Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Sự bình đẳng trong học hành


Tân Thủ hiến NSW Minns vừa loan tin cấm học sinh trung học sử dụng điện thoại di động trong các trường công lập, kể từ kỳ 4 năm học năm nay (đầu tháng 10). Việc cấm sử dụng phone đã có áp dụng từ trước đến nay đối với học sinh tiểu học, nay mở rộng cho trung học, từ lớp 7 đến lớp 12, bao gồm trong giờ học, giờ giải lao và giờ ăn trưa. Các tiểu bang VIC, Nam Úc, Tây Úc, Bắc Úc đã có lệnh cấm từ lâu, bây giờ là lúc NSW hành động.
Quý vị làm cha làm mẹ chắc có lúc nghĩ rằng ngoài thời gian đến trường thì con mình có nên học ở nhà hay không? Quý vị có 3 lựa chọn: không học gì nữa, học một cách tối đa và học vừa phải thôi.
Nếu quý vị không có tham vọng con mình phấn đấu con đường học vấn thì có thể cho con tùy chọn, thích thì học, và không thì thôi. Trong thái cực bên kia, muốn “chiến đấu” vào các lớp OC, các trường selective, muốn lấy điểm ATAR thật cao thì chắc chắn phải đưa con đi các lò luyện thi.
Không có lựa chọn nào khác, muốn điểm cao thì bắt buộc phải học nhiều, tìm nhiều thầy và đi nhiều lò luyện thi thật đắt tiền. Thực tế có cháu học 1-2 giờ mỗi ngày, có cháu khác thì 10 giờ/ngày, bây giờ đi thi cùng với nhau thì sẽ không công bằng. Mục đích thi cử là để phân loại và tìm người tài, người xứng đáng, nếu thời gian và điều kiện học chênh lệch như vậy thì mục đích đó sẽ không đạt vì kết quả thi không phản ánh đúng thực lực.
Trong bóng đá có luật công bằng tài chính. Nếu một đội bóng vung tiền ra mua hết các cầu thủ giỏi nhất thì đương nhiên đội đó sẽ vô địch, đá đấm làm gì nữa. Vì thế Liên đoàn bóng đá châu Âu UAFA và các liên đoàn quốc gia đã phải có quy định về chi tiêu làm sao đảm bảo công bằng, nhiều đội đã bị phạt vì vi phạm.
Vì thế mình nghĩ đối với các em học sinh cũng nên có hướng dẫn hoặc quy định về thời gian học ở nhà. Dĩ nhiên có người cho rằng nó không khả thi, nhưng nếu các phụ huynh có tầm nhìn xa thì sẽ hiểu rằng điều đó có lợi cho các con. Khi các con có sự công bằng tương đối về thời gian và điều kiện học tập thì mới đánh giá đúng năng lực học tập, để có thể có phân công lao động phù hợp trong tương lai, mang lại nhiều lợi ích riêng và chung cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Thời phong kiến, các sĩ tử đi thi đều phải học rất chăm chỉ mới hy vọng đỗ đạt. Nhưng những người đi thi hầu hết đã đến tuổi trưởng thành, ba năm một kỳ thi, có người thi cả chục lần có nghĩa dành cả cuộc đời để làm anh học trò.
Sách thánh hiền thuộc làu làu, tầm chương trích cú không chỗ nào không biết nên cổ nhân mới có câu “có chí làm quan”. Tuổi thọ trung bình hồi đó vào khoảng 50, có khi ngoài 40 tuổi mới đỗ, nên đỗ xong rồi cũng chẳng sống được bao lâu nữa.
Học nhiều như thế người lớn còn lao lực, chứ trẻ con thì không thể chịu nổi. Mới đây báo trong nước đưa tin một cháu bé 9 tuổi học ngày học đêm nên đã kiệt sức và đột tử.
Đối với nhà mình, thú thực là mình đã từng nhắc các con đi học bài vì thấy chúng học quá ít (so với tra cứu trên google) và để hạn chế thời gian dùng phone. Nếu các cháu học ít để dành thời gian cho thể thao và văn nghệ thì mình rất ủng hộ, nhưng để chơi điện thoại thì quả là "quan ngại”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét