọng bị chấn thương là Haaland và Foden, bên cạnh đó là lịch thi đấu dày đặc với FA cup và Champion League.
Là một fan của Arsenal, mình nóng lòng chờ đợt giây phút đội nhà đăng quang sau 19 năm dằng dặc.

Một cuộc chiến ý thức hệ mới

 

Sau khi phá lệ hai nhiệm kỳ để trở thành “nhà lãnh đạo suốt đời”, Tập Cận Bình đã chọn Nga là nước đầu tiên đi thăm. Về hình thức, đây là chuyến thăm đáp lễ chuyến thăm của Putin vào tháng 2/2022, vài ngày trước chiến tranh Ukraine, có thể coi đây là một chuyến đi lịch sử, đánh dấu sự gắn bó khăng khít giữa hai cường quốc “phương đông” hàng đầu thế giới để chống lại Mỹ và Phương Tây.
Chuyến thăm này làm mọi người nhớ lại chuyến thăm của Mao Trạch Đông sang Liên Xô trước đây. Ngay sau khi giành được chính quyền vào tháng 10/1949 thì tháng 12 cùng năm, Mao đã lập tức sang thăm Liên Xô. Tại đây, với tư cách là Lãnh tụ của Quốc tế Cộng sản, Stalin đã phân công Mao phát triển cách mạng tại khu vực Á Châu.
Vào giai đoạn đó có thể coi là phe XHCN đã chiếm được 1/3 châu Âu ôm gần trọn Châu Âu Slaver, phe Tự do nắm German và Latin. Tuy nhiên hai nước thuộc chủng tộc Slaver ly khai gồm Nam tư và Hy Lạp đã trở thành cái gai trong mắt nhà độc tài Stalin.
Mao kém Stalin 14 tuổi, tạm coi là đàn em đã tỏ ra hăng hái, nhiệt tình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các nhóm cộng sản và Mao ít có vũ trang phát triển mạnh ở Đông Dương, Nam Dương, Mã Lai, Miến Điện, Thái Lan, Philippines, Nepal, nam Yemen...Nói một cách hình ảnh, “ba dòng thác cách mạng” nổi lên như sóng trào, còn Mao đã gọi đó là “Gió đông thổi bạt gió tây”, thực sự đã làm phe Mỹ nhiều phen điêu đứng.
Về sau, khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo sụp đổ có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể thiếu nguyên nhân quan trọng là Mỹ đã thành công trong việc ly gián hai người khổng lồ, biến họ từ vị thế anh em đồng chí sang kẻ thù không đội trời chung.
Đến nay mọi người vẫn còn tranh cãi lý do tại sao Mỹ khăng khăng đòi đổ quân vào miền Nam Việt Nam vào giữa thập niên 1960s, mặc dù chính phủ Ngô Đình Diệm đã mạnh mẽ bác bỏ vì nó không cần thiết? Việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã làm Liên Xô nhảy vào cuộc, một địa bàn theo phân công là do Trung Quốc phụ trách.
Vào lúc Xô Trung đã phát sinh một số bất đồng, phải chăng chính vì giẫm chân lên nhau ở Việt Nam đã làm mâu thuẫn trở nên sâu sắc, đỉnh điểm là cuộc chiến biên giới đẫm máu vào đầu năm 1969, sự kiện mà Hồ Chí Minh đã viết trong di chúc là “rất đau lòng”.
Con tạo xoay vần, nay thì một lần nữa Trung và Nga lại cấu kết với nhau, cho dù thứ bậc đã thay đổi, Nga đã trở nên yếu kém nên Trung Quốc mới là kẻ cầm trịch. Một cuộc chiến tranh lạnh, cuộc chiến ý thức hệ mới là không tránh khỏi. Để dự đoán “ai thắng ai”, chúng ta thử tìm hiểu nền tảng văn hóa- kỹ thuật của hai phe ra sao.
Về văn hóa, đó là hai thái cực, bên độc tài là nguyên tắc phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh từ sự lãnh đạo tập trung; với bên kia tôn thờ chủ nghĩa tự do cá nhân.
Hồi mình mới qua Úc năm 1994, mình khá có quen biết một anh chủ người Việt, anh nói đại ý: nếu những người làm công họ thương anh thì anh sẽ thành công, bằng không, anh sẽ thất bại. Anh giải thích thêm, nếu mọi người “happy” với công việc, họ gắng sức đóng góp thì hãng sẽ làm ăn tốt, còn họ mà ghét người chủ mà phá thì chỉ có cách lụi bại.
Đó là ý tưởng lần đầu được nghe, vì trước đó mình biết các ông chủ thường hay quát mắng, áp dụng nhiều hình phạt nghiêm khắc nhằm bắt người làm thuê tuân theo kỷ luật và vắt kiệt sức lao động. Thì ra đây là một quan niệm hoàn toàn khác, người lao động phải vui thì họ làm mới tốt.
Sống trong xã hội tư bản lâu, mình ngày càng thấu hiểu rằng chỉ có phát huy hết sức tự do tư duy, sáng tạo, có đam mê và tự tin cao độ mới có thể đạt hiệu suất làm việc cao nhất, với những thành quả kỳ diệu. Đó là lý do mà những tấm gương như Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg...xa hơn như Albert Einstein, Isaac Newton chỉ có thể phát huy tài năng ở xứ sở tự do kiểu phương Tây chứ không thể xuất hiện dưới chính thể của văn hóa phục tùng.
Theo các con số thống kê ở Mỹ, Úc hay Châu Âu, học sinh các nước Châu Á cầm đũa như Tàu, Việt, Nhật, Hàn có kết quả khá cao trong học tập. Thực chất học giỏi cũng chỉ là sao chép giỏi vì ai nhắc lại được điều thầy giảng tốt hơn thì người đó được điểm cao hơn. Hơn nữa thành tích của học sinh gốc Á chỉ thể hiện ở bậc phổ thông, lên bậc đại học ưu thế đó không còn nữa.
Trước đây, có dự báo cho rằng chỉ 5-10 năm nữa Thu nhập quốc dân GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Tuy nhiên nay tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, thời gian vượt Mỹ sẽ lâu hơn, nhưng kể cả như vậy cũng chỉ là quy mô, còn chất lượng, hiệu quả và trình độ thì khoảng cách vẫn sẽ là cực lớn.
Điều mà mọi người đều biết, Mỹ là nước đang dẫn đầu thế giới về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và quyền lực mềm. Điều đó cho phép Mỹ giữ vai trò đầu tàu kinh tế thế giới, người dẫn dắt cuộc chơi về luật pháp cũng như về công nghệ.
Trong cuộc ganh đua chiến tranh lạnh, không thể tránh một số hệ lụy. Điều đầu tiên là kỷ nguyên lãi suất thấp sẽ không còn nữa. Thời kỳ hai phe trước đây, phe tư bản đẩy lãi suất lên cao để ngăn nguồn vốn chảy sang phe kia, điều này sẽ tái diễn.
Khi lãi suất cao, kết quả của nó sẽ là suy thoái kinh tế và thất nghiệp. Điều này sẽ trầm trọng hơn ở các nước đông dân trong bối cảnh việc nhập cư ở các nước còn thưa dân sẽ được xiết chặt.
Bằng việc triển khai thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS, đó là một thông điệp chọn phe hết sức rõ ràng của Úc. Riêng với Việt Nam, chúng ta chưa biết chính sách “cây tre” có còn duy trì nữa hay không?