Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Chiến tranh là điều ngu xuẩn nhất của con người


Lại bàn chuyện Tam quốc, mọi người thường coi trận Xích Bích như một trận chiến kinh điển nhưng thật ra một trận chiến khác còn quan trọng hơn cho việc hình thành cục diện thiên hạ chia ba, đó là cuộc đụng độ Quan Độ, theo đó Tào Tháo chỉ có 70,000 quân đã đánh bại đại binh 700,000 quân của Viên Thiệu.
Lịch sử là his-story hay her-story, được viết theo ý chí của bên thắng cuộc, nhưng cổ nhân còn có câu “không nên mang chuyện thành bại để luận anh hùng”. Quan hệ nhân quả là mối quan hệ cực kỳ phức tạp, một kết quả bao giờ cũng do nhiều nguyên nhân và một nguyên nhân có thể tạo ra nhiều kết quả khác nhau.
Có thể số liệu về quân số nói trên chưa hoàn toàn chính xác, nhưng chắc chắn thế lực Viên Thiệu mạnh hơn vì ông chiếm giữ 4 châu trong 9 châu của trung nguyên, trong khi Tào Tháo chỉ nắm 1 châu. Để biết vì sao Tào quân ít, có thể thắng được Viên đông quân, chúng ta hãy tìm hiểu xuất thân của hai vị thủ lĩnh này.
Có người cho rằng, Viên Thiệu chẳng có tài cán gì, chẳng qua được hưởng bú mớm của gia thế tam công, ba đời làm quan đầu triều. Thế nhưng người em cùng cha khác mẹ với Thiệu là Viên Thuật chỉ chiếm giữ 1 châu thì sao? Dù Thiệu hơn tuổi nhưng lại là con vợ lẽ, nên không thể nói Thiệu được gia đình ưu ái hơn Thuật.
Theo mô tả, Thiệu là người có tướng mạo đẹp, anh hùng hào kiệt theo ông khá đông như Tuân Du, Tuân Úc, Nhan Lương, Văn Xú...Trong liên minh chống Đổng Trác, Viên Thiệu được tôn làm minh chủ, xếp trên cả Tào Tháo, Lưu Bị.
Cái kém của Viên Thiệu so với Tào Tháo, phải chăng đó là kém hơn về sự tàn bạo. Ác với kẻ thù là một chuyện mà dám nhẫn tâm với cả đồng đội đồng chí của mình như Tào Tháo thì rất hiếm. Tào Tháo đã ít nhất ba lẫn dám để cho binh tướng của mình chết đói, chết khát và chết đuối.
Trong một trận đánh với quân Viên Thiệu, bên Tào Tháo thua, Tháo ra lệnh chạy về phía về sông. Khi gần đến mép sông, Tháo mới cho truyền rằng, đã sắp đến sông, quân ta hết đường chạy rồi, vậy anh em phải gắng hết sức thôi. Quân Tào liều chết quay lại đánh là đẩy lui được quân Thiệu. Dù thắng nhưng tổn thất về chết đuối là khá lớn.
Hành quân mà không có nước uống, Tháo cho người phao tin vịt rằng, quân sắp đi qua một rừng mận. Nghe đến mận, quan sĩ tiết ra nước miếng, mang lại cảm giác đỡ khát nhưng vẫn có một số người chết vì khát.
Tào Tháo không lo được lương thực cho quân mới đem chém đầu Vương Hậu. Đó là một điển tích nổi tiếng khi Tháo đổ thừa cho quan coi sóc hậu cần đã tham nhũng của công làm cho quân bị chết đói, trút được oán hận cho người khác.
Thiệu thua, chạy ngược lên phía bắc là U Châu, thời tiết vào lúc tuyết đổ trắng xóa, vừa đói vừa rét. Viên Thiệu cho rằng: ta với Tháo là chỗ quen biết cũ, giờ ta chấp nhận dấu cái thân già ở nơi hoang tàn này thì chắc hắn sẽ không làm gì nữa đâu. Nhưng không, nửa đêm, quân Tào vẫn tập kích vào doanh trại, Thiệu phẫn uất thổ máu ra chết.
Vào những ngày tháng tư này, chắc nhiều người hẳn còn nghĩ đến cuộc chiến 1975, tại sao miền Nam với trang bị vũ khí và quân nhu tốt hơn đã thua miền Bắc?
Theo ý kiến cá nhân, đó là... tại Mỹ. Mỹ đã ngầm khuyến khích Ngô Đình Diệm phế truất quốc trưởng Bảo Đại, sau đó lại ủng hộ nhóm tướng lĩnh đảo chính ông Diệm. Những điều đó làm giới chức và quân nhân miền Nam nản chí mà mất niềm tin là mất tất cả.
Mình vẫn nhớ trong một bữa cơm gia đình vào năm 1983 tại Sài Gòn, bác mình là một thiếu tá quân lực Việt Nam cộng hòa đã nói với bố mình, một cán bộ cộng sản rằng: tụi tôi chịu ông Kỳ chứ không phục ông Thiệu. Ông Thiệu bất tài đã ra lệnh rút khỏi Tây Nguyên sau khi một thị trấn nhỏ là Ban Mê Thuật thất thủ là một quyết định hết sức ngu xuẩn.
Theo mỗi góc nhìn, mọi người có thể kể ra vô số nguyên nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét